Viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm tại khớp, do đường sinh dục, tiết niệu hoặc hệ tiêu hóa bị nhiễm trùng. Bệnh thường xuất hiện trong độ tuổi lao động, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan bệnh viêm khớp phản ứng
Viêm khớp phản ứng, còn được gọi là viêm khớp vô khuẩn, là tình trạng các khớp bị sưng, viêm do một số bộ phận trong cơ thể, nhất là các cơ quan nội tạng ở hệ thống tiết niệu, tiêu hóa và sinh dục, bị nhiễm trùng.
Viêm khớp phản ứng có thể gây tổn thương cho nhiều bộ phận khác nhau như kết mạc, niệu đạo, đại tràng và thậm chí cả cầu thận. Thông thường, bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến đầu gối và các khớp mắt cá chân và khớp bàn chân.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Viêm khớp phản ứng, được biết đến như hội chứng Reiter, không phải là bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường tình dục, hoặc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh…
Các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn ở đường tiêu hóa bao gồm Salmonella, Yersinia, Shigella, Borrelia, Campylobacter... Bên cạnh đó còn có các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu và sinh dục bao gồm Chlamydia, Trachomatis, cũng như một số virus như virus Rubella, HIV và virus gây viêm gan.
3. Triệu chứng viêm khớp phản ứng
Các triệu chứng viêm khớp phản ứng thường bắt đầu xuất hiện từ 1-3 tuần sau khi cơ thể bệnh nhân bị nhiễm trùng, bao gồm:
- Đau và cứng khớp: Đặc điểm chính là cảm giác đau và cứng ở các khớp, thường là ở khớp đầu gối, mắt cá chân, và bàn chân. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở gót chân, lưng hoặc mông.
- Người bệnh có thể bị viêm ngân ở các vị trí bám gân như viêm gân ở chân, viêm gân Achilles, viêm màng xương ngón.
- Một số bệnh nhân có thể bị viêm mắt, đi kèm với mắt đỏ, ngứa và cảm giác nóng ở mắt.
- Bệnh nhân tăng tần suất tiểu tiện và cảm giác không thoải mái khi tiểu, với các biểu hiện viêm đường tiết niệu như nóng rát, cảm giác châm chích khi đi tiểu, và tiểu mủ vô khuẩn ở nam giới (Dương vật tiết ra chất không phải nước tiểu và không chứa vi khuẩn).
- Một số người thì bị sưng phồng ngón chân hoặc ngón tay.
- Viêm niệu đạo thường xuất hiện từ 7 đến 14 ngày sau khi người bệnh quan hệ tình dục, đi kèm với các triệu chứng như sốt nhẹ và viêm khớp. Nam giới bị viêm niệu đạo thường ít đau và ít có hiện tượng chảy mủ hơn so với viêm niệu đạo trong lậu. Trong khi đó, ở nữ giới, triệu chứng viêm niệu đạo thường thoáng qua hoặc bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng.
- Triệu chứng khác: Bao gồm sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ, cứng khớp, đau gót chân, đau thắt lưng, lở miệng và lưỡi nhưng không đau, nổi mụn nhọt ở đầu dương vật và nổi phát ban ở lòng bàn chân.
- Bệnh viêm khớp ở trẻ em làm trẻ thấy mệt mỏi, khó cử động và di chuyển, nhất là sau khi chạy nhảy hoặc vận động nhiều.
4. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, mọi người cần hạn chế các yếu tố nguy cơ. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp phản ứng bao gồm:
- Tuổi: Bệnh viêm khớp phản ứng thường xuất hiện nhất với những người trong độ tuổi từ 20 đến 40.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.
- Yếu tố di truyền: Một người có khả năng cao bị viêm khớp phản ứng nếu người đó có người thân trong gia đình, nhất là cha mẹ, cũng mắc bệnh.
- Những người có kháng nguyên bạch cầu HLA-B27 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, khẳng định trên không đồng nghĩa với việc người không có kháng nguyên này thì sẽ không mắc bệnh.
5. Viêm khớp phản ứng có nguy hiểm không?
Hầu hết bệnh nhân mắc viêm khớp phản ứng thường có tiên lượng tốt, các triệu chứng đều thuyên giảm nhanh chóng sau vài tuần hoặc vài tháng, thậm chí là sớm hơn nếu tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chủ quan, lơ là, không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, kèm theo lối sống không lành mạnh, ăn uống không khoa học thì tình trạng bệnh sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Về lâu dài, tình hình này khiến bệnh nhân khó thực hiện các hoạt động hàng ngày và có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.
Bệnh có thể tái phát hoặc trở thành bệnh mãn tính, đặc biệt là ở những người mắc bệnh do yếu tố di truyền. Thống kê cho thấy khoảng 15-30% trường hợp viêm khớp phản ứng chuyển biến thành viêm cột sống dính khớp.
6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán bệnh viêm khớp phản ứng, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp lâm sàng như quan sát và kiểm tra các triệu chứng nhiễm trùng hoặc thực hiện một số xét nghiệm bên dưới:
- Xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR). Khi kết quả ESR cao hơn bình thường, người thực hiện xét nghiệm có nguy cơ cao bị viêm khớp phản ứng.
- Kiểm tra dịch khớp: Dùng một ống chọc hút dịch từ vùng khớp bị ảnh hưởng, sau đó mẫu này được chuyển đi đến phòng thí nghiệm để phát hiện sự tồn tại của nhiễm trùng và tinh thể (chẳng hạn như tinh thể axit uric, thường gặp trong bệnh Gout).
- Kiểm tra sự hiện diện của kháng nguyên HLA-B27 cũng giúp xác định tình trạng bệnh.
- Ngoài ra, chụp X-Quang cũng được sử dụng để kiểm tra các khớp bị ảnh hưởng. X-quang cho thấy các tổn thương tại vùng xương khớp, mô mềm, sụn và gân bám vào xương, phát hiện nhiều loại bệnh viêm khớp khác nhau.
- Chụp MRI hoặc chụp CT: Bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện chụp MRI hoặc chụp cắt lớp CT để kiểm tra kỹ hơn những tổn thương có ở xương và mô mềm của phần hông.
- Các xét nghiệm bổ sung: Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung để kiểm tra xem liệu có tình trạng nhiễm trùng ở mẫu phân hoặc nước tiểu, các cơ quan sinh dục, chất nhầy trong họng hay không.
7. Các biện pháp điều trị
Để điều trị viêm khớp phản ứng, bệnh nhân có thể áp dụng một số phương pháp sau:
- Sử dụng thuốc kháng viêm và kháng sinh: Thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng, và thuốc kháng viêm không chứa steroid giúp giảm tình trạng đau, cứng, và sưng khớp.
- Trong trường hợp viêm khớp chuyển biến thành bệnh mãn tính, bệnh nhân cần áp dụng thêm phương pháp khác như tiêm cortisone trực tiếp vào khớp để tăng cường hệ miễn dịch và giảm đau.
- Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng ở mắt, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt steroid theo chỉ định của bác sĩ.
- Phương pháp vật lý trị liệu và tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị viêm khớp phản ứng, bao gồm các bài tập giãn cơ và thể dục thư giãn cơ và khớp. Đồng thời, việc ngồi và đứng đúng tư thế cũng giúp giảm đau, ngăn ngừa biến dạng và giữ khả năng hoạt động của xương sống và khớp.
8. Bệnh viêm khớp phản ứng phải chữa trong bao lâu?
Đối với những bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tốt, hệ miễn dịch mạnh và tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh sẽ thuyên giảm đi sau 1-2 tuần. Trong khi đó, những bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu hoặc có bệnh nền thì thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn, có thể mất từ vài tháng đến vài năm.
Một điều quan trọng cần lưu ý là bệnh viêm khớp phản ứng có nguy cơ tái phát nếu không được điều trị hiệu quả, tỷ lệ tái phát bệnh lên đến 50%, nhất là đối với người mắc bệnh do yếu tố di truyền. Do đó, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế lớn, uy tín để thăm khám và điều trị.
9. Cách chăm sóc bệnh nhân sau điều trị
Gia đình cần lưu ý những vấn đề khi chăm sóc người bệnh bao gồm:
- Tạo điều kiện cho bệnh nhân được nghỉ ngơi một cách tốt nhất.
- Đảm bảo bệnh nhân có thể nằm nghỉ thoải mái, hạn chế các tư thế gây ảnh hưởng hoặc biến dạng khớp.
- Hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các bài tập thể dục nhằm nâng cao sức khỏe, tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của cơ bắp và khớp.
- Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho bệnh nhân, đặc biệt là những thực phẩm tốt cho sức khỏe xương khớp.
- Nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ đúng và đầy đủ các chỉ định của bác sĩ.
- Theo dõi các triệu chứng của bệnh nhân và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, nhằm xử lý kịp thời.
10. Cách phòng ngừa
Để ngăn ngừa viêm khớp phản ứng, phương pháp tốt nhất là loại bỏ hoặc giảm thiểu các yếu tố gây bệnh, bao gồm:
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám đúng lịch.
- Thực hiện các bài tập thể dục hàng ngày để duy trì sự linh hoạt của khớp và tránh cứng khớp.
- Sử dụng miếng dán nhiệt hoặc tắm nước nóng để giảm co cứng khớp, giảm đau và sưng.
- Giữ tư thế ngồi, đứng và ngủ đúng cách.
- Quan hệ tình dục an toàn, như sử dụng bao cao su, để ngăn chặn sự lây nhiễm qua đường tình dục.
Viêm khớp phản ứng là một bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ và cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu bệnh nhân được phát hiện kịp thời và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Xem thêm:
- Cách phát hiện sớm và chính xác bệnh viêm khớp
- Thực phẩm giúp giảm đau do viêm khớp
- Bệnh nhân viêm khớp tại VN bị trẻ hóa nhanh
- “Triệt” tận gốc viêm khớp vai bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)