Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bệnh thoái hóa khớp gối là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh khớp ở người trung niên và người cao tuổi. Điều trị thoái hóa khớp gối cần nhiều thời gian, tùy theo giai đoạn, mức độ thoái hóa.
1. Thoái hóa khớp gối có chữa được không?
Thoái hóa khớp gối là một dạng tổn thương làm suy giảm chức năng của đầu sụn khớp gối. Chính những tổn thương này làm cho phần sụn đệm giữa 2 đầu xương bị hư hỏng kèm theo các phản ứng giảm sút lượng dịch nhầy, từ đó gây viêm.
Tiến trình thoái hóa khớp gối xuất phát từ nhân tố tự nhiên của hệ thống xương khớp nên rất khó để tránh khỏi. Có thể nói, đây là bệnh mà ai cũng có nguy cơ phải đối mặt, nhưng tùy vào cơ địa đặc điểm vận động, thói quen làm việc, cân nặng của mỗi người mà thời điểm phát bệnh cũng khác nhau.
Chính vì thoái hóa khớp gối có liên quan đến quá trình lão hóa tự nhiên nên khả năng điều trị dứt điểm bệnh là điều không thể. Mặc dù không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn nhưng bệnh có thể được điều trị phục hồi và làm giảm các triệu chứng tiêu cực của bệnh cũng như những ảnh hưởng của bệnh đối với đời sống, chất lượng sinh hoạt của bệnh nhân.
Trắc nghiệm: Người thoái hóa khớp gối có nên đi bộ?
Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh phức tạp có tác động không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Người bị thoái hóa khớp gối cũng nên lưu ý bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Vậy bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Võ Sỹ Quyền Năng , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
2. Điều trị thoái hóa khớp gối
Để điều trị thoái hóa khớp gối có nhiều phương pháp, tùy thuộc vào bệnh đang ở giai đoạn nào mà có phương pháp điều trị hiệu quả.
2.1 Nếu bệnh ở giai đoạn sớm
Việc điều trị sẽ là sự kết hợp của 3 nhóm phương pháp:
● Dùng thuốc
Chỉ dùng thuốc trong những giai đoạn khớp gối có đau. Lúc này bác sĩ sẽ kê toa cho các thuốc kháng viêm, giảm đau. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể sử dụng các loại thuốc hỗ trợ cho sụn khớp bằng đường uống hoặc tiêm. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
● Vận động trị liệu
Chủ yếu nhằm tập cơ tứ đầu đùi. Cơ tứ đầu đùi là cơ chủ lực để giúp gánh bớt sức tải lên khớp gối. Nếu cơ này đủ mạnh thì sẽ giúp làm giảm áp lực lên trên khớp gối khi đi hay khi chạy nhảy.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên chơi một số môn thể thao cường độ vừa phải như đạp xe, chạy bộ hoặc đi bộ, bơi lội...Những môn thể thao này giúp làm khỏe chung toàn cơ thể, trong đó có khớp gối.
● Giảm cân
Những người bị dư cân thường dễ bị thoái hóa khớp gối hơn những người bình thường. Thừa cân là một yếu tố làm tăng tải lên trên khớp gối, nếu lâu dài có thể góp phần dẫn đến thoái hóa khớp gối. Do đó giảm cân là một biện pháp cần thiết trong việc điều trị thoái hóa khớp gối.
2.2 Nếu bệnh ở giai đoạn trung bình
Đề điều trị bệnh, vẫn có thể sử dụng những phương pháp như ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, có thể phải cần đến sự can thiệp của phẫu thuật như nội soi khớp gối để cắt lọc tổ chức viêm thoái hoá, cắt xương chỉnh trục xương chày.
Để biết trường hợp nào cần phải phẫu thuật, bệnh nhân cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
2.3 Ở giai đoạn nặng
Phương pháp điều trị hiệu quả đang áp dụng là thay khớp gối nhân tạo. Đây là phương pháp nhằm bọc lại hai đầu xương của khớp gối bằng những vật liệu thay thế, làm bằng một loại kim loại đặc biệt, có thể để luôn trong cơ thể.
Tuy nhiên đây là một phương pháp tiên tiến, đòi hỏi kỹ thuật cao, trang thiết bị đầy đủ, điều kiện phòng mổ vô trùng tuyệt đối và nhất là phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm. Do đó không phải bệnh viện nào hoặc bác sĩ nào cũng mổ được. Ngoài ra chi phí của ca mổ cũng rất cao, nên không phải bệnh nhân nào cũng có đủ điều kiện về tài chính để được mổ.
3. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối như đã nêu ở trên, trong đó, một trong những phương pháp được đánh giá là an toàn, có hiệu quả nhất là tiêm huyết tương giàu tiểu cầu được thực hiện tại Vinmec.
PRP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Platelet Rich Plasma” (huyết tương giàu tiểu cầu). Trong máu bình thường có huyết tương (plasma) và các tế bào máu là hồng cầu (93%) bạch cầu (1%) và tiểu cầu (6%).
Máu sau khi được chiết xuất ly tâm sẽ loại bỏ phần lớn bạch cầu, hồng cầu và còn lại tiểu cầu với tỷ lệ nhiều gấp 2 đến 7 lần tỷ lệ trong máu bình thường.
PRP có nhiều yếu tố dinh dưỡng, tăng trưởng có vai trò quan trọng trong việc tái tạo, làm lành tổ chức, điều hòa sản xuất collagen, kích thích tăng trưởng nguyên bào sợi và các dạng tế bào gốc khác nhau của nguyên bào sợi.
PRP kích thích tế bào biểu mô, tạo chất nền, phân chia tế bào và tái tạo tế bào máu, cũng như kích thích phát triển mạch máu. Từ đó làm tái sinh các mô bị hư hại, giúp cho tế bào trở nên khỏe mạnh hơn. Đối với các tổn thương cơ xương khớp, PRP có tác dụng kháng viêm, chấm dứt cơn đau nhanh chóng, tăng khả năng vận động cho cơ và khớp.
3.1 Quy trình tiêm huyết tương giảm tiểu cầu tại Vinmec
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, sau khi được khám, có chỉ định tiêm PRP, người bệnh sẽ được lấy máu và chuyển tách chiết PRP. Sau đó, chế phẩm này được tiêm trở lại cho người bệnh, trực tiếp vào vùng tổn thương. Sau tiêm, người bệnh có thể về nhà ngay và tái khám sau 3 - 4 tuần để đánh giá hiệu quả điều trị.
Trên thực tế, mức độ hồi phục phụ thuộc rất lớn vào chất lượng chế phẩm PRP sau tách chiết và việc tiêm đúng chuẩn vào vị trí tổn thương. Do đó, quy trình điều chế PRP tại Vinmec được thực hiện với giám sát chặt chẽ trong labo đạt chuẩn quốc tế.
3.2 Trang thiết bị điều trị bệnh hiện đại
Vinmec đã sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất hiện nay để đảm bảo định vị cho mũi tiêm chính xác nhất. Đó là các máy siêu âm GE Healthcare S9 có đầu dò phẳng, tần số cao, độ phân giải HD cho hình ảnh rõ nét, phát hiện tổn thương chính xác. Máy cộng hưởng từ 3.0 Tesla có các đầu thu chuyên biệt cho vùng khớp nên có thể phát hiện được các tổn thương nhỏ, ở giai đoạn sớm.
Tóm lại thoái hóa khớp gối là một bệnh lý ngày càng thường gặp, không chỉ ở những người lớn tuổi, mà còn ở độ tuổi trung niên. Người bệnh nên đi khám khi có các triệu chứng đã nêu trong bài để Bác sĩ có thể xác định được chính xác nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Nếu để bệnh được phát hiện ở giai đoạn nặng, việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém rất nhiều.
Đội ngũ Bác sĩ có chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm trong việc khám và điều trị thoái hóa khớp gối. Đồng thời Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại giúp hỗ trợ trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.