Thuốc Lexomil là một loại thuốc nhóm thuốc hướng thần được sử dụng trong một số trường hợp như lo âu, căng thẳng, mất ngủ,...tuy nhiên việc dùng loại thuốc ngủ này cần được lý và lưu ý khi dùng. Cùng tìm hiểu những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Lexomil qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc lexomil là gì?
Lexomil có thành phần hoạt chất chính là Bromazepam hàm lượng 6mg và tá dược vừa đủ, được bào chế dưới dạng viên nén. Bromarepam là thuốc hướng thần thuộc nhóm benzodiazepin, cơ chế tác dụng của thuốc này là do nó liên kết với thụ thể GABA-A tạo ra sự thay đổi cấu trúc, làm tăng cường tác dụng ức chế thần kinh.
Thuốc khi dùng với liều thấp có tác dụng chọn lọc trên chứng lo âu, làm giảm áp lực tâm lý và thần kinh căng thẳng. Khi dùng thuốc ngủ liều cao lexomil còn có tác dụng an thần và giãn cơ.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Lexomil
Chỉ định:
Thuốc Lexomil được chỉ định điều trị những bệnh lý sau:
- Các rối loạn cảm xúc: Tình trạng lo âu, căng thẳng không kiểm soát được, rối loạn lo âu trong chứng trầm cảm.
- Rối loạn các chức năng của hệ tim mạch và hô hấp như: rối loạn kiểu giả đau thắt ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, tăng nhanh nhịp tim, tăng huyết áp, khó thở, thở gấp... do các nguyên nhân tâm thần kinh, cần loại trừ nguyên nhân thực thể.
- Rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa gồm: Hội chứng ruột kích thích, viêm loét kết tràng, đau vùng thượng vị, co thắt, bụng chướng, tiêu chảy nhiều,...
- Rối loạn chức năng của hệ tiết niệu như trong bàng quang kích thích, tiểu nhiều lần, đau bụng kinh....
- Các rối loạn tâm thần khác như nhức đầu, những bệnh ngoài da do nguyên nhân tâm thần,...
- Chỉ định để điều trị mất ngủ và giãn cơ khi dùng liều cao.
Chống chỉ định:
Không chỉ định dùng thuốc Lexomil trong các trường hợp sau
- Không dùng cho bệnh nhân quá mẫn cảm với benzodiazepine.
- Những bệnh nhân đang bị nghiện rượu hay nghi ngờ bị nghiện rượu hay bị một tình trạng lệ thuộc vào thuốc gây nghiện thì không được dùng Lexomil, ngoại trừ được dùng thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ.
- Suy hô hấp nặng; Suy gan nặng, suy gan cấp tính hoặc mãn tính không dùng vi có nguy cơ xuất hiện bệnh não gan.
- Bệnh nhược cơ: Vì khi dùng có thể làm tăng nặng tình trạng này.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Quá liều và xử trí:
Khi dùng thuốc ngủ lexomil bạn có thể gặp phải tình trạng quá liều. Quá kiều có thể thường gây ra buồn ngủ, mất điều hòa, rối loạn nhịp tim, rung giật nhãn cầu, nó cũng có thể gây ra các dấu hiệu khác như rối loạn tâm thần, hôn mê, nói lắp, thiếu phản xạ, hạ áp, ngừng thở, giảm trương lực cơ, hôn mê và đặc biệt là có nguy tử vong mặc dù hiếm gặp. Cho nên, bạn cần đọc kỹ và tuân thủ đúng liều mà bác sĩ chỉ định. Nếu có những biểu hiện của quá liều cần tới ngay cơ sở y tế để được cấp cứu và hỗ trợ kịp thời.
Không được uống rượu trong thời gian dùng thuốc, vì làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc ngủ liều cao Lexomil
Khi dùng thuốc này với mục đích an thần thì cần dùng với liều cao, việc dùng liều như vậy có nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ như:
- Rối loạn trí nhớ, hay quên, có thể xảy ra khi dùng, nguy cơ này tăng tương ứng với liều lượng.
- Rối loạn hành vi, thay đổi ý thức, hay cáu kỉnh, có hành vi hung hăng, hồi hộp, kích động, ác mộng, ảo giác, rối loạn tâm thần. Những hiệu ứng này hay xuất hiện thường xuyên hơn ở trẻ em và người già hơn.
- Phụ thuộc về thể chất và tâm lý khi dùng thuốc có thể xảy ra. Đặc biệt là trong trường hợp sử dụng thuốc kéo dài, ngay cả ở liều điều trị.
- Cảm thấy chóng mặt, đau đầu, khó phối hợp các cử động nhất định.
- Lú lẫn, tình trạng rối loạn tâm trạng và cảm xúc, cảm thấy mất phương hướng
- Thường xuyên buồn ngủ, giảm cảnh giác.
- Thay đổi ham muốn tình dục
- Suy tim có thể xảy ra bao gồm cả ngừng tim
- Giảm khả năng thở, nguy cơ gây chứng ngừng thở.
- Buồn nôn và nôn, táo bón, tiêu chảy.
- Không có khả năng tự đi tiểu, tầm nhìn kép;
- Yếu cơ, dễ té ngã và cảm thấy mệt mỏi.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Lexomil
Khi dùng thuốc ngủ lexomil liều cao có nguy cơ phụ thuộc vào thuốc:
- Dùng benzodiazepine có thể gây ra tình trạng lệ thuộc vào thuốc. Nguy cơ này tăng lên khi dùng bạn phải thuốc kéo dài, dùng liều cao hay ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ. Triệu chứng của việc nghiện thuốc thường xảy ra khi ngưng thuốc đột ngột gồm các triệu chứng như run rẩy, vật vã, rối loạn giấc ngủ, hồi hộp, đau đầu và rối loạn sự tập trung. Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng gặp phải như toát mồ hôi, co thắt ở cơ bắp và ở bụng, rối loạn tri giác, trong một số trường hợp hiếm gặp có thể gây mê sảng và cơn động kinh.
- Để làm giảm tối đa nguy cơ người bệnh bị lệ thuộc thuốc, các benzodiazepine chỉ được kê đơn sau khi đã chẩn đoán kỹ bệnh và chỉ kê đơn trong một giai đoạn ngắn nhất có thể như trong chỉ định là thuốc ngủ, không được dùng thuốc quá 4 tuần. Nếu cần dùng thuốc tiếp tục, phải tái khám định kỳ. Khi phải ngừng thuốc thì người bệnh cần ngừng từ từ, giảm liều dần, không được tự ý ngưng thuốc đột ngột.
Có thể giảm tác dụng của thuốc theo thời gian: Tác dụng của Lexomil và các thuốc liên quan đến nhóm thuốc này có thể giảm dần tác dụng mặc dù sử dụng cùng một liều lượng nếu được sử dụng lặp lại trong vài tuần.
Phản ứng dội ngược có thể xảy ra: Hội chứng thoáng qua này có thể biểu hiện khi ngừng điều trị với thuốc ngủ Lexomil. Tình trạng mất ngủ xuất hiện trở lại, nặng nề hơn. Phản ứng này có thể đi kèm với các phản ứng khác, bao gồm thay đổi tâm trạng, lo lắng, khó ngủ, căng thẳng. Do đó khi dùng nên giảm dần liều lượng khi muốn ngưng thuốc.
Lưu ý và thận trọng:
Lưu ý khi dùng với phụ nữ có thai: thuốc này không được khuyến cáo trong suốt thời kỳ mang thai. Nếu dùng chỉ khi thực sự rất cần thiết.
Đối với phụ nữ cho con bú: Do Bromazepam có thể đi vào sữa mẹ; do đó việc sử dụng thuốc này trong thời kỳ đang cho con bú không được khuyến khích.
Lái xe và vận hành máy móc: Bệnh nhân dùng để an thần cần dùng trước khi đi ngủ, không được vận hành máy móc, lái xe sau khi dùng thuốc từ 4 đến 6 tiếng.
Bảo quản:
Bảo quản thuốc nơi thoáng mát và đặc biệt cần để xa tầm tay của trẻ nhỏ, vì thuốc này nguy hiểm nếu trẻ không may uống phải.
Trên đây là những lưu ý đặc biệt bạn cần biết khi sử dụng thuốc ngủ Lexomil, thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên cần kiểm soát chặt khi dùng. Bạn không được tự ý dùng khi chưa được bác sĩ khám, cân nhắc và kê đơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.