Viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch

Viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch đã trở thành một vấn đề đáng chú ý trong những năm gần đây khi liệu pháp này được áp dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng. Mặc dù liệu pháp miễn dịch mang lại hiệu quả điều trị đầy hứa hẹn và đáng khích lệ, nhưng song song đó, liệu pháp cũng có thể gây ra tổn thương tự miễn, dẫn đến sự xuất hiện của các tác dụng phụ liên quan miễn dịch.

Bài viết này được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Viêm dạ dày là gì?  

Viêm loét dạ dày là một bệnh lý xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, dẫn đến tình trạng viêm và hình thành vết loét. Tình trạng này thường xuất hiện do lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị mài mòn, làm lộ ra lớp mô bên dưới. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt khi vết loét lớn và chảy máu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, mất máu do xuất huyết tiêu hóa có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Bệnh viêm loét dạ dày có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người cao tuổi, chiếm khoảng 60% các trường hợp mắc bệnh. Vậy tại sao bị viêm dạ dày và triệu chứng của viêm dạ dày là gì?  

Đau thượng vị là triệu chứng đặc trưng nhất, thường là cảm giác đau âm ỉ, bỏng rát hoặc đau quặn thắt ở vùng bụng trên rốn.
Đau thượng vị là triệu chứng đặc trưng nhất, thường là cảm giác đau âm ỉ, bỏng rát hoặc đau quặn thắt ở vùng bụng trên rốn.

2. Tổng quan về viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch

Các báo cáo về viêm dạ dày liên quan đến liệu pháp miễn dịch đang ngày càng gia tăng mỗi năm. Tuy nhiên, do các triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, việc chẩn đoán sớm bệnh này gặp nhiều khó khăn. Viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như chảy máu dạ dày, đồng thời làm gián đoạn liệu trình điều trị, gây ảnh hưởng xấu đến tiên lượng của bệnh nhân bị khối u rắn.

Tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch có thể xảy ra ở nhiều vị trí và tần suất khác nhau, trong đó các phản ứng bất lợi ở đường tiêu hóa là những tác dụng phụ phổ biến nhất. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ độc tính ở đường tiêu hóa phụ thuộc vào liều lượng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Cụ thể, thuốc ức chế CTLA-4 có tỷ lệ gây hại cho đường tiêu hóa cao hơn so với thuốc ức chế PD-1 hoặc PD-L1.

Mặc dù hiện nay có rất ít báo cáo chi tiết về viêm dạ dày liên quan đến liệu pháp miễn dịch, biến chứng này đã được ghi nhận lần đầu vào năm 2017. Số lượng báo cáo đã tăng lên trong những năm gần đây do việc mở rộng ứng dụng lâm sàng của liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Tuy nhiên, với các triệu chứng lâm sàng không điển hình, việc chẩn đoán sớm bệnh vẫn còn là một thách thức lớn.

Để chẩn đoán và điều trị hiệu quả viêm dạ dày liên quan đến liệu pháp miễn dịch, mọi người cần hiểu rõ về cơ chế bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng, tiêu chuẩn chẩn đoán, cũng như phương pháp điều trị. Việc điều trị nên được cá nhân hóa theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Đối với bệnh nhân gặp tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch ở mức độ 2-3, liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có thể được tái khởi động khi các triệu chứng giảm xuống mức độ 0-1. Khi đó, mọi người cần xem xét thay đổi loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Trong trường hợp tác dụng phụ ở mức độ 4, việc ngừng thuốc vĩnh viễn là cần thiết để bảo vệ sức khỏe bệnh nhân.

3. Cơ chế bệnh sinh

Trong những năm gần đây, liệu pháp miễn dịch đã trở thành một chủ đề nghiên cứu và điều trị nổi bật đối với các khối u ác tính. Bằng cách kích hoạt các con đường tín hiệu liên quan đến các phân tử điểm kiểm soát miễn dịch như thụ thể chết tế bào theo chương trình-1 (PD-1) và kháng nguyên liên quan đến tế bào lympho T độc tế bào 4 (CTLA-4), các tế bào khối u có khả năng tránh được sự tấn công của hệ miễn dịch. Cơ chế này cho phép tế bào ung thư thoát khỏi sự giám sát và tiêu diệt của hệ thống miễn dịch.

Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (ICI) là nhóm thuốc chống ung thư với khả năng can thiệp vào cơ chế trên. Bằng cách ức chế các điểm kiểm soát miễn dịch, ICI giúp kích hoạt tế bào lympho T, tăng cường khả năng chống lại khối u. Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, thuốc ICI cũng có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể, dẫn đến các phản ứng tự miễn, được gọi là tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch (irAE). 

Trong những năm gần đây việc ứng dụng rộng rãi liệu pháp miễn dịch trong thực hành lâm sàng được áp dụng tại nhiều bệnh viện.
Trong những năm gần đây việc ứng dụng rộng rãi liệu pháp miễn dịch trong thực hành lâm sàng được áp dụng tại nhiều bệnh viện.

4. Thời gian khởi phát

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian khởi phát viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch có thể kéo dài từ 2 tuần đến 156 tuần, với thời gian trung bình khoảng 29,3 tuần. So với viêm ruột liên quan đến miễn dịch, viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch gây ra là một phản ứng hiếm gặp hơn.

Liệu pháp miễn dịch kết hợp mang lại nhiều lợi ích trong cải thiện kết quả lâm sàng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nguy cơ gia tăng các tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch. Những tác dụng phụ này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gián đoạn điều trị, với tỷ lệ ngừng liệu pháp miễn dịch dao động từ 3% đến 25%. Trong số đó, độc tính ở đường tiêu hóa do liệu pháp miễn dịch gây ra là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải tạm dừng hoặc ngừng sử dụng các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch.

5. Biểu hiện của viêm dạ dày liên quan đến liệu pháp miễn dịch  

Viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch thường có các các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, chảy máu trực tràng và sốt. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như tắc ruột hoặc thủng ruột. Ngoài ra, bệnh còn có thể đi kèm với các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa, chẳng hạn như đau khớp, rối loạn nội tiết và tổn thương da.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch có thể có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau. Thời gian khởi phát bệnh có thể bị ảnh hưởng bởi các phương pháp điều trị trước đó hoặc bị che giấu khi bệnh nhân đồng thời xuất hiện các triệu chứng ngoài ruột. Điều này khiến việc chẩn đoán bệnh trong thực hành lâm sàng trở nên khó khăn.

Woodford và các đồng nghiệp đã chỉ ra trong một bài đánh giá rằng đau vùng thượng vị là triệu chứng phổ biến nhất của viêm dạ dày liên quan đến liệu pháp miễn dịch, thường đi kèm với chán ăn, buồn nôn và nôn. Do đó, với những bệnh nhân đang điều trị miễn dịch lâu dài, nếu các triệu chứng khó chịu ở dạ dày (đặc biệt là buồn nôn và nôn) tái phát thường xuyên, cần lưu ý khả năng mắc viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Bệnh nhân viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch cần cảnh giác với các triệu chứng buồn nôn và nôn.
Bệnh nhân viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch cần cảnh giác với các triệu chứng buồn nôn và nôn.

6. Cận lâm sàng chẩn đoán  

Theo tác giả, phần lớn bệnh nhân bị viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch không có kết quả xét nghiệm lâm sàng rõ ràng. Chỉ một số ít bệnh nhân cho thấy bất thường, chẳng hạn như tăng protein C phản ứng, thiếu máu, hoặc giảm albumin máu. Rất hiếm trường hợp phát hiện kháng thể tự miễn dương tính, như kháng thể kháng tế bào chất bạch cầu trung tính.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính bụng cũng không cung cấp dấu hiệu đặc trưng rõ ràng, chỉ một số ít bệnh nhân cho thấy thành dạ dày dày lên hoặc phù nề. Theo nghiên cứu của Lin và cộng sự, nội soi dạ dày đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh, với các đặc điểm mô học bao gồm tổn thương sung huyết riêng lẻ, sung huyết kèm viêm trợt, tổn thương dạng polyp, loét và phì đại nếp niêm mạc.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không biểu hiện rõ ràng các dấu hiệu nội soi. Vì vậy, đối với những trường hợp nghi ngờ viêm dạ dày liên quan đến liệu pháp miễn dịch, cần thực hiện sinh thiết mô bệnh lý nội soi để tránh chẩn đoán sai. Đồng thời, cần phân biệt với các dạng viêm dạ dày khác như viêm dạ dày tự miễn, viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc viêm dạ dày do cytomegalovirus.

Do đó, để xác định viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch, bác sĩ cần kết hợp đầy đủ các biểu hiện lâm sàng, đặc điểm nội soi và kết quả xét nghiệm mô bệnh học.

7. Tổng kết

Hiện nay, việc sử dụng liệu pháp miễn dịch ngày càng phổ biến đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc phải các tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch, trong đó viêm dạ dày liên quan đến miễn dịch cũng ngày một phổ biến hơn, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Việc chẩn đoán viêm dạ dày liên quan đến miễn dịch gặp nhiều khó khăn do thời gian khởi phát khác nhau, các triệu chứng không điển hình và thiếu các dấu hiệu cụ thể trong xét nghiệm huyết thanh học. Mặc dù nội soi và xét nghiệm mô bệnh học đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, nhưng bác sĩ vẫn cần phân biệt bệnh này với các loại viêm dạ dày khác (như viêm dạ dày tự miễn). Đến nay, cơ chế gây ra viêm dạ dày liên quan đến miễn dịch vẫn chưa được hiểu rõ.

Glucocorticoid hiện là phương pháp điều trị chính cho viêm dạ dày do liệu pháp miễn dịch. Tuy nhiên, với những bệnh nhân không đáp ứng tốt với steroid, có thể cần kết hợp thêm thuốc ức chế miễn dịch. Một thách thức lớn trong lâm sàng là quyết định có nên tiếp tục liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch sau khi xảy ra và điều trị các tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch hay không.

Nghiên cứu cho thấy, đối với bệnh nhân gặp tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch ở mức độ 2-3, liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có thể được tái khởi động khi triệu chứng giảm xuống mức độ 0-1. Khi đó, bác sĩ nên thay đổi loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch để giảm nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, đối với tác dụng phụ cấp độ 4, bác sĩ cần ngừng sử dụng liệu pháp này vĩnh viễn để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe