Thuốc Vicodin ES là thuốc có tác dụng giảm đau mức độ trung bình và nặng. Đây là một nhóm thuốc kết hợp giữa 2 loại thuốc giảm đau khác nhau, nên giúp đẩy lùi những cơn đau có mức độ cao hơn so với những cơn đau thông thường. Cơ chế hoạt động và chỉ định cụ thể của thuốc cần được tìm hiểu để sử dụng chính xác nhất.
1. Thuốc Vicodin ES có tác dụng gì?
Thuốc kết hợp Vicodin ES được dùng để làm dịu đi những cơn đau, từ trung bình đến nặng, có chứa thuốc giảm đau nhóm Opioid (hydrocodone) và không Opioid (acetaminophen). Trong đó, hydrocodone hoạt động ở não bộ với tác dụng thay đổi cảm nhận và phản ứng của cơ thể trước những cơn đau, còn acetaminophen có thể làm hạ sốt.
Bệnh nhân cần đọc hướng dẫn sử dụng thuốc và những lưu ý được cung cấp bởi dược sĩ trước khi dùng thuốc hay mỗi khi nạp lại thuốc. Có thể uống thuốc với thức ăn hay uống riêng biệt theo chỉ định cụ thể của bác sĩ. Nếu có triệu chứng buồn nôn thì việc dùng thuốc kèm theo bữa ăn có thể giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn một số phương pháp giảm buồn nôn trong quá trình uống thuốc, ví dụ như có thể nằm xuống trong 1 – 2 giờ đầu tiên sau uống thuốc và ít cử động nhất có thể. Nếu sử dụng thuốc ở dạng chất lỏng thì bệnh nhân cần dùng những dụng cụ đo lường để đo được chính xác liều lượng thuốc mà bác sĩ đã kê đơn, không nên dùng thìa gia dụng để đo vì có thể cho ra liều thuốc không chính xác. Điều kiện sức khỏe của bệnh nhân cũng như những phản ứng đối với thuốc đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc quyết định liều thuốc cho bệnh nhân, đặc biệt liều thuốc được tính theo cân nặng với những bệnh nhân là trẻ em.
Nếu những cơn đau vẫn kéo dài, ví dụ như đau trong bệnh lý ung thư thì có thể bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng các thuốc giảm đau Opioid trong thời gian dài. Cách dùng thuốc Vicodin ES trong những trường hợp này đó là chỉ dùng trong những lúc đau đột ngột hoặc các trường hợp vô cùng cần thiết chứ không dùng đều đặn mỗi ngày. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được kê đơn thêm một vài loại thuốc giảm đau khác như Ibuprofen hoặc Naproxen.
Trong trường hợp ngừng dùng thuốc Vicodin ES một cách đột ngột thì rất dễ gặp phải các triệu chứng cai nghiện, đặc biệt là khi đã sử dụng thuốc trong một thời gian dài trước đó hay dùng thuốc với liều cao. Vậy để ngăn chặn tình trạng cai nghiện thì bệnh nhân nên được giảm liều thuốc từ từ chứ không ngưng một cách đột ngột. Một số biểu hiện của chứng cai nghiện mà bệnh nhân cần lưu ý đó là bồn chồn, biến đổi tâm trạng, lo âu, khó ngủ, ý định tự tử, chảy nước mắt, chảy mũi nước, buồn nôn, tiêu chảy, ra mồ hôi, đau nhức cơ hay thay đổi hành vi đột ngột.
Nếu dùng thuốc trong thời gian dài thì có thể gặp phải tình trạng lờn thuốc và sẽ không còn hiệu quả điều trị nữa, lúc này bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để được tư vấn sử dụng một số loại thuốc thay thế khác. Mặc dù giảm đau rất tốt nhưng thuốc Vicodin ES cũng có khả năng gây nghiện, và sẽ càng cao hơn nếu bệnh nhân đang gặp phải một số vấn đề rối loạn sử dụng chất như rượu, ma túy...
2. Lưu ý về tác dụng phụ do thuốc gây ra
Những tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Vicodin ES đó là buồn nôn, nôn, táo bón, choáng váng, chóng mặt hay buồn ngủ. Những tác dụng phụ này có thể sẽ thuyên giảm sau khi bệnh nhân dùng thuốc được một thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu bất cứ triệu chứng nào kể trên tồn tại quá lâu hoặc có mức độ tiến triển nặng hơn thì cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để được chỉ định dùng thuốc khác.
Để ngăn chặn tình trạng táo bón, bệnh nhân cần bổ sung thêm chất xơ vào thực đơn mỗi ngày, uống đủ nước và duy trì luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Một số trường hợp bác sĩ điều trị có thể chỉ định bệnh nhân dùng một số loại thuốc nhuận tràng để cải thiện chứng táo bón do thuốc Vicodin ES gây ra. Còn đối với nguy cơ chóng mặt và choáng váng thì bệnh nhân cần tập luyện thói quen thức dậy một cách từ từ, nghĩa là không nên thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi dậy hay đứng dậy quá nhanh. Mặc dù có những tác dụng phụ nhưng lợi ích của thuốc Vicodin ES là vô cùng to lớn trong việc giảm đau, nên vẫn luôn được kê đơn cho nhiều bệnh nhân, và thực tế cho thấy rằng vẫn có người bệnh mặc dù dùng thuốc Vicodin ES nhưng không xuất hiện bất cứ tác dụng không mong muốn nghiêm trọng nào.
Nếu bệnh nhân có bất cứ dấu hiệu nào bất thường, cần báo ngay với bác sĩ điều trị. Cụ thể là khi cảm thấy ngưng thở khi ngủ, kích động bất thường, lú lẫn, áo giác, đau dạ dày, tiểu khó, những triệu chứng liên quan đến tổn thương tuyến thượng thận, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân... thì cần đến cơ sở y tế và cho bác sĩ biết rõ về những tình trạng này để được xử lý kịp thời. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác như ngất xỉu, co giật, thở nông, buồn ngủ trầm trọng, khó đánh thức... cũng cần được đưa đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất để được hỗ trợ y tế. Phản ứng dị ứng thuốc Vicodin ES rất ít gặp trên lâm sàng nhưng cũng không thể loại trừ, nếu bệnh nhân có phát ban, ngứa, sưng ở một số bộ phận như mặt, lưỡi, cổ họng... thì cần lưu ý và báo cho bác sĩ ngay khi có thể.
3. Kết luận
Là một trong những loại thuốc giảm đau rất hiệu quả, thuốc Vicodin ES giúp điều trị triệu chứng đau ở mức độ nặng hoặc trung bình trong một số bệnh cảnh nhất định. Tuy nhiên, người bệnh vẫn không thể tránh khỏi những tác dụng phụ của thuốc, vì vậy cần có chỉ định của bác sĩ trước khi dùng để không gây nguy hại đến sức khỏe của người dùng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com