Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chấn thương cơ gân kheo thường có nguyên nhân từ sự co nhanh hoặc lực căng quá mạnh của các nhóm cơ gân kheo. Đây là một loại chấn thương tương đối phổ biến và gây đau đớn dữ dội cho bệnh nhân. Thông thường, chấn thương cơ gân kheo sẽ xảy ra khi hoạt động thể thao quá, tai nạn đột ngột...
1. Tìm hiểu về chấn thương cơ gân kheo
Cơ gân kheo (tiếng Anh là hamstring) là một loại nhóm cơ đặc biệt, là cầu nối giữa xương ngồi với xương cẳng chân, vì vậy vùng cơ này có tác dụng trong việc gập gối hay ưỡn hông về phía sau.
Chấn thương cơ gân kheo còn được gọi là “cơ kéo” hay chấn thương gân kheo, là khái niệm biểu thị tình trạng căng cơ quá mức hay thậm chí là bị rách. Đây là loại chấn thương khá phổ biến trong nhiều hoạt động có liên quan đến chạy nhảy hoặc cũng có thể xảy ra nếu bạn căng cơ quá mức do hoạt động nào đó.
Chấn thương gân kheo hiện nay được phân loại dựa trên tình trạng và mức độ kéo căng cơ bắp, bao gồm:
- Cấp độ 1: Bị căng cơ và có vết rách nhỏ.
- Cấp độ 2: Bệnh nhân bị rách một phần của cơ căng.
- Cấp độ 3: Tình trạng căng cơ diễn biến nghiêm trọng, cơ bắp hoàn toàn bị rách và cần phải phẫu thuật để khắc phục tình trạng này.
2. Triệu chứng của chấn thương gân kheo
Chấn thương gân kheo có những triệu chứng rất rõ ràng, bao gồm:
- Đau ở phía sau chân mỗi khi tập thể dục hay đi lại, không thể chạy nhảy bình thường.
- Cứng cơ.
- Khu vực chấn thương bị sưng hoặc bầm tím.
- Bệnh nhân khó khăn khi duỗi chân hoặc co chân.
3. Tình huống nào dễ gây ra chấn thương cơ gân kheo?
Chấn thương cơ gân kheo là chấn thương xảy ra khi cơ bắp bị co hoặc giãn mạnh. Vì vậy, tình huống dễ dẫn đến các chấn thương này thường có liên quan đến các hoạt động chạy nhảy hay chấn thương trong thể thao, bao gồm:
- Chạy bộ.
- Tham gia các môn thể thao như điền kinh, bóng đá, khiêu vũ, trượt băng, bóng rổ, cử tạ...
- Xoạc chân bị đau.
Các hoạt động này sẽ bị kéo căng quá mức. Khi tình trạng này kéo dài, cơ sẽ dần bị đứt hoặc rách, gây ra chấn thương cơ gân kheo. Tình trạng chấn thương gân kheo có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng có thể làm tăng nguy cơ của chấn thương gân kheo:
- Tuổi tác: người lớn tuổi thường có nguy cơ cao bị chấn thương cơ gân kheo hơn.
- Đã từng bị chấn thương tương tự trước đó.
- Dây thần kinh vùng lưng dưới bị chèn ép.
- Thường xuyên hoạt động thể thao quá mức.
- Hay mệt mỏi, sức khỏe kém...
- Cơ bắp thiếu sự cân bằng hoặc cơ kém linh hoạt, khiến vùng cơ bắp không thể chịu đầy đủ lực tác động của hoạt động nhất định, dẫn đến căng cơ và chấn thương cơ gân kheo.
4. Phương pháp điều trị chấn thương gân kheo
Hầu hết các chấn thương gân kheo ở mức độ nhẹ đến bình thường đều có thể tự khỏi nếu như bạn chăm sóc đúng cách. Để thúc đẩy giai đoạn hồi phục chấn thương, một số phương pháp sau được các bác sĩ khuyến nghị.
- Để chân nghỉ ngơi: Trong thời gian chấn thương, bệnh nhân cần hạn chế đặt trọng lượng trên chân. Đối với những cơn đau nghiêm trọng, bệnh nhân nên dùng nạng khi di chuyển.
- Chườm đá: Bệnh nhân có thể sử dụng túi đá lạnh để chườm lên khu vực đau sưng trên cơ bị kéo. Điều này sẽ xoa dịu bớt cơn đau và khó chịu. Mỗi lần nên chườm khoảng 20 – 30 phút hoặc đến khi cơn đau đã dịu bớt.
- Dùng thuốc giảm đau – thuốc kháng viêm: Một số loại thuốc kháng viêm không chứa steroid như Ibuprofen hay Naproxen sẽ hỗ trợ giảm đau sưng. Tuy nhiên, các loại thuốc này sẽ có một số tác dụng phụ nhất định, đặc biệt là có thể làm tăng nguy cơ loét hoặc chảy máu tại vùng chấn thương. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian ngắn, trừ khi có chỉ định khác từ bác sĩ.
- Tập vật lý trị liệu: Bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu có thể khuyến khích bệnh nhân thực hiện các bài tập kéo cơ để hỗ trợ bảo vệ cơ và chống lại các chấn thương mới.
- Phẫu thuật: Nếu như chấn thương cơ gân kheo của bạn ở mức độ nghiêm trọng, căng cơ quá mức khiến cơ bắp bị rách, bạn cần phải trải qua phẫu thuật để sửa chữa và nối lại cơ bắp.
5. Điều chỉnh chế độ sinh hoạt để hạn chế diễn tiến của chấn thương
Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ gân kheo, bệnh nhân cần có một số chú ý trong sinh hoạt hàng ngày để hạn chế sự trở nặng của chấn thương, bao gồm:
- Tạm ngừng bất kì hoạt động nào có khả năng gây đau tại vùng chấn thương đến khi bác sĩ cho phép hoạt động bình thường.
- Tăng cường sự phát triển của vùng cơ bắp ở đùi, lưng dưới, xương chậu... bằng các bài tập vật lý trị liệu để đảm bảo sự cân bằng cơ bắp trước và sau tổn thương.
6. Phòng ngừa chấn thương cơ gân kheo như thế nào?
Để phòng tránh chấn thương ở cơ gân kheo, bạn cần có một số chú ý sau đây:
- Trước bất kì hoạt động thể chất nào cũng cần phải làm nóng và làm căng cơ trước khi thực hiện.
- Cần có sự tăng dần về hoạt động mỗi ngày, nhưng không được phép tăng cao. Theo khuyến cáo, mức độ tăng cường hoạt động thể chất sau một tuần không nên nhiều hơn 10%.
- Khi cảm thấy đau nhức mặt sau của đùi, cần phải ngừng động tác ngay.
Có thể nói, chấn thương cơ gân kheo hầu hết đều có thể tự chữa khỏi. Tuy dễ xuất hiện trong nhiều tình huống hàng ngày, nhưng loại chấn thương này không quá nguy hiểm. Để phòng ngừa chấn thương, bạn nên thực hiện đầy đủ và đúng kỹ thuật các bước trong quá trình tập thể thao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.