Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp tương đối phổ biến. Việc phân loại thoát vị đĩa đệm rất quan trọng và giúp bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Vậy thoát vị đĩa đệm có mấy loại?
1. Thoát vị đĩa đệm là gì?
Trước khi tìm hiểu về các cách phân loại thoát vị đĩa đệm, chúng ta cần tìm hiểu sơ lược về bệnh lý xương khớp tương đối phổ biến này. Thoát vị đĩa đệm (có tên gọi quốc tế là Herniated Disc) là bệnh lý xảy ra khi một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống bị hư hại, di lệch ra khỏi vị trí ban đầu và chèn ép lên tủy sống/các dây thần kinh trong ống sống, từ đó gây ra hiện tượng đau nhức và rối loạn cảm giác tại chỗ.
Theo các chuyên gia, đĩa đệm là một cấu trúc sụn nằm giữa các đốt sống. Cấu tạo đĩa đệm bao gồm 2 phần là bao sơ (mâm sụn) nằm bên ngoài được cấu tạo từ các vòng sợi dai và nhân nhầy ở dạng keo nằm bên trong. Bình thường, đĩa đệm có cấu tạo rất chắc chắn với vai trò như một gối đỡ đàn hồi và giúp cột sống dẻo dai, đồng thời thực hiện các động tác dễ dàng hơn (bao gồm cúi, ưỡn, xoay và nghiêng). Tuy nhiên, khi các đĩa đệm cột sống bị tổn thương, có thể lệch, trượt đĩa đệm hoặc hư hại hoàn toàn, sẽ khiến vòng xơ nên ngoài bị bào mòn/rách và khiến phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài.
Về mặt diễn tiến, các chuyên gia phân loại thoát vị đĩa đệm thành 4 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 và 2 được xem giai đoạn vàng cho việc điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân đa số sẽ qua 2 giai đoạn này vì các triệu chứng bệnh chưa tiến triển nặng. Vì vậy việc nhận biết các giai đoạn thoát vị đĩa đệm rất quan trọng:
- Giai đoạn 1: Phình đĩa đệm: Vòng xơ còn ở trạng thái bình thường nhưng nhân nhầy đã có xu hướng biến dạng. Người bệnh thường khó phát hiện do triệu chứng đau nhức ngắt quãng, đau từng cơn và không rõ ràng nên rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý gây đau cột sống khác;
- Giai đoạn 2: Lồi đĩa đệm: Vòng xơ đã yếu dần, có thể rách nhưng chưa rách hết chiều dày vòng xơ. Thoát vị đĩa đệm giai đoạn này ghi nhận phần nhân ngày vẫn nằm trong bao xơ nhưng tạo thành khối phồng khu trú. Đa số bệnh nhân đã có biểu hiện đau lưng, đặc biệt một số trường hợp gây chèn ép thần kinh nên gây đau nhức dữ dội hơn;
- Giai đoạn 3: Thoát vị đĩa đệm thực thụ: Bao xơ đã rách hoàn toàn, phần nhân nhầy vi đã tràn ra ngoài nhưng vẫn còn chung một khối. Phần nhân nhầy lồi ra chèn ép dây thần kinh, từ đó khiến bệnh nhân đau nhức dữ dội, kèm theo tê bì, chuột rút và hạn chế vận động;
- Giai đoan 4: Thoát vị đĩa đệm có mảnh rời:, Khi khối thoát vị kéo dài sẽ khiến nhân nhầy thoát ra ngoài và tách hoàn toàn khỏi đĩa đệm. Ở giai đoạn này, người bệnh gặp phải tình trạng đau đớn rất nhiều, đôi khi teo cơ và mất kiểm soát chức năng tiểu tiện.
Bên cạnh đó, dựa vào kết quả chụp cộng hưởng từ MRI, Pfirrmann phân thành các thể thoát vị đĩa đệm như sau:
- Độ 1: Tín hiệu đồng nhất, màu trắng, chiều cao đĩa đệm bình thường;
- Độ 2: Tín hiệu không đồng nhất, màu trắng, chiều cao đĩa đệm bình thường;
- Độ 3: Tín hiệu không đồng nhất, màu xám, chiều cao đĩa đệm đã suy giảm;
- Độ 4: Tín hiệu không đồng nhất, màu xám đến đen với chiều cao giảm nhiều;
- Độ 5: Tín hiệu không đồng nhất, màu đen và đĩa đệm mất chiều cao hoàn toàn.
2. Thoát vị đĩa đệm có mấy loại?
Dựa vào vị trí đĩa đệm bị lệch, chuyên gia phân loại thoát vị đĩa đệm thành các thể như sau:
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ;
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ-ngực;
- Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực;
- Thoát vị đĩa đệm lưng-ngực;
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Các thể thoát vị đĩa đệm dựa vào mức độ chèn ép thần kinh và tủy sống:
- Thoát vị đĩa đệm thể trung tâm: Phần nhân nhầy thoát ra, từ đó gây chèn ép trực tiếp lên tủy sống. Thể thoát vị này không gây cảm giác tê chân tay, nhưng được xem là nguy hiểm nhất vì nếu nhân nhầy chèn ép càng nhiều thì bệnh nhân càng có nguy cơ mất hoàn toàn chức năng vận động và chức năng tiêu tiểu;
- Thoát vị đĩa đệm cạnh trung tâm: Nhân nhầy chèn ép cả tủy sống lẫn rễ thần kinh;
- Thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh bên phải hoặc bên trái.
Dựa theo vị trí, các thể thoát vị đĩa đệm được các chuyên gia phân chia như sau:
- Thoát vị đĩa đệm ra sau: Khá phổ biến với các triệu chứng thường là đau mỏi, nhức nhối, đau lan và tê bì...;
- Thoát vị đĩa đệm ra trước: Phần thoát vị chèn ép vào thân sống, do đó còn được gọi là thoát vị đĩa đệm nội xốp.
Phân loại thoát vị đĩa đệm theo mức độ liên quan với dây chằng dọc sau:
- Thoát vị đĩa đệm dưới dây chằng dọc sau: Cấu trúc dây chằng nguyên vẹn và chưa bị rách;
- Thoát vị đĩa đệm qua dây chằng dọc sau: Cấu trúc dây chằng đã bị rách, khi đó khối thoát vị đi qua chỗ rách để chèn ép lên rễ thần kinh;
- Thoát vị đĩa đệm di trú: Khối thoát vị di chuyển khỏi vị trí tương ứng với đĩa đệm (có thể lên trên hoặc xuống dưới)
3. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Sau khi nắm được các cách phân loại thoát vị đĩa đệm, các chuyên gia cho biết bệnh lý này có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, bao gồm:
- Chấn thương cột sống sau tai nạn giao thông;
- Tai nạn lao động: Người bệnh thường xuyên mang vác vật nặng trên cổ, lưng hoằn tư thế khuân vác sai sẽ dẫn đến chệch đĩa đệm. Ngoài ra, những người có thói quen đứng rồi cúi xuống để nhấc vật nặng thay vì ngồi xuống rồi bê vật từ từ đứng lên, điều này làm tăng nguy cơ chấn thương cột sống và ảnh hưởng đến đĩa đệm;
- Thoái hóa cột sống: Khi phần nhân nhầy và vòng xơ (tương tự như sụn khớp) bị bào mòn, phần xương dưới sụn (là các đốt sống) sẽ biến đổi cấu trúc theo, dẫn đến xuất hiện các hốc xương và thậm chí mọc gai xương. Do tác động và sức ép của cơ thể, vòng xơ của đĩa đệm sẽ rách và lớp nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài, gây chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống;
Một số nguyên nhân khác gây thoát vị đĩa đệm, bao gồm yếu tố di truyền, hoặc mắc phải các bệnh lý bẩm sinh ở cột sống.
4. Điều trị thoát vị đĩa đệm như thế nào?
Hiện nay có 2 phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm là điều trị bảo tồn và phẫu thuật. Tùy theo phân loại thoát vị đĩa đệm, mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống và mong muốn của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Những trường hợp đĩa đệm di lệch mà chưa gây chèn ép rễ thần kinh, người bệnh chỉ cần dùng thuốc và tập vật lý trị liệu. Nếu đã điều trị nội khoa tích cực mà thoát vị đĩa đệm không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu tiến triển nặng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.
4.1. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định với mục đích cải thiện triệu chứng thoát vị đĩa đệm bao gồm giảm đau Acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid hoặc corticosteroid, thuốc giãn cơ hoặc giảm đau thần kinh...
Một vấn đề người bệnh cần đặc biệt lưu ý là loại thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm nếu lạm dụng sẽ dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn là chóng mặt, buồn nôn, dị ứng, nghiêm trọng hơn là bệnh viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan thận hoặc loãng xương...
4.2. Vật lý trị liệu
Song song quá trình điều trị bằng thuốc, người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể kết hợp các bài tập vật lý trị liệu với mục tiêu cải thiện các cơn đau nhức cũng như hạn chế sự chèn ép vào dây thần kinh do sai tư thế lao động, sinh hoạt dưới sự trợ giúp của các chuyên gia và kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Khuyến cáo người bệnh bị thoát vị đĩa đệm không tự lý tập luyện để tránh sai cách và khiến những tổn thương cột sống trở nên trầm trọng hơn.
4.3. Phẫu thuật
Hiện nay các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bao gồm phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi hoặc tiêu hủy nhân nhầy bằng men Chymopapain... Tuy nhiên, hạn chế của những phương pháp này là tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm, như nhiễm trùng, dị ứng với men tiêu nhân nhầy, liệt dây thần kinh, hoặc nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong.
Có thể thấy, việc phân loại thoát vị đĩa đệm rất quan trọng và giúp bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.