Giải tỏa căng thẳng do bệnh ung thư sẽ càng khó khăn khi bệnh nhân phải đối mặt các áp lực từ công việc, gia đình. Căng thẳng kéo dài gây suy yếu hệ miễn dịch và bệnh lý làm suy giảm sức khỏe.
1. Căng thẳng ảnh hưởng đến bệnh nhân ung thư như thế nào?
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa các yếu tố tâm lý khác nhau và sự gia tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Mối liên hệ này có thể phát sinh trong một số cách. Ví dụ, người bị căng thẳng có thể phát triển hành vi nhất định, chẳng hạn như hút thuốc lá, ăn quá nhiều, hay uống rượu, làm tăng nguy cơ của một người đối với căn bệnh ung thư.
Những người cố gắng giải tỏa tâm lý căng thẳng của họ với những hành vi nguy hiểm như hút thuốc hay uống rượu hoặc trở nên ít vận động hơn có thể có chất lượng cuộc sống kém hơn sau điều trị ung thư.
Ngược lại, một số người có thể đối phó một cách có hiệu quả với sự căng thẳng, chẳng hạn như thư giãn và tâm lý trị liệu, đã được chứng minh là làm giảm trầm cảm, lo lắng và các triệu chứng liên quan đến bệnh ung thư và điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy kiểm soát thành công sự căng thẳng tâm lý có thể cải thiện sự sống còn của bệnh nhân ung thư.
Một số bằng chứng từ các nghiên cứu thực nghiệm khác cho thấy rằng tâm lý căng thẳng có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và lây lan của khối u.
Các yếu tố gây căng thẳng thường là nguyên nhân gây căng thẳng. Một số yếu tố gây căng thẳng có thể dự đoán trước được, đôi khi còn có thể phòng tránh được. Những thay đổi nhỏ trong lối sống cũng có thể giúp giảm lượng lớn căng thẳng trong cuộc sống xung quanh.
2. Các phương pháp giải tỏa căng thẳng cho bệnh nhân ung thư
- Tránh các xung đột về thời gian biểu. Hãy sử dụng bảng kế hoạch theo ngày hoặc điện thoại hoặc lịch trực tuyến để sắp xếp các cuộc hẹn và hoạt động hàng ngày. Không nên thiết lập quá nhiều công việc trong một ngày hoặc một tuần, nhất là các công việc cần phải có thời gian chuẩn bị. Nếu việc quản lý thời gian biểu khiến bệnh nhân mệt mỏi, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người bạn tin cậy để xem xét lịch hoạt động của bạn.
- Biết giới hạn khả năng của bản thân. Nếu không có thời gian, năng lượng hoặc đam mê hãy từ chối nhận thêm công việc một cách lịch sự. Cũng đừng cảm thấy có lỗi cho việc từ chối này. Đối mặt với ung thư là một thử thách lớn của cuộc đời vì vậy hãy dành thời gian cho những điều có ý nghĩa nhất. Tại nơi làm việc, không nên tình nguyện tham gia vào các dự án có thể làm bạn quá tải. Nếu như cảm giác tội lỗi vẫn còn đó, bạn có thể yêu cầu được giao công việc thích hợp hơn. Có thể nhận thêm những phần nhỏ của một công việc lớn, hoặc yêu cầu thêm thời gian để hoàn thành công việc.
- Yêu cầu sự giúp đỡ. Việc nhờ đến sự giúp đỡ của người thân gia đình, bạn bè và đồng nghiệp là một ý tưởng hợp lý. Mọi người sẽ mở lời giúp đỡ, vậy nên bạn cần xác định trước công việc mà mình sẽ cần trợ giúp. Mọi người sẽ có những cách giúp đỡ khác nhau. Ví dụ như gia đình và bạn bè sẽ giúp đỡ trong việc mua sắm, chuẩn bị bữa ăn, hoặc đón trẻ tại trường...
- Sắp xếp các công việc ưu tiên. Hãy lên một danh sách những việc làm thường ngày, ví dụ như công việc ở cơ quan và việc nhà. Sắp xếp thứ tự các công việc này theo tầm quan trọng của chúng, cân nhắc những việc bạn phải làm và những việc có ý nghĩa quan trọng nhất đối với bạn. Nếu như không có thời gian để làm tất cả mọi thứ, hãy tập trung vào những công việc ở trên đầu danh sách.
- Chia công việc thành các bước nhỏ hơn. Đôi khi một công việc lớn có thể được hoàn thành bởi các bước nhỏ được thực hiện theo thứ tự thời gian. Quá trình này có thể giúp giải quyết những vấn đề tưởng chừng quá phức tạp một cách dễ dàng hơn. Ví dụ, thay vì dành cả buổi chiều để lau dọn toàn bộ nhà cửa, hãy dọn dẹp từ một đến hai phòng mỗi ngày.
- Tập trung nỗ lực vào những gì bạn có thể kiểm soát. Yếu tố gây căng thẳng có thể đến từ một công việc mà bạn không thể thay đổi hay kiểm soát, kể cả khi bạn đã có kế hoạch tốt để thực hiện nó. Những người có thể linh hoạt trong cuộc sống là những người ít bị căng thẳng. Đôi khi khía cạnh duy nhất mà có thể kiểm soát được khi đối mặt với một vấn đề là thái độ của chúng ta khi đối diện với vấn đề đó. Nếu việc đó có ích hãy nghĩ về điều đó và tiết kiệm năng lượng bản thân để dành cho những việc quan trọng hơn.
- Nhờ trợ giúp về những vấn đề tài chính. Hãy trao đổi với các nhân viên công tác xã hội hoặc chuyên gia tài chính thành thạo về chế độ bảo hiểm và cách xử lý các vấn đề tài chính liên quan đến ung thư. Đừng chờ đợi hay chần chừ trong việc tìm kiếm tài sự giúp đỡ về tài chính vì những hóa đơn và nợ nần sẽ nhanh chóng quá khả năng chi trả của bạn. Nên tìm đọc thêm về quản lý chi phí trong điều trị ung thư.
- Tập thể dục thường xuyên hơn. Tập thể dục như đi bộ 30 phút/ngày và duy trì vài ngày trong 1 tuần có thể giúp giảm bớt căng thẳng. Nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu kế hoạch tập thể dục. Bạn hãy tìm đọc thêm những gợi ý và bí quyết trong vấn đề rèn luyện thể chất.
- Dành thời gian đi ra ngoài. Nếu có thể hãy dành thời gian đi dạo trong công viên hoặc trong các môi trường thiên nhiên khác. Ánh mặt trời, không khí trong lành và các âm thanh của thiên nhiên sẽ làm ngày mới tươi sáng hơn.
- Lên lịch cho các hoạt động giao tiếp xã hội. Dành thời gian để giao tiếp với gia đình và bạn bè, đó là một phương pháp tốt để giảm bớt căng thẳng.
- Chế độ ăn uống tốt. Việc duy trì một chế độ ăn uống khỏe mạnh và nghỉ ngơi hợp lý sẽ cho bạn nhiều năng lượng để đối mặt với những yếu tố gây căng thẳng xảy ra hàng ngày. Tìm đọc thêm những bài về dinh dưỡng trong khi điều trị ung thư.
- Ngủ đủ giấc. Hãy cố gắng ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày, những giấc ngủ ngắn trong ngày cũng có tác dụng hỗ trợ. Nếu bị khó ngủ, hãy trao đổi với bác sĩ để chọn cách tối ưu để giải quyết các vấn đề liên quan đến giấc ngủ.
- Tham gia nhóm trợ giúp. Nhóm trợ giúp sẽ cho bạn có cơ hội nói lên cảm xúc, nỗi sợ hãi với những người có thể chia sẻ và thấu hiểu những gì bạn đang phải trải qua. Có thể chia sẻ với những người bạn thân, nhân viên tham vấn hoặc các nhân viên công tác xã hội. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các nhóm hỗ trợ tại nơi bạn sinh sống.
- Lên kế hoạch thư giãn hàng ngày. Hãy dành thời gian để làm những việc bạn cảm thấy thoải mái như đọc sách, nghe nhạc..
- Làm những việc bạn thích. Dùng bữa ăn tại nhà hàng ưa thích, xem những chương trình yêu thích. Tiếng cười giúp giải tỏa căng thẳng, hãy xem các bộ phim hài hoặc đọc những quyển sách vui nhộn.
- Viết nhật ký. Hãy viết những áp lực, biến cố trong cuộc đời bạn, từ đó sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng.
- Tập một thói quen mới. Luyện tập một thử thách mới sẽ mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn và làm bạn quên đi những lo lắng hàng ngày. Ví dụ như học chơi một loại nhạc cụ...
- Học và thực hành các kỹ thuật thư giãn. Bạn có thể thực hiện các kỹ thuật này hàng ngày hoặc trong những thời điểm căng thẳng nhất định như: tập thư giãn và hít thở sâu, xem hoặc tưởng tượng những hình ảnh giúp thư giãn, thư giãn cơ bắp, ngồi thiền, tập yoga.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.