Viêm khớp ở người trẻ tuổi có thể do các yếu tố giới tính, di truyền, cân nặng góp phần gây nên. Người trẻ thường không phát hiện bản thân mắc bệnh viêm khớp do thông thường, nhiều người nghĩ rằng viêm khớp chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về tình trạng này bao gồm: các loại bệnh phổ biến, triệu chứng và cách điều trị.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Đào Thị Trang - Bác sĩ Nội cơ xương khớp thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Tổng quan viêm khớp ở người trẻ tuổi
Viêm khớp là một nhóm hơn 100 bệnh gây viêm và đau khớp cấp tính và mãn tính khác nhau. Hầu hết các loại viêm khớp, bao gồm cả thoái hóa khớp, thường gặp hơn ở người từ độ tuổi trung niên trở lên. Nhưng thực tế, viêm khớp cũng có thể xảy ra ở thanh thiếu niên, các triệu chứng của bệnh có thể bắt đầu sớm ở độ tuổi rất trẻ. Việc chẩn đoán chính xác sẽ giúp bệnh nhân có thể điều trị hiệu quả hơn.
Một số yếu tố làm tăng khả năng phát triển viêm khớp ở người trẻ tuổi bao gồm giới tính, yếu tố di truyền và thừa cân. Việc chẩn đoán viêm khớp ở người trẻ tuổi thường gặp nhiều khó khăn và hầu hết các dạng viêm khớp hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau giúp người mắc viêm khớp có thể sống một cuộc sống trọn vẹn và năng động hơn.
2. Các loại viêm khớp ở người trẻ tuổi
Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau. Một số loại phổ biến nhất bao gồm:
2.1 Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis - RA)
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn mãn tính chủ yếu ảnh hưởng đến khớp và đôi khi là các cơ quan nội tạng. RA xảy ra khi hệ thống miễn dịch, thường giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và bệnh tật lại tấn công các mô của chính nó. Bệnh gây đau, sưng, cứng khớp và mất chức năng ở khớp.
Một nghiên cứu năm 2017 trên những người mắc RA cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là 0,41-0,54% dân số trưởng thành. Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi và bệnh thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới.
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người trẻ tuổi mắc RA có thể có nguy cơ mắc các bệnh mạch máu não (CVD) như đột quỵ và bệnh động mạch vành cao hơn. Nguy cơ mắc CVD hoặc bệnh động mạch vành cao gấp 2,35 lần ở những người trẻ tuổi mắc viêm khớp dạng thấp.
2.2 Thoái hoá khớp
Thoái hóa khớp (OA) là dạng viêm khớp phổ biến nhất, là kết quả của sự hao mòn sụn khớp - lớp đệm bảo vệ các đầu xương. Bất kỳ yếu tố nào làm tăng áp lực lên khớp, chẳng hạn như chơi các môn thể thao tác động mạnh hoặc thừa cân, đều có thể làm tăng nguy cơ mắc OA. Điều này xảy ra ở cả người lớn tuổi và thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, do khởi phát từ quá trình hao mòn khớp theo thời gian, OA thường gặp ở người lớn tuổi hơn thanh thiếu niên. Một đánh giá vào năm 2020 dựa trên 88 nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh thoái hoá khớp gối trên toàn cầu là 16% đối với người trên 15 tuổi và 22,9% ở những người trên 40 tuổi.
2.3 Viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA)
Viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA) xuất hiện ở cả trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh có nhiều dạng, trong đó phổ biến nhất là viêm đa khớp hệ thống tự phát ở tuổi thiếu niên, một dạng của viêm khớp dạng thấp (RA).
Mặc dù đôi khi JIA có thể tự khỏi nhưng bệnh cũng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy, 46% bệnh nhân JIA vẫn bị viêm khớp cho đến tuổi trưởng thành và hầu hết bệnh nhân đều cần dùng thuốc. Chỉ có 33% bệnh nhân thuyên giảm được tình trạng bệnh và không cần dùng thuốc chống thấp khớp.
2.4 Gout
Gout là một dạng viêm khớp do lắng đọng các tinh thể urat, là sản phẩm chuyển hóa của quá trình phân hủy purin trong cơ thể. Nồng độ acid uric trong máu tăng cao chính là yếu tố gây ra bệnh gout. Một số bệnh lý khác như suy thận và suy tim cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Gout thường gặp hơn ở người lớn tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra ở thanh niên. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy khoảng 3,2% người trưởng thành đã từng trải qua cơn đau do gout gây nên. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng gout có thể là một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch ở những người dưới 40 tuổi.
3. Triệu chứng viêm khớp ở người trẻ tuổi
Triệu chứng của viêm khớp ở người trẻ tuổi đa dạng và thay đổi tùy theo từng loại. Tuy nhiên, đặc điểm chung của tất cả các loại viêm khớp là đau nhức mãn tính, đặc biệt ở các khớp.
- Một số triệu chứng khác bao gồm:
- Đau, sưng hoặc đỏ rát gần khớp.
- Gặp khó khăn khi di chuyển.
- Căng cứng ở vùng gần khớp.
- Mệt mỏi (thiếu năng lượng) hoặc yếu ớt.
- Suy nhược.
- Sốt.
4. Điều trị viêm khớp ở người trẻ tuổi
Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại viêm khớp mà người bệnh mắc phải. Ví dụ, thuốc làm giảm acid uric có thể giúp giảm đau do bệnh gout. Tuy nhiên, nhìn chung các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Thay đổi lối sống: Một số thay đổi, chẳng hạn như bỏ thuốc lá, có thể giúp loại bỏ các yếu tố làm tình trạng viêm khớp trở nên trầm trọng hơn. Duy trì cân nặng hợp lý có thể giảm áp lực lên các khớp, trong khi chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng có thể làm giảm tình trạng viêm.
- Thuốc chống viêm và giảm đau không opioid: Những loại thuốc này có thể giúp kiểm soát các cơn bùng phát và giảm đau.
- Thuốc điều chỉnh bệnh: Đây là những loại thuốc có thể làm giảm viêm và làm chậm tiến triển của viêm khớp.
- Tập thể dục: Tập thể dục có thể giúp giảm đau do viêm khớp.
Viêm khớp ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, kể cả người trẻ tuổi. Chính vì thế, mọi người cần chú ý đến sức khoẻ của mình nhiều hơn, xây dựng chế độ ăn lành mạnh kết hợp với tập luyện thể dục thể thao, thường xuyên kiểm tra sức khỏe cơ xương khớp định kỳ để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống từ khi còn trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.