Bài được viết bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Mai Viễn Phương - Trưởng Đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chất xơ là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Điều đó đặc biệt đúng đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS), một tình trạng tiêu hóa được biểu hiện bằng chứng co thắt dạ dày, tiêu chảy và táo bón. Trong bài viết này, các tác giả khuyến nghị nên dùng chất xơ hòa tan để điều trị các triệu chứng IBS.
1. Chất xơ thực phẩm là gì?
Một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi mô tả chất xơ là tất cả các loại carbohydrate không được tiêu hóa cũng như không được hấp thụ trong ruột non và có mức độ trùng hợp từ 3 đơn vị monome trở lên. Chất xơ mang lại một loạt các lợi ích sức khỏe nói chung và vì lý do này, hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên ăn 25 – 35 g tổng lượng chất xơ mỗi ngày.
Chất xơ có tác dụng đa dạng và vai trò của nó trong đường tiêu hóa liên quan đến hệ vi sinh vật đường ruột, sự trao đổi chất, thời gian vận chuyển, độ đặc của phân và sự hấp thụ axit mật vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Chất xơ thường được khuyến khích để cải thiện các triệu chứng ở bệnh nhân IBS, đặc biệt khi táo bón là nguyên nhân chính. Nói chung, các loại chất xơ khác nhau có thể được phân biệt dựa trên độ hòa tan, độ nhớt và khả năng chống lại quá trình lên men trong ruột kết. Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong psyllium, cám yến mạch, lúa mạch và đậu. Chất xơ không hòa tan được tìm thấy trong cám lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt và một số loại rau. Chất xơ có tác dụng nhuận tràng có xu hướng làm tăng hàm lượng nước trong phân và chống lại quá trình lên men của ruột kết.
2. Chất xơ hòa tan nên được sử dụng để điều trị các triệu chứng IBS
Một phân tích tổng hợp đã đánh giá việc sử dụng bổ sung chất xơ trong 14 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng với 906 người sống chung với IBS. Các tác giả kết luận rằng, việc bổ sung chất xơ - đặc biệt là với psyllium , một loại chất xơ hòa tan - có hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng của IBS khi so sánh với giả dược. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược kéo dài 3 tháng trên 275 bệnh nhân bị IBS cho thấy rằng, việc bổ sung 10g psyllium mỗi ngày đã cải thiện các triệu chứng đau bụng hoặc khó chịu trong 2 tháng đầu bổ sung và cũng cải thiện mức độ nghiêm trọng của triệu chứng sau khi bổ sung 3 tháng.
Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, chất xơ hoạt động như một loại tiền sinh học ảnh hưởng đến thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột. Hơn nữa, quá trình lên men các sản phẩm phụ của chất xơ, chẳng hạn như axit béo chuỗi ngắn (axetate, propionate và butyrate) và sự giảm pH của ruột kết thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi, chẳng hạn như lactobacilli và bifidobacteria.
Butyrate là một trong những axit béo chuỗi ngắn được tạo ra từ quá trình lên men của chất xơ. Butyrate gần đây đã được báo cáo để ngăn chặn tình trạng viêm ruột kết theo hai cách: Một là bằng cách gây ra quá trình tự chết của tế bào T, do đó, loại bỏ nguồn gốc của viêm và hai là bằng cách ngăn chặn quá trình viêm do interferon-γ (IFN-γ).
3. Bổ sung chất xơ một cách hợp lý
Mặc dù chất xơ có thể cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa của bạn nhưng việc tăng lượng tiêu thụ quá nhanh có thể khiến bạn cảm thấy đầy hơi và chướng bụng khi cơ thể chưa quen.
Nếu bạn muốn tăng lượng chất xơ để kiểm soát tốt hơn các triệu chứng IBS, Majumdar - chuyên gia dinh dưỡng cao cấp của Trung tâm phẫu thuật chuyển hóa và bệnh lý ở Boston - khuyên bạn nên bổ sung chất xơ mỗi lần một bữa, sau đó đợi vài ngày đến một tuần để xem phản ứng của cơ thể như thế nào. Nếu tất cả đều ổn, bạn có thể tiếp tục bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống của mình.
“Điều đầu tiên tôi sẽ làm là chia nhỏ từng bữa ăn và xem có những bữa nào có thể thêm trái cây và rau quả,” cô nói.
Ví dụ, thay vì ăn bánh ngọt vào bữa sáng, hãy thử sữa chua Hy Lạp với trái cây, các loại hạt và hạt lanh. Đối với bữa trưa và bữa tối, hãy thử thêm salad, các loại trái cây và rau, và ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, quinoa và farro.
Majumdar cho biết, một nguyên tắc chung là hãy lấp đầy một nửa đĩa của bạn với trái cây và rau quả. Ngoài ra, hãy thay thế ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt. Thay vì bánh mì trắng, ngũ cốc tinh chế và gạo trắng, hãy chọn bánh mì nguyên hạt, bánh nướng xốp có cám, bột yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt và gạo lứt.
“Hãy nhớ thực hiện những thay đổi này dần dần để chuyển đổi dễ dàng hơn. Và đừng quên uống nhiều nước. Chất xơ không thể thực hiện công việc của nó nếu không có nước.” Majumdar nói.
4. Kết luận
Chất xơ thực phẩm chuỗi dài, nhớt trung gian, hòa tan và lên men vừa phải (ví dụ như psyllium) đã được ghi nhận có ảnh hưởng đến việc quản lý IBS và có thể cải thiện các triệu chứng tổng thể của bệnh nhân IBS. Nên bổ sung loại chất xơ thực phẩm này cho bệnh nhân có tất cả các loại của IBS là IBS-D, IBS-M và IBS-C. Khi bắt đầu một chế độ bổ sung chất xơ, có thể xảy ra một giai đoạn thoáng qua của chứng đầy hơi / chướng bụng, khó chịu và thay đổi thói quen đi tiêu. Do đó, nên bắt đầu bổ sung chất xơ dần dần, với lượng tăng lên không quá 5 g / ngày mỗi tuần.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: journals.lww.com