Thức ăn làm thay đổi hấp thu thuốc như thế nào?

Sự hấp thu thuốc phụ thuộc vào thời gian rỗng của dạ dày, do đó, người bệnh cần căn cứ thuốc ít tan hay lâu tan mà uống lúc đói hay uống thuốc sau ăn. Bên cạnh đó, thức ăn có thể làm thay đổi chuyển hóa và thải trừ thuốc. Ngược lại, thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa một số chất trong thức ăn. Vậy thuốc và các loại thực phẩm có mối tương tác như thế nào?

1. Tổng quan

Tương tác giữa thuốc và thực phẩm có thể xảy ra với cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn (OTC), bao gồm thuốc kháng axit, vitamin, thuốc sắt, thảo mộc, thực phẩm chức năng và đồ uống.

Một số chất dinh dưỡng có thể liên kết với các thành phần của thuốc, làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa một số loại thuốc. Nói cách khác, thức ăn thay đổi hấp thu thuốc, làm giảm sự hấp thụ hoặc tăng tốc độ đào thải.

Không phải tất cả các loại thuốc đều bị ảnh hưởng bởi thực phẩm, nhưng nhiều loại có thể bị tác động bởi thói quen ăn uống của bạn. Đôi khi, uống thuốc cùng lúc ăn có thể cản trở dạ dày và ruột hấp thụ thuốc. Cũng có những loại thuốc được khuyến khích dùng cùng với thức ăn. Một số loại chỉ hấp thụ được nếu bạn dùng trong một bữa ăn no hoặc thậm chí một bữa ăn có hàm lượng chất béo cao. Vì vậy, bạn cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn cụ thể về việc ăn uống trước hoặc sau khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.


Kết hợp thuốc và thức ăn không đúng cách có thể làm giảm hiệu quả của thuốc
Kết hợp thuốc và thức ăn không đúng cách có thể làm giảm hiệu quả của thuốc

2. Một số tương tác giữa thuốc và thực phẩm

2.1. Warfarin và Vitamin K

Warfarin (Coumadin) là một loại thuốc làm loãng máu giúp điều trị và ngăn ngừa cục máu đông. Tiêu thụ những thực phẩm giàu vitamin K có thể làm giảm hiệu quả của warfarin. Hàm lượng vitamin K cao nhất được tìm thấy trong các loại rau lá xanh như: cải xoăn, cải thìa, rau bina, củ cải xanh, cải Brussels, bông cải xanh, hành lá, măng tây và giá.

Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không cần phải tránh thực phẩm có chứa vitamin K, thay vào đó là duy trì lượng tiêu thụ đều đặn hàng ngày. Nhưng nếu như họ cần giảm cân và bắt đầu ăn nhiều rau xanh hơn thì lượng vitamin K sẽ tăng lên. Điều này sẽ phản tác dụng chống đông máu của warfarin.

2.2. Insulin, thuốc viên kiểm soát tiểu đường và rượu

Đồ uống có cồn có thể làm tăng hoặc kéo dài tác dụng của insulin hoặc các thuốc viên kiểm soát tiểu đường, dẫn đến hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp. Tác dụng hạ đường huyết của rượu có thể kéo dài từ 8 - 12 giờ với các triệu chứng bao gồm: hồi hộp, đổ mồ hôi, run rẩy, đói dữ dội, suy nhược cơ thể, đánh trống ngực, lú lẫn, buồn ngủ và cuối cùng là hôn mê.

Mỗi người có thể giảm nguy cơ lượng đường trong máu thấp bằng cách dùng thức uống có cồn vào bữa ăn hoặc ăn nhẹ trong khi uống. Người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường có thể thưởng thức tối đa 2 ly rượu mỗi ngày với điều kiện:

  • Được bác sĩ chấp thuận
  • Không có tiền sử mắc bệnh viêm tụy
  • Không tăng chất béo trung tính
  • Không mắc bệnh về thần kinh.

Ngoài ra, một số loại thuốc viên kiểm soát tiểu đường như chlorpropamide (Diabinese) có thể gây chóng mặt, đỏ bừng và buồn nôn khi dùng cùng với rượu.


Hạ đường huyết là một tác dụng phụ của insulin khi dùng kết hợp với đồ uống có cồn
Hạ đường huyết là một tác dụng phụ của insulin khi dùng kết hợp với đồ uống có cồn

2.3. Digoxin, chế độ ăn nhiều chất xơ và thảo mộc

Digoxin (Digitalis, Digitek, Lanoxin) được sử dụng để tăng cường sự co bóp của cơ tim, làm chậm nhịp tim và thúc đẩy loại bỏ chất lỏng từ các mô cơ thể.

Chất xơ thực phẩm, đặc biệt là chất xơ không hòa tan (như cám lúa mì) có thể làm chậm quá trình hấp thu digoxin và làm giảm hiệu quả của thuốc. Để ngăn ngừa điều này, người lớn tuổi nên uống thuốc trước ăn ít nhất 1 giờ hoặc uống thuốc sau ăn 2 giờ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thảo mộc cũng có thể ảnh hưởng đến digoxin. Ví dụ, nhân sâm có thể làm tăng nồng độ digoxin trong máu lên tới 75%, trong khi cây ban âu (St. John’s Wort) làm giảm xuống 25%.

Điều quan trọng là bệnh nhân phải nhận ra các dấu hiệu nhiễm độc digoxin, bao gồm: thay đổi thị lực, thấy xuất hiện quầng sáng xung quanh các vật thể, yếu ớt, lú lẫn, chóng mặt, buồn nôn và ói mửa.

2.4. Statin và bưởi

Statin là loại thuốc giảm cholesterol có hiệu quả cao. Tuy nhiên, uống nước bưởi hoặc ăn bưởi tươi có thể làm tăng lượng statin trong máu, dẫn đến các tác dụng phụ tiềm ẩn của những loại thuốc này. Các tác dụng phụ của statin bao gồm: đau cơ và các bất thường về gan được phản ánh thông qua xét nghiệm máu.

Loại tương tác giữa thuốc và thực phẩm này đặc biệt mạnh với simvastatin (Zocor) và lovastatin (Altoprev), nhẹ hơn với atorvastatin (Lipitor) và không tồn tại đối với pravastatin (Pravachol). Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải kiểm tra xem các thuốc statin được kê đơn của mình có tương tác hay với bưởi hay không?

2.5. Thuốc chẹn canxi và bưởi

Thuốc chẹn kênh canxi được kê đơn cho bệnh cao huyết áp. Một yếu tố tự nhiên được tìm thấy trong bưởi sẽ tác động đến enzyme đường ruột CYP3A4, làm thay đổi sự phân hủy của các chất chẹn kênh canxi, có thể làm tăng quá mức nồng độ thuốc trong máu, cũng như tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tương tác giữa bưởi và thuốc chẹn canxi là mạnh nhất, ví dụ, với felodipine (Plendil), nicardipine (Cardene) và nisoldipine (Sular) và yếu hơn với amlodipine (Norvasc), diltiazem (Cardizem) và nifedipine (Adalat).


Ăn bưởi khi uống thuốc chẹn canxi làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ
Ăn bưởi khi uống thuốc chẹn canxi làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ

2.6. Thuốc trị rối loạn cương dương và bưởi

Mặc dù chưa được chứng minh, nhưng bằng chứng chỉ ra rằng nước bưởi có khả năng làm tăng nồng độ thuốc điều trị rối loạn cương dương sildenafil (Viagra) trong máu. Một số nam giới có thể xem đây lợi ích, nhưng tình trạng này sẽ gây đau đầu với triệu chứng nguy hiểm, người đỏ bừng hoặc huyết áp thấp.

2.7. Acetaminophen và rượu

Thuốc giảm đau không kê đơn acetaminophen có tên thương hiệu là Tylenol. Tiêu thụ nhiều hơn 2 thức uống có cồn mỗi ngày có thể làm tăng độc tính gan của Tylenol, độc tính này có thể xảy ra ngay cả khi bệnh nhân dùng ít hơn 4 gam hoặc 8 viên Tylenol mỗi ngày.

Sự tương tác này có thể đặc biệt nguy hiểm với người lớn tuổi, vì chức năng gan giảm dần theo tuổi tác. Gan của một người 65 tuổi không hoạt động giống như lúc 25 tuổi.


Uống rượu trong thời gian uống thuốc Acetaminophen có thể làm tăng độc tính gan
Uống rượu trong thời gian uống thuốc Acetaminophen có thể làm tăng độc tính gan

2.8. Thuốc kháng sinh và các sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm từ sữa (như: sữa, sữa chua và pho mát) có thể trì hoãn hoặc ngăn cản sự hấp thu các loại thuốc kháng sinh như tetracyclines và ciprofloxacin (Cipro). Nguyên nhân là do canxi trong các loại thực phẩm này liên kết với kháng sinh trong dạ dày và phần trên của ruột non để tạo thành một hợp chất không hòa tan.

Để tránh gặp vấn đề thức ăn thay đổi hấp thu thuốc, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên uống thuốc trước ăn 1 giờ trước hoặc uống thuốc sau ăn 2 giờ.

Tuy nhiên, không cần phải tránh sữa với tất cả các loại thuốc kháng sinh. Ví dụ: nên uống metronidazole (Flagyl) với nước hoặc sữa để ngăn ngừa đau bụng.

2.9. Thuốc ức chế monoamine oxidase và Thực phẩm chứa Tyramine

Thực phẩm có chứa tyramine, chẳng hạn như một số loại rượu vang đỏ, bia mạch nha, cá hun khói, pho mát lâu năm và trái cây sấy khô - có thể làm tăng huyết áp nghiêm trọng khi dùng chung với thuốc ức chế monoamine oxidase. Đây là nhóm thuốc chống trầm cảm cũ có tác dụng phụ nghiêm trọng, ngày nay vẫn được kê đơn dù ít phổ biến hơn.


Rượu vang có chứa tyramine gây tăng huyết áp khi uống chung với thuốc monoamine oxidase
Rượu vang có chứa tyramine gây tăng huyết áp khi uống chung với thuốc monoamine oxidase

2.10. Thuốc kháng giáp và thực phẩm giàu iốt

Thuốc kháng giáp là các hợp chất can thiệp vào quá trình sản xuất hormone tuyến giáp của cơ thể, nhờ đó làm giảm các triệu chứng của cường giáp. Theo một nhóm nghiên cứu, chế độ ăn giàu i-ốt của người Mỹ làm giảm hiệu quả của thuốc kháng giáp.

Cụ thể, thuốc kháng giáp hoạt động bằng cách ngăn chặn sự hấp thụ iốt trong dạ dày. Một chế độ ăn giàu i-ốt đòi hỏi liều lượng thuốc kháng giáp cao hơn, nhưng khi dùng liều lượng thuốc kháng giáp càng cao thì càng có nhiều tác dụng phụ, bao gồm phát ban, nổi mề đay và bệnh gan.

Các nguồn thực phẩm giàu iốt nhất là hải sản và rong biển. Bên cạnh đó, iốt cũng được tìm thấy trong muối iốt và ở mức độ thấp trong trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa.

Một số loại thức ăn có thể làm ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc. Vì thế, để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn, cũng như sự tư vấn về chế độ dinh dưỡng của bác sĩ khi dùng một loại thuốc bất kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: hopkinsmedicine.org, todaysgeriatricmedicine.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe