Hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa là sự xâm nhập của thuốc vào vòng tuần hoàn chung của cơ thể. Ngoài ra, còn có thể đưa thuốc thông qua đường tiêm, đường hô hấp và qua da.
1. Mối liên hệ giữa cách thức đưa thuốc vào cơ thể và khả năng hấp thu
Con đường đưa thuốc vào cơ thể có ảnh hưởng lớn đến sự hấp thu.
Hấp thụ là sự vận chuyển thuốc từ nơi dùng thuốc (qua đường uống hay qua dạng tiêm) vào máu rồi đi khắp cơ thể, tới nơi cần điều trị. Vì vậy sự hấp thu sẽ phụ thuộc vào:
- Độ hòa tan của thuốc: Thuốc ở dưới dạng dung dịch nước, cơ thể sẽ dễ hấp thu hơn dạng dầu, dịch treo hoặc dạng cứng (viên nén uống);
- pH tại chỗ hấp thu: PH có ảnh hưởng đến độ ion hóa và độ tan của thuốc.
- Nồng độ của thuốc: Nồng độ thuốc càng cao sẽ càng hấp thu nhanh;
- Tuần hoàn tại vùng hấp thu: Vị trí càng nhiều mạch, càng hấp thu thuốc nhanh.
- Diện tích vùng hấp thu: Những nơi có diện tích lớn trong cơ thể như phổi, niêm mạc ruột,... sẽ hấp thu nhanh.
2. Các đường đưa thuốc vào cơ thể
2.1 Hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa
Ưu điểm: Đơn giản.
Nhược điểm: Thuốc khi vào cơ thể, đi qua đường tiêu hóa bị các enzym tiêu hóa phá huỷ hoặc thuốc tạo phức với thức ăn làm chậm đi khả năng hấp thu.
1 số loại thuốc khi sử dụng làm kích thích, ảnh hưởng tới dạ dày như niêm mạc tiêu hóa, gây viêm loét dạ dày,...
2.2 Hấp thu qua niêm mạc miệng
- Các loại thuốc ngậm dưới lưỡi
Thuốc hấp thu vào thẳng vòng tuần hoàn nên không bị dịch vị phá huỷ, không bị chuyển hóa qua gan lần thứ nhất.
- Thuốc uống
Thuốc uống sẽ xuống dạ dày và qua ruột với các đặc điểm sau:
Ở dạ dày:
Có độ pH = 1- 3 nên chỉ hấp thu các acid yếu, ít bị ion hóa như aspirin, phenylbutazon, barbiturat.
Thuốc uống ít hấp thu vì niêm mạc ít mạch máu, chứa nhiều cholesterol, thời gian thuốc ở dạ dày không lâu.
Khi đói hấp thu nhanh hơn, nhưng dễ bị kích thích, gây ảnh hưởng tới dạ dày.
Ở ruột non:
Ruột non là nơi hấp thu thuốc chủ yếu vì ở đây có diện tích hấp thu rất rộng (> 40m2), được tưới máu nhiều, pH tăng dần tới base (pH từ 6 đến 8).
Ở ruột non, thuốc ít bị ion hóa nhưng nếu liều lượng ít hoặc thuốc không tan trong lipid thì ít được hấp thu.
Các loại thuốc mang amin bậc 4 bị ion hóa mạnh nên khó hấp thu.
Thuốc đặt tại trực tràng:
Thường dùng trong trường hợp bị nôn, bệnh nhân hôn mê, trẻ nhỏ. Thuốc đặt ở hậu môn sẽ không bị enzyme tiêu hóa phá hủy, 50% thuốc đặt tại trực tràng sẽ qua gan, chuyển hóa ban đầu.
Nhược điểm: Thuốc không được hấp thụ hoàn toàn và có thể khiến kích ứng niêm mạc hậu môn.
- Đường tiêm
Qua đường tiêm tĩnh mạch: Thuốc hấp thu vào cơ thể nhanh, hoàn toàn, có thể điều chỉnh liều được nhanh. Lựa chọn tiêm đường tĩnh mạch khi truyền dung dịch nước hoặc các chất không thể tiêm.
Tiêm dưới da: Hấp thụ chậm hơn do dưới da có nhiều sợi dây thần kinh nên cảm giác sẽ đau hơn, lại ít mạch máu.
Tiêm bắp: Là kỹ thuật có thể khắc phục được nhược điểm của tiêm dưới da. Tuy nhiên một số thuốc có thể gây hoại tử cơ như ouabain, calci clorid, vì vậy sẽ không được tiêm bắp.
- Thuốc dùng ngoài
Thấm qua niêm mạc: Các loại thuốc bôi, nhỏ giọt vào niêm mạc mũi, họng, âm đạo, bàng quang để điều trị tại chỗ. Sử dụng trực tiếp nên thuốc thấm nhanh, trực tiếp vào máu nên không bị enzym phá hủy, có tác dụng toàn thân.
- Hấp thu đường khác
Qua phổi: Các chất khí và các thuốc bay hơi có thể được hấp thu qua tế bào biểu mô phế nang, niêm mạc đường hô hấp. Phổi có diện tích rộng (80 - 100m2) nên hấp thu nhanh. Đây là đường hấp thu và thải chính của thuốc mê hơi. Sự hấp thụ ít hay nhiều thuốc phụ thuộc vào nồng độ thuốc mê trong không khí khi bệnh nhân thở vào, do sự thông khí hô hấp và độ hòa tan của thuốc mê trong máu. Một số thuốc dùng dưới dạng phun sương để điều trị tại chỗ (bị hen phế quản).
Tiêm tuỷ sống: Thông thường được tiêm vào khoang dưới nhện hoặc ngoài màng cứng để gây tê vùng thấp như chi dưới, khung chậu bằng dung dịch có tỷ trọng cao (hyperbaric solution) hơn dịch não tuỷ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.