Những điều bệnh nhân ung thư thường hỏi trước khi bắt đầu điều trị

Bệnh nhân ung thư luôn có tâm trạng lo lắng, bất an, không thoải mái, không sẵn sàng tiếp nhận trị liệu và cũng gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

1. Khi nào tôi cần xạ trị ?

Trên thực tế, xạ trị thường được áp dụng nhằm 2 mục đích chính sau: chữa trị bệnh hoặc ngăn ngừa biến chứng. Với mục đích chữa khỏi bệnh, các bác sĩ sẽ cố gắng để loại bỏ hoàn toàn khối u, phá hủy nó trước khi lây lan, hoặc làm u thu nhỏ lại rồi phẫu thuật để lấy ra.

Trong trường hợp xạ trị để giảm nhẹ biến chứng, tránh khối u phát triển hoặc di căn, các bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp này nhằm làm giảm kích thước các khối u đã lan ra, góp phần kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

2. Xạ trị có rụng tóc không ?

Khác với phương pháp hóa trị có tác động đến toàn cơ thể, xạ trị chỉ ảnh hưởng tới vùng bị chiếu tia xạ, do đó lông, tóc chỉ rụng ở vùng xạ. Ví dụ, khi xạ trị vùng vú, lông ở nách có thể bị rụng nhưng không làm rụng tóc. Rụng tóc chỉ có thể xảy ra khi tiến hành xạ não.

3. Xạ trị có đau không?

Khi tiến hành xạ trị, bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau đớn gì. Tuy nhiên, sau một vài tuần điều trị, bệnh nhân có thể bị đau và vùng da bị chiếu xạ bị khô. Nếu xạ ở vùng đầu và cổ, miệng hoặc họng của bệnh nhân có thể bị lở loét. Nhưng những triệu chứng trên chỉ là tạm thời và không gây ảnh hưởng nhiều đến người bệnh.


Khi tiến hành xạ trị, bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau đớn gì
Khi tiến hành xạ trị, bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau đớn gì

4. Xạ trị có làm tôi bị nhiễm phóng xạ không ?

Trong phần lớn các trường hợp xạ trị, hoạt chất phóng xạ sẽ không tồn tại trong cơ thể bệnh nhân và do đó bệnh nhân sẽ không bị nhiễm phóng xạ sau khi điều trị. Người bệnh có thể tiếp xúc bình thường với những người thân xung quanh và cả trẻ con.

Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt hoạt chất phóng xạ vẫn còn lại trong cơ thể người bệnh sau điều trị như cấy i-ốt phóng xạ để điều trị ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tiền liệt,...Trong các trường hợp trên, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn các biện pháp phù hợp để giữ an toàn cho cả bệnh nhân và người thân.

5. Xạ trị có làm tôi bị đột biến gen và truyền gen đột biến sang con cái hay không ?

Xạ trị có thể gây ra đột biến một số tế bào tại vùng được chiếu xạ, nhưng phần lớn các tế bào này sẽ được cơ chế tự sửa chữa của cơ thể sửa lại. Ngoài ra, xạ trị thường không ảnh hưởng tới các tế bào sinh dục, do đó sẽ không thể di truyền các đột biến cho thế hệ sau. Nếu phụ nữ có thai cần thực hiện xạ trị, một số biện pháp đặc biệt sẽ được thực hiện để hạn chế tác động của tia bức xạ đến thai nhi. Nếu bệnh nhân nghi ngờ mình có thai, cần thông báo ngay cho đội ngũ nhân viên y tế trước khi tiến hành xạ trị.

6. Có cách gì để ngăn rụng tóc khi hóa trị không ?

Hiện nay, có nhiều bệnh nhân sử dụng băng chặt hoặc mũ băng để hạn chế lượng máu có chứa hóa chất trị liệu lưu thông đến các da đầu và các nang tóc. Tuy nhiên, biện pháp lại gây ra tranh cãi vì đặt ra câu hỏi: việc giảm lượng máu lưu thông đến da đầu có làm giảm hiệu quả trị liệu ở vùng đó hay không? Do đó, hiện vẫn chưa có biện pháp ngăn rụng tóc nào hữu hiệu và an toàn, được khuyến cáo cho bệnh nhân hóa trị.

7. Có phải tất cả bệnh nhân hóa trị đều bị rụng tóc không ?


Không phải tất cả trường hợp hóa trị bệnh nhân đều bị rụng tóc
Không phải tất cả trường hợp hóa trị bệnh nhân đều bị rụng tóc

Không phải tất cả trường hợp hóa trị bệnh nhân đều bị rụng tóc. Sự rụng tóc khi hóa trị phụ thuộc vào loại thuốc và liều lượng thuốc sử dụng. Rụng tóc có thể xảy ra sớm nhất là vào khoảng tuần thứ hai hoặc thứ ba sau lần hóa trị đầu tiên.

8. Sau hóa trị bao lâu tóc mọc lại ?

Tóc có thể mọc lại sau khoảng 3 đến 6 tháng kết thúc hóa trị. Nhưng cũng có trường hợp, tóc có thể bắt đầu phát triển trở lại ngay trong khi bệnh nhân vẫn đang được hóa trị.

9. Có nên phẫu thuật ung thư hay không ?

Phẫu thuật ung thư là việc loại bỏ khối u bằng cách phẫu thuật, cắt bỏ khối u và một phần mô lành xung quanh để loại bỏ triệt để các tế bào ung thư. Liệu pháp này thường được áp dụng đối với các khối u ở vị trí không gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Do đó, không có câu trả lời nên hay không nên, tùy vào đặc điểm khối u và tình trạng bệnh của mỗi người, các bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.

Đối với bệnh nhân ung thư, tâm lý của người bệnh đóng vai trò rất quan trọng, có thể tác động tích cực tới hiệu quả trị liệu. Do đó, bệnh nhân cần giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ và tin tưởng vào liệu pháp điều trị. Trước khi tiến hành điều trị, các bác sĩ cần tư vấn rõ ràng, chi tiết về liệu pháp điều trị cũng như các vấn đề có thể gặp phải trong và sau khi trị liệu để tạo tâm lý sẵn sàng, thoải mái cho bệnh nhân.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe