Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Thoái hóa khớp gối là là bệnh khá phổ biến ở người lớn tuổi hoặc vận động viên thể thao. Bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động hàng ngày và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, việc chẩn đoán thoái hóa khớp gối rất quan trọng để đưa ra phương án điều trị đúng giúp hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Sỹ Quyền Năng, Trưởng khoa Phẫu thuật khớp gối và cổ chân, tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Tổng quan bệnh thoái hóa khớp gối

Sự thoái hóa khớp gối là quá trình biến đổi của sụn khớp và xương dưới sụn, từ đó hình thành các gai xương, dẫn đến biến dạng của khớp. Ngoài ra, có thể xuất hiện tổn thương của các cấu trúc bên trong khớp như màng hoạt dịch, dây chằng và sụn chêm.

Khi khớp bị tổn thương nghiêm trọng, chất lượng của dịch khớp giảm đi làm tăng ma sát giữa các bề mặt của đầu khớp. Sụn bề mặt của khớp gối bị mài mòn, dẫn đến sự co hẹp của khe khớp, ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp gối, gây đau đớn và khó khăn trong việc vận động.

2. Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

2.1. Tuổi tác

Bệnh thoái hóa khớp gối thường xảy ra ở những người lớn tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do lão hóa bởi tuổi tác. Đặc biệt là những người đã từng làm việc chân tay nặng nhọc, thường xuyên mang vác vật nặng, phải đứng lâu cũng như những người bị béo phì. 

Những người lớn tuổi thường mắc bệnh thoái hóa ở vùng khớp gối.
Những người lớn tuổi thường mắc bệnh thoái hóa ở vùng khớp gối.

Trắc nghiệm: Người thoái hóa khớp gối có nên đi bộ?

Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh phức tạp có tác động không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Người bị thoái hóa khớp gối cũng nên lưu ý bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Vậy bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Võ Sỹ Quyền Năng , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Võ Sỹ Quyền Năng
Võ Sỹ Quyền Năng
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Ngoại chấn thương chỉnh hình
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

2.2. Cân nặng

Thừa cân sẽ gia tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp đầu gối. Các nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi 0,45kg cân nặng tăng thêm, áp lực lên khớp đầu gối sẽ tăng thêm khoảng 1,35 đến 1,8kg.

2.3. Giới tính

Phụ nữ trên 55 tuổi thường có chẩn đoán thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới. Do dây chằng trước khớp gối yếu và thường xuyên sử dụng giày cao gót, tăng áp lực lên sụn khớp, dẫn đến sự thoái hóa nhanh chóng.

2.4. Di truyền

Các yếu tố này bao gồm sự đột biến di truyền (làm tăng nguy cơ viêm khớp gối ở độ tuổi trẻ) và hình dạng không bình thường của xương xung quanh khớp gối (dẫn đến việc sụn khớp dễ bị thoái hóa sớm).

2.5. Chấn thương khớp

Cũng có trường hợp mắc bệnh nguyên nhân từ chấn thương của khớp, bao gồm: đứt dây chằng khớp gối, vỡ hoặc nứt cầu dưới xương đùi hoặc xương chày cũng như nứt hoặc vỡ xương bánh chè.

Ngoài ra, thoái hóa khớp gối có thể xuất phát từ yếu tố thuận lợi của trục chi dưới, do các bất thường về cấu trúc cơ thể hoặc do tổn thương của khớp gối từ các nguyên nhân viêm nhiễm. Đồng thời, nguyên nhân cũng là do chấn thương xương đùi, xương chậu (vỡ, rạn, nứt, gãy...).

2.6. Vận động viên thể thao  

Những người thường chơi các môn thể thao đòi hỏi vận động khớp gối nhiều như bóng đá, quần vợt… có nguy cơ cao bị suy yếu khớp gối. Nguy cơ này càng tăng lên khi trải qua chấn thương trong quá trình tập luyện.

2.7. Những bệnh về cơ xương khớp khác

Những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ thoái hóa khớp cao. Ngoài ra, các bệnh lý khác như thừa sắt hoặc dư thừa hormone tăng trưởng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp.

3. Triệu chứng thoái hóa ở khớp gối

Các dấu hiệu cho thấy cần chẩn đoán thoái hóa khớp gối thường là tình trạng đau ở khớp gối bị thoái hóa cùng các biểu hiện như: đau xung quanh khớp gối hoặc chỉ đau tại một số điểm cụ thể.  

Ban đầu, cơn đau thường nhẹ, đặc biệt là khi thực hiện các hoạt động như đi lại nhiều, leo cầu thang hoặc đi lên đường dốc. Thường thì cơn đau xuất hiện vào buổi tối. Đây là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

Về sau, khớp gối có thể sưng lên do viêm hoặc do dịch trong khớp tràn ra ngoài. Nếu dịch được hút ra, đau có thể giảm nhưng có thể tái phát sau vài ngày. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, người bị thoái hóa ở khớp gối có thể gặp phải tình trạng cứng khớp, đặc biệt rõ vào buổi sáng khi mới thức dậy.

Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh sẽ biểu hiện khác nhau qua 4 giai đoạn. Mỗi giai đoạn sẽ có những dấu hiệu đặc trưng như:

  • Giai đoạn 1: Các triệu chứng không biểu hiện rõ vì thế sẽ gây cản trở trong việc chẩn đoán thoái hóa khớp gối.
  • Giai đoạn 2: Bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như đau sau khi đi hoặc chạy, cứng khớp và đau khi uốn người hoặc cúi xuống.
  • Giai đoạn 3: Bệnh nhân cảm thấy đau thường xuyên, cứng khớp khi ngồi lâu hoặc vào buổi sáng, sưng khớp nếu di chuyển liên tục.
  • Giai đoạn 4: Cơn đau xuất hiện mỗi khi di chuyển, khớp trở nên cứng và đôi khi tê liệt.

4. Thoái hóa khớp gối có thể lây sang người khác không?

Bệnh thoái hóa ở khớp gối không có khả năng lây truyền từ người này sang người khác. 

Thoái hóa khớp gối thường gặp ở người cao tuổi.
Thoái hóa khớp gối thường gặp ở người cao tuổi.

5. Đối tượng nguy cơ thoái hóa khớp gối

Các nhóm đối tượng cần chẩn đoán thoái hóa khớp gối bao gồm:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi, đặc biệt là người già, có nguy cơ cao hơn bị thoái hóa ở khớp gối.
  • Người lao động với công việc đòi hỏi sức lao động nặng nhọc, đeo đai hoặc mang vác nhiều trọng lượng.
  • Người bị béo phì.
  • Người có tiền sử chấn thương khớp như đứt dây chằng khớp gối, gãy, hoặc nứt ở khu vực cầu dưới xương đùi.

6. Các biện pháp chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Để đưa ra chẩn đoán thoái hóa khớp gối, có thể thực hiện các phương pháp dựa trên diễn tiến của bệnh, bao gồm kiểm tra vùng khớp gối cụ thể và kiểm tra toàn bộ cơ thể.

Tiếp theo, dựa trên tình trạng bệnh, có thể tiến hành một số xét nghiệm như:

  • Chụp X-quang: Chẩn đoán thoái hóa khớp gối qua việc xác định mức độ tổn thương của xương và sụn cũng như phát hiện sự có mặt của các gai xương nếu có.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Trong các trường hợp cần phân tích sâu và đòi hỏi kết quả nhanh chóng và chính xác, các bác sĩ thường sẽ lựa chọn phương pháp này.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này được áp dụng khi kết quả của việc chụp X-quang không đưa ra thông tin rõ ràng về tình trạng bệnh.
  • Nếu khớp bị sưng, bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để kiểm tra khớp. Nếu có điều kiện vệ sinh hoàn hảo, bác sĩ có thể thực hiện chẩn đoán thoái hóa khớp gối bằng cách chọc hút. 
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối giúp phát hiện và điều trị bệnh phù hợp.
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối giúp phát hiện và điều trị bệnh phù hợp.

7. Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Trên cơ sở chẩn đoán thoái hóa khớp gối, tùy vào mức độ bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.

7.1. Tập thể dục và thiết lập chế độ ăn lành mạnh

Bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau: nghỉ ngơi đủ, tập luyện theo phương pháp chính xác để tránh cứng khớp và suy giảm cơ bắp, duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cung cấp canxi và khoáng chất đầy đủ.Thực hiện đều đặn các bài tập có thể giúp cải thiện linh hoạt của các cơ xung quanh đầu gối, đồng thời tăng cường sự ổn định của khớp và giảm đau.

7.2. Giảm cân

Đối với những người bệnh thừa cân hoặc béo phì, cần thực hiện tư vấn và điều trị giảm cân để giảm áp lực lên khớp gối, đồng thời cải thiện tình trạng đau do viêm khớp gây ra.

7.3. Dùng thuốc giảm đau, chống viêm

Các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp gối không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen, naproxen natri... giúp giảm đau hiệu quả, tuy nhiên chỉ nên sử dụng trong khoảng tối đa 10 ngày để tránh tác dụng phụ. Nếu sau 10 ngày sử dụng mà không có hiệu quả, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được kê đơn thuốc chống viêm phù hợp.

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thuốc bôi ngoài da, thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm hoặc bài thuốc dân gian từ ngải cứu, lá lốt… để giảm đau và làm chậm quá trình phát triển bệnh.

7.4. Tiêm chất nhờn vào khớp gối

Tiêm Corticosteroid hoặc Acid hyaluronic có tác dụng như một chất lỏng bôi trơn cho các khớp, giảm sưng đau và cứng khớp hiệu quả.

7.5. Vật lý trị liệu

Việc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu có thể rất hữu ích giúp giảm đau, tăng cường cơ bắp và tăng độ linh hoạt của khớp. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn một trong 2 phương pháp vật lý trị liệu là chủ động hoặc thụ động. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được chỉ dẫn cách thực hiện các hoạt động hàng ngày như làm việc nhà để giảm thiểu đau nhức khớp.

7.6. Phẫu thuật/ thay khớp gối

Khi các phương pháp điều trị khác không mang lại kết quả, bác sĩ có thể quyết định phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng điều trị cho bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp gối bao gồm:

  • Nội soi khớp: Thường được áp dụng cho bệnh nhân dưới 55 tuổi để loại bỏ sụn hỏng, sửa chữa dây chằng bị lỏng và làm sạch bề mặt xương.  
  • Phẫu thuật cắt xương: Phương pháp này được thực hiện để điều chỉnh hình dạng xương, nhằm cải thiện sự ổn định của khớp gối. Tuy nhiên, giải pháp này không giải quyết vấn đề thoái hóa sụn khớp gối và có thể cần các cuộc phẫu thuật bổ sung trong tương lai.
  • Phẫu thuật thay khớp hoặc tạo hình khớp: Những bệnh nhân trên 50 tuổi được áp dụng thay khớp bị thoái hóa bằng bộ phận nhân tạo từ kim loại hoặc nhựa. Hầu hết các khớp nhân tạo sẽ có tuổi thọ trên 20 năm.

7.7. Các phương pháp không dùng thuốc khác

Ngày nay, có nhiều phương pháp điều trị cho vấn đề khớp gối mà không sử dụng thuốc, bao gồm châm cứu, điện châm, thủy châm và cấy chỉ.

8. Các biến chứng của bệnh  

Nếu không chẩn đoán thoái hóa khớp gối sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng sau:

Tăng nguy cơ chấn thương đầu gối: Các cơn đau cấp tính làm giảm khả năng vận động và mất thăng bằng, khiến cho bệnh nhân dễ té ngã và chấn thương. Theo thống kê có hơn 30% người được chẩn đoán thoái hóa khớp có nguy cơ té ngã và tỷ lệ gãy xương cũng tăng khoảng 20%.

  • Thiếu xương: Ở các trường hợp thoái hóa khớp nặng, sụn bị mất dần dẫn đến tình trạng thiếu hụt xương nhanh chóng. Điều này gây ra sự suy giảm trong số lượng tế bào xương, là biến chứng nghiêm trọng cần phải có sự can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ các phần xương bị tổn thương.
  • Mất ổn định khớp: Đứt gân và đứt dây chằng xung quanh khớp có thể gây ra tình trạng mất ổn định của khớp.
  • Chèn ép dây thần kinh: Dây thần kinh xung quanh xương hoặc sụn bị chèn ép có thể gây ra cơn đau nặng hơn cũng như cảm giác ngứa, tê hoặc yếu.
  • Liên quan đến các bệnh lý khác: Bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp gối có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư.
  • Hình thành u nang sau đầu gối: U nang Baker phát triển từ các khớp bị thoái hóa, có thể gây áp lực lên các mạch máu và gây sưng đau ở chân.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh gout: Những người mắc thoái hóa khớp có nồng độ axit uric cao trong máu có nguy cơ cao hơn mắc bệnh gout, một loại viêm khớp khác.

9. Chăm sóc bệnh nhân thoái hóa khớp vùng gối như thế nào?

Một chế độ chăm sóc tốt có thể giúp giảm bớt các triệu chứng đau và sưng tại vùng gối cho bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp gối. Nếu có người thân mắc bệnh này có thể chăm sóc bằng cách:

  • Áp dụng chườm đá để giảm đau và giảm sưng tại vùng gối.
  • Hỗ trợ bệnh nhân trong việc di chuyển hoặc hướng dẫn sử dụng nạng, khung tập đi nếu cần thiết.
  • Lắp thêm các thiết bị hỗ trợ như bệ ngồi bồn cầu, tay vịn hành lang trong nhà và loại bỏ các vật cản trên lối đi để giảm thiểu nguy cơ bệnh nhân té ngã.
  • Khi các cơn đau tái phát hãy hỗ trợ người bệnh bằng cách mở nhạc hoặc trò chuyện, có tác dụng tốt không kém so với thuốc giảm đau mà không gây hại cho sức khỏe.
  • Bổ sung thực phẩm chứa chất dinh dưỡng tốt cho sụn khớp gối như trái cây, rau xanh và các loại cá béo.

10. Phòng ngừa thoái hóa khớp gối

Để phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp gối có các biệu pháp sau:

  • Chế độ ăn uống: Nên bao gồm các loại cá từ nước lạnh, cùng với các thực phẩm giàu axit béo omega-3 - một chất chống viêm mạnh mẽ. Nên thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày các loại xương ống, sườn bò, sườn bê, cũng như thịt heo, thịt gia cầm, tôm và cua để bổ sung protein và dưỡng chất cần thiết.
  • Chế độ vận động và sinh hoạt: Lập kế hoạch tập thể dục đều đặn, 30 phút mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày mỗi tuần, tránh làm việc vận động quá mức sức.
  • Đảm bảo cân nặng trong khoảng hợp lý (BMI < 23).
  • Kiểm soát mức glucose trong máu ổn định, vì nếu lượng glucose cao có thể tác động đến cấu trúc và chức năng của sụn, tăng nguy cơ viêm và mất sụn.
  • Tránh mang vác vật nặng, thực hiện đúng kỹ thuật khi tham gia thể thao, chọn giày phù hợp và sử dụng đồ bảo hộ khi tập luyện.
  • Giải lao sau 1 đến 2 giờ làm việc và sau 20 phút nên đổi tư thế tránh mỏi cơ và khớp.
  • Vào buổi sáng và chiều nên xoa bóp khớp để cơ bắp thư giãn và máu được lưu thông.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

11. Câu hỏi thường gặp

11.1. Thoái hóa khớp ở đầu gối có nên đi bộ không?

Đi bộ giúp những người được chẩn đoán thoái hóa khớp gối tăng cường sức mạnh cho khớp và đôi chân, đồng thời giảm cân hiệu quả.

11.2. Có nên tập yoga khi bị thoái hóa khớp ở gối?

Yoga là một phương pháp tuyệt vời cho những người được chẩn đoán thoái hóa khớp gối. Bộ môn này giúp duy trì độ linh hoạt cho khớp và giảm đau hiệu quả.

Tuy nhiên, không nên tự tiến hành mà hãy liên hệ với các chuyên gia yoga trị liệu. Chuyên gia sẽ đánh giá mức độ tổn thương của khớp và từ đó thiết kế một chương trình tập luyện phù hợp. Điều này giúp đảm bảo các bài tập không quá sức và đạt được kết quả tối ưu.

11.3. Nên bổ sung canxi khi bị thoái hóa khớp không?

Canxi là thành phần thiết yếu của chế độ ăn uống lành mạnh, cần thiết cho việc tăng cường sự chắc khỏe của xương. Tuy nhiên, canxi không làm giảm triệu chứng viêm xương khớp. Vì thế, bệnh nhâni được chẩn đoán thoái hóa khớp gối thay vì tập trung chỉ vào việc bổ sung canxi, cần phải hướng đến một chế độ ăn uống cân bằng các dưỡng chất tốt cho sụn khớp như omega-3, vitamin C và chất chống oxy hóa.

Thoái hóa khớp gối là tình trạng phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi, gây đau đớn và hạn chế vận động. Hiểu biết rõ về nguyên nhân và triệu chứng sẽ giúp nhận biết và chẩn đoán thoái hóa khớp gối sớm. Đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng ngừa như duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và ăn uống cân bằng có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh, đảm bảo sinh hoạt hàng ngày diễn ra thuận lợi.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là một địa chỉ chuyên sâu về điều trị các chấn thương và các tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm này có sự chuyên môn vượt trội trong các phương pháp điều trị như:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp bằng các khớp nhân tạo;
  • Phẫu thuật thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Phẫu thuật thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa tổn thương dây chằng, sụn;
  • Điều trị ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu trong lĩnh vực Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; cũng như chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm này cũng áp dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá nhân hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, cũng như kỹ thuật phẫu thuật chính xác sử dụng Robot. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe