Nang xương đơn độc là gì?

Nang xương đơn độc hay còn gọi là u nang xương đơn độc, một tổn thương lành tính nhưng làm tăng nguy cơ yếu xương và gãy xương bệnh lý. Nang xương đơn độc có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, tổn thương nang xương lành tính này khó phát hiện ở giai đoạn sớm nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

1. Nang xương đơn độc là gì?

Nang xương đơn độc hay còn gọi là u nang xương đơn độc (Unicameral bone cysts – UBC), một tổn thương lành tính, thường không gây ra những thương tổn ngoài xương nhưng làm tăng nguy cơ yếu xương và gãy xương bệnh lý. Tổn thương nang xương lành tính này là những vùng xương bị phá hủy tạo thành khoang với ranh giới rõ ràng, bên trong chứa đầy chất lỏng màu vàng, không có phồng vỏ xương hoặc phản ứng xơ.

So với người lớn, nang xương đơn độc thường gặp ở trẻ em hơn. Tỉ lệ mắc bệnh của giới nam so với nữ là 2:1.

Một u nang xương đơn độc có thể hình thành và phát triển ở bất kỳ xương nào. Tuy nhiên chúng thường xuất hiện trong tủy và chủ yếu được tìm thấy ở các xương dài, nơi tiếp giáp với sụn phát triển. Cụ thể, những vị trí có thể hình thành nang xương đơn độc như: xương cánh tay (chiếm 50 – 60% trường hợp, đầu xương đùi (chiếm khoảng 30% tổng số ca bệnh) hoặc các xương dài khác, xương bàn chân. Ngoài ra, ở người lớn còn có một số vị trí như xương chậu (chiếm 2% trường hợp), xương cột sống. Đối với trẻ em, xương cánh chậu và các xương nhỏ cũng thường gặp.

Dựa vào đặc điểm của nang xương và khả năng tiến triển, u nang xương đơn độc được chia thành hai loại, bao gồm:

  • U nang thể hoạt động: Phát triển ở những vùng tiếp giáp với sụn tiếp hợp tại đầu xương. Tùy thuộc vào tốc độ phát triển và khả năng xâm lấn của nang xương gây phá hủy mảng biểu mô mà có thể làm cho bệnh nhân mắc chứng xương ngắn vĩnh viễn. Trong trường hợp nhẹ hơn, u nang hoạt động sau khi phát triển có thể gây gãy xương bệnh lý.
  • U nang thể tiềm ẩn: Hình thành ở vị trí xa mảng biểu mô, ít phát sinh biến chứng và có khả năng chữa lành cao hơn. U nang xương đơn độc thể tiềm ẩn thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 15 tuổi.

2. Nguyên nhân gây nang xương đơn độc

Hiện nay vẫn chưa được xác định được nguyên nhân gây ra nang xương đơn độc. Một số nghiên cứu và giả thuyết được đưa ra như:

  • U nang xương đơn độc là hậu quả của các rối loạn liên quan đến sụn phát triển;
  • Nang xương đơn độc có thể xuất hiện khi chất lỏng trong xương bị phân hủy nhanh và tích tụ lại do tắc nghẽn. Kết luận này được rút ra khi phân tích thành phần hóa học của chất lỏng màu vàng ở trong u nang xương, nhận thấy khá giống với thành phần hoá học có trong huyết thanh;
  • Những vấn đề của hệ tuần hoàn dẫn đến sự phát triển bất thường của các tĩnh mạch trong xương;
  • Chấn thương lặp đi lặp lại sẽ kích thích sự phát triển của u nang xương đơn độc.

Sụn phát triển có thể gây tình trạng u nang xương đơn độc
Sụn phát triển có thể gây tình trạng u nang xương đơn độc

3. Triệu chứng của nang xương đơn độc

Hầu hết nang xương lành tính trong trường hợp nhẹ thường không gây triệu chứng. Vì thế u nang xương thường được tình cờ phát hiện khi khám xương, chụp X-quang hoặc CT – Scan do các nguyên nhân khác ví dụ như chấn thương, gãy xương. Tuy nhiên trong trường hợp nang xương đang phát triển sẽ làm cho vỏ xương mỏng đi và gây tổn thương lớn cho thành xương gần đó. Điều này lâu dần làm tăng nguy cơ gãy xương bệnh lý, đây chính là dấu hiệu phổ biến để phát hiện nang xương đơn độc.

Cụ thể, các triệu chứng của u nang xương đơn độc như sau:

  • Đau xương mãn tính
  • Yếu xương
  • Dễ gãy xương dù chấn thương nhẹ
  • Giảm khả năng vận động

4. Hình ảnh học chẩn đoán nang xương đơn độc

Có nhiều phương tiện hình ảnh giúp chẩn đoán nang xương đơn độc. X – quang là kỹ thuật hình ảnh chủ yếu để chẩn đoán u nang xương đơn độc. Trên phim chụp X-quang, hình ảnh u nang xương có các đặc điểm sau:

  • khoảng 90 – 95% trường hợp tìm thấy nang xương trong xương dài
  • Nang xương có hình ảnh thuôn dài, chạy dọc chiều dài của xương
  • Có tâm
  • Nang xương hiếm khi đa nhân và phát triển lớn
  • Khi bị gãy xương có thể thấy vết nứt hoặc thấy một mảnh xương nhỏ di chuyển trong dịch nang (dấu hiệu mảnh rơi). Đây là dấu hiệu để chẩn đoán nang xương đơn độc.
  • Dấu hiệu bong bóng tăng: Bong bóng di chuyển lên phía trên. Đây là dấu hiệu để chẩn đoán nang xương đơn sụn.

CT – Scan được dùng để xác định nguy cơ gãy xương cũng như đánh giá bề dày thành nang. Trên phim chụp CT – Scan cho thấy:

  • Xuất hiện vách mỏng với vách ngăn giả ở khu vực bị tổn thương
  • Vách ngăn không hoàn toàn hoặc hai khoang thông thương với nhau thông qua lỗ thủng của vách ngăn.
  • Nếu xuất hiện biến chứng liên quan tới xuất huyết sẽ có mức chất lỏng.

Bác sĩ có thể chẩn đoán nang xương đơn độc thông qua hình ảnh Xquang của bệnh nhân
Bác sĩ có thể chẩn đoán nang xương đơn độc thông qua hình ảnh Xquang của bệnh nhân

5. Biện pháp điều trị u nang xương đơn độc

Một số nang xương nhỏ có thể tự khỏi bệnh mà không cần điều trị. Biến chứng của các nang xương nhỏ như gãy xương không di lệch có thể kích thích các quá trình sửa chữa. Đối với các nang xương lớn hơn, đặc biệt là ở trẻ em, có thể cần phải nạo bỏ u và ghép xương. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp đáp ứng với điều trị tiêm corticosteroid, tiêm chất thay thế xương tổng hợp hoặc chất nền xương khử khoáng. Đáp ứng khác nhau giữa các bệnh nhân và có thể phải tiêm nhiều lần. Mặc dù được điều trị nhưng có khoảng 10 - 15% bệnh nhân vẫn tồn tại các nang xương.

Phẫu thuật vẫn là phương pháp chính để điều trị nang xương đơn độc. Ngoài ra cũng có thể sử dụng thuốc để làm giảm triệu chứng và tăng hiệu quả điều trị u nang xương đơn độc. Phẫu thuật sẽ tiến hành nạo sạch thương tổn để loại bỏ u nang xương hoàn toàn trước khi kích thích phát triển các tế bào xương mới, đồng thời cũng hạn chế sự tái phát do còn sót tế bào u và làm giảm nguy cơ gãy xương bệnh lý. Các bước nạo u nang xương:

  • Dùng dao mổ rạch một lỗ hoặc một đường trong xương
  • Dùng ống mềm dẫn lưu dịch trong u nang ra ngoài
  • Sử dụng dụng cụ nạo sạch niêm mạc ra khỏi tổn thương.

Sau khi phẫu thuật nạo sạch u nang xương đơn độc, bệnh nhân sẽ được ghép xương từ người hiến hoặc ghép xương tự thân để hoàn tất quá trình phục hồi. Ghép xương sẽ kích thích sự phát triển của các tế bào xương, lấp đầy vị trí thương tổn và bảo đảm chức năng vận động của người bệnh. Trong một số tình huống, bác sĩ có thể sử dụng xương ghép làm từ vật liệu nhân tạo (còn gọi là xi măng) để lấp đầy khoảng trống sau khi đã nạo bỏ tổn thương.

Ngoài ra trong thời gian điều trị, để tăng tốc độ hồi phục, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như chế độ ăn uống lành mạnh để thúc đẩy tốc độ phục hồi thương tổn, giảm nguy cơ tái phát. Thịt, cá, hải sản, sữa, rau xanh, trái cây chứa hàm lượng canxivitamin D cao rất cần thiết cho quá trình xương tái tạo.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày sẽ tăng hấp thụ chất dinh dưỡng, hỗ trợ lành thương.
  • Vật lý trị liệu theo hướng dẫn để hồi phục chức năng và duy trì khả năng vận động linh hoạt.
  • Tập thể dục đều đặn với các bài tập yoga hoặc bộ môn thể thao thích hợp như đạp xe, bơi lội, ... để phòng ngừa teo cơ, cứng khớp do bất động lâu ngày cũng như giúp duy trì vận động và nâng cao sức khỏe.
  • Dành thời gian để nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh hoặc gắng sức trong giai đoạn hồi phục.

Nang xương đơn độc có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, tổn thương nang xương lành tính này khó phát hiện ở giai đoạn sớm nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Do đó, cần khám định kỳ sức khỏe xương khớp và đi khám ngay khi xuất hiện triệu chứng đau xương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe