Quy trình đo chẩn đoán loãng xương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thông qua xét nghiệm đo mật độ xương, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác hơn tình trạng loãng xương và nguy cơ gãy xương ở người bệnh để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất. Xét nghiệm đo chẩn đoán loãng xương có thể thực hiện mỗi năm 1 lần.

1. Xét nghiệm đo mật độ xương là gì?

Loãng xương là tình trạng cơ thể bị giảm khối lượng và sức mạnh của xương, gia tăng khả năng bị gãy xương. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng gãy xương ở người già, đặc biệt là phụ nữ sau tuổi mãn kinh.

Người bị loãng xương thường không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi bị gãy xương cổ tay, xương háng, đau lưng hay thoái hóa đốt sống... Phương pháp xét nghiệm đo chẩn đoán loãng xương hay còn gọi là đo mật độ xương có thể giúp các bác sĩ xác định mật độ xương ở người bệnh để phòng tránh và điều trị loãng xương mang lại hiệu quả cao hơn.

Để đo mật độ xương, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp đo độ hấp thụ tia X hai nguồn năng lượng DXA để đo mật độ xương ở vùng hông và cột sống. hoặc để đo khối lượng xương thì có thể thực hiện kiểm tra mật độ xương ngoại biên ở phần dưới của cánh tay, ngón tay, cổ tay và gót chân.

Thông thường, xét nghiệm đo chẩn đoán loãng xương sẽ được thực hiện trên những vùng xương có khả năng dễ gãy như xương phía cuối cột sống, xương cẳng tay, xương đùi... Tuy nhiên, mật độ xương sẽ có sự thay đổi tùy thuộc vào từng vị trí khác nhau trên cơ thể.

Xét nghiệm đo mật độ xương là phương pháp sử dụng tia X để đo lường hàm lượng canxi và các khoáng chất khác có trong một đoạn xương ở cơ thể người. Vị trí xương được xét nghiệm nhiều nhất chính là xương hông, xương cột sống, xương cẳng tay...


Xét nghiệm đo mật độ xương
Xét nghiệm đo mật độ xương

2. Tại sao cần xét nghiệm đo chẩn đoán loãng xương?

Thực hiện đo mật độ xương có ý nghĩa rất quan trọng trong chẩn đoán, nhờ vào kết quả xét nghiệm mà các bác sĩ có thể:

  • Kiểm tra xem người bệnh có bị loãng xương không, tình trạng xương đang ở mức độ nào;
  • Dự đoán và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai cho người bệnh;
  • Kiểm tra kết quả của phương pháp điều trị loãng xương ở người bệnh;
  • Chẩn đoán chính xác tình trạng loãng xương ở người bệnh để có phương án điều trị phù hợp.

Mặc dù xương là bộ phận có khả năng tái tạo lại nhưng theo thời gian, khả năng này sẽ giảm dần, đặc biệt là ở phụ nữ thường có mật độ xương thấp hơn so với nam giới. Chính vì thế tất cả phụ nữ từ 65 tuổi trở lên đều nên thực hiện xét nghiệm đo mật độ xương. Đồng thời, những người có nguy cơ gãy xương cao cũng nên thực hiện xét nghiệm này.

Ngoài ra, một số trường hợp nên thực hiện xét nghiệm đo mật độ xương bao gồm:

  • Người có kết quả chụp X quang cho thấy có chỗ bị thiếu xương hoặc gãy xương ở cột sống;
  • Hay bị đau lưng và nguy cơ gãy đốt sống;
  • Mỗi năm đều bị thấp đi từ 1cm trở lên, chiều cao giảm.

Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Phạm Trung Hiếu
Phạm Trung Hiếu
Bác sĩ chuyên khoa II,
Ngoại chấn thương chỉnh hình
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

3. Quy trình đo mật độ xương

Xét nghiệm đo mật độ xương thực hiện khá đơn giản và nhanh chóng, không xâm lấn nên không hề gây ra đau đớn cho người bệnh. Để tiến hành xét nghiệm này thì người bệnh cũng không cần phải chuẩn bị gì cả.

Quá trình đo mật độ xương thường sẽ mất khoảng 20 đến 30 phút, tại các vị trí xương có nhiều khả năng bị loãng xương bao gồm: xương đốt sống dưới (xương cột sống thắt lưng), cổ xương đùi, bên cạnh xương khớp hông, xương cẳng tay...

Trường hợp người bệnh thực hiện đo mật độ xương tại bệnh viện thì sẽ được thực hiện bằng một thiết bị trung tâm. Người bệnh sẽ nằm trên một mặt phẳng và máy cơ sẽ di chuyển qua cơ thể, với lượng phóng xạ rất thấp thì người bệnh hoàn toàn yên tâm vì sẽ không có tác dụng phụ gì sau khi tiến hành xét nghiệm.

Ngoài ra, một thiết bị di động nhỏ có thể giúp đo mật độ xương ở các đầu xa của xương như cổ tay, ngón tay, gót chân. Dụng cụ được sử dụng để đo chẩn đoán loãng xương được gọi là thiết bị ngoại vi (thường có ở các hiệu thuốc tây). Thực hiện đo mật độ xương ngoại vi thường sẽ ít tốn kém hơn so với thực hiện trên các thiết bị tại bệnh viện.


Thực hiện đo mật độ xương tại bệnh viện
Thực hiện đo mật độ xương tại bệnh viện

Sau khi thực hiện đo chẩn đoán loãng xương thì bác sĩ sẽ đọc kết quả (điểm số T) và so sánh giá trị của người bệnh với mật độ xương của người khỏe mạnh ở độ tuổi 30. Ý nghĩa kết quả sẽ dựa căn cứ vào điểm số:

  • Trường hợp bình thường: Từ 1 đến –1;
  • Trường hợp có khối lượng xương thấp: –1 đến –2,5;
  • Trường hợp bị loãng xương: –2,5 hoặc thấp hơn;
  • Bị chứng loãng xương nặng: –2,5 hoặc thấp hơn với các xương bị gãy.

Ngoài điểm số T thì khi xét nghiệm đo mật độ xương, người bệnh cũng nhận được chỉ số Z (Z-score), chỉ số này sẽ cho biết mật độ xương khi so sánh với chỉ số tiêu chuẩn của những người cùng tuổi. Hai chỉ số T và Z có thể hoán đổi cho nhau và được các bác sĩ khoa nhi sử dụng các phân vị để tính chiều cao của trẻ. Mặc dù vậy, không chỉ số nào có thể dự đoán được nguy cơ gãy xương ở người bệnh.

Căn cứ vào kết quả của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm hoặc không. Loãng xương là căn bệnh diễn tiến rất thầm lặng, chính vì thế mà khi bệnh có các dấu hiệu cụ thể cũng là lúc cơ thể người bệnh đã mất một lượng xương đáng kể. Do đó, việc xét nghiệm đo mật độ xương định kỳ để kiểm tra sức khỏe xương khớp là rất quan trọng.

Ngoài ra, ngay khi cảm thấy bản thân gặp các vấn đề về xương khớp thì hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, đánh giá và nhận những lời khuyên hữu ích. Để có được kết quả mật độ xương chính xác thì người bệnh nên lựa chọn thực hiện tại những địa chỉ có uy tín, chất lượng và bác sĩ chuyên khoa giỏi.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang ứng dụng phương pháp đánh giá mật độ xương trong chẩn đoán loãng xương hoặc nguy cơ gãy xương. Đội ngũ y bác sĩ thực hiện tại Vinmec có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; thiết bị y tế được trang bị đầy đủ, hiện đại, trong đó có máy đo độ loãng xương DEXA giúp phát hiện và đánh giá chính xác tình trạng bệnh, sử dụng liều tia X ít hơn so với chụp X quang, do đó an toàn hơn cho bệnh nhân.

Với hơn 22 năm tuổi nghề, Bác sĩ Mai Anh Kha từng đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa và Phó khoa Ngoại - Bỏng tạo hình bệnh viện Trung ương Huế và công tác tại các đơn vị y tế lớn khác như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Giao thông 5. Hiện tại, đang là Bác sĩ Ngoại chấn Thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe