Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh lý xương khớp diễn biến mãn tính, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của cột sống, ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Việc chẩn đoán và điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?
Thoái hóa đốt sống lưng (hay thoái hóa cột sống thắt lưng - Lumbar Degenerative Disease) là bệnh lý xương khớp mãn tính, tiến triển chậm với mức độ nghiêm trọng tăng dần, ảnh hưởng chủ yếu đến 5 đốt sống thắt lưng (L1 - L5). Bệnh gây hao mòn, biến dạng cột sống, làm người bệnh đau âm ỉ, yếu cơ chân, mất thăng bằng và hạn chế vận động.
Thoái hóa cột sống thắt lưng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây ra những biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh và cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh có thể khiến một người bị tàn phế, mất khả năng sinh hoạt, biến người bệnh thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng.
2. Nguyên nhân gây ra
Thoái hóa cột sống thắt lưng không phải do viêm nhiễm, mà là kết quả của quá trình lão hóa tự nhiên cùng nhiều yếu tố khác tác động, bao gồm:
- Đặc thù công việc (lao động nặng, ngồi/đứng quá lâu ở một tư thế).
- Vận động sai cách (ngồi/nằm sai tư thế,...)
- Mất cân bằng dinh dưỡng.
- Yếu tố di truyền.
- Dị tật bẩm sinh.
- Chấn thương.
- Thừa cân béo phì.
- Từng điều trị phẫu thuật.
3. Triệu chứng thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống do tuổi tác thường không biểu hiện triệu chứng. Nhiều người có thể trải qua các triệu chứng đau nhức cột sống thắt lưng trong thời gian dài và tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp, các triệu chứng có thể bùng phát do vận động đột ngột.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm cứng khớp và đau nhẹ, ngày càng tiến triển nặng sau một thời gian dài không vận động hoặc vận động hạn chế, ví dụ như ngồi lâu.
Những triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể bao gồm:
- Tay, chân yếu.
- Rối loạn phối hợp vận động tay - chân.
- Co thắt cơ bắp gây đau nhức.
- Đau đầu.
- Mất thăng bằng và khó di chuyển.
- Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.
4. Các biện pháp chẩn đoán
Để xác định chính xác tình trạng thoái hóa cột sống thắt lưng, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng mà bệnh nhân mô tả cùng với kết quả của một số xét nghiệm cụ thể, bao gồm:
- Chụp X-quang hai tư thế thẳng và nghiêng giúp chẩn đoán hẹp cột sống, hẹp lỗ liên hợp đốt sống và gai xương sống.
- Chụp cộng hưởng từ MRI.
- Xét nghiệm máu toàn phần.
5. Các phương pháp chữa thoái hóa đốt sống lưng
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân. Sau khi có kết quả chẩn đoán xác định bản thân bị thoái hóa cột sống thắt lưng qua chụp X-quang, chụp MRI, chụp CT,... bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số biện pháp điều trị sau:
5.1 Chăm sóc tại nhà
Để kiểm soát triệu chứng, cải thiện bệnh và ngăn biến chứng, việc xây dựng kế hoạch chăm sóc người bị thoái hóa cột sống thắt lưng tại nhà là vô cùng quan trọng. Bệnh nhân và người thân cần lưu ý những điều sau:
- Thay đổi chế độ ăn uống: Người bệnh nên ưu tiên bổ sung rau lá xanh, sữa và chế phẩm từ sữa, cá, trái cây họ cam quýt. Đồng thời, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, nước có ga, thuốc lá, cà phê, đồ hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn cay nóng.
- Để cảm thấy dễ chịu hơn, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau đơn giản tại nhà như: xoa bóp nhẹ nhàng vùng đau, chườm nóng hoặc chườm lạnh...
- Để cải thiện tình trạng thoái hóa đốt sống lưng, người bệnh cần chú trọng thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng tích cực. Điều này bao gồm dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc, tránh giữ sai tư thế trong thời gian dài, hạn chế mang vác vật nặng,...
- Tập luyện thích hợp: Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp thư giãn gân cốt và cơ xương, cải thiện chức năng vận động cho người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, cần lựa chọn bài tập phù hợp, tránh vận động mạnh hoặc động tác khó. Đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga là những lựa chọn tốt cho bệnh nhân.
- Để giảm bớt áp lực lên khớp và duy trì cân nặng lý tưởng, người bị thừa cân cần kết hợp tập luyện và ăn kiêng.
5.2 Điều trị bằng thuốc
Phương pháp điều trị này chỉ đóng vai trò hỗ trợ khi bệnh nhân có triệu chứng nặng. Các loại thuốc giảm đau được sử dụng cũng được phân loại theo mức độ đau, từ nhẹ đến nặng, cụ thể như sau:
- Trường hợp thoái hóa do viêm khớp gây đau ở mức nhẹ hoặc trung bình: Bệnh nhân có thể dùng thuốc Paracetamol giảm đau. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều lượng do bác sĩ khuyến cáo để tránh tổn hại gan.
- Trường hợp bệnh nhân có mức độ đau nhức cao hơn: Việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc không kê đơn như naproxen natri và ibuprofen có thể được cân nhắc. Tuy nhiên, liều lượng cụ thể cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả giảm đau nhức xương khớp đạt tối ưu.
- Đối với bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng không đáp ứng với điều trị bằng 2 loại thuốc trên, tiêm corticosteroid quanh cột sống có thể được cân nhắc như một biện pháp giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phương pháp này không mang lại lợi ích lâu dài.
Thuốc giảm đau chỉ mang lại hiệu quả giảm nhẹ triệu chứng tạm thời. Để hỗ trợ giảm đau hiệu quả hơn, bệnh nhân có thể kết hợp sử dụng thêm thuốc mỡ hoặc bôi kem và xoa bóp trực tiếp lên vùng cột sống thắt lưng.
5.3 Các phương pháp điều trị thay thế không dùng thuốc
Các phương pháp điều trị hỗ trợ kiểm soát thoái hóa đốt sống lưng:
- Massage là phương pháp trị liệu sử dụng tay, chân hoặc dụng cụ tác động lên cơ thể, bao gồm các động tác như bấm huyệt, xoa bóp, nhào nặn, đấm vỗ,... nhằm giúp giảm đau nhức, tê cứng do thoái hóa cột sống thắt lưng.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh giúp giảm đau cột sống hiệu quả bằng cách tác động trực tiếp lên vùng bị tổn thương. Lưu ý: Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.
- Chườm nóng: Giúp đưa khí nóng vào vùng cột sống, xua tan hàn khí.
- Chườm lạnh: Giúp giảm sưng đau tức thời.
- Châm cứu trong Đông y sử dụng kim châm để tác động các huyệt vị trên cơ thể, góp phần giảm đau và hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa đốt sống lưng. Bên cạnh kim châm, bác sĩ có thể phối hợp thêm các dụng cụ khác như cứu ngải, điện cực, đèn hồng ngoại...
- Kích điện là phương pháp sử dụng thiết bị nhỏ tạo ra các xung điện ở mức an toàn cho cơ thể, tác động lên vùng tổn thương, nhằm giúp bệnh nhân giảm đau.
- Nắn chỉnh cột sống là phương pháp điều trị dành cho bệnh nhân bị tổn thương cột sống như cong vẹo, gù, thoát vị đĩa đệm thể nhẹ. Bác sĩ nắn chỉnh nhằm đưa cột sống về vị trí bình thường và giúp giảm đau.
- Tắm suối khoáng nóng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ giải độc cơ thể, thư giãn tinh thần, giảm mệt mỏi và căng thẳng, đồng thời giúp giảm nhẹ các triệu chứng đau nhức do thoái hóa cột sống thắt lưng.
Các phương pháp này mang tính chất hỗ trợ, góp phần làm giảm triệu chứng cho bệnh nhân nếu được áp dụng đúng cách và phù hợp.
5.4 Phẫu thuật
Ba phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống lưng được đề cập bên trên chỉ phù hợp với trường hợp bệnh ở giai đoạn nhẹ và trung bình. Với những trường hợp nặng, kèm theo biến dạng cột sống, thoát vị đĩa đệm hoặc rối loạn tiền đình, phẫu thuật có thể được cân nhắc.
Việc phẫu thuật thường dành cho bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng, đã trải qua điều trị dài hạn nhưng không hiệu quả. Trong trường hợp cần phong bế dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tê liệt, phẫu thuật nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
6. Cách phòng ngừa
Để chủ động bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng, mỗi người cần lưu ý những điều sau:
- Để bảo vệ sức khỏe xương khớp, hãy thay đổi tư thế thường xuyên, hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu, tập vận động các khớp, và tránh mang vác vật nặng.
- Nhân viên văn phòng vốn ngồi nhiều nên tranh thủ giờ giải lao, tập luyện các bài tập nhẹ nhàng trong khoảng 5-10 phút để giãn gân cốt.
- Để cơ thể khỏe mạnh, mọi người hãy ăn uống đa dạng đầy đủ dưỡng chất, ưu tiên sữa, rau xanh (rau dền, bắp cải), trứng, cá,... bổ sung vitamin, magie, canxi; uống đủ nước; hạn chế bia rượu, thuốc lá và tránh thức khuya.
- Tập luyện thể thao thường xuyên giúp tăng cường sự linh hoạt của khớp và giảm bớt các triệu chứng đau nhức do thoái hóa đốt sống lưng gây ra.
- Tầm soát sớm các vấn đề về xương khớp giúp phát hiện bệnh lý kịp thời, từ đó có biện pháp can thiệp và điều trị hiệu quả.
7. Một số bài tập cho bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng
Để hỗ trợ quá trình điều trị thoái hóa đốt sống lưng, việc thực hiện các bài tập sau đây mang lại hiệu quả giảm đau và cải thiện đáng kể:
7.1 Tác dụng của các bài tập cột sống
Các bài tập cột sống mang lại nhiều lợi ích to lớn, bao gồm:
- Tăng cường lưu thông máu và tuần hoàn, thúc đẩy hấp thu dinh dưỡng cho hệ xương khớp.
- Tăng cường tính linh hoạt, dẻo dai, sức bền và phòng ngừa bệnh tật cho cơ thể.
- Phát triển sức mạnh cơ bắp vùng lưng, bụng, mông, đùi; đồng thời giảm mỡ thừa và duy trì vóc dáng cân đối.
- Giảm thiểu tình trạng đau nhức xương khớp.
- Giảm thiểu căng thẳng, góp phần giúp tâm trạng thoải mái hơn và gia tăng cảm xúc tích cực.
Chống chỉ định tập thể dục cho người mắc các bệnh lý: đau lưng cấp, ung thư cột sống, nhiễm trùng cột sống, chấn thương gây gãy hoặc mất vững đốt sống. Nên tập thể dục 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi động tác lặp lại 5-10 lần, giữ 3-5 giây mỗi lần. Thời gian tập luyện có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe và thể lực của từng người.
7.2 Các bài tập hữu ích
Chuẩn bị: Người tập nằm ngửa thư giãn trên mặt sàn hoặc nệm cứng, hai tay buông dọc thân, hai chân duỗi thẳng, mặc trang phục thoải mái.
- Bài tập 1: Nghiêng xương chậu ra sau: Giúp thư giãn và tăng cường sức mạnh cơ bụng bằng cách gồng cơ bụng, ấn lưng xuống giường khi hít vào, sau đó thả lỏng cơ bụng rồi thở ra.
- Bài tập 2: Kéo giãn cơ lưng bên chân co: Duỗi thẳng một chân, ngóc bàn chân, ấn gan bàn chân xuống sàn, co gối chân còn lại, đan hai tay kéo gối về ngực, hít vào, duỗi thẳng chân về tư thế ban đầu, thở ra, đổi chân và lặp lại, giúp kéo giãn cơ thắt lưng, mông và tam đầu đùi.
- Bài tập 3: Kéo giãn cơ lưng 2 bên: Co gập hai chân, đan hai tay vào nhau, kéo hai đầu gối sát về ngực khi hít vào, sau đó duỗi thẳng hai chân trở về tư thế ban đầu khi thở ra, giúp kéo giãn cơ vùng thắt lưng, cơ mông và cơ tam đầu đùi.
- Bài tập 4: Kéo giãn nhóm cơ lưng: Ngồi lên hai gót chân, đặt mông lên gót. Sau đó, cúi đầu sát sàn, ngả người về phía trước, trượt hai tay trên sàn về phía trước. Hít vào và thở ra đều đặn trong khi thực hiện động tác.
- Bài tập 5: Kéo giãn cơ tam đầu đùi (mặt sau đùi): Duỗi thẳng một chân trên sàn, đồng thời nâng cao chân kia vuông góc với mặt sàn. Dùng hai tay ôm lấy mặt sau đùi đang nâng cao, hít vào. Giữ nguyên tư thế duỗi thẳng đầu gối, từ từ hạ chân xuống sàn trong khi thở ra. Lặp lại động tác với chân còn lại và tiếp tục thực hiện luân phiên hai bên.
- Bài tập 6: Di động cột sống: Bắt đầu từ tư thế bò (quỳ 4 điểm). Ngẩng đầu lên và hạ lưng xuống trong khi hít vào. Sau đó, cúi đầu xuống và uốn cong lưng trong khi thở ra. Lặp lại động tác với bên tay, chân còn lại. Bài tập này giúp cột sống linh hoạt hơn, mọi người cần lưu ý không di chuyển tay chân trong khi tập.
- Bài tập 7: Giữ thăng bằng và tập nhóm cơ lưng: Bắt đầu từ tư thế bò (quỳ 4 điểm). Giơ cao tay phải về phía trước, hướng ngón tay lên trần nhà, đồng thời duỗi thẳng chân trái ra sau. Hít vào trong khi thực hiện động tác. Sau đó, hạ tay và chân xuống vị trí ban đầu rồi thở ra. Lặp lại động tác với tay trái và chân phải. Bài tập này giúp cải thiện sức mạnh cơ thân mình hiệu quả.
- Bài tập 8: Tập cơ lưng: Nằm sấp, đặt hai tay đặt dọc theo thân người. Hít vào, nâng đầu và ngực lên khỏi sàn, sau đó thở ra và từ từ hạ người xuống vị trí ban đầu. Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ vùng thắt lưng.
Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể phòng ngừa và điều trị bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên, để xác định cách phù hợp nhất (điều trị tại nhà, dùng thuốc hay phẫu thuật), bệnh nhân cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Việc chủ động duy trì lối sống lành mạnh, khoa học là cách phòng ngừa hiệu quả nhất cho bệnh lý này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.