Điều trị thoái hóa khớp gối như thế nào?

Điều trị thoái hóa khớp gối đang ngày càng được nâng cao nhờ vào sự tiến bộ của y học hiện đại. Nhiều phương pháp được cho ra đời giúp đa dạng các lựa chọn và cải thiện hiệu quả vấn đề liên quan đến khớp gối. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các phương pháp chữa trị được áp dụng phổ biến hiện nay.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec.

1. Thoái hóa khớp gối là gì?

Khi khớp gối bị tổn thương nghiêm trọng, lượng dịch khớp sẽ suy giảm dần và làm tăng ma sát giữa các đầu xương, gây mòn mặt sụn khớp. Điều này dẫn đến tình trạng hẹp khe khớp, ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp gối, gây đau và khó khăn trong vận động, thậm chí có thể dẫn đến tàn tật cho người bệnh.

Bệnh thoái hóa khớp gối thường gặp ở người cao tuổi nhưng nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Theo thống kê, khoảng 10% nam giới và 13-15% nữ giới mắc bệnh và cần điều trị thoái hóa khớp gối.

2. Các yếu tố nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối

Có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến thoái hóa khớp gối:

  • Tình trạng béo phì;
  • Chế độ ăn uống;
  • Chế độ tập luyện;
  • Phụ nữ thường đi giày cao gót, phân bổ trọng lượng cơ thể không đều.

3. Dấu hiệu thoái hóa khớp gối

Các triệu chứng đau khớp gối do thoái hóa bao gồm:  

Đau xung quanh khớp gối hoặc tại một số điểm cụ thể. Ban đầu chỉ là đau nhẹ, đặc biệt khi di chuyển nhiều, lên xuống cầu thang hoặc lên dốc và thường xuất hiện vào ban đêm. Đây là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh thoái hóa khớp gối.

Theo thời gian, khớp gối của người bị thoái hóa có thể bị sưng do viêm hoặc tràn dịch. Việc chọc hút dịch khớp có thể làm giảm đau tạm thời nhưng cơn đau có thể tái phát sau vài ngày. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể gặp phải tình trạng cứng khớp, đặc biệt khó chịu vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy.

4. Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

4.1. Sử dụng thuốc

  • Thuốc giảm đau và chống viêm: Có nhiều phương pháp trị thoái hóa khớp gối, trong đó phổ biến nhất là sử dụng các loại thuốc giảm đau và chống viêm. Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) là lựa chọn hàng đầu. Đối với các trường hợp nặng hơn, có thể cần dùng các loại thuốc giảm đau và chống viêm mạnh hơn. Một số loại thuốc thường dùng như Acetaminophen (Tydol), Naproxen (Aleve) và Ibuprofen (Motrin).
  • Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm triệu chứng hiệu quả. Các loại thuốc trong nhóm này bao gồm Glucosamine, Chondroitin và Diacerein.
  • Thuốc dùng để tiêm khớp gối: Các loại thuốc thường được dùng gồm Corticosteroid và Acid Hyaluronic.
  • Bài thuốc dân gian chữa thoái hóa khớp gối: Băm nhuyễn lá ngải cứu, lá lốt hoặc lá xương sông, đắp lên đầu gối. 
Thuốc giảm đau và chống viêm được sử dụng phổ biến điều trị thoái hóa khớp gối.
Thuốc giảm đau và chống viêm được sử dụng phổ biến điều trị thoái hóa khớp gối.

4.2. Phương pháp điều trị không dùng thuốc

Bệnh nhân có thể tham khảo một số phương pháp chữa thoái hóa khớp gối không dùng thuốc dưới đây:

  • Giảm cân để giảm bớt áp lực lên đầu gối.
  • Luyện tập đều đặn các bài tập cho người bị thoái hóa khớp gối. Một hoạt động cường độ nhẹ bệnh nhân có thể lựa chọn như đạp xe, đi bộ, bơi lội, thái cực quyền, yoga…
  • Chườm lạnh hoặc chườm nóng.
  • Xoa bóp, massage vùng cơ xung quanh khớp gối bị thoái hóa.
  • Ngủ sâu và đủ giấc.
  • Châm cứu.
  • Vật lý trị liệu.
  • Tránh ngồi xổm, ngồi bó chân và hạn chế leo cầu thang.

4.3. Phẫu thuật

Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối bao gồm:

  • Khoan kích thích tạo xương.
  • Cấy ghép tế bào sụn.
  • Nội soi khớp.
  • Phẫu thuật thay khớp.

4.4. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu và liệu pháp ghép tế bào gốc

Gần đây, hai phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối đang nhận được sự chú ý đặc biệt là tiêm huyết tương giàu tiểu cầu và truyền tế bào gốc vào khớp gối. Cả hai phương pháp này đều được đánh giá cao về tiềm năng mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu có thể không hiệu quả bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc.

Mặc dù chi phí cao hơn và công nghệ phức tạp hơn nhưng liệu pháp ghép tế bào gốc hiện được coi là phương pháp triển vọng trong trị thoái hóa khớp gối.

5. Lưu ý khi điều trị thoái hóa khớp gối

  • Tùy theo mức độ thoái hóa và mức độ đau của khớp gối, có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. Các trường hợp thoái hóa khớp gối nhẹ có thể được điều trị bằng các phương pháp thông thường với chi phí thấp. Khi tình trạng bệnh nặng hơn, các phương pháp điều trị phức tạp hơn có thể được sử dụng và cuối cùng là phương án thay khớp gối.
  • Nếu bệnh nhân cần phẫu thuật để điều trị thoái hóa khớp gối cần giữ vết mổ luôn sạch sẽ và khô ráo đến khi hồi phục hoàn toàn.
  • Dùng băng hoặc gạc tiệt trùng để giảm tác động của quần áo lên bề mặt vết thương.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để đẩy nhanh quá trình làm lành của vết mổ.
  • Luyện tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng của khớp gối sau khi phẫu thuật và ngăn chặn quá trình thoái hóa tiếp tục phát triển.
  • Trao đổi với bác sĩ để được tư vấn liệu trình tập luyện phục hồi khớp gối phù hợp.

Trên đây là các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối được áp dụng dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh cần kiểm tra để được chỉ định chữa trị phù hợp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Trắc nghiệm: Người thoái hóa khớp gối có nên đi bộ?

Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh phức tạp có tác động không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Người bị thoái hóa khớp gối cũng nên lưu ý bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Vậy bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Võ Sỹ Quyền Năng , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Võ Sỹ Quyền Năng
Võ Sỹ Quyền Năng
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Ngoại chấn thương chỉnh hình
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe