Bệnh giang mai và HIV đều là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Nếu không được điều trị, cả hai bệnh này đều có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cũng có khả năng mắc đồng thời cả giang mai và HIV. Thực tế, có một số mối liên hệ giữa hai loại nhiễm trùng này.
Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa HIV và giang mai, những gì có thể xảy ra nếu ai đó mắc cả hai, và các thông tin liên quan khác.
Ai có thể mắc giang mai và HIV cùng lúc?
Theo dữ liệu từ Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC), tỷ lệ mắc giang mai tại Hoa Kỳ đã tăng hàng năm trong 20 năm qua. Điều này đúng với tất cả các khu vực, giới tính, và các nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc.
Cũng có khả năng mắc đồng thời cả giang mai và HIV, điều này được gọi là đồng nhiễm.
Mối liên hệ giữa HIV và giang mai
Việc mắc cả HIV và giang mai có liên quan đến:
- Tăng khả năng lây truyền HIV.
- Tăng tải lượng virus HIV.
- Giảm hiệu quả điều trị giang mai.
Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về mối liên hệ giữa hai loại nhiễm trùng này.
Bị giang mai làm tăng khả năng nhiễm HIV
Nếu ai đó âm tính với HIV, việc mắc giang mai có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV. Điều này là do các vết loét hoặc viêm do giang mai gây ra có thể tạo điều kiện cho HIV xâm nhập vào cơ thể.
Một phân tích tổng hợp năm 2020 đã đánh giá 22 nghiên cứu với tổng số 65.232 người tham gia. Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc HIV tăng gấp đôi ở những người mắc giang mai so với những người không mắc giang mai.
Mối quan hệ này cũng có thể xảy ra theo hướng ngược lại. Một nghiên cứu năm 2020 trên 4.907 người nhiễm HIV cho thấy tỷ lệ tái nhiễm giang mai tăng lên trong 11 năm theo dõi. Các yếu tố liên quan đến tái nhiễm giang mai trong nghiên cứu này bao gồm:
- Tuổi tác.
- Là nam giới khi sinh.
- Có tiền sử mắc các bệnh STI trước đó.
Cả giang mai và HIV đều chia sẻ các yếu tố nguy cơ liên quan đến tình dục, chẳng hạn như quan hệ không dùng bao cao su hoặc có nhiều bạn tình.
Bị giang mai có thể làm tăng tải lượng HIV
Tải lượng virus đề cập đến số lượng hạt virus HIV trên mỗi millilit máu. Đây là một chỉ số về tiến triển của HIV cũng như hiệu quả của liệu pháp kháng virus.
Mắc giang mai có liên quan đến việc tăng tải lượng virus. Hiện tượng này cũng có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV.
Một nghiên cứu năm 2012 so sánh những người đồng nhiễm HIV và giang mai với những người chỉ mắc HIV. Trong 6 tháng, các nhà nghiên cứu nhận thấy:
- Tải lượng virus tăng ở 27,3% người đồng nhiễm, so với 16,6% người chỉ mắc HIV.
- Những người đồng nhiễm cũng ghi nhận tải lượng virus tăng dù đang điều trị bằng thuốc kháng virus.
- Số lượng tế bào CD4 giảm ở những người đồng nhiễm trong thời gian mắc giang mai, nhưng trở lại mức ban đầu sau khi điều trị.
Bệnh giang mai có thể tiến triển nhanh hơn ở người mắc HIV
Nếu không được điều trị, giang mai có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có giang mai thần kinh (neurosyphilis). Đây là một dạng giang mai nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh và dẫn đến các triệu chứng như đau đầu nghiêm trọng, liệt, và sa sút trí tuệ.
Một số người nhiễm HIV có thể có nguy cơ cao hơn phát triển giang mai thần kinh. Nghiên cứu năm 2013 cho thấy các yếu tố sau liên quan đến giang mai thần kinh ở người nhiễm HIV:
- Tải lượng virus không được kiểm soát bằng thuốc kháng virus.
- Số lượng tế bào CD4 dưới 500 tế bào/microlit.
- Các triệu chứng như đau đầu và rối loạn thị giác.
Điều trị giang mai có thể kém hiệu quả với người bị HIV
HIV cũng có thể làm cho giang mai khó điều trị hơn, có thể do tác động của HIV đến hệ miễn dịch.
Một nghiên cứu đoàn hệ năm 2017 đánh giá việc điều trị giang mai ở 510 người (cả có và không nhiễm HIV) cho thấy 10,94% trường hợp điều trị không hiệu quả. Nhiễm HIV làm tăng gấp ba lần nguy cơ điều trị không hiệu quả hoặc tái nhiễm giang mai.
Một đánh giá hồi cứu năm 2013 xem xét hồ sơ y tế của 560 người đồng nhiễm HIV và giang mai. Các yếu tố liên quan đến điều trị giang mai không hiệu quả bao gồm:
- Mức kháng thể thấp trong xét nghiệm RPR (rapid plasma reagin).
- Tiền sử mắc giang mai trước đó.
- Số lượng tế bào CD4 dưới 350 tế bào/microlit.
Giang mai được chẩn đoán ở người nhiễm HIV như thế nào?
Quá trình chẩn đoán giang mai ở người sống chung với HIV sử dụng các xét nghiệm tương tự như ở những người không nhiễm HIV.
Xét nghiệm máu
Chẩn đoán giang mai bao gồm hai loại xét nghiệm máu khác nhau:
- Xét nghiệm không đặc hiệu (nontreponemal): Tìm dấu hiệu tổn thương tế bào do nhiễm giang mai (VD: xét nghiệm VDRL hoặc RPR).
- Xét nghiệm đặc hiệu (treponemal): Xác định kháng thể chống lại vi khuẩn giang mai (VD: FTA-ABS, TP-PA, EIA).
Sử dụng cả hai loại xét nghiệm này rất quan trọng để chẩn đoán giang mai, đặc biệt ở người nhiễm HIV.
Kính hiển vi
Nếu bạn có vết loét giang mai, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch từ vết loét và kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện vi khuẩn giang mai.
Xét Nghiệm Dịch Não Tủy (CSF)
Nếu có dấu hiệu giang mai thần kinh, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch não tủy qua chọc dò tủy sống để kiểm tra.
Điều trị cho người mắc cả giang mai và HIV như nào?
Điều trị giang mai ở người nhiễm HIV tương tự như ở người không nhiễm HIV. Giai đoạn đầu thường được điều trị bằng một mũi tiêm kháng sinh penicillin. Giai đoạn sau có thể cần nhiều mũi tiêm hoặc một liệu trình kháng sinh đường tĩnh mạch.
Do nguy cơ điều trị không hiệu quả cao hơn ở người nhiễm HIV, việc theo dõi cẩn thận sau điều trị là rất quan trọng, bao gồm làm lại xét nghiệm máu định kỳ để xác nhận điều trị thành công.
Triển vọng cho người mắc giang mai và HIV
Kháng sinh thường có thể điều trị hiệu quả giang mai ở cả người có và không nhiễm HIV. Khi được phát hiện và điều trị kịp thời, tiên lượng bệnh giang mai ở người nhiễm HIV thường tốt.
Việc dùng thuốc kháng virus đúng chỉ dẫn cũng giúp cải thiện triển vọng của giang mai và làm chậm tiến triển của HIV. Tuy nhiên, một số trường hợp giang mai có thể tiến triển nhanh hơn hoặc khó điều trị hơn ở người nhiễm HIV, đặc biệt khi tải lượng virus cao và số lượng CD4 thấp.
Sau điều trị, bạn vẫn có thể bị tái nhiễm giang mai trong tương lai. Điều này có thể phòng ngừa bằng cách luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ, xét nghiệm định kỳ các bệnh STI, và khuyến khích bạn tình đi xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline