Trang chủ Bệnh Xẹp đốt sống: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Xẹp đốt sống: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Xẹp đốt sống

Xẹp đốt sống là gì ?

  • Xẹp đốt sống là biến chứng hay gặp của bệnh lý loãng xương, xảy ra khi khối xương hoặc thân đốt sống bị xẹp và gây ra đau đớn dữ dội, biến dạng, mất đi chiều cao của đốt sống. Các vị trí thường gặp của bệnh là: xẹp đốt sống cổ, xẹp đốt sống lưng...

  • Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của con người.

  • Tỉ lệ mắc bệnh nhiều hơn với những người lớn tuổi.

Nguyên nhân bệnh Xẹp đốt sống

Có rất nhiều nguyên nhân xẹp đốt sống như: chấn thương cột sống, loãng xương, u thân đốt sống, đa u tủy xương... nhưng trong đó loãng xương là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xẹp đốt sống.

Cụ thể hơn, đối với những người bị loãng xương, các nguyên nhân sau sẽ dẫn đến bệnh lý xẹp đốt sống:

  • Các hoạt động hằng ngày như hắt hơi mạnh, nâng những vật nhẻ... cũng gây xẹp đốt sống khi bị loãng xương nặng.

  • Các chấn thương té ngã, cố gắng nâng một vật nặng là nguyên nhân gây xẹp đốt sống ở bệnh nhân loãng xương trung bình.

  • Đối với người bình thường và không bị loãng xương, những tai nạn trầm trọng như tai nạn giao thông, chấn thương do chơi thể thao, ngã cao sẽ gây ra xẹp đốt sống.

  • Xẹp đốt sống nguyên nhân do ung thư di căn: thường gặp ở những người dưới 55 tuổi, không bị chấn thương hay chấn thương nhẹ, lúc này các tế bào ung thư di căn tới xương cột sống làm phá hủy nơi đây, dẫn đến xương bị yếu rồi xẹp đốt sống.

Triệu chứng bệnh Xẹp đốt sống

Các dấu hiệu xẹp đốt sống điển hình đều liên quan đến khả năng vận động của người bệnh như:

  • Đau lưng một cách đột ngột, đau tăng dần khi đứng lê và đi lại, đau giảm đi khi người bệnh nằm xuống.

  • Khả năng cử động các cột sống bị giảm sút.

  • Chiều cao bị giảm đi do xẹp đốt sống.

  • Biến dạng, tàn tật: gù, vẹo cột sống.

Đối tượng nguy cơ bệnh Xẹp đốt sống

Những đối tượng nguy cơ dễ bị xẹp đốt sống là:

  • Phụ nữ mãn kinh sẽ có tình trạng loãng xương tiến triển nhanh hơn nên dễ bị xẹp đốt sống.

  • Những người bị loãng xương thứ phát kèm với phát triển thể chất kém từ nhỏ: còi xương, suy dinh dưỡng cũng dễ mắc bệnh xẹp đốt sống.

  • Người có tiền sử gia đình bị loãng xương cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn.

  • Người ít chơi thể thao, ít vận động ngoài trời.

  • Người sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá.

  • Người bị các bệnh lý: thiểu năng tuyến sinh dục nam và nữ như suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn..., bệnh nội tiết như cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, suy thận mãn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày..., bệnh lý xương khớp mạn tính như viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp cũng dễ có nguy cơ bị loãng xương dẫn đến xẹp đốt sống.

Phòng ngừa bệnh Xẹp đốt sống

Để phòng ngừa cũng như phát hiện kịp thời tình trạng xẹp đốt sống, chúng ta cần lưu ý những đặc điểm sau:

  • Đối với người cao tuổi, nhất là phụ nữ mãn kinh cần phải có chế độ sinh hoạt điều độ về dinh dưỡng và tập luyện. Nên bổ sung các khoáng chất và vitamin cùng với ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.

  • Hạn chế sai tư thế khi thực hiện các động tác, tránh những tư thế xấu.

  • Tránh hoạt động quá mạnh.

  • Tham gia các bài tập giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn.

  • Nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện xẹp đốt sống kịp thời.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Xẹp đốt sống

Ngoài những biểu hiện lâm sàng, cần làm thêm những kỹ thuật cận lâm sàng để củng cố chẩn đoán, đưa ra tiên lượng và có phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân:

  • Chụp X quang: cho hình ảnh của các khớp, xương và đĩa đệm.

  • Chụp cắt lớp vi tính: cho thấy hình ảnh ống sống, những cấu trúc bên trong và bao quanh nó. Kỹ thuật này hay được kết hợp với chụp tủy sống cản quang, giúp biết được chi tiết của xương và hiện tượng hẹp ống sống.

  • Chụp cộng hưởng từ: cho thấy được tủy sống, các rễ thần kinh và những tình trạng phì đại, thoái hóa hay khối u.

  • Đo hấp thụ tia X kép hay đo đậm độ xương: xác định mật độ khoáng của xương để xác định rõ tình trạng loãng xương ở bệnh nhân. Đây là kỹ thuật khảo sát được cả xương sống và các chi, quét cột sống, vùng hông, cả cơ thể với thời gian chỉ dưới bốn phút.

Các biện pháp điều trị bệnh Xẹp đốt sống

Những phương pháp điều trị xẹp đốt sống phổ biến hiện nay là:

Điều trị xẹp đốt sống không cần phẫu thuật:

  • Bệnh nhân được nằm nghỉ tại giường trong thời gian ngắn, dùng thuốc và nẹp.

  • Bệnh nhân bị giới hạn một số hoạt động.

  • Thuốc giảm đau OTC, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ được sử dụng cho bệnh nhân.

  • Nẹp được dùng để nâng đỡ bệnh nhân và hạn chế cử động vị trí bị xẹp đốt sống.

Tạo hình đốt sống

  • Phương pháp được thực hiện trong một đến hai giờ đồng hồ và phụ thuộc vào số đốt sống điều trị.

  • Kim nhỏ chứa xi măng xương acrylịc với công thức riêng ( xi măng sinh học ) được tiêm vào đốt sống xẹp. Sau đó, xi măng sẽ cứng lại và làm ổn định đốt sống bị gãy xẹp.

  • Đây là phương pháp có tác dụng giảm đau cho bệnh nhân.

Tạo hình vùng gù, bao gồm các thao tác sau:

  • Rạch hai vết nhỏ, đặt đầu dò vào khoang đốt sống bị gãy.

  • Khoan xương và chèn vào hai bên hai bong bóng được gọi là đệm xương.

  • Hai bong bóng được bơm phòng với chất cản quang đến khi giãn ra tới độ cao mong muốn rồi lấy ra.

  • Khoảng trống tạo bởi bong bóng trên sẽ được xi măng lấp vào,

Đây là phương pháp giúp phục hồi chiều cao cho bệnh nhân xẹp đốt sống.

  • Chỉ định cho hai phương pháp xâm lấn này bao gồm: gãy xẹp đốt sống do loãng xương trên hai tuần kèm đau, biến dạng nặng, không đáp ứng điều trị bảo tồn, ung thư di căn gây đau, đa u tủy xương, u máu đốt sống gây đau, hoại tử xương đốt sống, củng cố thân xương sống bị yếu do bệnh lý trước phẫu thuật.

  • Chống chỉ định của hai phương pháp trên là: gãy xẹp đốt sống lành hoàn toàn và đáp ứng điều trị bảo tồn, gãy xẹp đốt sống hơn một năm, xẹp trên 80%- 90% thân đốt sống, cong cột sống không phải do loãng xương, hẹp ống sống và thoát vị đĩa đệm không liên quan gãy xẹp đốt sống, rối loạn đông máu không được điều trị, viêm xương viêm tủy xương, viêm đĩa đệm, chèn ép ống sống do u và mảnh xương vỡ.

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp