Giảm cân hoặc cố gắng duy trì cân nặng hợp lý là thử thách khó khăn đối với nhiều bệnh nhân đang sử dụng thuốc. Các loại thuốc gây tăng cân bao gồm thuốc điều trị tiểu đường, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin và thậm chí cả thuốc giảm đau.
1. Vì sao uống thuốc bị tăng cân?
Những lý do phổ biến khiến nhiều bệnh nhân uống thuốc bị tăng cân bao gồm:
- Tăng cảm giác thèm ăn: các loại thuốc kích thích tăng cảm giác thèm ăn và ảnh hưởng đến cảm giác no.
- Tình trạng tích nước (giữ muối và nước) trong các mô.
- Tăng lưu trữ chất béo. Ví dụ, insulin có thể tăng lưu trữ chất béo.
- Sự trao đổi chất chậm lại.
- Mệt mỏi hoặc suy nhược: có thể dẫn đến ít vận động, ít tập thể dục và đốt cháy calo.
Thông thường mọi người khó tìm ra nguyên nhân chính xác gây tăng cân. Việc phân biệt tăng cân do thuốc với tăng cân do các lý do khác (chế độ ăn, thiếu vận động...) cũng không hề dễ dàng. Một số vấn đề về tâm lý như trầm cảm, có thể dẫn đến giảm cân hoặc tăng cân, tùy thuộc vào từng cá nhân.
Nếu tình trạng tăng cân nhanh xảy ra trong thời gian ngắn, lời khuyên là nên liên hệ ngay với bác sĩ để được đánh giá, nhất là nếu bạn có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch hoặc phổi, suy tim mãn tính, huyết áp cao...
2. Các loại thuốc gây tăng cân
Một số loại thuốc điều trị kê theo đơn có thể làm tăng thêm một số cân không mong muốn cho người sử dụng, như thuốc điều trị:
- Chứng tâm thần phân liệt (Olanzapine, Risperidone, Quetiapine)
- Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Rối loạn lưỡng cực
- Trầm cảm (như Prozac, Zoloft, Lexapro, Celexa, Paxil, Effexor, Cymbalta, Norpramin..)
- Bệnh tiểu đường type 1 hoặc 2 (như Actos, Avandia, Amaryl, Novolog, Lantus, Humalog...)
- Chứng huyết áp cao (Tenormin, Lopressor, Inderal, Norvasc, Catapres)
- Động kinh và co giật (Tegretol, Neurontin, Depakote)
- Dị ứng, chống sốc (Depersolon, solumedrol)
- Đau và viêm (Prednisolon, Solumedrol, Dexamethason)
Có một số loại thuốc dễ gây tăng cân hơn những loại thuốc khác và không phải bệnh nhân nào dùng những loại thuốc trên cũng gặp phải tác dụng phụ. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên ý thức về nguy cơ tăng cân khi sử dụng thuốc và có phương án xử lý phù hợp.
3. Điều trị tăng cân do dùng thuốc
Khi uống thuốc bị tăng cân, người bệnh không nên tự ý ngưng dùng bất kỳ loại thuốc nào mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu bạn băn khoăn về vấn đề tăng cân do dùng thuốc, hãy đặt lịch hẹn để trao đổi.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể chuyển sang một loại thuốc khác hoặc dùng thuốc với liều lượng thấp hơn để đảm bảo lợi ích khi dùng thuốc cao hơn nguy cơ tăng cân.
Ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng một số phương pháp cân bằng cân nặng như:
- Tăng cường vận động, tập thể dục hàng ngày
- Chú ý đến chế độ ăn uống (hạn chế ăn mặn, tránh ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn...)
- Hạn chế lượng thức ăn nạp vào
- Bổ sung thực phẩm giàu Kali như chuối, khoai lang, bơ, củ cải...v..v..);
- Uống nhiều nước
- Ăn chậm rãi, chia nhỏ thành nhiều bữa.
Khi uống thuốc bị tăng cân, không nên quá căng thẳng mà hãy tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nếu tăng cân do uống thuốc, bạn có thể ngừng hoặc đổi sang loại thuốc có tác dụng điều trị tương ứng (nhưng không tăng cân) theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này vừa giúp bạn vừa có cân nặng hợp lý vừa điều trị được vấn đề sức khỏe đang gặp phải.
Nếu cần tư vấn chuyên sâu hơn về việc dùng thuốc sao cho hợp lý với tình trạng sức khỏe hiện tại, khách hàng có thể liên hệ tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được tư vấn bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com - healthline.com