Tác động của estrogen đối với tăng cân và mãn kinh

Mức estrogen thấp có thể làm giảm tốc độ trao đổi chất, đó là tốc độ cơ thể chuyển đổi năng lượng dự trữ thành năng lượng hoạt động. Thiếu estrogen cũng có thể khiến cơ thể sử dụng tinh bột và lượng đường trong máu kém hiệu quả, khiến cho cơ thể tích trữ chất béo nhiều hơn nên sẽ gặp khó khăn trong việc giảm cân, đặc biệt là trong khoảng thời gian mãn kinh.

1. Estrogen là gì?

Estrogen là một trong hai hormone sinh dục nữ chính và có liên quan đến sự khởi đầu của tuổi dậy thì và chu kỳ kinh nguyệt. Nó cũng có nhiều chức năng thiết yếu khác như:

  • Giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu
  • Tăng cường sức khỏe của xương
  • Bảo vệ não và duy trì tâm trạng ổn định

Buồng trứng là hai tuyến nhỏ ở khung chậu dưới, chủ yếu chịu trách nhiệm sản xuất estrogen. Các tuyến thượng thận và mô mỡ cũng tạo ra estrogen nhưng với số lượng khá nhỏ.

Có ba loại estrogen chính:

  • Estrone hoặc E1 là loại hormone mà cơ thể tạo ra sau khi mãn kinh.
  • Estradiol hoặc E2 là loại hormone thường có ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
  • Estriol hoặc E3 là loại hormone mà cơ thể tạo ra trong thai kỳ.

Estrogen giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu
Estrogen giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu

2. Các dấu hiệu estrogen thấp

Triệu chứng estrogen thấp thường bao gồm các dấu hiệu như:

  • Thời gian không thường xuyên
  • Cảm giác nóng bừng
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Mất ngủ
  • Khô âm đạo
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Tâm trạng ủ rũ và cáu kỉnh
  • Đau đầu
  • Da khô

Phụ nữ gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì hãy nên gặp bác sĩ để được tư vấn. Bác sĩ có thể thực hiện một vài xét nghiệm như xét nghiệm máu đơn giản để đo nồng độ estrogen và xác định xem sự mất cân bằng của estrogen có phải nguyên nhân hay không.

Phụ nữ nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, kể cả khi bắt đầu và khi kết thúc cùng với các dấu hiệu bất thường hoặc các vấn đề khác gặp đang gặp phải. Những thông tin này sẽ giúp cho bác sĩ chẩn đoán chính xác những yếu tố tiềm năng dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố.


Mất ngủ là triệu chứng thường gặp ở estrogen thấp
Mất ngủ là triệu chứng thường gặp ở estrogen thấp

3. Mối liên hệ giữa mãn kinh, estrogen và cân nặng

Nồng độ estrogen có thể thấp ở phụ nữ vì nhiều lý do. Và lý do phổ biến nhất là do trải qua thời kỳ mãn kinh. Đây là thời điểm mà người phụ nữ có nội tiết tố sinh sản giảm và kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn. Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng họ có thể tăng cân trong thời gian này dễ dàng hơn.

Một số lý do tại sao mọi người có thể tăng cân trong thời kỳ mãn kinh là thay đổi nồng độ hormone. Một dạng estrogen gọi là estradiol sẽ giảm đi khi mãn kinh. Hormone này có tác dụng giúp điều chỉnh sự trao đổi chất và trọng lượng cơ thể. Nồng độ estradiol thấp hơn có thể dẫn đến tăng cân.

Trong suốt cuộc đời, phụ nữ có thể nhận thấy sự tăng cân của mình xuất hiện ở các vị trí như xung quanh hông và đùi. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, phụ nữ có xu hướng tăng cân thêm ở các vị trí khác như quanh phần eo và phần bụng.

Loại mỡ này là mỡ nội tạng có xu hướng tích tụ trong bụng và các cơ quan xung quanh. Mỡ nội tạng có thể rất nguy hiểm bởi vì nó liên quan đến một số vấn đề về y tế như: tiểu đường, đột quỵ, bệnh tim, ung thư. Cùng với sự thay đổi nồng độ estrogen, phụ nữ lớn tuổi có thể có xu hướng ít hoạt động hơn và có khối lượng cơ bắp ít hơn. Điều đó có nghĩa là họ số lượng calo trong ngày được đốt cháy ít hơn. Những yếu tố này đều có thể là tăng nguy cơ tăng cân của phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh.

Những yếu tố liên quan đến tuổi còn đóng vai trò quan trọng hơn trong việc tăng cân so với thay đổi nồng độ estrogen. Một vài nghiên cứu đánh giá đã đưa ra kết luận rằng việc tăng cân dường như không ảnh hưởng bởi những thay đổi hormone liên quan đến mãn kinh.


Nồng độ estrogen thấp có thể dẫn đến tăng cân.
Nồng độ estrogen thấp có thể dẫn đến tăng cân.

4. Những lý do khác khiến cho nồng độ estrogen mất cân bằng

Mãn kinh không phải là lý do duy nhất khiến phụ nữ có thể có mức estrogen thấp. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra tình trạng mất cân bằng này:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS):

Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng bệnh ở phụ nữ có nhiều u nang nhỏ trên buồng trứng, cũng như một số vấn đề về mất cân bằng nội tiết tố. Chúng có thể có mức testosterone cao và sự mất cân bằng giữa estrogen và progesterone. Phụ nữ mắc bệnh này có xu hướng gặp các vấn đề về tăng cân, kháng insulin và bệnh tim.

  • Thời gian cho con bú:

Nồng độ estrogen của phụ nữ sau sinh ở mức thấp và trong thời gian này người phụ nữ đang cho con bú. Sự thay đổi nội tiết tố giúp kích thích sản xuất sữa và ngăn ngừa rụng trứng.

  • Cắt bỏ buồng trứng:

Phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng sẽ trải qua thời kỳ mãn kinh đột ngột. Khi đó, sẽ không còn sự giải phóng trúng hoặc sản xuất estrogen và progesterone.

  • Chán ăn:

Chán ăn là một rối loạn loạn ăn uống nghiêm trọng. Khi đó, cơ thể sẽ không được nạp đủ lượng calo. Sự thiếu hụt này khiến cho cơ thể rơi vào tình trạng đói và làm giảm lượng estrogen mà cơ thể có thể sản xuất.

  • Tập thể dục cường độ cao:

Tập thể dục cường độ cao hoặc các tác động mạnh có tính chất tiêu cực đã được chứng minh là làm giảm sản xuất estrogen do lượng chất béo cơ thể thấp.


Cắt buồng trứng khiến cho nồng độ estrogen mất cân bằng
Cắt buồng trứng khiến cho nồng độ estrogen mất cân bằng

5. Một số biện pháp quản lý cân nặng

Duy trì cân nặng khỏe mạnh, ngay cả khi nó có liên quan đến sự mất cân bằng estrogen bằng cách xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và duy trì hoạt động thể chất.

Một số lưu ý cho chế độ ăn uống lành mạnh giúp quản lý cân nặng:

  • Tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn
  • Tránh xa các thực phẩm như soda, nước trái cây, rượu
  • Nên ăn nhiều trái cây và rau quả mỗi ngày
  • Uống đủ lượng nước theo nhu cầu giúp cân bằng nước trong cơ thể
  • Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc cùng với các chất béo có lợi chẳng hạn như chất béo chưa bão hòa, chất béo từ thực vật...

Hoạt động thể chất cũng có vai trò vô cùng quan trọng để quản lý cân nặng. Ngoài việc luyện tập thường xuyên các hoạt động liên quan đến tim mạch như chạy bộ, bơi lội, đi bộ,... nên bổ sung các bài tập cường độ mạnh để giúp xây dựng cơ bắp và thúc đẩy sự phát triển của xương được chắc khỏe.

Tóm lại, tăng cân là yếu tố phổ biến ở những phụ nữ đến tuổi mãn kinh. Để quản lý cân nặng của phụ nữ ở giai đoạn này cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và thay đổi lối sống.

Nguồn tham khảo: webmd.com; medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe