Các thuốc trị Gout phổ biến thường dùng

Một số loại thuốc điều trị Gout có khả năng làm giảm nhanh chóng các triệu chứng khó chịu và đồng thời ngăn ngừa các đợt Gout cấp tính tái phát trong tương lai. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về các nhóm thuốc này và những lưu ý mà bệnh nhân cần nắm để tránh gây ra tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Thị Oanh - Bác sĩ Nội cơ xương khớp - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Bệnh Gout là bệnh gì?

Bệnh Gout, hay còn gọi là thống phong, là một loại viêm khớp phổ biến do sự tích tụ vi tinh thể gây ra, đặc trưng bởi những đợt viêm cấp tính tái diễn. Sự tích tụ axit uric quá mức là thủ phạm chính dẫn đến bệnh Gout. Khi nồng độ axit uric tăng cao, các tinh thể urat sẽ hình thành và lắng đọng tại các mô, gây ra tình trạng viêm sưng, nóng, đỏ và đau ở khớp. Những đợt bùng phát này được gọi là cơn Gout cấp tính.

Các đợt bùng phát cấp tính với giai đoạn không triệu chứng thường xuất hiện xen kẽ.Tuy nhiên, trong giai đoạn không triệu chứng, tinh thể urat vẫn âm thầm tích tụ trong cơ thể. Nếu không được kiểm soát và điều trị hiệu quả, các đợt Gout cấp sẽ tái phát thường xuyên hơn và rút ngắn khoảng thời gian không xuất hiện giữa các đợt Gout cấp.

Tiếp sau đó, khi các đợt Gout cấp tái phát thường xuyên hơn, dẫn đến tình trạng đau âm ỉ liên tục và có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn, thậm chí tàn phế. Lúc bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính sẽ xuất hiện các hạt Tophi và gây tổn thương thận.

Hiện tại, mục tiêu điều trị bao gồm việc sử dụng các loại thuốc điều trị Gout kết hợp với thay đổi lối sống hàng ngày để kiểm soát triệu chứng sưng và đau trong các đợt cấp tính, phòng ngừa tái phát và giảm nồng độ axit uric trong máu.

2. Phân loại thuốc điều trị Gout

Một số loại thuốc điều trị Gout vừa có tác dụng giảm các triệu chứng bệnh vừa ngăn ngừa các đợt Gout cấp tấn công gây đau đớn. Trong khi đó, một số loại thuốc điều trị Gout còn giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm do Gout gây ra như sỏi thận.

Việc sử dụng thuốc điều trị Gout cần được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân, dựa trên kết quả thăm khám của bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp, kết hợp sử dụng thuốc điều trị Gout và điều chỉnh chế độ sinh hoạt hàng ngày để đạt hiệu quả lâu dài.

Thuốc điều trị Gout được chia thành hai nhóm chính: cấp tính và mãn tính.

  • Thuốc điều trị Gout cấp tính: Nhóm thuốc này giúp giảm nhanh các cơn đau nhức cấp tính và sưng tấy ở khớp, giúp khớp hoạt động trở lại bình thường. Các loại thuốc thường dùng bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), Corticoid và Colchicine.
  • Thuốc điều trị Gout mãn tính: Nhóm thuốc này giúp ngăn ngừa các đợt Gout cấp tấn công bằng cách giảm nồng độ axit uric trong máu và duy trì mức axit uric ổn định. Một số ví dụ tiêu biểu là Allopurinol và Febuxostat. 
Thuốc điều trị Gout được chia thành hai nhóm chính: cấp tính và mãn tính.
Thuốc điều trị Gout được chia thành hai nhóm chính: cấp tính và mãn tính.

Hầu hết các loại thuốc điều trị Gout chỉ được bán theo toa của bác sĩ tại các nhà thuốc uy tín. Việc tự ý mua thuốc chữa Gout trước khi khám bác sĩ tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm, do đó, hãy hạn chế tối đa để bảo vệ sức khỏe bản thân.

3. Các loại thuốc điều trị Gout tốt nhất hiện nay

3.1 Thuốc điều trị Gout cấp tính

3.1.1 Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Nhóm thuốc này được sử dụng rộng rãi để giảm đau, viêm do tinh thể axit uric gây ra trong cơn Gout cấp, tuy nhiên, thuốc không ảnh hưởng đến lượng axit uric trong cơ thể.

Một số thuốc NSAID không kê đơn (như naproxen) và kê đơn (như Indomethacin, Sulindac) có thể được sử dụng để giảm nhanh các cơn đau cấp tính. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc chỉ tạm thời và có thể đi kèm với tác dụng phụ ảnh hưởng đến:

  • Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy, và trong trường hợp nặng hơn là viêm loét dạ dày.
  • Ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của gan, thận và tim mạch.

Gần đây, các nhà khoa học đã cải tiến thuốc NSAIDs thế hệ mới, gọi là NSAIDs chọn lọc COX-2. Loại thuốc này có hiệu quả giảm đau, chống viêm tương đương thuốc NSAIDs thông thường nhưng ít gây tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của NSAIDs chọn lọc COX-2 lên hệ tim mạch vẫn đang được nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng.

3.1.2 Thuốc Colchicine

Colchicine là thuốc kê đơn chống viêm, được dùng để điều trị Gout và các bệnh viêm khớp do tinh thể khác. Đây là thuốc điều trị Gout cấp tính hiệu quả nhất, giúp giảm bớt triệu chứng bệnh chỉ trong 6 đến 12 giờ, nếu được sử dụng trong vòng 36 giờ đầu sau khi có dấu hiệu bùng phát bệnh.  

Ngoài việc điều trị các đợt Gout cấp tính, Colchicine liều thấp còn được sử dụng để dự phòng nguy cơ bùng phát bệnh trong tương lai. Tuy nhiên, do không có khả năng hạ mức urat trong cơ thể nên Colchicine không được xem là phương pháp điều trị duy trì lâu dài cho bệnh viêm khớp do Gout.

Mặt khác, các nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng Colchicin có thể dẫn đến tích lũy độc tính, gây ra các vấn đề như suy tủy xương, tổn thương gan và thận,... mà không mang lại hiệu quả điều trị cải thiện so với liều thấp. Hơn nữa, thuốc còn gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như tiêu chảy nặng, buồn nôn, nôn mửa và đau quặn bụng.  

3.1.3 Nhóm thuốc Corticosteroid

Khi các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và colchicine không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid để điều trị Gout cấp. Thuốc này có thể dùng ở dạng uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp bị đau. Prednisone là một loại corticosteroid phổ biến thường được sử dụng trong giai đoạn Gout cấp, giúp giảm đau trong vòng vài giờ sau khi sử dụng.

Do có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, thuốc chỉ được sử dụng khi người bệnh không đáp ứng tốt với nhóm thuốc NSAIDs, Colchicine hoặc có chống chỉ định với các thuốc đó. Việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Với những cơn Gout chỉ giới hạn ở một hoặc hai khớp và mức độ đau từ nhẹ đến trung bình, bệnh nhân chỉ cần sử dụng đơn lẻ một loại thuốc trong số các loại được đề cập để kiểm soát tình trạng viêm. Tuy nhiên, nếu cơn đau ngày càng nặng và lan rộng ra nhiều khớp lớn hơn (không chỉ ở ngón chân), việc kết hợp nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát bệnh có thể trở nên cần thiết.

Trong trường hợp một loại thuốc không mang lại hiệu quả điều trị các triệu chứng của đợt Gout cấp như ý muốn, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc khác hoặc phối hợp các loại thuốc để tăng cường hiệu quả. Việc lựa chọn phương án điều trị phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả lâu dài cần được bác sĩ quyết định dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

3.2 Thuốc giảm axit uric máu điều trị Gout mạn tính

Nhóm thuốc hạ axit uric máu khác biệt so với thuốc chống viêm, giảm đau ở chỗ có thể sử dụng lâu dài để giảm mức độ nghiêm trọng của các đợt Gout cấp tính và hạn chế xuất hiện biến chứng. Mục tiêu điều trị là hạ nồng độ axit uric máu dưới 300 umol/l (5mg/dl) cho người có hạt tophi và dưới 360 umol/l (6mg/dl) cho người chưa có hạt tophi.

Người chưa từng dùng thuốc hạ axit uric máu trước đây không nên dùng thuốc này khi đang bị Gout cấp. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đang dùng thuốc hạ axit uric máu mà bị Gout cấp, hãy tiếp tục sử dụng thuốc. Thuốc này hoạt động theo nhiều cách khác nhau để giảm nồng độ axit uric trong cơ thể, và được chia thành các nhóm dựa trên cơ chế tác dụng:

  • Nhóm thuốc ức chế tổng hợp axit uric trong máu phổ biến gồm Allopurinol và Febuxostat.
  • Nhóm thuốc giúp tăng thải axit uric điển hình là Probenecid.
  • Nhóm thuốc tiêu axit uric điển hình là Pegloticase.
  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu axit uric có chọn lọc bao gồm thuốc Lesinurad.

3.3 Các thuốc dự phòng đợt Gout tấn công

Việc sử dụng thuốc điều trị Gout lâu dài không bắt buộc cho tất cả mọi người. Nhiều người chỉ cần điều trị tạm thời trong đợt Gout cấp tính để giảm viêm. Sau đó, bệnh nhân có thể kiểm soát bệnh Gout hiệu quả bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống hợp lý, giúp hạ nồng độ axit uric và ngăn ngừa các đợt Gout tấn công trong tương lai.  

Tuy nhiên, nếu tần suất bùng phát Gout diễn ra thường xuyên hơn, bệnh nhân có thể cần thêm thuốc để kiểm soát nồng độ urat, đặc biệt khi có các dấu hiệu sau:

  • Người bệnh bị bùng phát cơn gout cấp tính hai hoặc nhiều lần trong một năm.
  • Nếu các đợt bùng phát trở nên quá nặng nề khiến bệnh nhân không thể làm việc hoặc thực hiện các hoạt động thường ngày.
  • Bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân đã bị tổn thương khớp sau khi thực hiện chẩn đoán hình ảnh X-quang hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
  • Sự hiện diện của các hạt Tophi, hay còn gọi là tinh thể axit uric vón cục, có thể làm hỏng khớp.
  • Nếu chức năng thận bị suy giảm, có sỏi thận hoặc cơ thể bài tiết lượng axit uric cao trong nước tiểu.

Axit uric cao, hay còn gọi là tăng axit uric máu, là thủ phạm chính gây ra bệnh Gout. Để hạ thấp nồng độ axit uric trong máu (urat huyết thanh), các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, gọi là liệu pháp hạ urat (ULT). Để kiểm soát mức axit uric, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc điều trị Gout sau:

  • Thuốc ức chế xanthine oxidase (XOI) là nhóm thuốc dùng để giảm nồng độ axit uric trong máu. Hai loại thuốc phổ biến trong nhóm này là Allopurinol và Febuxostat.
  • Nhóm thuốc tăng thải axit uric qua nước tiểu giúp thận bài tiết axit uric ra khỏi cơ thể hiệu quả hơn.
  • Enzyme phân hủy axit uric được dùng như biện pháp cuối cùng khi các phương pháp giảm axit uric khác không hiệu quả hoặc không phù hợp với bệnh nhân.

Để dự phòng Gout cấp, bệnh nhân cần sử dụng thuốc chống viêm (NSAIDs, colchicin hoặc corticosteroid) liều thấp trong 3-6 tháng kết hợp thuốc hạ axit uric. Việc lựa chọn thuốc chống viêm phù hợp phụ thuộc vào từng cá nhân, dựa trên tình trạng cụ thể và cân nhắc các yếu tố chỉ định, chống chỉ định của từng loại thuốc điều trị Gout.

4. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc trị Gout

  • Vì thuốc điều trị Gout cấp có thể gây hại cho dạ dày, nên tốt nhất bệnh nhân nên uống sau khi ăn hoặc kết hợp cùng với thuốc kháng axit.
  • Mặc dù đa số thuốc điều trị Gout mãn tính đều được đánh giá là an toàn, tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh có thể gặp phải tình trạng phát ban trên da, ngứa ngáy, buồn nôn, nhức đầu, đau bụng và mệt mỏi. Nếu các triệu chứng này không thuyên giảm hoặc bệnh nhân nghi ngờ tác dụng phụ do thuốc gây ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức.
  • Thuốc điều trị Gout cấp chỉ có thể dùng ngắn hạn, trong khi thuốc điều trị Gout mãn tính phải dùng lâu dài, chỉ ngừng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Uống thuốc đúng liều lượng và theo giờ quy định. Nếu bệnh nhân quên uống, hãy uống ngay khi nhớ ra, trừ khi đã gần đến giờ uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống theo lịch trình bình thường. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý tăng gấp đôi liều thuốc.

5. Một số cách điều trị Gout khác không cần dùng thuốc

5.1 Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng chữa gout

Thay đổi chế độ dinh dưỡng là cách điều trị Gout tại nhà hiệu quả và an toàn. Việc xây dựng chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh.

  • Bệnh nhân cần tránh các thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, tôm, cá,... Ngoài ra, cần kiêng rượu bia và đồ uống có cồn. Thay vào đó, người bệnh nên tăng cường ăn nhiều hoa quả và rau xanh.
  • Người bị bệnh Gout hoàn toàn có thể ăn trứng và thịt, nhưng cần lưu ý lượng tiêu thụ không vượt quá 150g mỗi ngày.  
  • Bên cạnh đó, để kiểm soát bệnh tốt hơn, việc thường xuyên tập luyện thể dục thể thao và duy trì thói quen uống đủ nước (khoảng 2 - 2,5 lít mỗi ngày tùy theo nhu cầu của mỗi người) cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

5.2 Thay đổi lối sống

  • Giảm cân là một phương pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Gout. Tuy nhiên, giảm cân quá nhanh có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn như hình thành sỏi thận và tinh thể trong cơ thể, gây đau khớp.  
  • Khi cơn Gout cấp bùng phát gây đau nhức dữ dội ở khớp, điều quan trọng nhất là phải nghỉ ngơi và hạn chế vận động.
  • Tái khám đúng hẹn với bác sĩ để kiểm soát bệnh Gout hiệu quả. 

Bài viết này hy vọng đã cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về các loại thuốc điều trị Gout tốt nhất hiện nay và những cách chữa trị khác không cần dùng thuốc. Nhờ đó, người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị Gout hiệu quả và hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tác dụng phụ không mong muốn. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe