Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là người lớn, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn. Tuy nhiên, mọi người cần nắm rõ sự khác biệt giữa viêm mũi thông thường và viêm mũi dị ứng là gì để lựa chọn phương án điều trị đúng.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Đặc điểm của viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng được chia thành hai loại: có chu kỳ và không có chu kỳ.
Viêm mũi dị ứng có chu kỳ thường xuất hiện vào đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng, khi thời tiết nóng ẩm và tỷ lệ mắc bệnh thay đổi tùy theo thời tiết. Việc lựa chọn phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng là gì phụ thuộc vào mức độ bệnh và liệu bệnh đã tiến triển thành mãn tính hay chưa. Người bệnh thường gặp các triệu chứng như sau:
- Cảm giác cay và ngứa trong mũi, dẫn đến hắt hơi liên tục.
- Cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt.
- Chảy nhiều nước mũi trong, giống như nước lã.
- Ngứa ở vùng vòm hầu họng.
- Các cơn hắt hơi và chảy nước mũi thường xuất hiện nhiều hơn vào sáng sớm khi vừa thức dậy và giảm dần vào buổi tối.
Nếu không được điều trị, triệu chứng viêm mũi dị ứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ có các triệu chứng tương tự như loại có chu kỳ. Tuy nhiên, khác biệt chính là bệnh không xuất hiện theo mùa hay phụ thuộc vào thời tiết. Cơn viêm mũi không bùng phát đột ngột mà bắt đầu với vài cơn hắt hơi, nhưng tình trạng nghẹt mũi thường tăng dần và kéo dài hơn giữa các cơn.
Khi bệnh lý này kéo dài qua thời gian, bệnh có thể chuyển thành mãn tính. Lúc này, tình trạng nghẹt mũi gần như xuất hiện thường xuyên, có thể gây ù tai, nhức đầu và cảm giác nặng đầu (các triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với viêm xoang). Trong một số trường hợp, viêm mũi dị ứng mãn tính kéo dài có thể dẫn đến loạn khứu giác (mất mùi) hoặc gây ngủ ngáy do nghẹt mũi.
Việc điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính cũng trở nên phức tạp hơn. Mặc dù bệnh không đe dọa tính mạng và không phải là bệnh truyền nhiễm hay cần cấp cứu, nhưng bệnh gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe người bệnh.
Do nghẹt mũi, người bệnh thường phải thở bằng miệng, dẫn đến viêm họng, viêm phế quản và có thể tiến triển thành bệnh hen suyễn. Nếu không được điều trị, người mắc viêm mũi dị ứng mãn tính sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, khó chịu, lo lắng và có thể dẫn đến trầm cảm.
2. Phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm mũi bình thường
Sự khác biệt giữa viêm mũi thông thường (không do dị ứng) và viêm mũi dị ứng là gì sẽ được đánh giá dựa vào các tiêu chí trong bảng sau:
Viêm mũi dị ứng | Viêm mũi bình thường | |
Tiền sử | Bệnh nhân đã có tiền sử liên quan đến dị ứng. | Bệnh nhân có tiền sử bị viêm mũi do nhiễm khuẩn và lây nhiễm qua đường hô hấp. |
Nguyên nhân - Cơ chế | Cơ chế phản ứng của cơ thể với dị nguyên dẫn đến việc giải phóng quá mức histamin, gây ra phản ứng quá mẫn (dị ứng). Tác nhân gây bệnh gồm:
|
|
Triệu chứng | Khởi phát nhanh, đột ngột, với các dấu hiệu điển hình như: hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi hai bên và ngứa mũi. Có thể kèm theo các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng. | Không khởi phát đột ngột, hắt hơi ít nhưng nghẹt mũi nhiều, có thể nghẹt một bên mũi, nước mũi có dạng dịch nhầy đặc hoặc mủ. Bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, rã rời toàn thân, có thể sốt và sợ lạnh. |
Xét nghiệm | Số lượng bạch cầu ái toan (eosinophil) tăng đáng kể. | Có rất ít các tế bào bạch cầu ái toan (eosinophil). |
Cách điều trị viêm mũi dị ứng |
|
|
3. Cách chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả nhất
Sau khi đã nắm rõ các triệu chứng viêm mũi dị ứng là gì, nếu cảm thấy nghi ngờ, bệnh nhân nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị sớm. Việc điều trị kịp thời giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển thành mãn tính, từ đó tránh các biến chứng như viêm họng, viêm phế quản và hen suyễn. Đồng thời, bệnh nhân không nên tự chẩn đoán hay mua thuốc để tự điều trị.
Ngoài ra, bệnh nhân cần cách ly khỏi các dị nguyên để đạt hiệu quả tốt nhất trong điều trị:
- Không nên nuôi chó, mèo trong nhà, vì lông thú có thể là tác nhân gây dị ứng. Nếu không thể không nuôi, bệnh nhân nên hạn chế tiếp xúc với thú nuôi tối đa.
- Định kỳ thay giặt chăn, ga, gối, nệm, cùng với vải bọc ghế, bọc nệm để hạn chế sự tồn tại và phát triển của ký sinh trùng.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tránh ẩm ướt để ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày ít nhất 2 lần, đặc biệt là trước và sau khi ngủ dậy, và nếu có thể, nên vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn.
- Cai thuốc lá và thuốc lào.
- Tránh ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng hoặc đã từng gây dị ứng cho bản thân, như hải sản.
- Hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn, cả trong nhà lẫn ngoài đường, bằng cách đeo khẩu trang khi quét dọn nhà cửa hoặc khi ra đường.
Đặc biệt, trong thời tiết giao mùa hay khi có sự thay đổi thất thường từ nóng sang lạnh, những người có cơ địa dị ứng nên chủ động giữ ấm cơ thể: mặc ấm, quàng khăn cổ, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và tránh tắm quá khuya.
Khi mắc viêm mũi dị ứng, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ và cách ly khỏi các dị nguyên. Chỉ khi tuân thủ các điều này, việc điều trị mới đạt hiệu quả cao nhất.
4. Các biện pháp phòng ngừa
Ngoài việc tình hiểu các đặc điểm của viêm mũi dị ứng là gì thì việc phòng ngừa cũng rất quan trọng. Hãy tham khảo một số cách phòng ngừa dưới đây:
- Tăng cường hệ miễn dịch.
- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, lông thú cưng…
- Thường xuyên vệ sinh chăn, ga, gối và nệm.
- Dùng máy lọc không khí hiệu suất cao (HEPA).
- Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên.
- Tránh khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, nhiệt độ thấp và độ ẩm cao.
- Tập thể dục để tăng cường sức khỏe tổng thể.
Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý lành tính gây ra bởi các tác nhân dị ứng từ môi trường. Bệnh không thể chữa dứt điểm, nhưng có thể điều trị để giảm thiểu các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh cần nhận biết rõ sự khác biệt giữa viêm mũi thông thường và viêm mũi dị ứng là gì để điều trị đúng cách và hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.