Rối loạn miễn dịch là một tình trạng bệnh mà nhiều người gặp phải và bệnh ảnh hưởng bất lợi với sức khoẻ của con người. Tuy vậy, có rất nhiều loại rối loạn hệ miễn dịch khác nhau mà có thể bệnh nhân chưa biết đến. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin cần biết về loại rối loạn này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Nguyễn Duy Bộ, chuyên ngành Dị ứng- Miễn dịch, tại Bệnh viện Vinmec Times City.
1. Rối loạn miễn dịch là bệnh gì?
Hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể không chỉ đối với sự xâm nhập của các cấu trúc lạ bên ngoài (như virus, vi khuẩn, nấm mốc hoặc các yếu tố gây bệnh khác), mà còn đối với những biến đổi bất thường của các cấu trúc bên trong.
Hệ thống miễn dịch là công cụ để đảm bảo sự toàn vẹn của cơ thể. Tuy nhiên, đôi lúc hệ thống miễn dịch sẽ gặp một chút trục trặc có thể gây ra các rối loạn bệnh lý miễn dịch hay còn được gọi là rối loạn miễn dịch.
Những rối loạn này có thể được phân loại theo nhiều cách:
- Theo thành phần mà hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng.
- Theo tình trạng bệnh rối loạn miễn dịch do bẩm sinh hoặc mắc phải.
- Theo tình trạng hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức hoặc kém hoạt động.
2. Các dạng bệnh rối loạn miễn dịch thường gặp
Hiện nay, các dạng bệnh thường gặp bao gồm:
2.1 Bệnh tự miễn
Khi bình thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể nhằm chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh tự miễn, hệ miễn dịch bị rối loạn và tạo ra kháng thể chống lại các tế bào cũng như mô của chính cơ thể. Hầu hết các trường hợp bệnh tự miễn phát sinh một cách không rõ ràng và không có nguyên nhân cụ thể, khiến việc điều trị trở nên phức tạp và khó khăn. Một số bệnh tự miễn phổ biến bao gồm viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, viêm da cơ, xơ cứng bì, viêm đại tràng loại Crohn,...
2.2 Suy giảm miễn dịch
Đây là tình trạng hệ thống miễn dịch không còn khả năng hoạt động hiệu quả. Suy giảm miễn dịch chia thành hai loại: bẩm sinh và mắc phải.
- Suy giảm miễn dịch bẩm sinh là do các khiếm khuyết di truyền, biểu hiện từ thời kỳ sơ sinh hoặc khi đến tuổi trưởng thành.
- Suy giảm miễn dịch mắc phải có nguyên nhân từ nhiều yếu tố bên ngoài như nhiễm trùng, sử dụng thuốc hóa trị, tiếp xúc với độc tố, căng thẳng, tình trạng béo phì hoặc thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt, Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng miễn dịch của người bệnh.
2.3 Miễn dịch quá phát
Rối loạn miễn dịch quá phát là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể mẫn cảm quá mức đối với các kích thích. Dù chỉ gặp phải những yếu tố kích thích nhẹ nhàng, hệ miễn dịch vẫn phản ứng quyết liệt, vượt xa mức độ bình thường cả về cường độ, phạm vi lẫn thời gian phản ứng.
Đặc biệt, trong một số trường hợp, hệ thống miễn dịch còn sản sinh phản ứng chống lại các kháng nguyên không gây hại, ví dụ như các loại thức ăn, phấn hoa, lông động vật như chó mèo. Tình trạng này dẫn đến sự phát triển của các bệnh lý nghiêm trọng như sốc phản vệ, hen suyễn, các bệnh liên quan đến phản ứng dị ứng như viêm mũi dị ứng và một số bệnh lý khác sau nhiễm trùng về đường hô hấp như viêm phổi do Mycoplasma hoặc Covid...
3. Điều trị
Các rối loạn miễn dịch liên quan đến khiếm khuyết di truyền có thể được phòng ngừa bằng biện pháp sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Hiện nay một số bệnh lý đã có thể điều trị triệt để với liệu pháp gen. . Nhiều phương pháp can thiệp khác cũng được áp dụng hiệu quả trong y học hiện đại giúp giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
3.1. Ức chế miễn dịch
Đối với những trường hợp hệ miễn dịch hoạt động quá mức, cần sử dụng liệu pháp ức chế miễn dịch . Các bác sĩ thường sử dụng corticoid để giảm hoạt động của hệ miễn dịch, đưa cơ thể về trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, corticoid có thể gây ra các tác dụng phụ nặng nề như loãng xương, tăng huyết áp, tăng cân và suy giảm chức năng miễn dịch nếu sử dụng lâu dài hoặc với liều lượng cao. Vì vậy, việc tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ là vô cùng quan trọng.
3.2. Bổ sung các thành phần cơ thể thiếu hụt
Thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất và các hormone cần thiết có thể là nguyên nhân của rối loạn miễn dịch. Bổ sung các chất thiếu hụt như insulin, vitamin B12, hoặc hormone thyroxine có thể giúp cải thiện các chức năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Thiếu hụt các thành phần kháng thể có thể điều trị bằng cách bổ sung globulin miễn dịch.
3.3. Sử dụng thuốc kháng sinh
Khi chức năng miễn dịch bị suy giảm, nguy cơ nhiễm trùng tăng cao do vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể. Trong những trường hợp này, việc sử dụng thuốc kháng sinh, có thể qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, là cần thiết để kiểm soát và điều trị nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định đơn độc hoặc kết hợp với các biện pháp khác như bổ sung kháng thể, phục hồi chức năng, ghép tế bào gốc hoặc liệu pháp enzyme để đạt hiệu quả điều trị tối ưu.
Rối loạn miễn dịch có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Vì vậy, mỗi người nên tìm hiểu rõ, thăm khám thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Vinmec Times city là cơ sở có đầy đủ phương tiện xét nghiệm chẩn đoán, cũng như các thuốc điều trị tối ưu cho nhóm bệnh lý này theo phác đồ chuẩn quốc tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.