Loãng xương là một bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người trẻ trước 30 tuổi mắc phải căn bệnh này. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm như gãy xương…Do đó, mọi người nên chủ động khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh loãng xương sớm là gì?
Tình trạng suy giảm mật độ xương do loãng xương - một rối loạn chuyển hóa khiến xương trở nên giòn và dễ gãy - là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gãy xương đùi, xẹp đốt sống ở người lớn tuổi.
Theo một số thống kê, nguy cơ loãng xương ảnh hưởng đến hơn 30% phụ nữ và hơn 10% nam giới trên 50 tuổi. Tuổi tác càng lớn, nguy cơ mắc bệnh loãng xương càng cao.
Tuy nhiên, ngày nay càng có nhiều người trẻ mắc phải căn bệnh này. Tỷ lệ người bị loãng xương sớm (ở tuổi 30) gia tăng do một số yếu tố nhất định. Đây là một nguy cơ đáng báo động vì loãng xương có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
2. Hậu quả của bệnh loãng xương sớm
Trong giai đoạn đầu, người bệnh hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng nào khi xương bị mất đi. Khi tình trạng loãng xương khiến xương yếu đi, người bệnh sẽ có những biểu hiện như:
- Đau lưng (do cột sống nứt, xẹp các đốt sống, rối loạn tư thế cột sống).
- Các động tác như ngửa, cúi đầu, quay lưng,... khó có thể thực hiện được.
- Dáng đi khòm lưng, chiều cao cơ thể dần bị thấp lại
- Dễ bị gãy xương, đặc biệt là xương cánh tay, đầu trên xương đùi, đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương cùng và xương chậu;
- Xương cột sống, hông, cổ tay thường bị nứt
Sau khi bị gãy xương, đặc biệt là gãy cổ xương đùi, người bệnh thường sẽ nhanh chóng giảm tuổi thọ, trầm cảm, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng tiêu cực… Nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể bị hạn chế vận động, dễ bị gãy xương tái phát và các biến chứng khác.
Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?
Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
3. Nguyên nhân gây loãng xương sớm
Cả yếu tố không thể thay đổi lẫn yếu tố có thể thay đổi (có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh) đều là những nguyên nhân gây ra loãng xương sớm, bao gồm:
3.1 Yếu tố không thể thay đổi
3.1.1 Giới tính
So với nam giới, phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao hơn do:
- Mặc dù mất cùng một lượng xương nhưng do xương mỏng, nhỏ hơn nam giới nên mật độ xương của nữ giới giảm mạnh hơn.
- Tình trạng mất cân bằng hormone do các bệnh tuyến giáp mà phụ nữ thường mắc phải nhiều hơn nam giới làm khả năng hấp thụ canxi và vitamin D của cơ thể giảm sút, từ đó dẫn đến tình trạng loãng xương.
- Nam giới có nhiều cơ bắp hơn phụ nữ (trong khi cơ có vai trò tạo áp lực liên tục để kích thích cơ thể tạo xương, giúp xương vững chắc hơn).
- Nam giới thường xuyên vận động hơn nữ giới (trong khi việc vận động thể lực nhiều sẽ giúp bộ xương phát triển tốt hơn, chắc khỏe hơn).
- Nội tiết tố phụ nữ biến đổi liên tục trong các giai đoạn mang thai, nuôi con bú, tiền mãn kinh và mãn kinh...Đặc biệt, quá trình mang thai và sinh nở khiến xương mất đi một lượng lớn canxi do thai nhi lấy trực tiếp khoáng chất và canxi từ mẹ. Hơn nữa, nguy cơ loãng xương sẽ tăng cao khi người mẹ sinh nở càng nhiều. Quá trình hủy xương cũng sẽ gia tăng nhanh hơn do nồng độ hormone estrogen sụt giảm mạnh khi mãn kinh.
3.1.2 Tiền sử gia đình
Nguy cơ bị loãng xương cao ở những người có cha mẹ từng gãy xương do loãng xương.
3.1.3 Tuổi tác
Tuổi tác càng cao, nguy cơ mắc bệnh loãng xương càng lớn.
3.1.4 Khung cơ thể
So với những người có khung xương lớn, những người có khung xương nhỏ dễ mắc bệnh loãng xương hơn.
3.1.5 Tình trạng tuyến giáp
Hormone tuyến giáp khi tăng sẽ làm tăng nguy cơ hủy xương. Ngoài ra, các bệnh cường hoạt động của tuyến cận giáp và tuyến thượng thận cũng dễ gây loãng xương sớm.
3.1.6 Nồng độ hormone
Phụ nữ bị giảm hormone estrogen và nam giới bị giảm hormone testosterone dễ mắc bệnh loãng xương.
3.2 Yếu tố có thể thay đổi
Một số thói quen xấu có thể dẫn đến loãng xương sớm. Tuy nhiên, nguy cơ loãng xương sớm có thể bị đẩy lùi bằng cách thay đổi những thói quen này, cụ thể:
- Quá trình hấp thụ canxi của cơ thể sẽ bị cản trở khi mọi người tiêu thụ quá nhiều bia rượu, nước ngọt có ga, cà phê, trà…điều này dễ dẫn đến hỏng xương và loãng xương sớm.
- Loãng xương sớm có nguy cơ tăng cao do chế độ ăn thiếu năng lượng, protein và canxi.
- Mật độ xương sẽ giảm đi khi người bệnh ăn quá nhiều muối do chế độ này làm thất thoát canxi khỏi cơ thể. Vì thế, lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày không nên vượt quá 5g.
- Các mô xương mới khỏe mạnh không thể hình thành và xương trở nên yếu ớt do hút thuốc nhiều và lâu ngày.
- Loãng xương là hệ quả của việc giảm cân quá mức khiến cơ thể không cung cấp đủ chất dinh dưỡng làm giảm mật độ xương. Trong khi đó, estrogen được chuyển hóa từ lipid ở người khỏe mạnh giúp cơ thể tăng cường hấp thu canxi, thúc đẩy quá trình hình thành xương và ngăn ngừa loãng xương.
- Cơ bắp sẽ nhanh chóng lão hóa, khớp xương yếu đi và dễ bị loãng xương hơn khi ít vận động.
- Một số loại thuốc uống dài ngày bao gồm corticosteroid, thuốc chống động kinh…có thể gây ra tác dụng phụ làm giảm mật độ xương. Ngoài ra, các thuốc chống ung thư, chống thải ghép, điều trị co giật, trào ngược dạ dày…khi sử dụng không hợp lý cũng cũng sẽ dẫn đến loãng xương.
4. Đo loãng xương như thế nào?
Nhằm xác định nguy cơ thiếu xương, loãng xương và dự đoán khả năng gãy xương để có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời, người có yếu tố nguy cơ cao nên đo mật độ xương. Khi chưa có biến chứng, bệnh loãng xương hầu như không có biểu hiện lâm sàng.
Đo mật độ xương được chỉ định cho:
- Nam giới trên 70 và phụ nữ trên 65 dù có hay không có các yếu tố nguy cơ
- Phụ nữ và nam giới trên 50 tuổi có các yếu tố nguy cơ sau đây: tiền sử gãy xương ở tuổi 50, trọng lượng cơ thể thấp, cha mẹ từng bị gãy xương, hút thuốc lá, nghiện rượu bia, mãn kinh trước 45 tuổi, thiếu estrogen, thiếu vận động, giảm chiều cao trên 3cm, những người đã được chẩn đoán loãng xương qua lâm sàng (bao gồm đau xương, đau lưng cấp và mạn tính, gãy xương sau chấn thương nhẹ, biến dạng cột sống) và X-quang (với hình ảnh đốt sống biến dạng, giảm độ dày vỏ xương, tăng thấu quang). Đo mật độ xương cũng được thực hiện để đánh giá hiệu quả của điều trị.
Chống chỉ định đo mật độ xương cho:
- Phụ nữ đang mang thai
- Người bệnh đã dùng thuốc cản quang có chứa iod, baryt hoặc đồng vị phóng xạ trong 7 ngày.
Để đo mật độ xương, hiện nay có hai phương pháp đang được sử dụng phổ biến bao gồm:
- Siêu âm: Với ưu điểm thực hiện nhanh, không gây đau và không sử dụng chất phóng xạ, siêu âm thường được sử dụng để chẩn đoán ban đầu và đo mật độ xương gót. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là không thể đo được mật độ xương ở các xương gần bị nứt, gãy do loãng xương
- Đo hấp thụ năng lượng tia X kép: Phương pháp tiêu chuẩn để chẩn đoán loãng xương là đo hấp thụ năng lượng tia X kép. Phương pháp đo mật độ xương này thực hiện bằng cách chiếu hai chùm tia X vào các vị trí trên cơ thể như cổ xương đùi, cột sống hoặc toàn thân rồi đo lượng năng lượng mà các chùm tia này đi ra khỏi cơ thể.
5. Biện pháp phòng ngừa nguy cơ loãng xương sớm
Việc dự phòng các yếu tố nguy cơ gây loãng xương là vô cùng cần thiết vì căn bệnh này thường tiến triển âm thầm và không có triệu chứng rõ rệt. Mọi người cần tuân thủ một số lưu ý bao gồm:
- Các thực phẩm như sữa, chế phẩm từ sữa ít béo, hải sản, rau xanh, đậu nành, hoa quả tươi, ngũ cốc cần được duy trì để có một chế độ dinh dưỡng giàu canxi và lành mạnh.
- Mỗi ngày, mọi người cần tập luyện để giúp cơ thể deo dai, khung xương chắc khỏe.
- Nước giải khát có ga, trà, cà phê…và các loại đồ uống có chất kích thích khác nên được hạn chế bên cạnh việc ngừa hút thuốc, uống rượu bia.
- Người có nguy cơ cao bị loãng xương sớm cần thực hiện đo mật độ xương định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Nhìn chung, khi có những biểu hiện nghi ngờ loãng xương, người bệnh nên đi khám ngay để có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời vì loãng xương sớm có thể gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.