Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Hậu - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh bao gồm cộng hưởng từ, CLVT và siêu âm.
Loãng xương là bệnh lý rối loạn cân bằng giữa hai quá trình hủy xương và tạo xương của cơ thể. Loãng xương xuất hiện ở mọi lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Chụp X-quang sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn tình trạng của bệnh loãng xương.
1. Loãng xương là gì?
Loãng xương là một trong những dạng thay đổi cấu trúc bất thường của hệ xương khớp. Loãng xương còn gọi là thưa xương, là hiện tượng giảm canxi của xương, thường gặp trong thưa xương ở người già, do bất động ổ gãy lâu ngày, giai đoạn đầu của lao xương khớp và cốt tủy viêm....
Loãng xương xảy ra khi xương mất dần canxi, khiến xương bị xốp, yếu và trở nên giòn và dễ gãy hơn. Nhiều người thường chủ quan với bệnh loãng xương do bệnh diễn tiến chậm theo thời gian, tuổi tác. Đến khi người bệnh cảm thấy đau, nhức trong xương là bệnh đã trở nặng, lúc đó người bệnh mới khám và dùng thuốc điều trị thì khó có cơ hội phục hồi do hệ xương trong cơ thể đã bị hao mòn quá nhiều. Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành.
Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?
Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
2. Nguyên nhân gây loãng xương
Loãng xương là bệnh phổ biến ở giai đoạn trung và cao tuổi. Để phòng ngừa bệnh loãng xương cần tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh như sau:
2.1 Do di truyền
Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân của bệnh loãng xương thường gặp. Nếu trong gia đình của bạn có người bị loãng xương thì nguy cơ mắc bệnh loãng xương của bạn cao hơn người những người khác.
2.2 Do chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu canxi, vitamin C, vitamin D là một trong các nguyên nhân gây bệnh loãng xương khi về già.
Thiếu canxi: Cơ thể bạn cần một lượng canxi liên tục trong máu vì nhiều cơ quan, đặc biệt là tim, cơ bắp và dây thần kinh của bạn phụ thuộc vào canxi, khi các cơ quan này cần canxi, chúng sẽ tự động lấy canxi từ xương. Theo thời gian, lượng canxi bị hao hụt nhiều, nếu bạn không bổ sung đầy đủ sẽ cạn kiệt canxi, xương sẽ bị mỏng và giòn.
Thiếu vitamin D: Quá ít vitamin D có thể dẫn đến xương yếu và có nguy cơ mất xương. Trong số rất nhiều lợi ích của vitamin D, nó giúp cơ thể bạn hấp thụ và sử dụng canxi.
2.3 Do lối sống và thói quen không lành mạnh
Ngồi bất động trong thời gian dài, hút thuốc lá, nghiện rượu, cafe ...cũng làm gia tăng nguy cơ bị loãng xương. Đối với những người ít vận động hoặc có tình trạng như tê liệt hoặc loạn dưỡng cơ, mất xương sẽ nhanh chóng xảy ra.
Hút thuốc: Những người hút thuốc có mật độ xương thấp hơn và nguy cơ gãy xương cao hơn những người không hút thuốc. Tác dụng độc hại trực tiếp của nicotine lên các tế bào xương đến việc ngăn chặn khả năng sử dụng estrogen, canxi và vitamin D của cơ thể.
Uống nhiều rượu: Rượu có thể ức chế quá trình tu sửa xương và tăng mất canxi của bạn, từ đó dẫn đến loãng xương.
2.4 Do ảnh hưởng của quá trình điều trị các bệnh khác
Theo nghiên cứu những người bị bệnh viêm gan B, nhiễm trùng gan, viêm khớp dạng thấp, cường tuyến phó giáp, cường giáp...có nguy cơ bị loãng xương cao hơn bình thường.
2.5 Do thường xuyên sử dụng một số các loại thuốc
Uống một số loại thuốc có thể dẫn đến loãng xương. Phổ biến nhất là corticosteroid, còn được gọi là cortisone, hydrocortisone, glucocorticoids và prednison . Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị hen suyễn, viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến, viêm đại tràng và một loạt các tình trạng khác. Thuốc chống động kinh cũng liên quan đến mất xương.
2.6 Do thay đổi nội tiết tố cơ thể
Estrogen thấp ở phụ nữ: Tốc độ mất xương càng lớn sau khi mãn kinh, khi phụ nữ lớn tuổi giảm estrogen nhanh chóng. Theo thời gian, nguy cơ loãng xương và gãy xương tăng lên khi phụ nữ lớn tuổi mất nhiều xương hơn so với thay thế. Phụ nữ bị mãn kinh sớm cũng bị tổn thương mật độ xương.
Testosterone thấp ở nam giới: Đàn ông cần cả testosterone và estrogen cho sức khỏe của xương. Đó là bởi vì đàn ông chuyển đổi testosterone thành estrogen bảo tồn xương.
Mất cân bằng nội tiết tố khác: Hormon tuyến cận giáp và hormon tăng trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh mật độ xương của bạn. Chúng giúp điều phối canxi cho xương sử dụng và khi nào sẽ tích tụ và phá vỡ xương. Nhưng quá nhiều hormon tuyến cận giáp, được gọi là cường tuyến cận giáp, gây mất canxi.
3. Dấu hiệu loãng xương
Những biểu hiện lâm sàng chỉ xuất hiện khi trọng lượng xương giảm trên 30%. Sự xuất hiện từ từ tự nhiên hoặc sau một chấn thương, đôi khi tình cờ chụp X quang mà thấy.
Cột sống giảm dần chiều cao, biến dạng đường cong sinh lý dẫn đến gù vùng lưng hay thắt lưng, chiều cao cơ thể giảm đi rõ rệt so với khi còn trẻ tuổi. Xương dễ gãy, đôi khi chỉ một chấn thương nhẹ cũng làm gãy cổ xương đùi, gãy đầu dưới xương quay, gãy lún đốt sống.
4. Chụp X-quang chẩn đoán loãng xương
Phim X-quang đánh giá loãng xương qua việc thể hiện trên màu sắc của xương giảm sáng hơn so với bình thường, xuất hiện trạng thái xương lún tại đốt sống. Chụp X-quang đánh giá mật độ xương dọc cột sống và thắt lưng, xương vùng đùi, vùng cổ tay, đánh giá lượng xương mất đi hoặc tỉ lệ xương đang bị bào mòn.
Phim chụp X-quang quy ước: Hình ảnh đốt sống tăng thấu quang, biến dạng thân đốt sống gãy làm xẹp và lún các đốt sống, với các xương dài thường giảm độ dày vỏ xương khiến ống tủy rộng ra.
Trên phim X-quang có thể phát hiện 2 hình thái loãng xương rõ ràng:
- Loãng xương khu trú: Điểm loãng xương tập trung ở một vùng nhìn thấy rõ ràng, tại vũng đó màu sắc xương bị giảm, còn các vùng xương khác vẫn đều màu và đồng bộ bình thường.
- Loãng xương lan tỏa: Thường gặp trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tính chất hệ thống như: rối loạn chuyển hóa (cường cận giáp, thiếu chất), còi xương nhuyễn xương, người bất động lâu ngày, phụ nữ mãn kinh.
Thể hiện trên phim là màu sắc của xương giảm sáng đồng đều, bờ viền xương không rõ nét, giới hạn đường bờ mờ vì có nhiều ổ khuyết nhỏ ở xương.
5. Phòng ngừa loãng xương
Tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ kích thích sự hình thành xương và tăng trưởng cơ bắp
Ở Việt Nam, loãng xương là bệnh tật phổ biến đứng hàng thứ hai, chỉ sau bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi.
Chính vì vậy, cần phải có biện pháp phòng ngừa loãng xương ngay từ khi còn khoẻ mạnh.
5.1 Chăm chỉ vận động
Tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ kích thích sự hình thành xương và tăng trưởng cơ bắp. Tuy nhiên, cần chọn cho mình những môn thể thao rèn luyện cơ thể phù hợp. Nếu không có thể khiến cơ thể bị tổn thương ngược lại.
5.2 Cung cấp đủ canxi và vitamin thiết yếu
Bổ sung vào thực đơn hàng ngày thực phẩm giàu canxi và vitamin sẽ giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh loãng xương.
5.3 Tắm nắng đúng cách
Bằng tác dụng của ánh nắng mặt trời, tiền vitamin D dưới da sẽ hoạt hóa thành vitamin D3. Mỗi ngày chỉ nên phơi nắng 15 phút và vào khoảng 6 – 9 giờ sáng.
5.4 Tránh xa chất kích thích
Cafein có trong cafe làm tăng sự bài tiết của canxi qua đường tiết niệu. Thuốc lá và rượu sẽ kích thích quá trình mất xương. Vì vậy nên tránh xa chất kích thích
5.5 Cẩn thận khi dùng thuốc
Corticoid làm rối loạn sự đồng hóa canxi và cản trở hình thành mô xương. Vì vậy chỉ nên uống thuốc chứa corticoid khi có chỉ định của bác sĩ.
Xương yếu đi nếu chúng không hoạt động hoặc không được bổ sung dinh dưỡng đúng cách. Phương pháp chụp X-quang có thể đánh giá mật độ xương mất đi để xác định chính xác tình trạng loãng xương trong cơ thể mà mắt thường không thấy được.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.