Bệnh viêm ruột là một dạng rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra với bất kỳ ai, với những triệu chứng bệnh khác nhau như đau bụng, sụt cân, mệt mỏi… Bệnh thường được điều trị chủ yếu bằng thuốc, nhưng một vài trường hợp nghiêm trọng sẽ được chỉ định phẫu thuật. Cùng tìm hiểu chi tiết về căn bệnh viêm ruột trong bài viết sau nhé!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa, khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Định nghĩa viêm đường ruột
Viêm đường ruột (IBD) là tình trạng viêm mạn tính tại những vị trí khác nhau trong đường tiêu hóa, thường sẽ bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Bệnh Crohn thường sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến phần ruột non, còn viêm loét đại tràng diễn ra dọc theo niêm mạc đại tràng và trực tràng. Hai dạng bệnh viêm ruột đều có dấu hiệu đặc trưng là tình trạng tiêu chảy, mệt mỏi, đau bụng bất ngờ, sụt cân và đi tiểu, đi phân ra máu.
2. Các triệu chứng thường gặp khi bị bệnh viêm ruột
Tùy vào mức độ viêm và vị trí bị viêm,người bị bệnh viêm ruột sẽ có những triệu chứng khác nhau. Những triệu chứng hay gặp nhất có thể kể đến là:
- Cảm giác mệt mỏi.
- Đau bụng bất ngờ.
- Bị tiêu chảy, có máu trong phân.
- Chán ăn dẫn đến sụt cân.
- Sốt.
- Buồn nôn.
3. Yếu tố nguy cơ tăng khả năng viêm ruột
Nguyên nhân của các bệnh viêm ruột được cho là bắt nguồn từ sự rối loạn chức năng của hệ miễn dịch cơ thể. Việc tiêu thụ thực phẩm nấu chưa chín, thực phẩm không an toàn có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Lúc này phản ứng miễn dịch bất thường có thể khiến hệ miễn dịch tấn công những tế bào tốt trong đường tiêu hóa dẫn đến trạng thái viêm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố nguy cơ khác nhau tăng khả năng mắc bệnh.
- Những người có thói quen hút thuốc lá.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh.
- Sử dụng các loại thuốc kháng viêm không Steroid.
4. Các bước chẩn đoán viêm đường ruột
Để chẩn đoán xem người bệnh đang mắc phải dạng bệnh viêm ruột nào, bác sĩ cần tiến hành nhiều bước xét nghiệm khác nhau, bao gồm nội soi (tùy trường hợp).
4.1 Xét nghiệm máu và phân
Việc xét nghiệm máu giúp bác sĩ nhận biết được tình trạng của người bệnh có đang bị thiếu máu hay nhiễm trùng máu không. Bên cạnh đó bác sĩ cũng sẽ phân tích mẫu phân để xem có máu hay ký sinh trùng nào không.
4.2 Xét nghiệm bằng hình ảnh
Các bước xét nghiệm, chẩn đoán bằng hình ảnh thường sẽ có chụp X-Quang vùng bụng để kiểm tra đại tràng, chụp CT để lấy hình ảnh chi tiết bộ ruột và các mô bên ngoài ruột. Cuối cùng là chụp cộng hưởng từ (MRI) để có hình ảnh chi tiết các mô và cơ quan trong ruột, nhằm phát hiện xem có lỗ rò nào quanh phần ruột non hay hậu môn không.
4.3 Nội soi
Có khá nhiều phương pháp nội soi khác nhau để bác sĩ sử dụng nhằm chẩn đoán tình trạng bệnh viêm ruột. Bác sĩ có thể chỉ định nội soi toàn bộ đại tràng hoặc nội soi trực tràng và đại tràng Sigma bằng ống soi nhỏ.
Người bệnh cũng có thể được chỉ định nuốt viên nang chứa camera để ghi lại hình ảnh chi tiết, hoặc dùng bóng hỗ trợ để bác sĩ nhìn sâu hơn bên trong ruột non. Cuối cùng là trường hợp người bệnh buồn nôn, từng bị nôn, khó nuốt thức ăn hoặc đau bụng trên, khi đó bác sĩ sẽ dùng ống nội soi kiểm tra phần thực quản, dạ dày và tá tràng.
5. Các liệu pháp điều trị viêm ruột
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh viêm ruột đều có thể điều trị bằng những loại thuốc khác nhau nhưng phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ do một số thuốc ức chế miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Các loại thuốc chống viêm thuộc nhóm Aminosalicylate (như Mesalamine, Balsalazide và Olsalazine) hoặc thuốc Corticosteroid.
- Thuốc ức chế miễn dịch giúp ngăn chặn phản ứng miễn dịch giải phóng ra các hóa chất gây viêm trong cơ thể như thuốc Azathioprine, Mercaptopurine, Methotrexate.
- Thuốc sinh học ức chế những Protein gây ra phản ứng viêm trong cơ thể như thuốc Infliximab, Adalimumab, Certolizumab,…
- Thuốc kháng sinh dùng trong trường hợp nhiễm trùng, chẳng hạn như mắc bệnh Crohn quanh khu vực hậu môn.
- Thuốc chống tiêu chảy, bổ sung chất xơ như bột psyllium, methylcellulose. Loperamid được dùng trong trường hợp tiêu chảy nặng.
- Thuốc giảm đau: Acetaminophen trong trường hợp đau nhẹ.
Với các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh phẫu thuật viêm loét đại tràng (cắt bỏ toàn bộ đại tràng và trực tràng), hoặc chỉ cắt bỏ một phần đường tiêu hóa bị tổn thương, sau đó nối các phần khỏe mạnh lại với nhau.
6. Phòng ngừa viêm đường ruột
Hiện tại, không có cách nào ngăn chặn bệnh viêm ruột hoàn toàn, thay vào đó chúng ta có thể áp dụng các biện pháp khác nhau để hạn chế yếu tố nguy cơ dẫn tới phát bệnh.
- Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì tập trung vào 2 đến 3 bữa lớn trong ngày.
- Uống nhiều nước mỗi ngày, nhưng hạn chế bia rượu, cà phê, đồ uống có ga.
- Có thể bổ sung thêm Vitamin tổng hợp.
- Có các biện pháp kiểm soát căng thẳng như tập thiền, Yoga, …
- Ngủ đủ giấc, duy trì hoạt động thể chất
- Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị để tránh kích ứng đường ruột.
- Không hút thuốc lá.
Chỉ cần có một lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, giữ gìn vệ sinh cẩn thận là chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế tối đa khả năng mắc các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hay viêm loét dạ dày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.