Dị ứng thực phẩm là một tình trạng dị ứng cực kỳ phổ biến và ảnh hưởng tới khoản 5% người trưởng thành và 3% trẻ em và con số này đang tăng dần lên qua thời gian. Bất kì loại thực phẩm nào cũng có khả năng gây ra dị ứng nhưng đa số các trường hợp thì 8 loại thực phẩm sau đây là phổ biến nhất. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết những thực phẩm dễ gây dị ứng thông qua bài viết này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dị ứng thực phẩm là gì?
Dị ứng thực phẩm hay dị ứng thức ăn là tình trạng cơ thể có các phản ứng không tốt với thức ăn thông qua hệ miễn dịch. Điều này có nghĩa là hệ miễn dịch sẽ xác định một vài loại protein có trong thực phẩm là tác nhân gây hại. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ thực hiện quá trình đáp ứng miễn dịch và giải phóng các chất trung gian miễn dịch, phổ biến nhất là histamin.
Đối với người bệnh, chỉ cần tiếp xúc một lượng nhỏ thực phẩm gây dị ứng là có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Những triệu chứng dị ứng này có thể xuất hiện sau vài phút hoặc vài giờ, bao gồm:
- Phù mặt, lưỡi hoặc miệng.
- Khó thở.
- Hạ huyết áp.
- Nôn mửa.
- Tiêu chảy.
- Nổi mề đay.
- Mẩn ngứa trên cơ thể.
Trong các trường hợp nặng, dị ứng thực phẩm có thể gây ra sốc phản vệ. Các triệu chứng dị ứng lúc này sẽ xuất hiện và tiến triển nhanh chóng. Có thể kể đến như mẩn ngứa, phù họng và lưỡi, khó thở hoặc hạ huyết áp. Tình trạng sốc phản vệ có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không dung nạp thực phẩm nhưng bị nhầm lẫn thành dị ứng. Không dung nạp thực phẩm là tình trạng không hề liên quan tới hệ miễn dịch của người bệnh. Vì thế, dù tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại không có nguy hiểm gì tới tính mạng.
Nhìn chung, tình trạng dị ứng thức ăn có thể chia thành hai loại chính:
- Dị ứng IgE.
- Dị ứng không IgE.
IgE là một loại kháng thể có trong protein và máu, có vai trò nhận diện và chống lại tình trạng nhiễm khuẩn. Nếu người bệnh mắc dị ứng IgE, các kháng thể này sẽ được cơ thể giải phóng ra. Khi mắc dị ứng không IgE, các kháng thể này không xuất hiện và thay vào đó là các thành phần khác.
2. Tám loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất
2.1 Sữa bò
Sữa bò là nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ảnh hưởng tới khoảng 2-3% số trẻ em dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, phần lớn trẻ bị dị ứng sữa bò sẽ có thể dung nạp được sữa bò sau 3 tuổi.
Tình trạng dị ứng sữa bò có thể xuất hiện ở cả hai dại dị ứng IgE và dị ứng không IgE. Tuy nhiên, dị ứng sữa bò IgE phổ biến hơn và cũng có nguy cơ tiến triển nặng hơn.
Các trường hợp dị ứng sữa bò, IgE thường xuất hiện các dấu hiệu dị ứng sau vài phút đến vài giờ kể từ khi tiêu thụ sữa. Các triệu chứng này bao gồm: phù nề, nổi mẩn đỏ hoặc mề đay và nôn mửa. Trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị sốc phản vệ do dị ứng sữa bò.
Nếu trẻ bị dị ứng sữa bò không IgE sẽ xuất hiện các dấu hiệu về tiêu hoá như nôn mửa, táo bón, tiêu chảy hoặc viêm ruột. Đây là một tình trạng khá khó để chẩn đoán vì các triệu chứng tương tự như không dung nạp.
Nếu bị dị ứng sữa bò, trẻ cần được chuyển sang sữa thuỷ phân hoàn toàn nhằm thay thế cho sữa bò và các chế phẩm từ sữa như:
- Sữa tươi.
- Bột sữa.
- Phô mai.
- Bơ.
- Dầu thực vật.
- Sữa chua.
- Kem.
Bên cạnh đó, các bà mẹ đang cho con bú có thể cần phải loại bỏ sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò nếu con mình mắc phải tình trạng này.
2.2 Trứng
Trứng là thực phẩm đứng thứ hai trong danh sách 8 loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất và cũng rất dễ gặp ở trẻ em. Dù hầu hết trẻ bị dị ứng trứng khi lớn lên đều có thể hấp thụ trứng bình thường nhưng một số trẻ vẫn có thể bị dị ứng trứng trong suốt đời mình.
Một số triệu chứng dị ứng thực phẩm do trứng bao gồm:
- Rối loạn tiêu hoá, có thể kể đến như đau bụng.
- Các phản ứng trên da như mẩn đỏ hoặc nổi mề đay.
- Các vấn đề về hệ hô hấp.
- Sốc phản vệ (hiếm gặp).
Tuy nhiên, dị ứng trứng lại có một điểm đặc biệt: Người bệnh có thể bị dị ứng với lòng đỏ và không bị dị ứng với lòng trắng trứng hoặc ngược lại. Điều này xảy ra là vì trong lòng trắng và lòng đỏ trứng sẽ có các loại protein khác nhau. Tuy nhiên, dị ứng với lòng trắng trứng xảy ra phổ biến hơn.
Để phòng tránh dị ứng trứng, cách tốt nhất là bỏ trứng ra khỏi thực đơn mỗi ngày. Tuy nhiên, khoảng 70% trẻ bị ứng trứng có thể ăn được trứng ở dạng nướng hoặc các loại bánh có trứng vì nhiệt độ cao sẽ làm phá vỡ các cấu trúc protein gây dị ứng. Tuy nhiên, cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ tiêu thụ các loại thực phẩm này.
Cùng với đó, hãy đọc kỹ thành phần trước khi tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm nào. Mặc dù lòng trắng trứng có thể chứa các protein gây ra dị ứng, nhưng nếu bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm với trứng, hãy tránh cả lòng trắng và lòng đỏ. Bởi lẽ, việc tách biệt hoàn toàn hai loại lòng trắng và lòng đỏ là điều khá khó khăn. Không chỉ thế, bệnh nhân nếu bị dị ứng trứng gà cũng cần tránh tiêu thụ các loại trứng động vật khác vì có thể gây phản ứng chéo.
2.3 Hạt của những quả có vỏ cứng
Một số loại hạt của các quả có vỏ cứng cũng góp phần khiến bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm. Các loại hạt này bao gồm:
- Hạt quả hạch Brazil.
- Hạt hạnh nhân.
- Hạt mắc ca.
- Hạt điều.
- Hạt dẻ cười.
- Hạt óc chó.
- Hạt thông.
Những bệnh nhân bị dị ứng với các loại quả này cũng bị dị ứng với các chế phẩm từ chúng, ví dụ như bơ hạt hoặc dầu thực vật. Dù cho người bệnh có thể chỉ bị dị ứng với một hoặc hai loại hạt, bệnh nhân vẫn được khuyên nên tránh tất cả các loại hạt khác. Bệnh nhân bị dị ứng bởi một vài loại hạt có khả năng phát triển dị ứng với những loại hạt còn lại.
Dị ứng thực phẩm bởi các loại hạt là một tình trạng rất nghiêm trọng vì có thể gây sốc phản vệ, từ đó đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Tình trạng dị ứng đối với các loại hạt này cũng có thể kéo dài suốt cuộc đời người bệnh.
2.4 Đậu phộng
Dị ứng đậu phộng là một loại dị ứng thực phẩm phổ biến và có thể đe dọa đến tính mạng. Dị ứng đậu phộng được xếp riêng với dị ứng các loại hạt có vỏ cứng, mặc dù nhiều người bị dị ứng đậu phộng cũng có thể dị ứng với các hạt vỏ cứng.
Theo thống kê, dị ứng đậu phộng ảnh hưởng đến khoảng 4 - 8% trẻ em, khoảng 1 - 2% người lớn và thường kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, có khoảng 15 - 22% trẻ em có thể hết dị ứng đậu phộng khi đến tuổi thiếu niên.
Dị ứng bởi đậu phộng có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng vì sốc phản vệ, ngay cả khi chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ. Việc tiếp xúc da thông thường sẽ ít khi gây ra dị ứng nhưng nếu vùng da tiếp xúc chạm vào mắt, mũi hoặc miệng sẽ có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Vì vậy, những bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ với đậu phộng nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về việc mang theo bút tiêm Adrenalin khi di chuyển. Tương tự các loại dị ứng khác, bệnh nhân cần phải loại bỏ đậu phộng khỏi chế độ ăn uống khi bị dị ứng đậu phộng.
2.5 Động vật có vỏ gây dị ứng thực phẩm
Tình trạng dị ứng thực phẩm với động vật có vỏ là tình trạng người bệnh xuất hiện dị ứng trong lúc tiêu thụ các loài giáp xác/nhuyễn thể. Có thể kể đến như:
- Tôm/tôm thương phẩm
- Tôm hùm đất
- Cua
- Mực
- Sò điệp
Tình trạng dị ứng với các loài giáp xác như tôm và cua phổ biến hơn so với dị ứng với động vật thân mềm hoặc hai mảnh vỏ như ngao, sò, bạch tuộc và mực. Các triệu chứng dị ứng với động vật có vỏ thường xuất hiện nhanh chóng và tương tự các triệu chứng dị ứng thực phẩm khác vừa được liệt kê.
Dị ứng động vật có vỏ thường kéo dài suốt đời, nên người bệnh cần loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm này khỏi chế độ ăn uống. Phần lớn những người dị ứng với một nhóm động vật có vỏ cũng sẽ dị ứng với các nhóm khác, vì vậy bệnh nhân cần tránh tất cả loại động vật này.
Nếu muốn tiêu thụ các loại thực phẩm thuộc nhóm này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bệnh nhân cũng cần lưu ý rằng protein từ các loại động vật có vỏ này có thể phát tán trong hơi nước tại khu vực bếp, gây nguy cơ dị ứng cho người bệnh nhạy cảm.
2.6 Lúa mì
Dị ứng với lúa mì ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em, mặc dù khoảng 2/3 trẻ mắc phải sẽ có thể dung nạp lúa mì sau 12 tuổi.
Nhưng, dị ứng lúa mì dễ bị nhầm lẫn với bệnh Celiac vì cả hai đều là phản ứng bất lợi với thực phẩm. Tuy nhiên, nguyên nhân của hai tình trạng này rất khác nhau và dị ứng lúa mì có thể dẫn đến sốc phản vệ, từ đó gây nguy hiểm đến tính mạng.
Người bệnh mắc phải tình trạng này chỉ cần tránh lúa mì trong bữa ăn hàng ngày và vẫn có thể tiêu thụ các loại ngũ cốc khác.
2.7 Đậu nành
Dị ứng đậu nành ảnh hưởng đến khoảng 0,4% trẻ em, chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, 70% số trẻ mắc dị ứng này sẽ tự hết khi lớn lên.
Người bị dị ứng đậu nành thường cũng dễ nhạy cảm với các thực phẩm dễ gây dị ứng khác như đậu phộng, các loại hạt, trứng, sữa hơn là với các loại đậu khác như đậu Hà Lan hay đậu lăng.
Do đậu nành là thành phần phổ biến trong nhiều loại thực phẩm, người bệnh cần đọc kỹ nhãn sản phẩm để loại bỏ hoàn toàn đậu nành khỏi chế độ ăn của mình.
2.8 Cá
Dị ứng thực phẩm với cá cũng khá phổ biến và ảnh hưởng tới khoảng 2% người trưởng thành. Khác với các loại dị ứng khác, dị ứng với cá có thể xuất hiện khi người bệnh đã trưởng thành và có thể đe dọa tới tính mạng.
Những người bệnh bị dị ứng thực phẩm với động vật có vỏ chưa chắc đã dị ứng với cá và ngược lại. Một bệnh nhân có thể bị dị ứng với một hoặc nhiều loại cá khác nhau.
Cá hồi, cá da trơn, cá ngừ và cá tuyết là những loại cá dễ gây dị ứng nhất. Người mắc dị ứng cần tránh ăn cá và các sản phẩm từ cá, đồng thời luôn đọc kỹ bao bì và bảng thành phần của thực phẩm.
Bệnh nhân cũng cần tránh xa các nhà hàng hải sản, tránh chạm vào cá khi đi chợ và tránh xa khu vực nấu nướng vì protein trong cá có thể bay hơi trong nước.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang có Gói khám và tư vấn điều trị viêm da cơ địa dị ứng, qua đó giúp khách hàng đánh giá tổng quan về tình trạng bệnh cũng như tư vấn các biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế dị ứng thực phẩm tái phát.
Khi đăng ký gói khám và tư vấn điều trị, khách hàng sẽ được:
- Khám chuyên khoa da liễu.
- Thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm IgE, vi nấm soi tươi, định lượng IgE đặc hiệu với các dị nguyên hô hấp - thức ăn (Panel 1 Việt)
- Xét nghiệm Rida Allergy Screen (Panel 1)
Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec cung cấp cho người bệnh về dị ứng thực phẩm cũng như các loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất. Hy vọng rằng bệnh nhân đã có được những thông tin cần thiết và có được các biện pháp phòng tránh tình trạng này xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Healthline.com