Theo thống kê, có 2.7 triệu người Mỹ bị rung tâm nhĩ kèm theo tăng nguy cơ bị đột quỵ. Dùng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) có thể giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ từ 50 - 60%.
1. Đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ
Tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ, xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu lên não; các tế bào não bị mất oxy và chết dần. Ở những người bị rung nhĩ, dòng máu chảy chậm trong các buồng trên cùng của tim và có thể hình thành cục máu đông tại đây. Khi một cục máu đông vỡ ra, chúng có thể di chuyển đến não và gây đột quỵ. Chính vì vậy mà chất làm loãng máu đã được chỉ định trong điều trị dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ. Thuốc làm loãng máu, hoặc thuốc chống đông máu, làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên có đến một nửa số người bị rung nhĩ không dùng loại thuốc này. Có hai lý do chính như sau:
- Thuốc chống đông máu chỉ điều trị dự phòng chứ không kiểm soát triệu chứng, vì vậy dùng thuốc không cho bệnh nhân thấy hiệu quả rõ rệt ngay trước mắt
- Thuốc có thể gây chảy máu.
Giám đốc Văn phòng Đánh giá Thuốc của FDA cho biết: “Hầu hết các loại thuốc được sử dụng để cải thiện cảm giác hoặc chức năng của bệnh nhân, nhưng thuốc chống đông máu thì không như vậy. Đây là thuốc phòng ngừa, được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ ở những người bình thường cảm thấy khỏe mạnh.”
Khi điều trị thành công, bệnh nhân sẽ giảm đáng kể nguy cơ bị đột quỵ, nhưng thuốc không cải thiện các triệu chứng của rung tâm nhĩ. Vì vậy, bệnh nhân không cảm thấy bất kỳ lợi ích đáng kể nào khi sử dụng. Trong khi đó, họ nhận thức rõ mặt trái của việc dùng thuốc - sự bất tiện, tác dụng phụ chảy máu và tốn kém chi phí. Nhưng nếu bệnh nhân tránh dùng thuốc chống đông máu vì những lý do kể trên, họ sẽ tự đặt mình vào nguy cơ bị tổn thương não và tàn tật không thể hồi phục. Lợi ích của việc giảm nguy cơ đột quỵ rõ ràng lớn hơn những rủi ro và sự bất tiện của các loại thuốc làm loãng máu này.
XEM THÊM: Rung nhĩ và nguy cơ đột quỵ
2. Những loại thuốc làm loãng máu mới
Trong những năm gần đây, FDA đã phê duyệt 4 chất làm loãng máu bao gồm:
- Dabigatran (Pradaxa)
- Rivaroxaban (Xarelto)
- Apixiban (Eliquis)
- Edoxaban (Savaysa).
Cùng với warfarin đã được phê duyệt cách đây 60 năm, những loại thuốc này được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ ở bệnh nhân bị rung nhĩ.
Có một số khác biệt quan trọng giữa nhóm thuốc mới và cũ. Warfarin tương tác với một số thuốc và thực phẩm, khiến chúng kém hiệu quả hơn hoặc có nhiều nguy cơ gây chảy máu hơn. Do đó, người bệnh phải được theo dõi bằng xét nghiệm máu định kỳ Warfarin. Trong khi các loại thuốc mới có ít tương tác hơn và không cần theo dõi máu.
Mặc dù tất cả các loại thuốc chống đông máu đều làm giảm nguy cơ đột quỵ do cục máu đông từ tim, nhưng chúng lại làm tăng nguy cơ đột quỵ do chảy máu trong não (đột quỵ xuất huyết). Các loại thuốc mới ít nguy cơ gây ra đột quỵ chảy máu hơn warfarin, đồng thời tỷ lệ đột quỵ tổng thể (cả do cục máu đông hoặc xuất huyết) của một số loại thuốc mới cũng thấp hơn.
Một sự khác biệt nữa là tốc độ bắt đầu và ngừng hoạt động của thuốc. Khi bắt đầu dùng warfarin, bệnh nhân phải đợi vài ngày thuốc mới có hiệu lực. Và khi ngừng sử dụng warfarin, phải mất vài ngày tác dụng của thuốc mới hết.
Còn các loại thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng nhanh chóng và tác dụng biến mất cũng khá nhanh. Đối với hầu hết bệnh nhân, đây là một lợi thế. Tuy nhiên chuyên gia cảnh báo: Trong những trường hợp hiếm gặp, khi bệnh nhân bị chảy máu đe dọa tính mạng hoặc cần phẫu thuật khẩn cấp, điều quan trọng là phải ngừng ngay tác dụng của những loại thuốc này.
Đối với một số ít bệnh nhân bị chảy máu đe dọa tính mạng, có thể sử dụng thuốc đảo ngược để chống lại tác dụng của thuốc chống đông máu. Ví dụ, Vitamin K là tác nhân đảo ngược của warfarin. FDA gần đây đã phê duyệt tác nhân đảo ngược đầu tiên của Pradaxa là Praxbind (idarucizumab). Praxbind có thể được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp khi không thể kiểm soát được tình trạng chảy máu do tác dụng làm loãng máu của Pradaxa.
XEM THÊM: Mối liên hệ giữa rung nhĩ và đột quỵ
3. So sánh lợi ích và nguy cơ
Tai biến mạch máu não thường gây tổn hại đến cho cả bệnh nhân và gia đình. “Một cơn đột quỵ có thể hủy hoại hoặc kết thúc cuộc đời.” Bị đột quỵ có thể ảnh hưởng đến khả năng nói, ăn, đi lại, làm việc, chăm sóc bản thân và tương tác với người khác. Vậy thì tại sao nhiều người không dùng thuốc làm loãng máu? Theo chuyên gia, cả warfarin và các loại thuốc mới đều có thể gây chảy máu, và có thể sợ chảy máu là lý do chính mà nhiều bệnh nhân không sử dụng chúng.
Nhưng hầu hết tác dụng phụ chảy máu không nghiêm trọng. Tình trạng này chỉ nhỏ như khi bạn đánh răng hoặc cạo râu. Đôi khi cũng xảy ra chảy máu nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như chảy máu trong, nhưng hiếm khi đe dọa đến tính mạng.
Mặc dù chảy máu rất đáng sợ, nhưng thường có thể điều trị được và không gây ra tổn thương vĩnh viễn. Nhìn chung xuất huyết ít nguy hiểm hơn nhiều so với đột quỵ.
4. Lời khuyên dành cho bệnh nhân
Nếu bạn bị rung nhĩ, hãy nói chuyện với bác sĩ để đảm bảo đang được điều trị đúng cách và ngăn ngừa đột quỵ. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bạn bị đột quỵ bao gồm:
- 65 tuổi trở lên
- Có tiền sử đột quỵ
- Tiểu đường
- Huyết áp cao
- Suy tim.
Nguy cơ đột quỵ cũng cao hơn ở phụ nữ, bệnh nhân suy giảm chức năng thận và những người đã từng bị đau tim.
Một số bệnh nhân nghĩ rằng mình chỉ bị rung nhĩ nhẹ và không cần phải uống thuốc làm loãng máu. Nguyên nhân là bởi rung nhĩ gây ra ít triệu chứng, hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua và tự khỏi. Trên thực tế, nguy cơ đột quỵ liên quan nhiều hơn đến các yếu tố khác và có thể là khá cao. Vì vậy, ngay cả khi bạn bị rung nhĩ nhẹ hoặc rung nhĩ thoáng qua, bạn vẫn nên nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị tối ưu nhất.
5. Những mục tiêu trong tương lai
FDA đang tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất nghiên cứu các chất đảo ngược tác dụng của một số loại thuốc chống đông máu mới. Cơ quan này hy vọng những loại thuốc này sẽ làm giảm hậu quả chảy máu ở một số bệnh nhân và tăng cường sự chấp nhận thuốc chống đông máu trong cộng đồng y tế. Nhờ đó sẽ có nhiều bệnh nhân bị rung nhĩ được điều trị hơn.
Việc sử dụng quá ít hoặc lạm dụng thuốc chống đông máu ở những người bị rung nhĩ là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, nhưng có thể kiểm soát được. Đối với hầu hết các bệnh nhân bị rung nhĩ, dùng thuốc chống đông máu theo chỉ định là điều tốt nhất bạn có thể làm để giảm nguy cơ bị đột quỵ. Các thuốc chống đông máu mới được nghiên cứu hoạt động tốt hơn so với warfarin mà không cần theo dõi máu. Bệnh nhân hiện tại có thể sử dụng các loại thuốc mới, kết hợp theo dõi máu không thường xuyên, để giảm thêm nguy cơ đột quỵ và chảy máu.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán rung nhĩ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: fda.gov