Triệu chứng viêm dạ dày thường gây nhầm lẫn với những bệnh về đường tiêu hóa khác. Vì thế, bệnh nhân sẽ chủ quan và bỏ qua dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những triệu chứng này và cách phòng ngừa ra sao.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Những triệu chứng viêm dạ dày
1.1. Mất ngủ
Khi bị viêm dạ dày bệnh nhân thường xuất hiện những cơn đau vào ban đêm và kéo dài dẫn đến ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp phải một số triệu chứng như khó chịu mệt mỏi và suy kiệt. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, bệnh lý sẽ có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn.
1.2 Đau vùng thượng vị
Đau vùng thượng vị là triệu chứng viêm dạ dày rất thường gặp ở nhiều bệnh nhân. Cảm giác đau sẽ kéo dài thành từng đợt, cơn đau âm ỉ và kèm theo cảm giác nóng rát tại vùng thượng vị.
Hầu hết, các trường hợp xuất hiện đau ở thượng vị thường là do bệnh nhân quá đói, ăn nhiều đồ chua, cay hoặc nóng. Ngoài ra, những ai thức khuya, căng thẳng, lo âu hay là bị đau vào ban đêm.
1.3 Đầy bụng, khó tiêu
Khi bị viêm dạ dày, tình trạng loét dạ dày và sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột làm lượng acid trong dạ dày giảm mạnh. Đây là lý do mà bệnh bị đầy hơi, khó tiêu và nhanh no. Nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời và để tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng của hệ tiêu hóa.
1.4 Ợ hơi, ợ chua
Trong giai đoạn đầu khởi phát của viêm dạ dày, người bệnh thường xuyên xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, ợ hơi, ợ chua và ợ nóng. Những triệu chứng này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Nếu gặp tình trạng này thường xuyên mà không rõ nguyên nhân, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của viêm dạ dày, đảm bảo sức khỏe đường tiêu hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống.
1.5. Các triệu chứng khác
Ngoài các triệu chứng viêm dạ dày kể trên, người bệnh cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như:
- Nấc cụt kéo dài và liên tục mà không rõ lý do.
- Cảm giác chán ăn, ăn không ngon, cơ thể mệt mỏi và suy nhược.
- Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài, như tiêu chảy và táo bón.
- Đại tiện ra phân đen hoặc ra máu.
2. Các nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày
Theo các chuyên gia, viêm dạ dày có thể do các nguyên nhân chính sau:
2.1 Ảnh hưởng của vi khuẩn HP
Phần lớn các trường hợp viêm dạ dày là do vi khuẩn HP, một loại vi khuẩn sống tại niêm mạc dạ dày. Loại vi khuẩn này sẽ phát triển mạnh mẽ khi gặp điều kiện thuận lợi và gây hại cho dạ dày. Một loại men được tiết ra từ vi khuẩn HP phá hủy lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc, dẫn đến niêm mạc bị acid tấn công khiến dạ dày bị viêm loét.
2.2 Tác dụng của thuốc
Việc lạm dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc điều trị khác có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến dạ dày và gây viêm loét. Vì vậy, bệnh nhân nên sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn và kê toa của bác sĩ để tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe bản thân.
2.3 Ăn uống thiếu lành mạnh
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của dạ dày. Những thói quen ăn uống không khoa học như bỏ bữa, ăn nhiều đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ viêm dạ dày và thậm chí ung thư dạ dày.
2.4 Căng thẳng, stress kéo dài
Căng thẳng và stress kéo dài khiến hệ thần kinh điều chỉnh lưu lượng máu và kích thích dạ dày tiết dịch tiêu hóa chứa nhiều acid. Khi dạ dày trống, lượng acid cao này làm tăng nguy cơ viêm loét và đau dạ dày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gây ra các cơn co thắt tiêu hóa.
3. Các phương pháp chẩn đoán viêm dạ dày
Nhiều người bệnh chủ quan hoặc nhầm lẫn các triệu chứng viêm dạ dày với những biểu hiện thông thường của rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm nếu không chú ý đến vấn đề này.
Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào như đã nêu ở trên và kéo dài khoảng 1 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ chẩn đoán. Đặc biệt là khi xuất hiện các dấu hiệu như đại tiện ra máu, phân có màu đen, hoặc nôn ra máu.
Hiện nay, để chẩn đoán viêm dạ dày, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các phương pháp sau:
- Nội soi dạ dày: Nhằm giúp bác sĩ xác định và đánh giá chính xác mức độ viêm của dạ dày. Ngoài ra khi thực hiện nội soi, bác sĩ cũng sẽ đánh giá được tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân thông qua việc kiểm tra vi khuẩn HP.
- Chụp X-quang đường tiêu hóa: Cung cấp hình ảnh chính xác về các cơ quan tiêu hóa và vết loét tại dạ dày.
- Xét nghiệm máu và phân: Đánh giá tình trạng thiếu máu do xuất huyết dạ dày, tình trạng hồng cầu trong phân, và nồng độ các enzym tại niêm mạc dạ dày.
4. Biện pháp phòng ngừa triệu chứng viêm dạ dày
Để phòng ngừa tình trạng viêm dạ dày, bệnh nhân nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Không lạm dụng hoặc nên hạn chế rượu bia.
- Sử dụng thuốc giảm đau NSAID khi được sự cho phép và hướng dẫn của bác sĩ.
- Hạn chế tiêu thụ các thức ăn quá cay nóng.
- Chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm trong ăn uống.
Các triệu chứng viêm dạ dày xuất hiện khá phổ biến và thường nhầm lẫn với những bệnh liên quan đến rối loạn tiêu hóa. Vì thế, bệnh nhân cần tìm hiểu rõ và thăm khám khi có bất cứ dấu hiệu viêm dạ dày đã nêu trên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.