Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Vị trí
Sụn xương là gì? Sụn xương là mô liên kết mềm dẻo tham gia vào cấu tạo bộ xương được tìm thấy ở nhiều nơi trong cơ thể người có trong khớp giữa các đầu xương, khung sườn lồng ngực, vành tai, mũi, các phế quản và các đĩa gian đốt sống. Sụn không giòn chắc bằng xương nhưng lại cứng hơn và không mềm dẻo bằng cơ.
Cấu tạo
Sụn xương cấu tạo bởi 3 thành phần chính là tế bào sụn, chất căn bản sụn và sợi liên kết.
-
Mô sụn có ít tế bào chiếm không quá 10% trọng lượng chứa khoảng 70-80% nước, 10-15% chất hữu cơ. Nguyên bào sụn sản xuất một lượng lớn chất nền ngoại bào gồm các sợi collagen, chất căn bản chiếm lượng lớn giàu proteoglycan và sợi elastin bị giữ lại trong chất nền gọi là tế bào sụn có kích thước và hình dạng phụ thuộc vào mức độ biệt hóa. Tế bào sụn nằm trong hốc nhỏ của chất căn bản được gọi là ổ sụn. Các ổ sụn được phân cách nhau bằng chất nền sụn. Mỗi ổ sụn có thể chứa một hoặc một số tế bào sụn cùng nhóm. Nhân tế bào sụn hình cầu, có một hoặc hai hạt nhân. Bào tương có đủ bào quan và một số chất vùi glycogen, lipid mà số lượng phụ thuộc vào loại sụn.
-
Chất căn bản sụn ưa nước, có thể khuếch tán muối khoáng, nhiều chất chuyển hóa, khí. Nhưng các phân tử protein lớn có tính kháng nguyên không thể vào miếng sụn được, điều đó giải thích tại sao có thể ghép sụn dễ dàng. Chất căn bản sụn và sợi liên kết được gọi chung là chất nền sụn, chất này chứa các loại sợi liên kết khác nhau tùy theo loại sụn. Sụn tăng trưởng bằng cách sinh sản đắp thêm hoặc sinh sản gian bào.
-
Có 3 loại sụn: sụn trong, sụn chun và sụn xơ, tên gọi khác nhau là do thành phần sợi liên kết:
-
Sụn trong gặp ở các sụn khớp, sụn đường hô hấp, sụn sườn.
-
Sụn chun có thành phần sợi là sợi chun. Các sợi chun phân bố quanh các ổ sụn, trong chất căn bản và từ màng sụn xâm nhập vào mô sụn. Lipid, glycogen, chondroitin sulfat ở sụn chun ít hơn ở sụn trong. Sụn chun không bao giờ có hiện tượng vôi hóa. Sụn chun gặp ở vành tai và nắp thanh quản.
-
Sụn xơ có thành phần cấu tạo là sợi collagen type I, chúng tạo thành các bó khá lớn và xếp song song nhau. Như vậy sụn xơ chỉ khác với mô liên kết đặc ở thành phần tế bào và vì các bó sợi tương đối lớn nên có thể thấy được dưới kính hiển vi quang học. Sụn xơ gặp trong 1 số dây chằng.
Ngoại trừ sụn khớp và sụn xơ, tất cả các loại sụn khác đều có màng sụn bao bọc. Màng sụn phát triển rất mạnh quanh các miếng sụn đang tăng trưởng. Màng sụn là mô liên kết chính thức phân cách mô sụn với các mô xung quanh, cấu tạo gồm 2 lớp, lớp ngoài chứa nhiều sợi collagen và lớp trong chứa nhiều tế bào sợi non (hoặc tế bào trung mô) có thể sinh sản được và biệt hóa thành nguyên bào sụn. Nguyên bào sụn vừa sinh sản, vừa tạo chất căn bản và tự vùi vào trong ổ sụn, biến thành tế bào sụn. Khi miếng sụn đã qua giai đoạn tăng trưởng, màng sụn thường bị teo lại thành 1 bao liên kết rất mảnh..
Không giống như các loại mô liên kết khác, sụn không chứa mạch máu. Tế bào sụn được nuôi dưỡng bởi sự thẩm thấu được hỗ trợ bằng áp lực tạo nên bởi lực nén của sụn khớp hay sự đàn hồi của sụn chun. Do vậy so với các loại mô liên kết khác thì sụn xương sinh trưởng và sửa chữa chậm hơn.
Chức năng
Xương sụn có tác dụng gì? Sụn đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ giúp giảm chấn động và tránh sự cọ xát giữa hai đầu xương khi khớp cử động. Phần sụn trong che phủ đầu xương trở thành sụn khớp. Trước tuổi trưởng thành, các vùng giữa đầu xương và thân xương vẫn tồn tại một tấm sụn gọi là sụn đầu xương, một cấu trúc giúp xương dài tăng trưởng về chiều dài. Khi càng lớn tuổi hoặc vận động nhiều khiến các mô sụn dần bị bào mòn, do các chất dịch nhờn không đủ bôi trơn khiến sụn ngày càng xấu đi. Đến khi bề mặt xương cọ sát vào nhau, lâu dần gây nên gai xương hoặc xương tổn thương dẫn đến đau và viêm xương khớp, đồng thời ảnh hưởng đến các mô xung quanh, khiến vị trí bị tổn thương sưng tấy đỏ và hoạt động khó khăn.
Mặc dù quan trọng như vậy nhưng sụn lại không chứa mạch máu hay dây thần kinh nên không được máu nuôi trực tiếp, chỉ tiếp nhận dinh dưỡng thẩm thấu nhờ tổ chức xương dưới sụn, màng hoạt dịch, dịch khớp. Do vậy, sụn rất dễ bị thoái hóa âm thầm theo thời gian mà không có dấu hiệu nào.
Chính vì thế, việc bảo vệ và chăm sóc sụn rất quan trọng, bởi nó giúp cơ thể khỏe mạnh khi bước đến các giai đoạn của tuổi trung niên hay cao tuổi, đồng thời hoạt động, sinh hoạt hàng ngày được thuận tiện và tốt hơn. Để bảo vệ sụn khỏe mạnh cần phải có chế độ ăn uống và luyện tập và làm việc phù hợp, luôn giữ cân nặng ở mức ổn định.