Đau mỏi lưng là tình trạng đang dần xuất hiện với tần suất lớn ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tỷ lệ đau lưng tăng lên theo từng độ tuổi. Mặc dù phần lớn cơn đau lưng không xuất phát từ vấn đề nào nghiêm trọng, tuy nhiên ở một số trường hợp trẻ cần được thăm khám và điều trị đầy đủ, đặc biệt là đối với trẻ em dưới 5 tuổi.
1. Nguyên nhân gây đau mỏi lưng ở trẻ em
Tình trạng đau lưng ở trẻ em có thể gây ra bởi các nguyên nhân sau:
- Căng giãn cơ lưng: Các cơn đau lưng mới xuất hiện ở trẻ em chủ yếu là do cơ lưng bị căng giãn quá mức (do hoạt động quá nhiều). Cơn đau lưng chủ yếu ở giữa vùng thắt lưng;
- Hoạt động quá sức: Các hoạt động quá sức như nâng một đồ vật ở tư thế không thoải mái, đeo một vật nào đó quá nặng có thể gây đau lưng, cả vai và cổ. Nguy cơ cao hơn ở trẻ em chưa đến tuổi dậy thì. Nguyên nhân là do trẻ chưa phát triển đầy đủ về khối lượng cơ bắp. Bên cạnh đó, thói quen học bài không đúng tư thế nếu kéo dài về lâu sẽ gây gù lưng, trẻ dễ đau mỏi lưng;
- Tập thể dục: Trẻ em mới bắt đầu chơi thể thao hoặc thay đổi tư thế, thói quen tập thể dục có thể gây đau lưng. Đôi khi là do trẻ uốn thân người quá cong về phía sau, nghiêng người sang bên nhiều;
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Đau xuất hiện ở giữa lưng, bên hông kết hợp với các triệu chứng khác đi kèm như sốt, đau khi đi tiểu... có thể là triệu chứng của viêm đường tiết niệu;
- Chấn thương: Va chạm trong lúc chơi đùa hoặc tai nạn sinh hoạt có thể dẫn đến cơn đau lưng ở trẻ em.
2. Triệu chứng đau mỏi lưng ở trẻ em
Trẻ em bị đau lưng có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau, tuy nhiên phần lớn trẻ thường có các biểu hiện sau:
- Đau mỏi cơ tại các vị trí dọc theo cột sống hoặc lưng;
- Cơn đau lưng trở nên trầm trọng hơn khi trẻ cúi xuống;
- Tình trạng đau nặng hơn khi chạm vào các cơ gần cột sống, cảm giác như các cơ đang siết chặt.
Đau mỏi lưng ở trẻ có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, vì vậy điều quan trọng là các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra nếu trẻ bị đau lưng dữ dội hoặc cơn đau có xu hướng nặng hơn, cơn đau kéo dài hơn vài ngày.
Bên cạnh đau mỏi lưng, trẻ có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu cảnh báo khác như sau:
- Giảm cân, sốt;
- Đau xuất hiện về đêm, hoặc đau ngay cả khi nghỉ ngơi;
- Trẻ không thể cử động chân hoặc đi lại;
- Triệu chứng tê, giảm cảm giác ở chân;
- Cơn đau kéo dài từ lưng xuống chân;
- Rối loạn đi tiểu hoặc triệu chứng đường ruột.
Phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của trẻ mà mức độ đau lưng có thể khác nhau. Phần lớn trẻ sẽ phản ứng với từng mức độ thông qua các hoạt động thường ngày. Phân loại mức độ đau như sau:
- Nhẹ: Trẻ cảm thấy đau và nói với cha mẹ về nó. Tuy nhiên cơn đau không làm trở ngại đến hoạt động của trẻ. Việc vui chơi, đi học và nghỉ ngơi không thay đổi;
- Trung bình: Cơn đau làm trẻ không thể thực hiện một vài hoạt động bình thường, có thể đánh thức trẻ khỏi giấc ngủ;
- Nặng: Cơn đau dữ dội, trẻ không thể thực hiện bất kỳ hoạt động nào.
3. Điều trị đau mỏi lưng ở trẻ em
Điều trị đau lưng ở trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Sau khi thăm khám ban đầu về cơn đau của trẻ, một số phương án điều trị dưới đây có thể giúp trẻ giảm đau:
3.1. Điều trị bằng vật lý trị liệu và thuốc
Chườm nước đá hoặc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid giúp làm giảm triệu chứng cấp tính thông qua hiệu quả giảm sưng. Sau 4 – 5 ngày, cha mẹ nên chườm ấm cho trẻ (nhiệt độ nóng giúp làm giảm co thắt cơ bắp). Ngoài ra, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ đi bộ chậm, thư giãn trong 30 – 45 phút mỗi ngày. Điều này giúp làm giảm cơn đau lưng.
Kéo căng cơ bụng, khớp gối giúp cải thiện cơn đau lưng kéo dài ở trẻ em. Ngoài ra, các bài tập vật lý trị liệu phù hợp cũng giúp trẻ hồi phục, giảm cơn đau.
3.2. Thay đổi các thói quen xấu
Các bậc cha mẹ cần lưu ý tránh một số thói quen xấu có thể gây đau mỏi lưng ở trẻ em như sau:
- Tránh để bé nằm sấp, nên cho trẻ nằm nghiêng với một cái gối ôm, nếu trẻ muốn nằm ngửa hãy đặt một chiếc gối phía dưới gối của trẻ;
- Cha mẹ cũng nên nhắc nhở trẻ hạn chế hoạt động mạnh. Không luyện tập các môn thể thao hoặc hoạt động làm tăng cơn đau lưng ở trẻ;
- Phòng tránh cơn đau lưng do đeo balo nặng ở trẻ bằng cách giới hạn trọng lượng ba lô (trọng lượng cặp nên nhỏ hơn 15% trọng lượng cơ thể bé). Một trong những dấu hiệu của việc mang balo nặng ở trẻ là bé phải cúi người về phía trước khi đi;
Cơ vùng cột sống và xương là cơ quan trọng giúp bảo vệ, nâng đỡ cơ thể trẻ. Vì vậy việc nhắc nhở và hướng dẫn bé thay đổi những thói quen không tốt sẽ giúp phòng tránh và ngăn ngừa các cơn đau lưng. Phần lớn các cơn đau lưng cấp tính sẽ được cải thiện trong một vài ngày. Tuy nhiên trường hợp trẻ có những dấu hiệu nặng hơn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.