Thuốc chữa đau nhức xương khớp ở người già

 

Người già đau xương khớp nên uống gì là vấn đề không chỉ người bệnh mà cả người thân cũng nên quan tâm. Những gì bệnh nhân tiêu thụ hàng ngày sẽ góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục nhanh chóng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn để bệnh nhân lựa chọn thuốc và nước uống phù hợp. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. 

1. Tổng quan về đau nhức xương khớp ở người cao tuổi

Theo một nghiên cứu cho thấy, có tới 60% người hơn 60 tuổi mắc các vấn đề về xương khớp và tỷ lệ này tăng theo độ tuổi. Điều này cho thấy đau nhức xương khớp là căn bệnh thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Nếu không được điều trị đúng cách có thể chuyển đến giai đoạn đau nhức mạn tính, thậm chí là biến chứng trầm trọng gây tàn tật.  

Người cao tuổi có thể gặp đau nhức xương khớp ở bất kì vị trí nào trên cơ thể như cổ, lưng dưới, tay chân. Tỷ lệ đau nhức ở các vị trí khác nhau như sau:

  • Đầu gối: Khoảng 30% người bệnh đau nhức gối và tỷ lệ tăng dần theo độ tuổi ở nữ giới.
  • Hông: Tỷ lệ thấp hơn khớp gối với 17% và tỷ lệ cũng tăng dần theo độ tuổi.
  • Tay: Có khoảng 13% đàn ông và 26% phụ nữ trên 70 tuổi được chẩn đoán đau ít nhất 1 khớp tay.
  • Cột sống: Tỷ lệ khoảng 17-19% bệnh nhân bị đau cột sống.
  • Khớp háng: Bệnh hoại tử chỏm xương đùi thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, chủ yếu do uống nhiều rượu. Bệnh gây đau và hạn chế vận động khớp háng ở các tư thế, đặc biệt là khi dạng chân và bước lên cao. Trên phim chụp, có thể thấy chỏm xương đùi bị hoại tử, mòn và xẹp. Bệnh tiến triển nhanh chóng dẫn tới tàn phế, gây đau đớn và mất khả năng đi lại.

2. Nguyên nhân gây ra đau nhức xương khớp ở người cao tuổi

Trước khi tìm hiểu người già đau xương khớp nên uống gì, bệnh nhân cần biết những nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân chính được chia làm 2 nhóm như sau:

2.1 Nguyên nhân bên ngoài

Chấn thương: Biến dạng thứ phát gặp sau tai nạn giao thông, té ngã,... gây ảnh hưởng đến khớp, các dây chằng khiến xương khớp bị tổn thương.

  • Thừa cân béo phì cũng gây ra áp lực cho các khớp nhất là khớp gối và lưng, về lâu dài có thể chuyển thành đau mạn tính.
  • Ăn uống thiếu chất gây thiếu hụt canxi, omega 3 làm gia tăng khả năng bị đau nhức xương khi về già.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma tuý là tác nhân gây đau nhức xương khớp ở người cao tuổi.
  • Thay đổi thời tiết lúc giao mùa rất dễ làm cho người lớn tuổi gặp các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là đau nhức xương khớp.
  • Ít vận động khiến cho các cơ và khớp dễ bị cứng, máu vận chuyển đến khớp không thể tuần hoàn ổn định dễ gây ra tình trạng đau nhức xương.
  • Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh về xương khớp thì thế hệ tiếp theo có nguy cơ cao mắc bệnh

2.2 Nguyên nhân bệnh lý

  • Viêm xương khớp/ thoái hóa khớp: Theo độ tuổi thì lớp đệm tự nhiên nằm giữa sụn khớp sẽ bị suy giảm khiến sụn bị mỏng, giòn, yếu, dễ bị tổn thương. Khi lớp sụn biến mất, 2 đầu xương cọ xát với nhau dễ gây sưng đau, không còn linh hoạt, có thể xuất hiện gai xương.
  • Viêm khớp dạng thấp: Bệnh lý viêm khớp tự miễn đa phần xảy ra ở các khớp nhỏ và vừa. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công vào hệ thống khớp trong cơ thể gây đau nhức. Nếu không được điều trị sớm có thể dễ gây ra biến chứng dính khớp hay biến dạng khớp. Viêm khớp dạng thấp hay xảy ra ở nữ giới tuổi 40-60.
  • Viêm bao hoạt dịch: Là tình trạng các túi hoạt dịch bị viêm, phù nề khiến khớp bị đau cứng. Tuổi càng cao thì khả năng bị viêm bao hoạt dịch càng lớn nhất là người làm các công việc liên quan đến vận động nhiều.
  • Thoát vị đĩa đệm: Là tình trạng nhân nhầy trong đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu làm chèn ép các dây thần kinh và tủy sống. Bệnh nhân sẽ bị đau nhức ở vùng thoát vị, đau dọc theo dây thần kinh bị chèn ép. Tại Việt Nam, thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện phổ biến ở người có độ tuổi từ 30-60.
  • Viêm gân xương bánh chè: Gây sưng tấy và đau nhức ở gối cũng thường xảy ra ở người cao tuổi.
  • Loãng xương: Là tình trạng xương bị giảm mật độ và mỏng dần. Tình trạng này làm cho xương trở nên giòn dẫn tới dễ gãy và tổn thương. Biểu hiện đầu tiên của bệnh loãng xương chính là đau lưng.

3. Người già đau xương khớp nên uống gì?

3.1. Sữa

Sữa là một trong những loại thực phẩm đầu tiên trong danh sách người già đau xương khớp nên uống gì bởi vì có hàm lượng cao canxi và vitamin D hỗ trợ xương chắc khỏe. Đồng thời, sữa có chứa collagen thủy phân giúp tăng độ bền của sụn và tính dẻo dai của cơ xương khớp. Điều này góp phần giảm nguy cơ mắc thoái hóa khớp và viêm khớp.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể tiêu thụ các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai hoặc kem tươi để xương chắc khỏe hơn và ngăn ngừa bệnh loãng xương. 

Sữa là một trong những thức uống nên có trong danh sách người già đau xương khớp nên uống gì.
Sữa là một trong những thức uống nên có trong danh sách người già đau xương khớp nên uống gì.

3.2. Trà xanh

Trà xanh chứa polyphenol là một chất có hoạt tính sinh lý và khả năng chống oxy hóa cao. Do đó, việc tiêu thụ trà xanh sẽ giúp tiêu diệt các gốc tự do và ngăn ngừa lão hóa sớm. Hơn thế nữa, uống trà xanh còn hạn chế nguy cơ mắc loãng xương.

3.3. Nước ép trái anh đào

Nước ép trái anh đào có thể dùng để điều trị viêm hiệu quả. Bệnh nhân cần lưu ý chỉ nên uống nước ép anh đào nguyên chất và không pha thêm đường bởi vì đường là nguyên nhân khiến bệnh viêm khớp trầm trọng hơn. Thay vào đó, bệnh nhân có thể dùng cùng một ít mật ong hoặc đường ăn kiêng để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

4. Người già đau xương khớp nên uống thuốc gì?

Một số loại thuốc giảm đau có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau nhức xương khớp ở người cao tuổi, bao gồm:

4.1. Thuốc acetaminophen

  • Acetaminophen hay paracetamol là lựa chọn điều trị được khuyến cáo cho các trường hợp đau nhức xương khớp từ nhẹ đến trung bình.
  • Tuy nhiên trước khi điều trị người bệnh cần được đánh giá chức năng gan, vì thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan.
  • Liều sử dụng thường sử dụng là 325- 650 mg mỗi 4 giờ.

4.2. Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID)

NSAID là một trong những loại thuốc được kê đơn rộng rãi để giảm đau, chống viêm. Thuốc có thể được sử dụng đối với đau xương khớp liên quan đến viêm và được đề xuất như điều trị thay thế cho acetaminophen

Tuy nhiên, cần sử dụng NSAID cho người cao tuổi một cách thận trọng do có nguy cơ cao xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng

Thuốc có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng gồm xuất huyết tiêu hoá, đột quỵ, suy thận và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Người bệnh có độ thanh thải creatinin thấp, bệnh dạ dày hoặc bệnh tim mạch cần dùng NSAID thận trọng.

Ngoài ra, khả năng xảy ra các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa cũng tăng lên khi NSAID được dùng chung với aspirin liều thấp.

Tuy nhiên việc sử dụng thuốc cho các cơn đau nhức xương khớp ở người cao tuổi nên có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chữa đau nhức xương khớp ở người cao tuổi

Ngoài vấn đề người già đau xương khớp nên uống gì, bệnh nhân cần đa dạng hóa phác đồ điều trị gồm uống thuốc, tập thể dục, hỗ trợ tâm lý và liệu pháp can thiệp nhằm hy vọng chấm dứt chu kỳ đau xương khớp mãn tính. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc cho người cao tuổi cần có nhiều lưu ý gồm:

  • Không lạm dụng thuốc: Khi sử dụng thuốc giảm đau kéo dài có thể gây ra tình trạng lạm dụng thuốc gây hại cho sức khỏe.
  • Thuốc chỉ giúp điều trị triệu chứng: Các thuốc giảm đau chỉ giúp kiểm soát cơn đau chứ không điều trị được tận gốc vấn đề, không thể ngăn chặn tác động của quá trình lão hoá và hao mòn cột sống.
  • Không dùng thuốc giảm đau chung với rượu: Dùng acetaminophen với rượu có thể gây tổn thương tới gan.
  • Thuốc có tác dụng phụ: khi uống bất kỳ loại thuốc nào cũng cần biết tới tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc và cách sử dụng an toàn nhất.
  • Uống thuốc theo liều lượng quy định: Giúp tăng hiệu quả điều trị.
  • Tránh tương tác thuốc bất lợi: Tham khảo bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để tránh tương tác thuốc bất lợi cho cơ thể.

6. Phòng ngừa đau nhức xương khớp ở người cao tuổi

Để phòng chống đau nhức xương khớp do thoái hoá, người cao tuổi nên có chế độ sinh hoạt phù hợp kết hợp tập luyện và chơi các bộ môn nhẹ nhàng, hạn chế mang vác nặng và các động tác quá sức.

Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa đau nhức xương khớp gồm:

  • Lao động hợp lý: Hạn chế khuân vác, chú ý kiểm tra thường xuyên để hạn chế các ảnh hưởng quá mức tới các khớp liên quan, tránh các tư thế xấu như ngồi còng lưng.
  • Dinh dưỡng hợp lý: Tránh tình trạng béo phì, giữ cân nặng tối ưu, giảm các chất béo (dầu mỡ các loại), chất ngọt, kẹo bánh, chè, trái cây chín quá ngọt.  
  • Không dùng hoặc hạn chế rượu và thuốc lá: Đây có thể là nguyên nhân gây bệnh cho khớp háng (hoại tử đầu xương đùi) rất nguy hiểm.  
  • Bảo đảm bổ sung những chất chống lão hóa như vitamin E, A (dầu thực vật, đậu hạt, ngũ cốc), vitamin C (cam quýt, bưởi, ớt, cà chua,...), các khoáng chất vi lượng như selenium, kẽm, magnesium, canxi (có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm, nghêu, sò, ốc, hàu)

Nếu thoái hoá khớp chuyển nặng bất ngờ và cảm thấy đau nhiều, bệnh nhân cần đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, có bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp để điều trị sớm, tránh việc dùng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc hoặc lạm dụng thuốc giảm đau.

Hy vọng những thông tin về vấn đề người già đau xương khớp nên uống gì sẽ có thể giúp người bệnh và người thân hiểu rõ về các loại nước uống và thuốc chữa đau nhức xương khớp ở người già để có thể điều trị một cách hiệu quả. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe