Cỏ hôi là loại cây mọc hoang phổ biến ở nước ta. Từ lâu, nhân dân ta đã sử dụng loài cây này như một vị thuốc quý để điều trị nhiều loại bệnh như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, băng huyết, viêm họng,...
1. Cây cỏ hôi là gì?
Cỏ hôi hay hay còn gọi là cây cứt lợn, cây bù xít, hoa ngũ vị và có tên khoa học là Ageratum conyzoides L., thuộc họ Cúc - Asteraceae. Cỏ hôi là cây thảo mọc hằng năm, cao khoảng 25-50cm. Cỏ hôi vốn có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ. Cây có lá mọc đối, hình trứng, mép có răng cưa tròn, toàn thân và lá đều có lông, hoa nhỏ, màu tím hay xanh trắng, quả bé và có ba sống dọc, màu đen. Loại cây này có mùi hắc khi vò ra nhưng lại có mùi thơm khi nấu. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, thu hái quanh năm, tốt nhất là vào mùa hè. Sau thu hái cần đem về rửa sạch đất cát, dùng tươi hoặc phơi khô đều được.
Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, đắng, tính mát. có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, sưng.
Thành phần hóa học của cây cỏ hôi ở Việt Nam bao gồm 0,7-2% tinh dầu, carotenoid, phytosterol, tanin, saponin, đường khử, hợp chất uronic. Hàm lượng saponin thô trong thân và lá là 4,7%. Tinh dầu cỏ hôi hơi sánh, có màu vàng nhạt đến vàng nghệ, mùi thơm dễ chịu và có thành phần chủ yếu là ageratochromen, demethoxy ageratochromen.
2. Tinh dầu cỏ hôi trị viêm xoang được không?
Nhiều nghiên cho thấy trong nước ép cây cỏ hôi có chất kháng khuẩn, kháng viêm, chống phù nề, ngoài ra có tinh dầu nên cỏ hôi còn được dùng để xông trong các trường hợp bị viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng. Nhiều bệnh viện tại nước ta như Bệnh viện Phú Thọ, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, Bệnh viện Hai Bà Trưng từ những năm 1970 đã sử dụng các chế phẩm từ cây cỏ hôi để điều trị viêm mũi xoang mạn tính và dị ứng.
Nước ép và tinh dầu cỏ hôi có tác dụng tốt giúp làm giảm ngạt mũi, giảm viêm, giảm tiết dịch, giảm hắt hơi, sổ mũi và nhức đầu. Trong điều trị viêm mũi xoang dị ứng, các chế phẩm có nguồn gốc từ cỏ hôi có khả năng thay thế cortisol. Tuy nhiên, cỏ hôi lại có tác dụng kém với chứng viêm mũi và viêm xoang có mủ đặc, kể cả cấp tính hay mạn tính. Cỏ hôi tương đối lành tính và không gây tác dụng phụ gì đối với cơ thể, trừ tác dụng gây sốt trong thời gian ngắn khi nhỏ mũi. Cách sử dụng cỏ hôi trị viêm xoang như sau:
- Cách 1: Cỏ hôi 100g tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước rồi đem nhỏ vào lỗ mũi, mỗi lần 2 – 3 giọt, nên dùng ngày 2 lần. Khi nhỏ bệnh nhân nên kê gối cao dưới hai vai để lỗ mũi dốc ngược lên giúp thuốc ngấm vào xoang dễ dàng hơn.
- Cách 2: Cỏ hôi 100g, lá long não 50g và lá chanh 10g. Tất cả đều dùng tươi, rửa sạch, sắc với 300ml nước tới khi còn 100ml nước, sau đó đổ nước ra bát xông lên mũi, ngày xông 3 lần. Mỗi lần xông nên hâm nóng lại nước sắc. Bệnh nhân nên dùng trong 7-10 ngày.
- Cách 3: Cỏ hôi 30g, ké đầu ngựa 12g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 16g. Sau đó sắc với 3 bát nước tới khi còn 1 bát thì chia uống 2 lần trong ngày. Bệnh nhân nên uống sau bữa ăn trưa và tối và dùng trong 10 ngày.
Hiện nay trên thị trường đã có sẵn nhiều loại tinh dầu cỏ hôi được chiết xuất sẵn và rất tiện lợi cho người sử dụng. Bệnh nhân nên chọn các sản phẩm uy tín, đầy đủ nhãn mác và có xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
3. Các công dụng khác của cỏ hôi
Ngoài điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng, cỏ hôi còn được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm:
- Thuốc nhỏ mũi trị ngạt mũi, ngứa mũi và chảy nước mũi: Lá cỏ hôi tươi 4g và tỏi 2 nhánh, giã nhỏ vắt lấy nước nhỏ vào mũi, dùng 3-4 lần/ngày.
- Trị yết hầu sưng đau: Cỏ hôi tươi 50g, giã nát lọc lấy nước cốt, thêm đường phèn và chia uống trong ngày. Ngoài ra có thể lấy lá phơi khô, tán mịn, dùng làm thuốc bột, sau đó ngậm và nuốt dần xuống họng
- Chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh: Cỏ hôi 20g, hương phụ chế 10g, hy thiêm 12g, ích mẫu thảo 12g, ngải cứu 16g. Cho 600ml nước vào hỗn hợp, sắc còn 150ml, sắc 2 lần, chia 2 lần uống trong ngày. Bệnh nhân nên dùng trong 7 – 10 ngày. Hoặc có thể sử dụng 30 – 50g lá cỏ hôi tươi, rửa sạch giã nhỏ, cho thêm ít nước sôi để ấm, vắt lấy nước cốt uống. Bệnh nhân nên uống 1 lần/ngày vào buổi sáng và uống trong 4 ngày.
- Trị gàu ở tóc:Sử dụng 200g cỏ hôi tươi, 20g bồ kết khô, cỏ hôi rửa sạch cùng với bồ kết nấu thành nước gội đầu. Bài thuốc này có công dụng làm sạch tóc, giúp tóc trơn mượt và sạch gàu. Nên gội đầu từ nước của cây cỏ hôi và bồ kết 2-3 lần/tuần.
- Chữa viêm họng do lạnh: Cỏ hôi 20g, lá giẻ quạt 6g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Bệnh nhân nên dùng trong 3-5 ngày.
- Chữa sỏi tiết niệu: Cỏ hôi 20g, mã đề 20g, kim tiền thảo 16g, râu ngô 12g, cam thảo đất 16g. Sắc với 500ml nước còn 150ml, chia uống 2 lần/ngày. Uống trong 7 ngày.
- Chữa bạch hầu, đau họng: Cỏ hôi tươi 30-60g, rửa sạch, giã và vắt nước, hòa thêm đường cát uống, ngày dùng 3 lần. Hoặc lấy lá sấy khô, tán bột và thổi vào hầu họng.
- Điều trị mụn nhọt, lở loét: Cỏ hôi tươi rửa sạch, trộn với cơm rượu và chút muối ăn, sau đó giã nhuyễn đắp lên.
- Trị nhọt sảy mưng mủ chưa vỡ: Cỏ hôi tươi, thêm ít đường vàng, giã đắp.
- Trị cảm mạo phát sốt, sốt rét: Sử dụng 60g cỏ hôi, sắc uống, ngày 2 lần.
- Vết thương chảy máu: Lấy một lượng cỏ hôi vừa đủ, rửa sạch và giã đắp.
- Băng huyết rong kinh, mụt nhọt sưng đỏ, loét miệng: Dùng 20g cỏ hôi sắc uống.
- Chữa viêm khớp đau nhức, gãy xương (đã cố định): Dùng cỏ hôi tươi giã nhuyễn rồi bó vào chỗ đau.
- Điều trị gân xương trặc trẹo, sưng đau: Cỏ hôi khô 1 nắm lớn cho vào lò đốt, sau đó xông khói vào chỗ đau.
Tóm lại, nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm tốt, cỏ hôi có thể được sử dụng trong điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng và nhiều bệnh lý khác. Bệnh nhân nên liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn trước khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.