Khó khăn trong điều trị loãng xương là tình trạng diễn ra khá thường xuyên, đặc biệt là khi loãng xương có liên quan tới nhiều căn bệnh mãn tính khác. Loãng xương cũng là một bệnh lý thường gặp ở người bệnh trong độ tuổi trung niên, đặc biệt là ở chị em đã mãn kinh cũng như người cao tuổi. Từ đó, việc điều trị bệnh lý này gặp phải nhiều trở ngại và thách thức đáng kể.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê, tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương (Osteoporosis) hay còn gọi là thưa xương, là tình trạng xương trở nên giòn, xốp và dễ gãy do mất mật độ khoáng chất và suy giảm cấu trúc xương. Bệnh xảy ra khi xương bị giảm khối lượng, giảm số lượng tổ chức xương và giảm mật độ khoáng chất (BMD - Bone Mineral Density), khiến xương yếu đi cũng như mất khả năng chịu lực.
Khi kiểm tra bằng phương pháp đo mật độ xương (DEXA scan), có thể thấy xương bị suy giảm rõ rệt. Hậu quả của loãng xương là làm xương trở nên mỏng manh, mất độ chắc chắn và dễ gãy, đặc biệt tại các vị trí như cột sống, cổ xương đùi và cổ tay.
Loãng xương là bệnh lý phổ biến do tuổi tác, lão hóa và suy giảm chức năng hấp thụ dưỡng chất cần thiết cho xương. Khi tuổi cao, cơ thể hấp thụ canxi và vitamin D kém hơn, trong khi các cơ quan như dạ dày, gan, thận, hệ miễn dịch và đường ruột hoạt động yếu đi, làm giảm khả năng tạo xương. Điều này khiến xương mất dần mật độ, trở nên giòn và dễ gãy.
Ngoài lão hóa, một số bệnh lý và yếu tố nguy cơ khác cũng làm tăng nguy cơ loãng xương, bao gồm suy thận, cường giáp, liệt chi, sử dụng corticoid kéo dài hoặc nằm lâu không vận động. Đặc biệt, phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ loãng xương cao do giảm nội tiết tố estrogen, làm tế bào hủy xương hoạt động mạnh hơn, khiến xương mất canxi nhanh hơn.
Loãng xương thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Sau tuổi 30, tốc độ mất xương tăng dần, người bệnh có thể cảm thấy đau mỏi ở cột sống, chi dưới, đau dọc các đầu xương, đặc biệt là vào ban đêm. Khi bệnh trở nặng, đau nhức kéo dài, ảnh hưởng đến các vùng chịu lực như hông, thắt lưng, khớp gối, gây khó khăn trong vận động.
Loãng xương còn tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là gãy đốt sống, gãy cổ xương đùi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Người cao tuổi cũng dễ bị còng lưng do xương yếu và biến dạng cột sống, làm giảm chất lượng cuộc sống đáng kể.

2. Chẩn đoán loãng xương và điều trị loãng xương
Để điều trị và làm chậm quá trình mất xương, bác sĩ thường kê hai nhóm thuốc chính: thuốc chống hủy xương và thuốc hỗ trợ tái tạo xương. Các loại thuốc này giúp cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.
2.1 Thuốc chống hủy xương
Nhóm thuốc này giúp ức chế hoạt động của tế bào hủy xương, làm chậm quá trình mất xương, từ đó giúp tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Các thuốc phổ biến trong nhóm này gồm:
- Bisphosphonates (Alendronate, Clodronate, Etidronate,...).
- Denosumab: Thuốc tiêm giúp giảm hoạt động của tế bào hủy xương.
2.2 Thuốc hỗ trợ tái tạo xương
Các thuốc này giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn và kích thích tạo xương, bao gồm:
- Canxi & Vitamin D3: Giúp tăng hấp thụ canxi từ ruột vào máu.
- MK7 (Vitamin K2): Hỗ trợ vận chuyển canxi vào xương, ngăn ngừa canxi lắng đọng ở mạch máu và mô mềm, giúp xương chắc khỏe hơn.
- Hormone cận giáp (Teriparatide): Kích thích xương mới hình thành, thường dùng cho bệnh nhân loãng xương nặng.
- Strontium ranelate: Cả ức chế hủy xương và kích thích tạo xương, giúp cải thiện mật độ xương.
2.3. Tập luyện và vận động hợp lý
- Người bệnh loãng xương nên duy trì vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga hoặc thể dục nhịp điệu khoảng 30-60 phút/ngày để tăng cường sức mạnh xương khớp.
- Người có các bệnh lý như gai cột sống, lồi đĩa đệm cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện, để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
3. Khó khăn trong điều trị loãng xương
Tuy là một bệnh lý khá phổ biến nhưng vẫn có nhiều khó khăn trong điều trị loãng xương mà bệnh nhân nên biết đến. Các khó khăn này gồm:
3.1 Khó kiểm soát nguyên nhân gây bệnh
Loãng xương có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ ăn uống của người Việt chưa đáp ứng đủ nhu cầu canxi của cơ thể, tác động của tuổi tác, dị tật bẩm sinh hoặc các bệnh lý chuyển hóa và di truyền. Với những yếu tố khó kiểm soát, người bệnh thường gặp nhiều thách thức trong quá trình điều trị.
3.2 Khó chẩn đoán loãng xương từ sớm
Triệu chứng của bệnh loãng xương thường không rõ ràng trong nhiều năm, thường chỉ được phát hiện khi đã trở nên nghiêm trọng. Việc bỏ lỡ thời điểm điều trị sớm sẽ khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong điều trị loãng xương.
Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

3.3 Biến chứng nguy hiểm
Loãng xương thường gây ra nhiều biến chứng khá nguy hiểm như gãy cổ xương đùi, xương cột sống và xương tay. Trong đó, gãy cổ xương đùi là biến chứng phổ biến nhất. Khi cổ xương đùi bị gãy, bệnh nhân sẽ chịu đau đớn trong thời gian dài, di chuyển và sinh hoạt khó khăn. Đây cũng là đáp án cho câu hỏi “loãng xương có nguy hiểm không?” mà nhiều bệnh nhân thắc mắc.
Khi bệnh nhân bị gãy xương và phải nằm lâu một chỗ, cơ thể sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do ít vận động, vùng da tại mông, gót chân và lưng dễ bị loét tì đè. Đồng thời, hệ tiêu hóa và tiết niệu cũng bị ảnh hưởng, khiến người bệnh có nguy cơ ứ trệ nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu và rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, việc không vận động làm tăng nguy cơ viêm tắc tĩnh mạch sâu ở chi dưới hoặc tắc mạch thứ phát, dẫn đến nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi. Bệnh nhân cũng dễ bị viêm phổi do bội nhiễm, do phổi hoạt động kém và sức đề kháng suy giảm. Đây là những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt ở người cao tuổi.
Khoảng 12-20% người bị gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng 12 tháng sau chấn thương, chủ yếu do biến chứng nguy hiểm khi phải nằm lâu như nhiễm trùng, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch sâu và suy giảm thể trạng.
Người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý nền, làm tăng nguy cơ biến chứng, bao gồm đái tháo đường, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, suy giảm trí nhớ. Sau khi biến chứng xảy ra, việc điều trị cùng lúc nhiều bệnh lý cũng trở nên khó khăn, tốn kém.

3.4 Khó khăn trong điều trị loãng xương do thời gian kéo dài
Loãng xương là một bệnh lý mạn tính tiến triển, có liên quan chặt chẽ đến quá trình lão hóa. Khi tuổi càng cao, mật độ xương giảm dần, làm xương giòn và dễ gãy. Điều trị loãng xương thường kéo dài từ 3 - 5 năm, thậm chí lâu hơn, tùy theo mức độ bệnh và nguy cơ gãy xương. Mục tiêu điều trị là tăng cường mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không kiên trì với liệu trình điều trị, gây ảnh hưởng đến hiệu quả phục hồi.
Điều trị loãng xương cũng rất khó khăn và phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian. Vì thế, bệnh nhân cần chú ý phòng ngừa loãng xương bằng những phương pháp sau:
- Duy trì chế độ dinh dưỡng và chế độ vận động hợp lý.
- Bổ sung nhiều thức ăn giàu canxi.
- Thường xuyên vận động ngoài trời nhằm tăng cường hấp thu vitamin D, qua đó hấp thụ canxi tốt hơn.
- Tránh các thói quen có hại cho cơ thể như hút thuốc hoặc tiêu thụ rượu bia.
- Trong sinh hoạt hàng ngày nên tránh các tư thế có hại cho xương, cột sống.
Nhìn chung, biết được khó khăn trong điều trị loãng xương có thể giúp bệnh nhân đánh giá nghiêm túc hơn tình trạng của bệnh. Việc chẩn đoán và điều trị loãng xương từ sớm giúp góp phần giảm tỷ lệ gãy xương, làm tăng chất lượng cuộc sống và giảm nhẹ các chi phí điều trị.
Do đó, khi thấy có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh xương khớp, người bệnh tốt nhất nên đi khám chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán và xác định đúng tình trạng. Đặc biệt, các đối tượng có nguy cơ loãng xương cao nên đo loãng xương định kỳ 2 năm/lần.
Trong quá trình công tác, đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật kỹ thuật cao, tiên phong trong việc ứng dụng và triển khai các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực Chấn thương Chỉnh hình tại Hải Phòng như phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối bằng kỹ thuật all inside, phẫu thuật nội soi khớp vai khâu rách chóp xoay hay phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng…
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.