Viêm khớp dạng thấp ở bàn tay ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh?

Viêm khớp dạng thấp ở bàn tay gây đau nhức và làm sưng các khớp trên bàn tay. Bệnh gây ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày của bệnh nhân và làm giảm chất lượng cuộc sống.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Đào Thị Trang - Bác sĩ Nội cơ xương khớp thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Viêm khớp dạng thấp (RA) là gì?  

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm mãn tính, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào lớp màng hoạt dịch khớp. Mặc dù RA có thể ảnh hưởng đến các khớp và các cơ quan trên toàn cơ thể, nhưng nó thường tấn công các khớp nhỏ hơn trước tiên. Đặc biệt là các khớp ở bàn tay và cổ tay cũng như các khớp ở bàn chân.

2. Viêm khớp dạng thấp ở bàn tay có cảm giác như thế nào?

Bệnh viêm khớp dạng thấp ở bàn tay gây đau nhức và làm sưng xung quanh các khớp bị ảnh hưởng. Bệnh nhân thường cảm thấy cứng khớp và đau nhiều hơn vào buổi sáng, tình trạng này có thể kéo dài ít nhất 30 phút hoặc hơn.  

Ngoài đau và sưng, bệnh còn ảnh hưởng đến chức năng và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Cụ thể:

  • Khó sử dụng các ngón tay, giảm sự khéo léo của bàn tay.
  • Không thể uốn cong hoặc duỗi thẳng các khớp bị ảnh hưởng.
  • Giảm sức mạnh và có thể gây lỏng dây chằng và gân ở tay dẫn đến dị tật bàn tay vĩnh viễn. 
Không thể uốn cong hoặc duỗi thẳng các khớp bị ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp ở bàn tay.
Không thể uốn cong hoặc duỗi thẳng các khớp bị ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp ở bàn tay.

3. Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến bàn tay như thế nào?

3.1 Màng hoạt dịch và các tác động của viêm

Nhiều khớp trong bàn tay và cổ tay được bao phủ bởi màng hoạt dịch, có tác dụng bôi trơn giúp khớp di chuyển dễ dàng. Khi bệnh nhân mắc phải viêm khớp dạng thấp, màng hoạt dịch bị viêm, trở nên dày hơn và sản xuất quá nhiều dịch khớp. Chất lỏng dư thừa này cùng với các hóa chất gây viêm từ hệ thống miễn dịch tiết ra sẽ gây sưng tấy, làm tổn thương sụn và  xương trong khớp.

3.2 Bàn tay biến dạng và mất sự linh hoạt

Dây chằng có tác dụng kết nối các xương, còn gân là bộ phận liên kết giữa cơ và xương. Ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, các mô có thể bị sưng và làm căng dây chằng xung quanh, dẫn đến bàn tay bị biến dạng và mất sự linh hoạt. Trong khi đó, tình trạng viêm cũng có thể làm suy yếu và hỏng gân tay.

3.3 Những tác động cụ thể đến bàn tay và cổ tay khác

Bệnh viêm khớp dạng thấp ở bàn tay thường tập trung ở các khớp cổ tay và ngón tay. Cụ thể, khớp MCP (khớp bàn đốt), khớp PIP (khớp liên đốt gần) là những điểm chính bị ảnh hưởng. Đốt ngón tay đầu tiên ở gần móng nhất (khớp liên đốt xa - DIP) thường không bị viêm khớp dạng thấp.  

Trong khi đó, viêm khớp dạng thấp ở vị trí cổ tay thường ảnh hưởng đến khớp giữa hai xương cẳng tay, xương quay và xương trụ. 

Viêm khớp dạng thấp gây ra nhiều ảnh hưởng đến tay và cổ tay.
Viêm khớp dạng thấp gây ra nhiều ảnh hưởng đến tay và cổ tay.

Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy, 94% trường hợp viêm khớp dạng thấp xuất hiện ít nhất một triệu chứng ở tay hoặc cổ tay, 67% trường hợp suy yếu ít nhất 1 bộ phận của bàn tay.

4. Một số tình trạng do viêm khớp dạng thấp ở bàn tay gây ra

4.1 Hội chứng ống cổ tay

RA có thể gây sưng và viêm ở cổ tay, chèn ép dây thần kinh giữa và dẫn đến hội chứng ống cổ tay, gây ngứa ran, tê hoặc yếu ở bàn tay và cánh tay.

4.2 Biến dạng lệch trụ (Ulnar drift)

Tình trạng này xảy ra khi xương đốt ngón tay lớn bị sưng và tổn thương, dẫn đến ngón tay bắt đầu uốn cong bất thường và lệch sang một bên, hướng về xương trụ ở cẳng tay.

4.3 Biến dạng cổ thiên nga

Khớp ngón gần cong về phía sau nhiều hơn bình thường (hoặc duỗi thẳng quá mức) trong khi khớp ngón xa bị uốn cong, tạo thành hình dạng giống cổ thiên nga.

4.4 Biến dạng ngón tay thùa khuyết - Boutonniere

Khớp ở giữa ngón tay bị cong vào trong (hướng lòng bàn tay) và khớp ngón tay trên - khớp gần đầu ngón tay nhất, duỗi thẳng ra ngoài (hướng ra xa lòng bàn tay).

4.5 Ngón tay cái linh hoạt - Hitchhiker

Đốt ngón tay cái lớn uốn cong một cách bất thường trong khi đốt ngón trên lại duỗi quá mức, giống như hình chữ Z.

4.6 Các nốt thấp khớp

Một số người mắc RA có thể xuất hiện các nốt sần dưới da (gọi là nốt thấp khớp), thường xuất hiện ở xung quanh ở khớp ngón tay và cổ tay.

4.7 Ngón tay cò súng

Ngón tay cò súng xảy ra khi lớp bảo vệ hoặc lớp lót bao quanh gân bị kích thích và viêm, làm ảnh hưởng đến chuyển động trượt bình thường của gân. Ngón tay có thể uốn cong hoặc duỗi thẳng chỉ bằng một cú búng tay - giống như cò súng được kéo và thả ra.Trong trường hợp nghiêm trọng, ngón tay của bệnh nhân có thể bị khóa ở tư thế cong.

5. Cách điều trị viêm khớp dạng thấp ở bàn tay

5.1 Tuân thủ kế hoạch điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp theo chỉ định

Việc giảm tình trạng viêm ngoài tầm kiểm soát trong cơ thể là điểm cốt lõi trong quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp ở bàn tay. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thời gian mắc bệnh, bác sĩ chuyên khoa y tế có thể kê đơn kết hợp nhiều loại thuốc.  

Tùy vào trường hợp của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê các đơn thuốc khác nhau.
Tùy vào trường hợp của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê các đơn thuốc khác nhau.

Các loại thuốc thường được kê đơn bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Bao gồm: ibuprofen hoặc naproxen hoặc các loại thuốc kê đơn khác. Những loại thuốc này được sử dụng để giảm đau khớp nhẹ và giảm viêm nhưng không có tác dụng ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.  
  • Nhóm thuốc Glucocorticoid: Gồm có prednisone cùng nhiều loại thuốc khác, có tác dụng giúp giảm viêm nhanh chóng và thường được kê đơn khi bùng phát bệnh. Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên bệnh nhân nên sử dụng cẩn thận, tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.  
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): Nhằm giải quyết tình trạng viêm toàn thân. DMARD có hiệu quả tốt trong việc làm chậm và ngăn chặn quá trình viêm gây phá hủy khớp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe