Nhược cơ là một trong những bệnh lý có khả năng ảnh hưởng lớn đến các khớp thần kinh - cơ. Điều trị bệnh nhược cơ nếu không kịp thời và đúng phương pháp thì sẽ dẫn đến biến chứng nặng. Đặc điểm chính ở người bệnh nhược cơ là sự yếu và mỏi cơ vân, tình trạng này sẽ nặng thêm khi người bệnh gắng sức và cải thiện khi được nghỉ ngơi phù hợp.
1. Nguyên nhân gây bệnh nhược cơ
Trong số bệnh nhân mắc bệnh nhược cơ thì nhược cơ tự miễn là thường gặp nhất và nhược cơ bẩm sinh rất hiếm gặp. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng cơ suy yếu. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhược cơ tự miễn và phì đại tuyến ức có liên quan đến việc hình thành bệnh này. Đặc biệt, yếu tố di truyền cũng có khả năng gây nên bệnh nhược cơ.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhược cơ bao gồm:
- Người bệnh có u tuyến ức;
- Người bị bệnh truyền nhiễm;
- Người bị bệnh tim mạch và tăng huyết áp.
2. Triệu chứng sớm cảnh báo bệnh nhược cơ sớm
Việc phát hiện sớm đóng vai trò rất quan trọng và quyết định kết quả điều trị bệnh nhược cơ. Một số dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh nhược cơ bao gồm:
- Cảm thấy rất khó thở do cơ thành ngực bị suy yếu;
- Hành động nhai hoặc nuốt, cử động khi nói trở nên khó khăn hơn;
- Bị chảy nước dãi nhiều;
- Thường xuyên mệt mỏi;
- Giọng nói bị thay đổi, khàn tiếng;
- Sụp mí mắt.
3. Chẩn đoán bệnh nhược cơ
Bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán bệnh nhược cơ dựa trên thăm khám lâm sàng toàn diện và các xét nghiệm trực tiếp ở bệnh nhân.
Để chẩn đoán chính xác nhất thì người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm về phản xạ để kiểm tra mức độ cơ suy yếu, xét nghiệm phổi, phương pháp điện tâm đồ, xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính (CT), xét nghiệm Tensilon.
4. Điều trị bệnh nhược cơ như thế nào?
Điều trị bệnh nhược cơ bằng thuốc
Sau khi đã chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ tổn thương ở người bệnh, có thể bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc lâu dài. Với sự điều trị thích hợp hiện nay thì phần lớn người bệnh nhược cơ có thể có cuộc sống cơ bản bình thường và cải thiện tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, với phương pháp này thì đa số người bệnh sẽ phải uống thuốc ức chế miễn dịch trong nhiều năm, hoặc thậm chí không xác định được thời gian và việc sử dụng thuốc cũng tồn tại nguy cơ mắc phải tác dụng phụ. Trên thực tế, không có thuốc đặc trị để điều trị bệnh nhược cơ mà các loại thuốc được bác sĩ chỉ định chỉ có thể làm giảm triệu chứng và bớt khó chịu cho người bệnh. Chúng bao gồm: Neostigmine, Pyridostigmine, Prednisone, Azathioprine, Cyclosporine hoặc Mycophenolate Mofetil...
Trong trường hợp người bệnh có cơ suy yếu nặng và gặp khó khăn trong việc hô hấp thì có thể được dùng các thiết bị hỗ trợ.
Tách kháng thể khỏi huyết tương và dùng immunoglobulin liều cao
Tách kháng thể khỏi huyết tương và dùng immunoglobulin liều cao để điều trị bệnh nhược cơ cũng là một trong những phương pháp điều trị có thể sử dụng. Ở liệu pháp này, các tế bào hồng cầu và bạch cầu của người bệnh sẽ được tách ra khỏi huyết tương và sau đó các tế bào máu không có huyết tương sẽ được truyền trở lại vào trong cơ thể.
Đối với liệu pháp dùng immunoglobulin liều cao để điều trị thì bác sĩ tiêm protein vào tĩnh mạch với số lượng nhỏ, nếu như có phát hiện khối u do bệnh nhược cơ gây ra thì sẽ tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ khối u này.
Ngoài ra, trong phác đồ điều trị bệnh nhược cơ cũng không thể thiếu các bài tập vật lý trị liệu giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng cho người bệnh.
Thay đổi thói quen sinh hoạt và phong cách sống
Hành động này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đóng góp rất nhiều trong việc nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhược cơ, hạn chế diễn tiến của bệnh. Người bệnh cần:
- Thực hiện thăm khám đúng lịch để theo dõi hiệu quả điều trị cũng như tình trạng sức khỏe;
- Thực hiện nghiêm chỉnh chỉ dẫn của bác sĩ trong việc dùng thuốc, không được tự ý sử dụng và tự ý dừng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ;
- Cố gắng cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc;
- Chăm chỉ tập vật lý trị liệu để giúp cơ bắp rắn chắc hơn;
- Tìm đồ ăn phù hợp trong trường hợp gặp khó khăn khi nuốt;
- Tránh bị áp lực hoặc căng thẳng, tránh hút thuốc và đến nơi khói bụi.
Tóm lại, điều trị bệnh nhược cơ là một quá trình dài, hiệu quả ra sao phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp điều trị và sự tuân thủ phác đồ điều trị của người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có các phương pháp điều trị bệnh nhược cơ hiệu quả, căn cứ trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Đội ngũ bác sĩ Vinmec được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm trong khám chữa các bệnh lý tại thần kinh - cơ; trang thiết bị y tế hiện đại, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, giúp người bệnh có trải nghiệm y tế yên tâm nhất khi lựa chọn điều trị tại Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.