Phục hồi chức năng trong y học thể thao là một lĩnh vực không thể thiếu, đóng vai trò cầu nối đưa vận động viên trở lại với đam mê sau những chấn thương. Quá trình này không chỉ đơn thuần là việc chữa lành vết thương mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp y tế, vật lý trị liệu và tập luyện khoa học.
Bài viết của kỹ thuật viên Nguyễn Quyết Thắng - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
1. Chấn thương thể thao
1.1 Tổng quan
Chấn thương thể thao là những tổn thương xảy ra trong quá trình tập luyện hoặc thi đấu thể thao, khiến vận động viên bị hạn chế hoặc tạm thời không thể tiếp tục tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Theo hệ thống phân loại chấn thương thể thao của Hoa Kỳ, các loại chấn thương này được chia thành ba nhóm chính:
- Loại nhẹ: Những chấn thương chỉ làm giới hạn thi đấu trong khoảng thời gian dưới 7 ngày.
- Loại vừa: Những chấn thương khiến giới hạn thi đấu từ 7 đến 21 ngày.
- Loại nặng: Những chấn thương buộc phải giới hạn thi đấu hơn 21 ngày.
- Hậu quả nghiêm trọng đặc biệt có thể xảy ra là tử vong, liệt tứ chi, liệt một chi hoặc phải đoạn chi.
1.2 Phân loại
Những chấn thương liên quan đến các hoạt động thể chất giải trí và cạnh tranh chiếm một tỷ lệ đáng kể. Trong đó, bóng đá có mức độ chấn thương nghiêm trọng cao nhất, tiếp đến là quyền anh và thể dục dụng cụ. Các chấn thương thể thao được chia thành hai loại chính: chấn thương vĩ mô và chấn thương vi mô.
- Chấn thương vĩ mô xuất phát từ các lực tác động mạnh như ngã, va chạm, tai nạn hoặc rách mô, thường gặp ở các môn thể thao đối kháng như bóng đá hoặc bóng bầu dục. Chấn thương có thể được phân loại thành hai dạng: Chấn thương nguyên phát (do tổn hại trực tiếp đến mô) hoặc chấn thương thứ phát (do sự lan truyền lực hoặc tình trạng viêm do giải phóng các chất trung gian gây viêm).
- Chấn thương do vi chấn thương: Đây là dạng chấn thương mãn tính xảy ra khi cơ, gân, dây chằng hoặc khớp bị hoạt động quá tải trong thời gian dài. Các môn thể thao như đạp xe, bơi lội hay chèo thuyền thường dễ dẫn đến tình trạng này.
1.3 Lý do chấn thương và những loại chấn thương thường gặp
Trong quá trình tập luyện, hầu hết các bộ phận trên cơ thể, từ cơ, xương, khớp đến dây chằng và gân, đều có nguy cơ bị chấn thương. Mắt cá chân và khớp gối là những vị trí dễ bị tổn thương nhất.
Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ chấn thương khi tham gia thể thao gồm:
- Tai nạn bất ngờ trong quá trình luyện tập hoặc thi đấu, chẳng hạn té ngã hoặc va đập mạnh.
- Cách sử dụng dụng cụ, thiết bị không đúng quy chuẩn hoặc sai kỹ thuật.
- Không chú ý khởi động đầy đủ trước khi tập luyện.
- Hoạt động thể chất quá mức so với khả năng cơ thể.
Các loại chấn thương thể thao thường gặp bao gồm:
- Bong gân và căng cơ.
- Chấn thương đầu gối.
- Sưng tấy cơ.
- Chấn thương gân Achilles (hay còn gọi là gân gót).
- Đau dọc theo xương chày.
- Chấn thương ở chóp xoay vai.
- Gãy xương.
- Trật khớp.
Bài viết của kỹ thuật viên Nguyễn Quyết Thắng - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

2. Điều trị chấn thương thể thao
Tùy theo mức độ chấn thương, người bệnh sẽ nhận được phương pháp điều trị thích hợp:
- Điều trị nội khoa: Nội khoa được chỉ định ngay từ giai đoạn đầu trong các chấn thương điển hình như bong gân, viêm gân và tổn thương mô mềm.
- Điều trị ngoại khoa: Những chấn thương vĩ mô như gãy xương, đứt dây chằng, hay đứt gân không thể tự lành, do đó, ngoại khoa là phương án điều trị thích hợp nhất. Phương pháp này cho phép bác sĩ thực hiện những can thiệp phẫu thuật sâu, sửa chữa và tái tạo những tổn thương về giải phẫu, giúp bệnh nhân phục hồi tối ưu.
- Phục hồi chức năng: Đây là bước quan trọng không thể thiếu trong quy trình điều trị, kết hợp với nội khoa và ngoại khoa, được áp dụng cho tất cả các dạng chấn thương từ nhẹ đến nặng. Mục tiêu là phục hồi khả năng hoạt động, ngăn ngừa các biến chứng thường gặp sau các chấn thương thể thao hoặc phẫu thuật, giúp bệnh nhân quay lại với các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Phương pháp này đặc biệt quan trọng đối với những người chơi thể thao nhiều và các vận động viên chuyên nghiệp.
3. Phục hồi chức năng là gì?
Phục hồi chức năng là gì? Từ "phục hồi" có nguồn gốc từ tiền tố Latinh "re-" có nghĩa là "một lần nữa" và "habit," có nghĩa là "để làm cho phù hợp". Cần lưu ý rằng phục hồi chức năng không chỉ là quá trình giảm thiểu các tổn thương do chấn thương cấp tính hoặc bệnh mãn tính, mà còn nhằm thúc đẩy phục hồi, tối ưu hóa các khả năng về thể lực, chức năng và hiệu suất.
"Phục hồi chức năng giúp mọi cá nhân, bất kể tuổi tác, có thể duy trì hoặc trở lại các hoạt động hàng ngày của mình, thực hiện các vai trò quan trọng và nâng cao hạnh phúc cá nhân."
3.1 Nguyên tắc phục hồi chức năng
- Tránh làm tổn hại thêm: Trong quá trình phục hồi chức năng, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý để không gây thêm tổn thương cho cơ thể. Nếu bệnh nhân không tập đúng kỹ thuật hoặc không có sự giám sát chặt chẽ, tình trạng chấn thương có thể trở nên tồi tệ hơn.
- Thời gian: Chương trình phục hồi chức năng nên được bắt đầu ngay khi có thể, nhưng phải tránh gây thêm tổn thương. Càng sớm bắt đầu, người bệnh càng có cơ hội phục hồi nhanh chóng và trở lại cuộc sống bình thường. Mặc dù bệnh nhân cần nghỉ ngơi sau chấn thương, nhưng nếu nghỉ ngơi quá nhiều, quá trình hồi phục sẽ bị trì hoãn. Người bệnh có thể nghỉ ngơi phần cơ thể bị tổn thương và vẫn thực hiện các bài tập với các phần còn lại, phương pháp này gọi là “nghỉ ngơi tương đối”.
- Tuân thủ: Nếu người bệnh không tuân thủ, quá trình phục hồi chức năng sẽ không thành công. Để đảm bảo sự tuân thủ, điều cần thiết là người bệnh hiểu rõ về chương trình và liệu trình phục hồi chức năng dự kiến. Mục tiêu hoạt động sẽ đóng vai trò như một động lực, thúc đẩy người bệnh cố gắng hơn để đạt được mục tiêu, từ đó nâng cao sự tập trung, sức bền và định hướng giúp họ tiếp tục tiến trình phục hồi sau chấn thương.
- Cá thể hóa: Mỗi cá nhân sẽ có phản ứng khác nhau đối với cả chấn thương lẫn quá trình phục hồi. Dù mức độ và loại chấn thương có thể giống nhau, nhưng sự khác biệt ở mỗi người vẫn rất rõ ràng. Kế hoạch phục hồi chức năng của bệnh nhân sẽ được xây dựng dựa trên các yếu tố như sinh lý, độ tuổi, giới tính, bệnh nền, phương pháp mổ và thời gian sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Để có hiệu quả điều trị cao nhất và hạn chế tối đa các biến chứng, di chứng, bệnh nhân cần tuân thủ đúng các bài tập của mình mà không nên làm theo chương trình của người khác.
- Trình tự thực hiện: Các chương trình luyện tập cần được xây dựng theo một trình tự rõ ràng. Trình tự này sẽ được xác định bởi các phản ứng sinh lý của cơ thể.
- Cường độ: Chương trình điều trị phải được thiết kế sao cho đủ sức thử thách đối với bệnh nhân và vùng bị thương, nhưng không làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Việc theo dõi phản ứng của bệnh nhân và tiến trình phục hồi là rất quan trọng để điều chỉnh phác đồ điều trị.

3.2 Mục tiêu phục hồi chức năng
Khi bệnh nhân không bắt đầu phục hồi chức năng ngay sau phẫu thuật và bỏ qua 'thời gian vàng', họ có thể đối mặt với những rủi ro sau:
- Đau là dấu hiệu đặc trưng của tất cả các dạng chấn thương. Nếu được can thiệp kịp thời bằng phương pháp vật lý trị liệu ngay sau khi gặp phải chấn thương, cơn đau sẽ dần được giảm thiểu. Bên cạnh đó, cơn đau còn là nguyên nhân gây giảm sút chất lượng sống và dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như mất ngủ, thay đổi tư thế để tránh đau làm ảnh hưởng đến cột sống và các khớp lân cận.
- Teo cơ xảy ra rất nhanh sau chấn thương và phẫu thuật: Điều này là một trong những nguy cơ làm giảm khả năng hoạt động và chất lượng sống của bệnh nhân, bệnh nhân sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức để phục hồi vùng chấn thương về trạng thái bình thường.
- Biến dạng và cứng khớp: Đây là một di chứng có thể xảy ra sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Một số trường hợp có thể xuất hiện ngay lập tức sau chấn thương. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể trở thành di chứng lâu dài, dẫn đến tốn thời gian và gây đau đớn khi điều trị.
- Biến chứng do xương liền chậm và can lệch có thể xảy ra nếu người bệnh không áp dụng đúng quy trình hoặc phương pháp trong quá trình phục hồi chức năng và sẽ rất nguy hiểm nếu biến chứng này không được điều trị kịp thời.
- Liệt và tổn thương thần kinh là những biến chứng nghiêm trọng thường gặp sau chấn thương thể thao. Phục hồi chức năng cần được thực hiện ngay trong giai đoạn đầu để tránh trở thành mãn tính về sau.
- Chấn thương tái phát sau phục hồi: Khi không có sự định hướng từ bác sĩ, người bệnh có thể quay lại hoạt động thể chất quá sớm, chơi thể thao trước khi cơ thể phục hồi đầy đủ. Điều này làm giảm sức mạnh cơ bắp, gây mất cân bằng và khả năng điều hòa giữa các nhóm cơ chủ vận và nhóm cơ đối kháng sau lần chấn thương thể thao đầu tiên, từ đó gây ra chấn thương tái phát.
Phục hồi chức năng sau chấn thương thường xuyên đặt ra những mục tiêu cụ thể để giảm thiểu biến chứng và cải thiện chất lượng sống, giúp bệnh nhân có được cuộc sống hạnh phúc và năng động:
- Ngăn ngừa và giảm thiểu biến chứng đến mức tối đa.
- Giúp bệnh nhân có thể nhanh chóng trở lại với các hoạt động sinh hoạt.
- Đặc biệt đối với vận động viên chuyên nghiệp, phương pháp này cần đáp ứng nhu cầu giúp họ đạt được thành tích cao trong thể thao.
- Cuối cùng, quá trình phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân học cách ngăn ngừa tái chấn thương trước khi quay lại cuộc sống thường nhật.
3.3 Các bệnh cần phục hồi chức năng
Các bệnh điển hình cần kiểm soát khi thực hiện phục hồi chức năng bao gồm:
- Rối loạn cơ xương khớp: Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, thoái hóa khớp, chấn thương thể thao có thể được điều trị bằng các phương pháp như kéo giãn cột sống, laser trị liệu, sóng xung kích, hồng ngoại, điện xung.
- Rối loạn thần kinh: Sau các ca phẫu thuật thần kinh, chấn thương sọ não, bệnh nhân thường được chỉ định phục hồi chức năng để cải thiện khả năng vận động, nhận thức.
- Rối loạn phát triển: Trẻ em gặp các vấn đề về ngôn ngữ, vận động, tự kỷ có thể được hỗ trợ thông qua các liệu pháp vật lý trị liệu.
- Rối loạn tâm lý: Các vấn đề như stress, trầm cảm, mất ngủ có thể được cải thiện bằng các kỹ thuật thư giãn, điều trị bằng ánh sáng.
- Bệnh lý mãn tính: Một số bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp cũng có thể được hỗ trợ điều trị bằng các phương pháp phục hồi chức năng.
3.4 Phương pháp
Phục hồi chức năng là một phương pháp không thể thiếu, giúp bệnh nhân lấy lại khả năng vận động, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ di chứng sau chấn thương hoặc phẫu thuật, đồng thời hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Quá trình phục hồi nên bắt đầu ngay lập tức sau chấn thương và tiếp tục liền mạch với các biện pháp điều trị khác. Ngoài ra, phục hồi chức năng cũng có thể được thực hiện trước hoặc ngay sau khi phẫu thuật đối với những trường hợp cần can thiệp y tế.
Quá trình phục hồi chức năng được thực hiện dưới sự quản lý của đội ngũ đa ngành, gồm bác sĩ chấn thương thể thao, bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và bác sĩ dinh dưỡng.
Nhóm phục hồi chức năng sẽ phối hợp với bệnh nhân để xây dựng và điều chỉnh kế hoạch phục hồi, đánh giá kết quả từ các biện pháp điều trị và xác định thời gian phục hồi phù hợp, nhằm hạn chế di chứng và giúp vận động viên quay lại tập luyện và thi đấu.
Kế hoạch phục hồi chức năng chi tiết sẽ được lập ra sau khi được các chuyên gia khám, bao gồm những phần sau:
- Trong quá trình phục hồi chức năng, trị liệu bằng nhiệt lạnh là bước đầu tiên với tác dụng giảm phù nề và đau.
- Điện xung: Được áp dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý phục hồi chức năng, đặc biệt là trong giai đoạn sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Các tần số và dòng xung khác nhau mang lại hiệu quả giảm teo cơ, kích thích cơ co và cải thiện sức mạnh cơ rõ rệt.
- Xung kích hội tụ: Là một vũ khí chiến lược giúp giảm đau và viêm sau chấn thương. Khi kết hợp với các liệu pháp điều trị khác, phương pháp này mang lại hiệu quả nhanh chóng gần như ngay lập tức.
- Nhiệt trị liệu là phương pháp không thể thiếu trong các giai đoạn tiếp theo của việc phục hồi chức năng. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sau phẫu thuật hoặc chấn thương, việc ứng dụng nhiệt trị liệu sẽ giúp giảm đau và giãn cơ hiệu quả.
- Phục hồi chức năng qua luyện tập: Là một bước chiến lược mang tính quyết định, quá trình này phụ thuộc chủ yếu vào sự am hiểu của bác sĩ phục hồi chức năng kết hợp với khả năng làm việc nhóm giữa các chuyên gia. Việc trao đổi này giúp xây dựng bài tập phù hợp nhất với tình trạng bệnh và giai đoạn chấn thương của bệnh nhân. Mỗi bài tập sẽ được điều chỉnh riêng biệt để phù hợp với nhu cầu sau khi quay trở lại với cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân.

- Hệ thống test đánh giá: Sử dụng một bộ công cụ kiểm tra với 8 bài đánh giá trước khi quyết định cho phép bệnh nhân quay lại hoạt động thể thao, và 12 bài đánh giá cho các vận động viên chuyên nghiệp trước khi thi đấu với các đối thủ cùng đẳng cấp. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, hệ thống máy kiểm tra chức năng tứ chi nhập khẩu từ Châu Âu được sử dụng, cho phép cung cấp các số liệu chính xác về sức mạnh cơ bắp và biểu đồ lực tác động của từng nhóm cơ trên cơ thể, mang đến những đánh giá khách quan, chính xác về tình trạng thể chất của người bệnh. Hệ thống này rất phù hợp với các vận động viên chuyên nghiệp mong muốn đạt được thành tích thi đấu cao nhất.
4. Hệ thống đánh giá người bệnh, vận động viên trước khi trở lại thể thao, thi đấu
Cân bằng kém, sự thay đổi trong khả năng kiểm soát vận động hoặc thiếu kiểm soát thần kinh cơ đều được xem là những yếu tố tiềm ẩn gây ra chấn thương ở chi dưới của các vận động viên. Cân bằng động yếu được xem là một yếu tố nguy cơ nội tại.
Việc triển khai một chương trình phòng ngừa chấn thương bao gồm kiểm soát thăng bằng và cải thiện chức năng thần kinh cơ ở các cầu thủ bóng đá đã được chứng minh giúp giảm cả tỷ lệ chấn thương và chi phí y tế.
Để hiểu về sức mạnh, chỉ nói đơn giản thôi là chưa đủ. Nhiều vận động viên quá chú trọng vào cơ tứ đầu mà quên đi toàn bộ bức tranh lớn. Mặc dù cơ tứ đầu rất quan trọng, nhưng cũng không thể bỏ qua gân kheo, tỷ lệ cơ tứ đầu, sức mạnh cơ mông, giảm lực và phục hồi sau mệt mỏi.
Để triển khai các chương trình phòng ngừa chấn thương, việc xác định nhanh chóng các vận động viên có nguy cơ chấn thương là cần thiết. Một số biện pháp được đề xuất để đánh giá khuynh hướng chấn thương bao gồm tiền sử chấn thương, chỉ số khối cơ thể, kiểm tra bước nhảy, thử nghiệm đẳng động học và các kiểm tra lâm sàng.
Kết luận:
Trong y học thể thao, phục hồi chức năng là yếu tố then chốt, không thể thiếu. Nhờ vào một hệ thống phục hồi chuyên nghiệp và nguyên lý khoa học rõ ràng, hàng nghìn vận động viên đã có thể trở lại cuộc sống bình thường và tiếp tục tham gia thể thao sau khi trải qua chấn thương và phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.