Chẩn đoán mức độ nặng của hội chứng ruột kích thích

Những hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của hội chứng ruột kích thích đã phát triển qua nhiều năm gần đây nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Một cơ chế thống nhất hiện nay cho rằng các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích là do rối loạn sự điều hòa của “trục não-ruột” làm biểu hiện bệnh dưới dạng tăng nhạy cảm nội tạng và thay đổi thói quen đi tiêu. 

Bài viết được viết bởi ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Phần cơ chế bệnh sinh này phân tích sâu về sự tăng nhạy cảm nội tạng trong hội chứng ruột kích thích đồng thời bàn luận chi tiết về các thay đổi từ thần kinh trung ương đến cơ quan ngoại biên trong hội chứng ruột kích thích, bao gồm cả các cơ chế ngoại biên có thể ảnh hưởng ngược lại đến trục não-ruột. 

Cảm giác nội tạng và tăng nhạy cảm nội tạng ở bệnh nhân mắc hội hứng ruột kích thích

Cảm giác và vận động của ruột bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm lòng ruột, niêm mạc, hệ thần kinh ruột và hệ thần kinh trung ương, cũng như trao đổi tín hiệu giữa các vùng này. Một lý thuyết thống nhất trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng ruột kích thích cũng như các rối loạn tiêu hóa chức năng khác là có sự rối loạn trong tương tác phức tạp giữa các vùng, được gọi chung là “trục não-ruột” dẫn đến cảm giác và vận động bị thay đổi. 

Các kích thích cơ học, hóa học và các kích thích khác được nhận cảm bởi các tế bào thần kinh hướng tâm sơ cấp. Các cơ quan nhận cảm đau chính ở đại tràng và trực tràng là các tế bào thần kinh hướng tâm chính nằm ở tủy sống. Các tế bào thần kinh hướng tâm nguyên phát ở tủy sống có thân tế bào ở hạch rễ sau và các synape thần kinh ở sừng sau. Tín hiệu được truyền dọc theo cột bên ở sừng sau để vào nhân não thất sau bên đối diện của đồi thị. Các dây thần kinh hướng tâm đến tủy sống có ngưỡng kích hoạt thay đổi, có thể thay đổi để đáp ứng với chấn thương và viêm nhiễm.

Sự nhạy cảm trung ương xảy ra ở cả tủy sống và não bộ

Một nghiên cứu nhận thấy khi căng thành trực tràng có sự gia tăng kích thích đến khu vực liên quan đến cảm xúc (vỏ não trước, hạch hạnh nhân) cũng như cụm não giữa liên quan đến điều tiết cơn đau nội sinh. Trong khi nhóm chứng lại cho thấy kích hoạt ổn định hơn của vỏ não trước trán giữa và bên. 

Những thay đổi cấu trúc não thường thấy gồm: (1) gia tăng thể tích và độ dày của vỏ não cảm giác, vận động có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, đặc biệt ở phụ nữ, (2) sự thay đổi trong kết nối chức năng của thùy não trước và hạch hạnh nhân, (3) sự tham gia nhiều hơn của các hệ lưới để đáp ứng tình trạng căng thành trực tràng (4) tăng phản ứng của hệ lưới kích thích cảm xúc đối với tình trạng căng thành trực tràng, (5) giảm vòng phản hồi ức chế và (6) tăng kích hoạt hệ lưới kiểm soát và điều tiết hệ thống thần kinh tự chủ.

Hội chứng ruột kích thích đôi khi ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh
Hội chứng ruột kích thích đôi khi ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh

Ảnh hưởng của trục não - ruột từ những thay đổi ngoại biên

Trục não - ruột mô tả sự tương tác song phương giữa hệ tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương. Những thay đổi ở ngoại biên như sự tăng độ thấm ruột, sự mất cân bằng trong vi sinh vật đường ruột, hoạt động miễn dịch tăng lên, có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương thông qua trục não - ruột. 

Điều này xảy ra do các yếu tố từ ruột có thể tác động đến não bộ qua nhiều cơ chế khác nhau. Stress có thể làm tăng độ thấm của ruột, cho phép các thành phần vi khuẩn, chất độc hại, và chất gây viêm xâm nhập vào mạch máu dễ dàng hơn, điều này sau đó có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây ra các phản ứng như tăng cảm giác đau và thay đổi trong cảm xúc. 

Mặt khác, vi sinh vật đường ruột cũng có thể ảnh hưởng đến độ thấm ruột thông qua khả năng giải phóng protease và kích hoạt các PARs, điều này cho thấy một con đường liên kết giữa vi sinh vật ruột và tăng cảm giác nội tạng qua sự tăng độ thấm ruột.

Vai trò của nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng được chỉ định để loại trừ ung thư đại trực tràng (UTĐTT). Chỉ định nên cân nhắc bởi yếu tố tuổi, các dấu hiệu báo động để tránh tình trạng chỉ định quá mức ở bệnh nhân.

Hướng dẫn toàn cầu của Tổ chức tiêu hóa thế giới WGO và sự đồng thuận của châu Á đề xuất rằng, đối với bệnh nhân có các dấu hiệu báo động (tức là tuổi bắt đầu >50 tuổi, tiền sử gia đình mắc UTĐTT, máu trong phân, giảm cân không giải thích được, ăn uống kém, triệu chứng về đêm, sốt, thiếu máu, khối u bụng và dịch trong ổ bụng), chỉ định nội soi đại tràng là cần thiết.

Tuy nhiên, quan trọng là phải lưu ý rằng UTĐTT nằm trong số năm loại ung thư hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, tỷ lệ mắc UTĐTT sớm (tức là ≤50 tuổi) trong dân số Việt Nam cao đáng kể.

Chẩn đoán mức độ nặng của hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến chất lượng sống, chức năng xã hội, giấc ngủ và sức khỏe tinh thần của bệnh nhân. Vì thế ngoài tần suất và độ nặng của triệu chứng, ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích còn cần đánh giá các ảnh hưởng này. 

Có một số bảng câu hỏi có thể dùng làm công cụ đánh giá như Short Form-36, EuroQol 5, thang điểm trầm cảm và rối loạn lo âu trong bệnh viện, bảng câu hỏi sức khỏe bệnh nhân, IBS-Qol, chỉ số độ nặng của triệu chứng hội chứng ruột kích thích (IBS-SSS). Chỉ số độ nặng của triệu chứng hội chứng ruột kích thích (IBS –SSS) là bảng câu hỏi đơn giản để bệnh nhân tự đánh giá mức độ triệu chứng. 

Chỉ số độ nặng của triệu chứng HCRKT (IBS-SSS)

Chẩn đoán mức độ nặng của hội chứng ruột kích thích

Kết luận

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hóa chức năng phổ biến. Việc chẩn đoán cần cẩn thận loại trừ các bệnh thực thể. Điều trị cần phải có sự phối hợp tốt giữa nhân viên ý tế và người bệnh, tự đó tư vấn các phương pháp điều trị theo từng bước, kể cả những áp dụng các liệu pháp tâm lý để đem lại hiệu quả tối ưu và tăng cường chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tài liệu tham khảo 

1.    Drossman DA. Functional Gastrointestinal Disorders: History, Pathophysiology, Clinical Features and Rome IV. Gastroenterology. Feb 19 2016;doi:10.1053/j.gastro.2016.02.032

2.    Oka P, Parr H, Barberio B, Black CJ, Savarino EV, Ford AC. Global prevalence of irritable bowel syndrome according to Rome III or IV criteria: a systematic review and meta-analysis. The lancet Gastroenterology & hepatology. Oct 2020;5(10):908-917. doi:10.1016/s2468-1253(20)30217-x

3. Quach DT, Vu KT, Vu KV. Prevalence, clinical characteristics, and management of irritable bowel syndrome in Vietnam: A scoping review. JGH open : an open access journal of gastroenterology and hepatology. Nov 2021;5(11):1227-1235. doi:10.1002/jgh3.12616

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe