Vai trò của gia đình, người thân trong việc chăm sóc người bệnh ung thư

Ngày nay, nhiều người bệnh ung thư được chăm sóc tại nhà. Việc chăm sóc này thường được thực hiện bởi những người chăm sóc trong nhà như vợ chồng, con cái, họ hàng hoặc bạn bè.

1. Người chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà là ai?

Người chăm sóc có thể là vợ hoặc chồng, con cái, họ hàng hoặc bạn bè có thể giúp người bệnh với những sinh hoạt hàng ngày và nhu cầu chăm sóc tại nhà. Người chăm sóc nên là một “thành viên" của đội chăm sóc ngay từ khi phát hiện bệnh.

Ngày nay, nhiều người bệnh ung thư được chăm sóc tại nhà. Thời gian nằm viện được rút ngắn và có nhiều phương pháp điều trị không cần người bệnh phải nằm viện hoặc có thể được thực hiện ngoại viện. Việc chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà thường được thực hiện bởi những người chăm sóc trong nhà như vợ chồng, con cái, họ hàng hoặc bạn bè.

Người tham gia chăm sóc người bệnh cùng với đội nhân viên y tế có một vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư. Việc chăm sóc bao gồm hỗ trợ người bệnh với những sinh hoạt hàng ngày như nhắc nhở người bệnh uống thuốc, ăn uống, và các vấn đề bảo hiểm. Việc chăm sóc cũng bao gồm hỗ trợ tinh thần như việc giúp người bệnh đối mặt với cảm xúc của mình và đưa ra những quyết định khó khăn.

Người chăm sóc có vai trò rất quan trọng trong việc quan sát những thay đổi trong tình trạng bệnh khi chăm sóc người bệnh tại nhà lâu dài, có thể hỗ trợ xây dựng kế hoạch điều trị, đưa ra các quyết định, và thực hiện một số phần của việc điều trị.

2. Từ góc nhìn của người chăm sóc

Những người chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng cần hỗ trợ về mặt tinh thần. Vai trò của người của người chăm sóc có thể thay đổi khi nhu cầu của người bệnh thay đổi trong và sau việc điều trị ung thư:

  • Tại thời điểm nhận chẩn đoán bệnh
  • Trong quá trình điều trị tại bệnh viện
  • Trong quá trình điều trị tại nhà
  • Sau khi việc điều trị kết thúc
  • Ở giai đoạn cuối của cuộc đời

Người chăm sóc có cách thức đối mặt với chẩn đoán và tiên lượng của người bệnh ung thư theo cách riêng của họ. Họ có thể cảm thấy những cảm xúc mạnh mẽ hơn cả người bệnh.

Cuộc sống hàng ngày của một người chăm sóc có thể thay đổi rất nhiều khi chăm sóc người bệnh ung thư. Những thay đổi này ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh của cuộc sống và tiếp tục có sự ảnh hưởng sau khi việc điều trị kết thúc.


Gia đình có vai trò quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối
Gia đình có vai trò quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

3. Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại thời điểm nhận chẩn đoán bệnh

Khi người bệnh nhận được chẩn đoán ung thư, người chăm sóc cần phải nắm rõ được loại ung thư mà người bệnh đang mắc phải và một số thuật ngữ y khoa. Người chăm sóc cũng có vai trò đồng hành cùng người bệnh tới các cơ sở chữa trị mới và giúp người bệnh đưa ra các quyết định liên quan đến kế hoạch điều trị của mình.

4. Chăm sóc bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị tại bệnh viện

Người bệnh có thể mong muốn người chăm sóc trực tiếp trao đổi với đội chăm sóc và đưa ra các quyết định quan trọng. Mối quan hệ giữa người bệnh và người chăm sóc có thể làm cho quá trình này suôn sẻ hoặc khó khăn. Việc bất đồng giữa hai bên có thể gây nên khó khăn trong việc đưa ra các quyết định quan trọng về kế hoạch điều trị. Ngoài việc trao đổi với các nhân viên y tế, người chăm sóc còn có thể làm những điều sau đây:

  • Là người đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị
  • Nhắc nhở người bệnh uống thuốc và ăn uống đầy đủ
  • Đặt hẹn khám, đưa đón bệnh nhân tới các nơi khám và chữa bệnh
  • Xử trí trong những trường hợp cấp cứu
  • Trao đổi về các vấn đề liên quan tới người bệnh với các bên liên quan

5. Chăm sóc bệnh nhân ung thư sau khi việc điều trị kết thúc

Một số người bệnh và người chăm sóc hy vọng rằng cuộc sống sẽ trở lại như cũ, nhưng điều này có thể sẽ không xảy ra. Người chăm sóc có thể sẽ tiếp tục cảm thấy mệt mỏi và áp lực và một số thường gặp khó khăn để thích ứng một năm sau khi việc điều trị kết thúc. Điều này có thể được gây nên bởi cảm giác lo lắng rằng căn bệnh sẽ tái phát. Một số vấn đề thích ứng có thể xảy ra lâu dài bao gồm:

  • Vấn đề về quan hệ giữa người bệnh và người chăm sóc
  • Sự giao tiếp kém giữa người bệnh và người chăm sóc
  • Thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng, gia đình và bạn bè xung quanh

6. Chăm sóc bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối của cuộc đời


Việc chăm sóc người bệnh tại nhà ở giai đoạn cuối của cuộc đời mang đến những thử thách mới đối với người chăm sóc
Việc chăm sóc người bệnh tại nhà ở giai đoạn cuối của cuộc đời mang đến những thử thách mới đối với người chăm sóc

Việc chăm sóc người bệnh tại nhà ở giai đoạn cuối của cuộc đời mang đến những thử thách mới đối với người chăm sóc. Các triệu chứng của người bệnh có thể gây khó khăn trong việc xử trí và người bệnh có thể phụ thuộc vào người chăm sóc nhiều hơn. Điều này có thể làm cho người chăm sóc cảm thấy áp lực và không có đủ khả năng chăm sóc người bệnh.

Một số bệnh viện hoặc chương trình chăm sóc giảm nhẹ cung cấp các dịch vụ chăm sóc cuối đời để cải thiện chất lượng cuộc sống của cả người bệnh và người chăm sóc. Một số dịch vụ chăm sóc cuối đời bao gồm:

  • Một cách tiếp cận giúp người bệnh và người nhà về các nhu cầu thể chất, tinh thần và kinh tế nhằm cải thiện chất lượng cuộc của người bệnh và người chăm sóc
  • Trao đổi với người chăm sóc về các quyết định quan trọng và điều trị các triệu chứng của người bệnh
  • Quan sát các dấu hiệu căng thẳng của người chăm sóc và hỗ trợ họ với những gì họ cần

Những người chăm sóc thường bắt đầu thực hiện chăm sóc người bệnh khi chưa qua đào tạo và được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhiều nhu cầu mà không có nhiều sự giúp đỡ. Người chăm sóc thường không quan tâm đến chất lượng cuộc sống của mình và thường đặt nhu cầu của người bệnh lên hàng đầu. Khi người chăm sóc cảm thấy không khoẻ mạnh, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh. Việc hỗ trợ người chăm sóc cũng góp phần làm cho quá trình điều trị của người bệnh suôn sẻ hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cancer.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe