Hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột là hai bệnh lý thường bị nhầm lẫn với nhau do có một số triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, cả hai đều có bản chất hoàn toàn khác nhau. IBS là một dạng rối loạn chức năng ruột, không gây viêm niêm mạc ruột. Ngược lại, bệnh viêm ruột là một nhóm bệnh gây viêm mãn tính ở tiêu hóa, chủ yếu là đại tràng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Các đặc điểm chính của hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột
Hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột là hai vấn đề tiêu hóa khác nhau. Tuy nhiên, một người mắc một trong hai căn bệnh nêu trên có thể xuất hiện các dấu hiệu của bệnh còn lại. Thậm chí, một số bệnh nhân có thể đồng thời mắc cả hai bệnh. Cả hai bệnh đều là tình trạng kéo dài mãn tính.
Mặc dù cả hai căn bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng yếu tố di truyền vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh.
1.1 Bệnh viêm ruột là gì?
Bệnh viêm ruột là tên gọi chung cho một loạt các bệnh lý liên quan đến tình trạng viêm kéo dài tại các bộ phận khác nhau trong hệ tiêu hóa. Trong đó, viêm loét đại tràng là dạng bệnh phổ biến nhất.
Hai loại bệnh viêm ruột chính là:
- Viêm loét đại tràng: Một bệnh mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm tái phát ở lớp niêm mạc của đại tràng. Bệnh thường bắt đầu ở trực tràng và có thể lan sang các bộ phận khác của đại tràng.
- Bệnh Crohn: Có thể tác động đến bất kỳ đoạn nào trong hệ tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn. Triệu chứng bao gồm tiêu chảy, co thắt bụng và sốt.
Khi các xét nghiệm ban đầu không đủ để xác định rõ tình trạng viêm ruột, bác sĩ sẽ chẩn đoán rằng người khám mắc viêm đại tràng không xác định. Thông thường, loại viêm đại tràng này sẽ phát triển thành bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
Mặc dù hiện tại chưa có biện pháp điều trị dứt điểm cho hai bệnh này, nhưng việc sử dụng thuốc đúng cách có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.
1.2 Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích là một tình trạng rối loạn chức năng tiêu hóa kéo dài, với biểu hiện chính là đau bụng thường xuyên và sự thay đổi trong thói quen đi vệ sinh. Những người mắc hội chứng này không có triệu chứng bệnh lý rõ ràng và các xét nghiệm thường cho kết quả bình thường.
Mặc dù hội chứng ruột kích thích có những triệu chứng rõ ràng, nhưng nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu một số yếu tố có thể là nguyên nhân gây bệnh như:
- Không dung nạp một số thực phẩm như fructose, lactose, sucrose, hoặc gluten.
- Phản ứng sau khi nhiễm trùng.
- Sự gia tăng số lượng vi khuẩn quá mức.
- Căng thẳng.
Dựa vào triệu chứng nổi bật, hội chứng ruột kích thích có thể được phân thành bốn nhóm sau đây:
- Loại táo bón (IBS-C).
- Loại tiêu chảy (IBS-D).
- Loại hỗn hợp (IBS-M).
- Loại không xác định (IBS-U).
Hội chứng ruột kích thích đôi khi bị nhầm lẫn với viêm đại tràng nhầy hoặc viêm đại tràng co thắt, nhưng những thuật ngữ này không đúng, vì hội chứng ruột kích thích không gây viêm giống như bệnh viêm ruột.
2. Triệu chứng bệnh
Các triệu chứng hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột rất giống nhau, khiến cho việc phân biệt trở nên khó khăn.
IBS thường xuất hiện với triệu chứng:
- Đau quặn thắt bụng.
- Táo bón, đầy bụng.
- Tiêu chảy.
- Cảm giác buồn đi vệ sinh ngay lập tức.
- Vi khuẩn trong ruột non phát triển quá mức.
- Cảm giác chưa thải hết phân.

Bệnh viêm ruột có thể biểu hiện những triệu chứng tương tự như IBS và còn có các dấu hiệu khác như:
- Viêm mắt.
- Mệt mỏi nghiêm trọng.
- Sẹo trong ruột.
- Đau khớp.
- Suy dinh dưỡng.
- Xuất huyết trực tràng.
- Sụt cân.
Nếu mọi người nhận thấy những dấu hiệu trên, hãy nhanh chóng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

3. Yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột
Hội chứng ruột kích thích là một căn bệnh phức tạp, trong đó các yếu tố kích hoạt khác nhau ở mỗi người. Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học chắc chắn về mối liên hệ trực tiếp giữa các yếu tố này và IBS, nhưng nhiều người bệnh cho thấy các triệu chứng trầm trọng hơn sau khi tiếp xúc với một số yếu tố nhất định.
- Thực phẩm là một trong những yếu tố kích hoạt phổ biến. Một số loại thực phẩm như sô cô la, gia vị cay, chất béo, các loại đậu, sữa, đồ uống có ga và rượu bia có thể làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở những người mắc bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều nhạy cảm với cùng một loại thực phẩm.
- Căng thẳng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Nhiều người bệnh nhận thấy tình trạng của mình trở nên tồi tệ hơn trong những thời điểm căng thẳng cao độ. Tuy nhiên, căng thẳng chỉ là yếu tố khởi phát chứ không phải nguyên nhân gốc rễ của bệnh.
- Nội tiết tố, đặc biệt là ở phụ nữ, cũng được cho là có liên quan đến IBS. Nhiều phụ nữ nhận thấy các triệu chứng của mình thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt.
- Ngoài ra, các bệnh lý khác như nhiễm trùng đường ruột hoặc loạn khuẩn đường ruột cũng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.
Bệnh viêm ruột có thể liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó có tiền sử gia đình, việc sử dụng một số loại thuốc và thói quen hút thuốc.
- Những người có người thân mắc bệnh viêm ruột có nguy cơ cao hơn.
- Việc sử dụng isotretinoin, một loại thuốc điều trị mụn, cũng được cho là có thể liên quan đến sự phát triển của bệnh.
- Ngoài ra, thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen có thể làm trầm trọng thêm bệnh viêm ruột hoặc gây ra các triệu chứng tương tự.
- Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ quan trọng và có thể làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Điều trị cho hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột
Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột sẽ khác nhau tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. IBS thường có thể cải thiện qua thay đổi lối sống và tránh các tác nhân kích thích, trong khi điều trị bệnh viêm ruột lại phức tạp hơn.
4.1 Hội chứng ruột kích thích
Một số loại thuốc, như hyoscyamine (Levsin) hoặc dicyclomine (Bentyl), có thể giúp điều trị IBS bằng cách giảm co thắt ruột.
Hội chứng ruột kích thích có thể được cải thiện nhờ thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt, điều này khác với bệnh viêm ruột. Một số biện pháp bao gồm:
- Tránh các món chiên, nhiều dầu mỡ và đồ uống chứa caffeine.
- Thư giãn với các biện pháp như thiền và yoga.
- Tham gia trị liệu tâm lý để giảm căng thẳng.
- Sử dụng đệm nhiệt để giảm cảm giác đau và co thắt.
- Châm cứu.
- Sử dụng các loại thảo dược như trà hoa cúc.
- Uống lợi khuẩn.
4.2 Bệnh viêm ruột
Cách điều trị bệnh viêm ruột sẽ được xác định dựa trên loại bệnh cụ thể. Mục tiêu chính là kiểm soát viêm và bảo vệ ruột khỏi tổn thương. Các phương pháp điều trị thường gặp cho bệnh viêm ruột bao gồm:
- Thuốc Corticosteroid.
- Thuốc 5-ASA (aminosalicylates).
- Điều hoà miễn dịch.
- Dược phẩm sinh học.
- Phẫu thuật.
- Cần điều chỉnh chế độ ăn để tránh những thực phẩm làm tăng nguy cơ kích ứng.
Điều trị ban đầu đối với bệnh viêm ruột chủ yếu là sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các phương pháp điều trị tự nhiên có thể được xem xét bổ sung vào phác đồ điều trị hiện tại, nhưng chỉ nên thực hiện khi có sự đồng ý và giám sát chặt chẽ từ bác sĩ. Cần lưu ý rằng những phương pháp tự nhiên này có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Mặc dù vậy, trị liệu tâm lý được coi là một phương pháp rất hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị viêm ruột, vì căng thẳng và lo âu có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Việc cải thiện tâm trạng và giảm bớt căng thẳng có thể góp phần làm giảm các triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong quá trình điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline