Dị ứng nổi mẩn đỏ là hiện tượng da xuất hiện các nốt phát ban đỏ kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu, các nốt có thể rải rác hoặc tập trung thành mảng. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về những nguyên nhân phổ biến nhất gây nổi mẩn ngứa khắp người.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Dị ứng nổi mẩn đỏ có thể do nguyên nhân nào?
Mặc dù dị ứng nổi mẩn đỏ thường tự thuyên giảm mà không cần điều trị phức tạp nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Do đó, việc xác định nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa khắp người là rất quan trọng để có biện pháp điều trị phù hợp, đặc biệt khi cơn ngứa trở nên dai dẳng, tái phát hoặc kèm theo các triệu chứng toàn thân khác.
Một số nguyên nhân phổ biến gây dị ứng nổi mẩn đỏ được liệt kê như sau:
1.1 Viêm da cơ địa (Bệnh chàm)
Viêm da cơ địa (bệnh chàm) biểu hiện bằng tình trạng ban dát sẩn kèm mụn nước nhỏ li ti, thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ em nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn tuổi. Vị trí tổn thương thay đổi theo độ tuổi. Ngứa là triệu chứng điển hình, khiến người bệnh thường xuyên gãi và hình thành các tổn thương da thứ phát.
Phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm kem bôi steroid giảm viêm và kem dưỡng ẩm bảo vệ da. Trường hợp da bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng sinh.
1.2 Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc có hai dạng chính: viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc kích ứng. Biểu hiện lâm sàng là da xuất hiện ban đỏ dạng dát sẩn, kèm theo mụn nước hoặc bọng nước tại vị trí tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc dị ứng. Điểm đặc trưng là ban có ranh giới rõ ràng và trong một số trường hợp, ban đỏ có thể lan rộng ra vùng da lân cận.
Dưỡng ẩm da và tắm bột yến mạch có thể giúp làm dịu cũng như kiểm soát triệu chứng nổi mẩn ngứa. Đối với trường hợp mẩn ngứa nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi xuất hiện trên mặt hoặc xảy ra trong thời gian dài, bệnh nhân cần bôi kem steroid tại chỗ hoặc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm bớt các triệu chứng. Để dự phòng các đợt mẩn ngứa tái phát trong tương lai, điều quan trọng là bệnh nhân cần xác định và tránh các tác nhân gây mẩn ngứa.
1.3 Bệnh vảy nến
Theo các bác sĩ da liễu, nguyên nhân chính gây bệnh vảy nến là do sự rối loạn tự miễn làm phá vỡ chu kỳ bình thường của tế bào da. Hệ thống miễn dịch hoạt động không đúng cách khiến tế bào da tăng sinh quá nhanh, dẫn đến hình thành các mảng vảy dày sừng, đỏ, bong tróc nhiều lớp. Bệnh vảy nến có tính di truyền và không lây nhiễm. Do đó, không thể lây bệnh vảy nến từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp.
Vị trí và hình dạng của các mảng vảy nến thay đổi tùy theo loại bệnh. Bệnh vảy nến thể mảng là dạng phổ biến nhất (chiếm 90% trường hợp), thường xuất hiện các mảng màu hồng hoặc đỏ đối xứng ở khuỷu tay, đầu gối và da đầu. Những mảng này thường có nhiều lớp vảy trắng, dễ bong tróc.
Bên cạnh thể mảng phổ biến, vảy nến còn có thể biểu hiện qua các nốt sần và mảng đỏ trên bề mặt da, được gọi là vảy nến thể giọt. Một số trường hợp nặng nề hơn có thể gặp như vảy nến thể đỏ da toàn thân (ảnh hưởng đến phần lớn cơ thể) hoặc vảy nến thể mủ với các mụn nước chứa mủ, tuy nhiên tình trạng này ít phổ biến hơn.
Bệnh vảy nến không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý và thể chất do phát ban ngứa mà còn gây ra các biến chứng khác như viêm khớp vảy nến ở 30% bệnh nhân. Biến chứng này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh viêm ruột và hội chứng chuyển hóa.
1.4 Mày đay
Nổi mề đay, hay còn gọi là mày đay, là một kiểu nổi ban ngứa, biểu hiện của phản ứng da liễu do cơ thể giải phóng histamin. Phản ứng này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như:
- Dị ứng thực phẩm (như đậu phộng, các loại hạt, hải sản). Dị ứng nổi mẩn đỏ khi tiêu thụ thực phẩm xảy ra do hệ miễn dịch nhầm lẫn protein trong thực phẩm là tác nhân có hại, từ đó sản sinh ra lượng lớn kháng nguyên IgE. Điều này dẫn đến các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa ngáy trong cổ họng, nổi mẩn đỏ, chảy nước mắt, ngứa mũi,...
- Dị ứng thuốc (kháng sinh, NSAID). Ở mức độ nhẹ, các triệu chứng thường tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, dị ứng nặng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm như khó thở, nổi mẩn đỏ lan rộng, phù mạch (phù Quincke),... đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Do côn trùng cắn.
- Tác động vật lý (ánh nắng mặt trời, trời nóng hoặc lạnh, áp lực).
- Nhiễm trùng.
Mặc dù đa số trường hợp nổi mề đay sẽ tự thuyên giảm trong vài ngày nhưng một số người có thể phải đối mặt với tình trạng mãn tính kéo dài nhiều tháng. Trong những trường hợp cấp tính, thuốc kháng histamin được xem như giải pháp hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng ngứa và khó chịu.
1.5 Rôm sảy
Rôm sảy là tình trạng da nổi mẩn đỏ kèm ngứa, viêm, do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Thông thường, rôm sảy không cần điều trị y tế và sẽ tự khỏi, đặc biệt là khi bệnh nhân ở nơi có khí hậu mát.
1.6 Thủy đậu
Dấu hiệu nổi bật của bệnh thủy đậu là phát ban sau đó mọc thành từng nốt mụn nước gây ngứa, cuối cùng sẽ đóng vảy. Do khả năng lây lan cao, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác cho đến khi không còn mụn nước mới xuất hiện và tất cả các mụn nước cũ đã đóng vảy. Việc sử dụng thuốc kháng histamin có thể giúp giảm bớt cảm giác ngứa.
1.7 Bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi (thuộc họ Paramyxoviridae) gây ra. Bệnh dễ nhận biết bởi các nốt phát ban sần, màu sẫm, nổi gồ trên da. Tuy nhiên, trước khi phát ban xuất hiện, người bệnh có thể có các triệu chứng khác như sốt, đốm trắng trong miệng và chảy nước mũi.
1.8 Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gây sốt, đau họng, lở miệng và nổi mẩn ngứa hoặc đau trên bàn tay, bàn chân hoặc cả hai. Virus lây truyền qua chất tiết ở mũi và họng, phân, hoặc vảy và mụn nước của người bệnh.
1.9 Nhiễm trùng
Nhiễm trùng có thể gây dị ứng nổi mẩn đỏ ở nhiều vị trí trên cơ thể. Hắc lào, bệnh nhiễm trùng do nấm gây ra, biểu hiện bằng các ban ngứa hình đồng xu, có màu đỏ hoặc nâu với viền nhô cao. Nấm da chân, do nấm dermatophyte gây ra, xuất hiện ở da bàn chân nhưng có thể lây lan sang các bộ phận khác. Cả hai bệnh đều cần điều trị bằng kem chống nấm, đôi khi cần kết hợp thuốc uống.
1.10 Bệnh lý tiềm ẩn
Da bị dị ứng nổi mẩn đỏ ngứa có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn bên trong cơ thể, bao gồm:
- Rối loạn chức năng gan: Khi gan hoạt động kém hiệu quả, độc tố không thể được đào thải ra ngoài, tích tụ trong cơ thể dẫn đến ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ trên da giống như nốt muỗi đốt.
- Nhiễm giun sán: Ấu trùng giun sán di chuyển đến ống mật gây tắc nghẽn, khiến độc tố lưu lại cơ thể. Hệ miễn dịch phản ứng quá mức với chất độc, dẫn đến da nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy.
- Rối loạn tuyến giáp: Chức năng tuyến giáp bị ảnh hưởng dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường đạm, mất cân bằng điện giải. Hệ miễn dịch kích hoạt phản ứng quá mức, gây ra mẩn đỏ trên da giống như muỗi đốt.
2. Nên làm gì khi da bị dị ứng nổi mẩn đỏ ngứa?
Mặc dù da bị dị ứng nổi mẩn đỏ ngứa thường không nguy hiểm, nhưng nếu nổi mẩn đỏ do nguyên nhân bệnh lý và không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng da, khó thở, sốc phản vệ và tụt huyết áp đột ngột.
Để đề phòng các biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ ngay nếu gặp các dấu hiệu sau:
- Ban đỏ không chỉ khiến cơn ngứa ngày càng lan rộng mà còn gây đau rát, khó chịu.
- Ban đỏ ngứa kèm theo các triệu chứng khác: Sưng đỏ, sốt, nổi bóng nước, xuất huyết, đau khớp,...
- Ban đỏ khiến bệnh nhân ngứa ngáy khó ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Dị ứng nổi mẩn đỏ ngứa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và cách điều trị cũng tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Một số trường hợp có thể tự khỏi, như mẩn ngứa do tiếp xúc. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp kéo dài dai dẳng, thậm chí suốt đời, ví dụ như bệnh vảy nến.
Nổi mẩn ngứa có thể là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Chính vì thế, nếu bị nổi mẩn ngứa dai dẳng hoặc không rõ nguyên nhân, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.