Khi chăm sóc người thân bị ung thư giai đoạn cuối, người nhà không những phải tìm hiểu các phương pháp điều trị và chăm sóc giảm nhẹ để giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái nhất có thể mà bên cạnh đó còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người bệnh vượt qua nỗi đau đớn do ung thư trong những ngày tháng cuối đời.
1. Ung thư giai đoạn cuối là gì?
Ung thư giai đoạn cuối là một cụm từ khiến nhiều người mắc bệnh ung thư đều lo sợ. Bởi vì khả năng điều trị khỏi bệnh rất mong manh, hầu như không thể chữa khỏi. Ung thư giai đoạn cuối là ung thư di căn - tức là các khối u đã phát triển và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Bất kỳ loại ung thư nào cũng có thể trở thành ung thư giai đoạn cuối nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Ung thư giai đoạn cuối không thể điều trị khỏi được, vì vậy các phương pháp điều trị bệnh chủ yếu tập trung vào việc làm cho người bệnh cảm thấy thoải mái nhất có thể, để giảm nhẹ sự đau đớn và tiếp tục kéo dài sự sống.
2. Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư giai đoạn cuối
Tử vong do ung thư thường xảy ra khi tình trạng sức khỏe của người bệnh trở nên yếu đi và cảm thấy mệt mỏi hơn trong vài tuần hoặc vài tháng. Không phải lúc nào cũng có thể dự đoán một người sẽ sống được bao lâu khi mắc ung thư giai đoạn cuối. Tuy nhiên, có thể dựa vào những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến dưới đây để nhận biết người bệnh đang bước vào những ngày cuối cùng của cuộc đời:
- Sức khỏe suy yếu và kiệt sức.
- Nhu cầu nghỉ ngơi và dành thời gian ngủ nhiều.
- Sụt cân, cơ bắp bị mất đi.
- Chán ăn, khó nuốt.
- Giảm khả năng nói chuyện và tập trung.
- Mất hứng thú với thế giới bên ngoài.
- Khó thở.
- Da xanh xao, đặc biệt ở bàn tay và bàn chân.
- Khô miệng và môi.
- Lượng nước tiểu giảm.
- Mất kiểm soát bàng quang và ruột.
- Cơ thể mất kiểm soát khi hoạt động.
- Bị nhầm lẫn về các thông tin.
3. Phương pháp điều trị ung thư giai đoạn cuối
Ung thư giai đoạn cuối là không thể chữa được. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Một số hướng điều trị mà bệnh nhân có thể lựa chọn ví dụ như hóa trị hoặc xạ trị. Những biện pháp này có thể kéo dài tuổi thọ của người bệnh hoặc cảm thấy tốt hơn trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng đây không phải là một lựa chọn khả thi.
3.1 Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối
Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là liệu pháp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh bằng cách đáp ứng các nhu về thể chất, tinh thần, và tâm lý, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái nhất có thể.
Trong quá trình điều trị ung thư có thể xảy ra một số tác dụng phụ và làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, người nhà bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ kê thuốc chữa buồn nôn cho người bệnh do tác dụng phụ của các loại thuốc làm nhỏ khối u, hỗ trợ giấc ngủ hoặc giảm trầm cảm.
3.2 Giúp người bệnh cảm thấy thoải mái
Thành viên gia đình và người chăm sóc có thể giúp người bị bệnh trở nên thoải mái hơn trong thời gian này. Các bác sĩ có thể hướng dẫn người nhà bệnh nhân thực hiện các bước chăm sóc dựa trên tình trạng và nhu cầu cụ thể của người bệnh. Bạn có thể tham khảo các phương pháp giảm đau cho bệnh nhân ung thư theo hướng dẫn dưới đây để giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn:
- Sử dụng đệm khi nằm hoặc ngồi để người bệnh thấy thoải mái.
- Giúp người bệnh thay đổi vị trí thường xuyên.
- Thay đổi ga trải giường ít nhất hai lần một tuần hoặc thường xuyên hơn khi cần thiết.
- Nâng cao đầu, hoặc xoay người sang một bên để giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.
- Sử dụng chăn để giúp giữ ấm cho người bệnh, không dùng chăn điện vì có thể gây cháy.
- Massage cơ thể người bệnh nhẹ nhàng để lưu thông máu.
- Trò chuyện, an ủi người bệnh.
- Giữ ẩm miệng và môi cho bệnh nhân. Người thân có thể cho bệnh nhân uống chất lỏng bằng thìa hoặc ống hút nếu người bệnh có thể nuốt.
4. Các phương pháp giảm đau cho bệnh nhân ung thư
Ung thư có thể gây ra những cơn đau khác nhau, tuy nhiên chúng ta vẫn có cách để kiểm soát cơn đau do ung thư. Ung thư giai đoạn cuối đau đớn không được kiểm soát thường làm tình trạng sức khỏe bệnh nhân xấu đi và gây ra các biến chứng khác như mệt mỏi, tức giận, trầm cảm, căng thẳng và nhầm lẫn. Những triệu chứng này khiến việc tập trung dành quỹ thời gian vào các thành viên gia đình và bạn bè trở nên khó khăn hơn.
Một trong những cách tốt để điều trị cơn đau liên quan đến ung thư giai đoạn cuối là ngăn cơn đau phát triển hoặc trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể cho người bệnh sử dụng thuốc để điều trị giảm đau. Điều quan trọng là phải dùng thuốc thường xuyên để duy trì mức độ ổn định của thuốc trong cơ thể. Đây là cách hiệu quả nhất để giảm đau.
Có nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau, tùy thuộc vào loại thuốc và tình trạng sức khỏe người bệnh, các bác sĩ sẽ kê đơn theo những cách khác nhau. Một số loại thuốc có thể uống trực tiếp, được tiêm vào tĩnh mạch hoặc dưới dạng miếng dán.
Với những cơn đau nhẹ, thuốc giảm đau không Opioid sẽ là lựa chọn phù hợp, ví dụ như thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDS), bao gồm Ibuprofen, Acetaminophen.
Một số loại thuốc được sử dụng cho các tình trạng sức khỏe khác có thể giúp giảm đau, đặc biệt là đau dây thần kinh. Bao gồm các loại thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như Duloxetine (Cymbalta), thuốc ngăn ngừa co giật, chẳng hạn như Gabapentin (Gralise) và Pregabalin (Lyrica).
Ngoài ra, có thể áp dụng một số phương pháp khác để kiểm soát cơn đau do ung thư, chẳng hạn như: Châm cứu; Phương pháp phản hồi sinh học: Kiểm soát các chức năng cơ thể như nhịp tim, thư giãn cơ bắp để giảm đau; Các bài tập thở và thiền; Áp dụng một số hoạt động để đánh lạc tâm trí của người bệnh khỏi nỗi đau: Tắm nước ấm, đọc sách, xem TV, nghe nhạc, đi bộ....
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cancer.net