Viêm mao mạch dị ứng thường biểu hiện trên mô bệnh học là tình trạng viêm mạch bạch cầu, một thuật ngữ để mô tả tình trạng viêm của các mạch máu nhỏ. Nguyên nhân gây viêm mạch dị ứng rất đa dạng, tuy nhiên, đến 50% trường hợp không có nguyên nhân cụ thể.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân, chuyên khoa Nội cơ xương khớp và Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Nguyên nhân gây viêm mao mạch dị ứng
Viêm mao mạch dị ứng thường được kích hoạt khi cơ thể phản ứng với một loại thuốc. Các loại thuốc phổ biến gây ra viêm mạch dị ứng bao gồm:
- Một số loại kháng sinh như penicillin và thuốc sulfa.
- Một số loại thuốc điều trị huyết áp.
- Phenytoin (Dilantin, một loại thuốc chống động kinh).
- Allopurinol (dùng cho người mắc bệnh Gout).
Ngoài ra, viêm mạch dị ứng cũng có thể do nhiễm vi khuẩn gây bệnh mãn tính hoặc virus, bao gồm HIV, viêm gan B, và viêm gan C. Những người mắc bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren và bệnh viêm ruột cũng có thể gặp tình trạng này. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến người mắc bệnh ung thư.
2. Triệu chứng viêm mao mạch dị ứng
Tình trạng viêm mao mạch dị ứng thường gây ban xuất huyết, thể hiện qua các đốm viêm có màu tím hoặc đỏ, xuất hiện trên chân, mông, và thân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể nổi mụn nước hoặc nổi mề đay trên da do phản ứng dị ứng.
Các triệu chứng và dấu hiệu ít phổ biến khác bệnh nhân có thể gặp phải bao gồm:
- Đau khớp.
- Các hạch bạch huyết sưng to.
- Viêm thận (trong trường hợp hiếm).
- Sốt nhẹ.
Nếu viêm mao mạch dị ứng do phản ứng với thuốc gây ra, các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi bệnh nhân tiếp xúc. Một số người bùng phát các triệu chứng sớm nhất là hai ngày sau khi sử dụng loại thuốc gây ra phản ứng dị ứng.
3. Cách chẩn đoán bệnh
Các tiêu chí để chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng là:
- Tuổi trên 16.
- Nổi mẩn da với các ban xuất huyết có thể sờ thấy.
- Nổi phát ban trên da có dạng đa hồng cầu, bao gồm cả những đốm phẳng và đốm nổi.
- Bệnh nhân đã sử dụng một loại thuốc nào đó trước khi xuất hiện triệu chứng ngứa da.
- Kết quả sinh thiết phát ban da cho thấy các tế bào bạch cầu đang bao quanh các mạch máu.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng ý rằng đây là những tiêu chí duy nhất cần xem xét khi chẩn đoán viêm mạch dị ứng. Bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân khám các bộ phận khác như thận, đường tiêu hóa, phổi, tim và hệ thần kinh.
Thông thường, để hỗ trợ chẩn đoán, bác sĩ sẽ:
- Đánh giá các triệu chứng của bệnh nhân, hỏi về thuốc bệnh nhân đang sử dụng, tiền sử dùng thuốc và các bệnh nhiễm trùng khác.
- Xem lại bệnh sử của bệnh nhân và kiểm tra sức khỏe tổng thể.
- Thu thập mẫu mô hoặc sinh thiết từ các nốt phát ban. Sau đó bác sĩ sẽ gửi mẫu đến phòng xét nghiệm để phân tích và tìm lý do gây viêm xung quanh mạch máu.
- Chỉ định một loạt các xét nghiệm máu, bao gồm xét nghiệm công thức máu toàn bộ, xét nghiệm chức năng thận và gan, và tốc độ máu lắng (ESR) để đánh giá mức độ viêm toàn thân.
Chẩn đoán và điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân viêm mao mạch dị ứng của bệnh nhân và liệu bệnh nhân có bị nhiễm trùng hoặc viêm các cơ quan khác không.
4. Cách điều trị bệnh
- Mục tiêu chính của điều trị viêm mao mạch là giảm các triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải. Trong trường hợp nhẹ, bệnh nhân không cần phải điều trị.
- Hãy trò chuyện cùng bác sĩ về các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng. Thông tin này giúp bác sĩ xác định nguyên nhân tiềm ẩn gây viêm mao mạch. Nếu tình trạng bệnh liên quan đến một loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân ngừng sử dụng loại thuốc đó. Tuy nhiên, không nên ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Các triệu chứng sẽ giảm dần trong vòng vài tuần sau khi bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc.
- Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm, đặc biệt nếu bệnh nhân bị đau khớp. Thường thì, các thuốc chống viêm không steroid như naproxen hoặc ibuprofen sẽ được chỉ định.
- Nếu thuốc chống viêm loại nhẹ không đủ để giảm triệu chứng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticosteroid. Corticosteroid là loại thuốc ức chế hệ miễn dịch của bệnh nhân và giúp giảm viêm. Tuy nhiên, corticosteroid cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, đặc biệt là khi sử dụng trong thời gian dài. Các tác dụng phụ bao gồm tăng cân, thay đổi tâm trạng và nổi mụn trứng cá.
- Trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc khi nguyên nhân gây viêm mao mạch dị ứng là do các cơ quan khác trong cơ thể, bệnh nhân cần phải nhập viện để điều trị chuyên sâu hơn.
5. Viêm mao mạch dị ứng bao lâu thì khỏi?
Nhiều người thường tự hỏi viêm mao mạch dị ứng bao lâu thì khỏi. Thực tế, các triệu chứng bệnh thường cải thiện trong khoảng một tháng nhưng có nguy cơ tái phát cao. Một số người có thể gặp phải các biến chứng như:
Tổn thương thận: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh. Người lớn có nguy cơ cao hơn trẻ em. Đôi khi, tổn thương thận có thể khiến bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Tắc ruột: Trong một số ít trường hợp, những người mắc hội chứng ban xuất huyết cũng có thể gặp phải tắc ruột. Điều này gây nguy hiểm đến tính mạng do thức ăn không thể đi qua ruột như bình thường.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện các vấn đề khác như viêm tinh hoàn, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim,... Do đó, bệnh nhân cần phải theo dõi thường xuyên và khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM
- Bệnh viêm mao mạch dị ứng có nguy hiểm không?
- Dấu hiệu nhận biết viêm mao mạch dị ứng
- Điều trị viêm mao mạch dị ứng, tránh biến chứng