Thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng là giải pháp hiệu quả cho những ai thường xuyên gặp phải tình trạng ngứa mũi, nghẹt mũi và chảy nước mũi do dị ứng. Thuốc xịt giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa tái phát, mang lại sự thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc xịt vẫn cần sự tư vấn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Viêm mũi dị ứng là gì ?
Viêm mũi dị ứng là một phản ứng của hệ miễn dịch mũi xoang khi tiếp xúc với các kích thích từ môi trường bên ngoài như bụi bẩn, thời tiết, phấn hoa, mùi lạ, nấm mốc...Các tác nhân này thường xâm nhập vào cơ thể qua đường không khí, ăn uống hoặc tiếp xúc da.
Tình trạng này xảy ra không phải do tổn thương thực thể hoặc nhiễm vi khuẩn mà phụ thuộc chủ yếu vào cơ địa của từng người. Do đó, các triệu chứng sẽ biến đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc với các kích thích của từng người.
Nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn ở những người có tình trạng sức khỏe không tốt, lệch vách ngăn mũi, hen phế quản, suy giảm chức năng gan…
Nếu không điều trị kịp thời, viêm mũi dị ứng sẽ dẫn đến các biến chứng như viêm xoang nhiễm khuẩn, viêm xoang mạn tính, polyp mũi-xoang…
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng bao gồm:
- Một trong những dấu hiệu đặc trưng của viêm mũi dị ứng là hắt hơi
- Sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi
- Mắt đỏ có hoặc không kèm theo chảy nước mắt.
- Nhức đầu, mệt mỏi, uể ỏi.
2. Các loại thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng
Việc xịt trực tiếp thuốc vào xoang mũi khi xuất hiện các triệu chứng bệnh có hiệu quả nhanh hơn so với khi dùng thuốc viên. Một số loại thuốc xịt mũi dị ứng phổ biến bao gồm:
2.1. Thuốc xịt mũi Steroid
Với tác dụng làm giảm nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa và chảy nước mắt hiệu quả, các loại thuốc xịt có chứa steroid thường được bác sĩ khuyên dùng đầu tiên cho bệnh viêm mũi dị ứng, bao gồm:
- Beclomethasone
- Betamethasone
- Ciclesonide
- Fluticasone furoate
- Mometasone
- Ngoài ra, ba loại thuốc như Budesonide, Fluticasone và Triamcinolone có thể mua mà không cần đơn thuốc từ bác sĩ.
So với thuốc co mạch mũi, các loại thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng chứa steroid mang lại hiệu quả lâu dài hơn. Tuy nhiên, người bệnh phải mất một tuần để nhận thấy các triệu chứng thuyên giảm. Trong quá trình điều trị, người bệnh có khả năng gặp một số tác dụng phụ như nhức đầu, đau họng, khô mũi, thậm chí là chảy máu cam hoặc ho.
2.2. Thuốc xịt thông mũi
Thuốc xịt thông mũi là loại thuốc có khả năng làm co mạch máu và mô bị sưng trong mũi, từ đó làm giảm nghẹt mũi bằng cách làm giảm áp lực trong xoang mũi. Một số loại thuốc xịt mũi thường dùng như:
- Oxymetazoline hydrochloride
- Phenylephrine hydrochloride
- Xylometazoline
Đây là một giải pháp tạm thời để làm giảm các triệu chứng khó chịu do viêm mũi dị ứng gây ra. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kéo dài quá 3 ngày có thể dẫn đến tình trạng giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí làm cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, người mắc các bệnh lý như tăng nhãn áp hoặc tăng huyết áp không kiểm soát nên tránh sử dụng thuốc xịt thông mũi vì có thể làm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
2.3. Thuốc xịt kháng Histamin
Thuốc xịt kháng histamin giúp giảm các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, ngứa mũi, sổ mũi và hắt hơi. Các loại thuốc có sẵn theo đơn bao gồm:
- Azelastine
- Olopatadine
Mặc dù thuốc xịt kháng histamin thường ít gây buồn ngủ hơn so với dạng uống nhưng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ. Do đó, bác sĩ thường khuyên người bệnh nên sử dụng thuốc xịt vào buổi tối trước khi đi ngủ.
2.4. Thuốc xịt ức chế tế bào Mast
Cromolyn Natri là một loại thuốc xịt mũi ức chế tế bào Mast được sử dụng phổ biến. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn cơ thể sản xuất ra chất histamin, một chất gây ra các triệu chứng như sổ mũi, ngứa mũi và hắt hơi. Ngoài ra, Cromolyn Natri còn giúp giảm tình trạng nghẹt mũi. Nhiều người bệnh đã cảm thấy các triệu chứng dị ứng giảm đi chỉ sau 30 phút sử dụng thuốc.
Người bệnh nên sử dụng thuốc một hoặc nhiều lần trong này trước khi mùa lạnh bắt đầu từ 1-2 tuần (viêm mũi dị ứng thường xuất hiện khi thời tiết chuyển lạnh) để có hiệu quả tốt nhất Tuy nhiên, thuốc này thường không có hiệu quả như thuốc xịt mũi Steroid.
Người bệnh có thể mua thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng Cromolyn Natri trực tiếp tại hiệu thuốc vì thuốc rất an toàn. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu hen suyễn hoặc đau xoang, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Một số người có thể cảm thấy hơi khó chịu hoặc nóng rát mũi khi dùng thuốc này. Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc là cảm giác khó chịu hoặc nóng rát mũi.
2.5. Thuốc xịt kháng Cholinergic
Thuốc xịt mũi kháng Cholinergic, điển hình là Ipratropium bromide, được bác sĩ kê đơn để điều trị sổ mũi bằng cách ngăn sản xuất chất nhầy. Tuy nhiên, loại thuốc này ít hiệu quả trong việc giảm nghẹt mũi hoặc giảm hắt hơi.
Thuốc này không được chỉ định dùng lâu dài. Người bệnh chỉ nên dùng loại thuốc này trong khoảng 3 tuần khi các triệu chứng viêm mũi dị ứng còn đang nghiêm trọng.
Người bệnh bị tăng nhãn áp hoặc phì đại tuyến tiền liệt không nên dùng thuốc Ipratropium bromide. Thuốc gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, chảy máu cam, đau họng hoặc kích ứng mũi.
2.6. Thuốc xịt nước muối
Thuốc xịt nước muối có vai trò khác biệt so với các loại thuốc xịt mũi khác. Thay vì làm giảm nghẹt mũi hay các triệu chứng dị ứng, thuốc xịt nước muối giúp giữ ẩm cho đường mũi, từ đó ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam do khô mũi.
3. Cách sử dụng các loại thuốc xịt mũi trị viêm mũi dị ứng
Cách sử dụng các loại thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng thường khá giống nhau. Tuy nhiên, một số loại có thể có thiết kế đóng chai hơi khác biệt. Một số bước thực hiện xịt thuốc bao gồm:
- Nhẹ nhàng xì mũi để loại bỏ chất nhầy lỏng trong mũi.
- Vệ sinh tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Đóng lại một bên lỗ mũi và dùng một tay ấn xuống.
- Đặt đầu ống xịt vào lỗ mũi bên kia.
- Bóp chai xịt và hít vào cùng một lúc với động tác xịt thuốc.
- Lặp lại các lần xịt với mỗi bên mũi nếu cần, tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
4. Lưu ý khi sử dụng các loại thuốc xịt mũi viêm mũi dị ứng
Mỗi loại thuốc xịt mũi đều có một số tác dụng phụ không mong muốn khác nhau. Nếu gặp bất kỳ vấn đề gì sau khi sử dụng, người bệnh hãy ngừng thuốc ngay và đến gặp bác sĩ để được tư vấn, đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Nhiều loại thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng đã được điều chế riêng cho các bé. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc lại có độ tuổi sử dụng khác nhau, thường từ 2 đến 4 tuổi. Vì vậy, trước khi cho bé dùng bất kỳ loại thuốc xịt mũi nào, bố mẹ nên tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn và hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa để đảm bảo an toàn cho bé.
Khi mang thai, mẹ bầu nên hạn chế sử dụng hoặc không sử dụng một số loại thuốc.Tuy nhiên, các loại thuốc xịt mũi viêm mũi dị ứng thường ít gây ảnh hưởng đối với thai nhi vì chỉ có tác dụng tại chỗ và ít đi vào tuần hoàn máu. Dù vậy, mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ để cùng lựa chọn loại thuốc an toàn và phù hợp nhất.
5. Các cách điều trị viêm mũi dị ứng khác
5.1. Thuốc kháng Histamin đường uống
- Thuốc kháng Histamin thế hệ 1: Khi làm việc, lái xe hay vận hành máy móc, người bệnh cần tránh sử dụng các loại thuốc kháng histamin thế hệ 1 không kê đơn như Diphenhydramine, Chlorpheniramine, Clemastine... vì thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, an thần…
- Thuốc kháng Histamin thế hệ 2: Loratadine, Cetirizine, Desloratadine, Levocetirizine, Fexofenadine là những thuốc kháng histamin thế hệ 2 phổ biến. So với thế hệ trước, các thuốc này ít gây buồn ngủ và khó chịu hơn vì vậy, thường được ưu tiên sử dụng.
5.2. Thuốc thông mũi đường uống
Các loại thuốc thông mũi đường uống như Pseudoephedrine hay Phenylephrine cũng có tác dụng giống như thuốc xịt. Tuy nhiên, thuốc uống thường mất nhiều thời gian hơn để có hiệu quả.
Người bệnh có khả năng sử dụng kết hợp các loại thuốc với kháng histamin như Pseudoephedrine và Loratadine, Pseudoephedrine và Cetirizine, Fexofenadine và Pseudoephedrine,...
5.3. Thuốc kháng Leukotriene
Trong viêm mũi dị ứng, Leukotriene là một chất trung gian góp phần gây ra các triệu chứng bệnh. Để làm giảm triệu chứng, người bệnh nên sử dụng các loại thuốc kháng Leukotriene như Montelukast, Zafirlukast…
5.4. Các phương pháp khác
Các phương pháp như liệu pháp miễn dịch, sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn đi kèm, phẫu thuật polyp mũi hoặc tạo hình mũi…cũng được chỉ định để điều trị viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng có nhiều phương pháp điều trị. Trong số đó, thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng được coi là một phương pháp điều trị đơn giản nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc xịt mũi mà nên thảo luận với bác sĩ điều trị để cùng lựa chọn loại thuốc phù hợp và an toàn nhất cho bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.