Điều trị đứt gân ngón tay cái

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quyết - Bác sĩ Ngoại khoa phẫu thuật chi trên - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Đôi bàn tay được chúng ta sử dụng trong hầu hết mọi hoạt động hàng ngày. Vì thế, nguy cơ gặp các chấn thương ở tay dẫn đến đứt gân duỗi ngón tay cái, tổn thương gân gấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chúng ta không cẩn thận. Cùng tìm hiểu liệu đứt gân tay có nguy hiểm và có những phương pháp điều trị nào phổ biến.

1. Đứt gân tay có nguy hiểm?

Ngón tay do được cử động trong nhiều thao tác như: nấu ăn, gọt dũa, lao động... nên rất dễ bị tổn thương nếu chúng ta bất cẩn. Những chấn thương ở ngón tay, đặc biệt là đứt gân ngón tay cái có thể gây ra các rối loạn cử động từ nhẹ đến nặng.

Gân là những dải mô chắc khỏe có vai trò liên kết các cơ với xương. Đứt gân ngón tay cái nói riêng và đứt gân ngón tay nói chung có các dấu hiệu:

  • Vết đứt nhẹ ảnh hưởng đến lớp da bên ngoài hoặc cả những phần dưới da như mạch máu, thần kinh và gân.
  • Rách da làm một phần da hoặc mô mềm đứt lìa.
  • Chi hoặc mô mềm bị cắt lìa hoàn toàn khỏi ngón tay - đây là dấu hiệu đứt gân ngón tay rõ ràng nhất.
  • Gãy hoặc nứt xương ngón tay thường đi liền với tổn thương gân, dây chằng và các mô mềm khác.
  • Tác động mạnh vào ngón tay cũng có thể gây ra dấu hiệu đứt gân ngón tay. Tổn thương gân có thể bao gồm tổn thương sợi gân, hoặc tổn thương màng gân. Gân có thể bị rách, đứt tại vị trí gần với xương hoặc vị trí gân bám vào xương.
  • Có thể kèm theo tổn thương thần kinh sẽ làm giảm khả năng cảm thụ của ngón tay, gây tê một bên ngón tay vùng mà thần kinh đó chi phối.

2. Điều trị đứt gân ngón tay cái

Các tai nạn do vật sắc nhọn gây ra có thể gây những tổn thương sâu, phức tạp,. Đặc biệt, nếu tai nạn xảy ra ở vùng gan tay rất dễ gây đứt gân, đứt mạch máu, đứt dây thần kinh.

Khi xảy ra bất kỳ tai nạn nào người bệnh cần khám về tầm vận động và cảm giác của bàn tay, ngón tay để kiểm tra xem gân, dây chằng, dây thần kinh có bị tổn thương không. Có thể cần chụp X-quang để kiểm tra xem mức độ ảnh hưởng đến xương.

Khi bác sĩ đánh giá có tổn thương đứt gân ngón tay cái, chỉ định khâu nối gân ngón cái là bắt buộc. Bên cạnh đó, chỉ định nối mạch máu, thần kinh (nếu có đứt) có thể được đưa ra để đảm bảo phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Mức độ hồi phục chức năng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào:

  • Mức độ tổn thương: Có tổn thương thần kinh, mạch máu kèm theo không.
  • Thời điểm thực hiện khâu nối: Quy trình xử trí phẫu thuật càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Vì nếu để lâu gân sẽ bị co rút ngắn lại rất khó xử lý, trường hợp xấu nhất gân bị co rút không thể nối được sẽ phải thực hiện phẫu thuật chuyển gân rất phức tạp.
  • Việc tập phục hồi chức năng: Ngay sau khi vết thương liền bệnh nhân cần kiên trì tập phục hồi chức năng với chuyên gia trị liệu để tăng cường vận động ngón tay.

Người bị đứt gân ngón tay cái cần được điều trị sớm
Người bị đứt gân ngón tay cái cần được điều trị sớm

Nếu bệnh nhân quyết định không phẫu thuật thì đứt gân ngón tay cái tuy không gây ảnh hưởng gì lớn đối với sức khỏe nhưng sẽ làm mất khả năng hoạt động của ngón tay cái. Đây lại là ngón tay có nhiều công dụng nhất trên bàn tay cho nên bệnh nhân có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và công việc.

Ngoài ra còn có một số biện pháp để bệnh nhân chủ động chăm sóc hậu phẫu nối đứt gân ngón tay cái, đó là:

  • Hạn chế sử dụng bàn tay, ngón tay cho những thao tác nặng nhọc (bưng bê, vác đồ, cầm ném...).
  • Giữ bàn tay luôn ở vị trí cao hơn tim (khi có thể).
  • Chườm đá giảm sưng khoảng 1-2 tiếng/lần, với 15 phút mỗi lần. Để tránh bỏng lạnh nên đặt một miếng khăn mỏng giữa vật lạnh và làn da.
  • Đeo nẹp ngón tay tùy trường hợp và tùy chỉ định của bác sĩ.

Nhìn chung, các tổn thương ở ngón tay có thể cần đến vài tuần hoặc vài tháng để dần khôi phục (tùy vào mức độ tổn thương). Mức độ hồi phục cũng phụ thuộc vào từng người, ví dụ như trẻ em khỏe mạnh có tốc độ hồi phục nhanh hơn. Người lớn hoặc người cao tuổi việc điều trị đứt gân ngón tay cái có thể lâu hơn và có thể có di chứng về vận động, chức năng, rối loạn cảm giác.

Nếu bệnh nhân bị đau nhiều hoặc có tổn thương nặng, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau mạnh để hỗ trợ. Nếu tổn thương nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh sử dụng các thuốc giảm đau phổ biến hơn để kiểm soát cơn đau. Các thuốc giảm đau không cần kê đơn bao gồm Ibuprofen, Acetaminophen, và Naproxen.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe