Thuốc chống loãng xương chủ yếu được chỉ định cho nhóm bệnh nhân là nữ ở độ tuổi sau mãn kinh và người già. Tuy nhiên, giống như nhiều loại thuốc khác, thuốc điều trị loãng xương cũng gây ra một số tác dụng phụ. Vì thế, trong quá trình điều trị bằng loại thuốc này, bệnh nhân cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về căn bệnh loãng xương
Loãng xương là tình trạng mà hệ xương gặp phải rối loạn chuyển hóa, dẫn đến giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương. Có hai loại loãng xương chính: nguyên phát và thứ phát.
Loãng xương nguyên phát được chia thành hai loại bao gồm type 1 và type 2. Cụ thể:
- Type 1: Dạng bệnh này thường gặp ở những phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh.
- Type 2: Thường gặp ở người cao tuổi do quá trình lão hóa của cơ thể gây ra loãng xương.
Loãng xương thứ phát thường do các bệnh lý mãn tính (cường giáp, tiểu đường, bệnh gan, viêm khớp, ung thư) hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị (như thuốc lợi tiểu, heparin, corticoid).
Nếu không được điều trị hay phòng ngừa kịp thời, loãng xương có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như đau mỏi, tê nhức khớp, thoái hóa khớp, bệnh thận, bệnh tim mạch, nguy hiểm nhất là gãy xương, teo cơ, từ đó dẫn đến tàn tật.
2. Các loại thuốc chống loãng xương
Phương pháp điều trị loãng xương sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đầu tiên, bệnh nhân cần được đo mật độ khoáng xương và xem xét các yếu tố khác như giới tính, tuổi tác, và tiền sử chấn thương xương để đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
Trước khi bắt đầu dùng thuốc chống loãng xương, bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn uống để bổ sung đủ vitamin D và canxi. Cùng với đó, cần hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc và uống rượu vì có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể.
Mục tiêu của điều trị bằng thuốc là tăng mật độ và khối lượng xương, từ đó phục hồi cấu trúc xương bị tổn thương, ngăn ngừa mất xương cũng như giảm nguy cơ gãy xương.
Các loại thuốc chống loãng xương có thể được bác sĩ chỉ định bao gồm:
2.1 Canxi và vitamin D
Được bổ sung hàng ngày khi chế độ ăn của bệnh nhân không cung cấp đủ các chất này.
2.2 Thuốc chống hủy xương
- Bisphosphonate: Giúp làm chậm quá trình huỷ xương và giảm nguy cơ gãy xương, được dùng trong khoảng 3 - 5 năm, chủ yếu cho phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi.
- Calcitonin: Thường được chỉ định cho phụ nữ sau mãn kinh hoặc những người không dung nạp được thuốc khác. Người bệnh sử dụng thuốc này từ 2 - 4 tuần nếu như bị gãy xương.
- Thuốc chủ vận/đối kháng Estrogen: Được dùng cho phụ nữ sau mãn kinh để cải thiện mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương.
2.3 Thuốc chống loãng xương khác
- Protelos: Tăng cường tạo xương và ức chế quá trình hủy xương. Tuy nhiên, protelos bị hạn chế sử dụng do tác dụng phụ đối với tim mạch.
- Durabolin: Tăng cường quá trình đồng hóa xương.
- Thuốc sinh học: Đây là một loại thuốc được coi là lựa chọn thay thế nếu các thuốc điều trị khác không thành công.
- Thuốc tăng tạo xương: Thuốc này đem đến nhiều tác dụng cho người bị loãng xương. Tuy nhiên, tác dụng sẽ chấm dứt nếu người bệnh ngưng sử dụng.
3. Các lưu ý khi dùng thuốc chống loãng xương
Sử dụng các loại thuốc chống loãng xương để điều trị bệnh cần phải có chỉ định cũng như hướng dẫn của bác sĩ. Tương tự các loại thuốc khác, thuốc điều trị tình trạng loãng xương cũng gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Đối với hại loại thuốc chống huỷ xương phổ biến là Bisphosphonate và Calcitonin, bệnh nhân cần chú ý những điều sau:
3.1 Các lưu ý khi dùng Bisphosphonate
Thuốc chống loãng xương bisphosphonate có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, đau đầu và đau cơ, đau xương khớp.
Để giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, bệnh nhân nên uống thuốc trước bữa ăn khi bụng đói, với một ly nước đầy và uống thuốc trong tư thế đứng thẳng. Sau khi uống thuốc, giữ tư thế đứng trong ít nhất 30 phút và không nên ăn uống trong thời gian này.
Nếu xuất hiện triệu chứng đau nhức ở hông, đùi hoặc háng trong khi dùng thuốc, bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ.
Trước khi bắt đầu dùng thuốc chống loãng xương này, bệnh nhân nên kiểm tra sức khỏe răng miệng để đảm bảo thuốc không gây ảnh hưởng đến xương hàm.
Bisphosphonate không nên được sử dụng ở những người bị hạ canxi máu, mắc bệnh dạ dày hoặc các vấn đề về thực quản (hẹp thực quản, trào ngược dạ dày - thực quản, viêm thực quản), những người quá mẫn với thành phần của thuốc và bệnh nhân suy thận.
3.2 Các lưu ý khi dùng Calcitonin
Thuốc chống loãng xương calcitonin có thể gây ra một số tác dụng phụ gồm buồn nôn, đau bụng, đau đầu, tăng canxi máu, phát ban và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Không được dùng Calcitonin cho người bị tăng canxi máu, nhiễm độc vitamin D, vôi hoá di căn hoặc mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Ngoài ra, khi sử dụng Calcitonin, bệnh nhân cần ngưng bổ sung vitamin D.
Trong quá trình sử dụng calcitonin, cần uống đủ nước để tránh tình trạng mất nước. Thông báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh đang dùng thuốc lợi tiểu, thuốc kháng axit trong khi điều trị bằng loại thuốc chống loãng xương này.
3.3 Lưu ý đối với các loại thuốc khác
Đối với một số thuốc điều trị loãng xương khác như thuốc đối kháng Estrogen, bệnh nhân không được dùng trong thời gian dài. Đặc biệt, các liệu pháp hormone vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì thế người bệnh nên dùng với liều thấp trong thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi dùng liệu pháp hormone hay các loại thuốc chống loãng xương. Một số thuốc thuộc nhóm này không được dùng ở những bệnh nhân bị tăng hoặc hạ canxi máu, người bị bệnh dạ dày - thực quản. Nếu trong quá trình dùng thuốc mà người bệnh cảm thấy đau từ phần hông trở xuống, cần báo ngay với bác sĩ điều trị để tiến hành chẩn đoán.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.