Các phương pháp đo mật độ xương để phát hiện nguy cơ loãng xương

Đo độ loãng xương được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc phát hiện sớm bệnh loãng xương. Loãng xương là một trong những nguyên nhân dẫn đến xương dễ gãy. Vì thế, việc đo mật độ xương cần được thực hiện sớm để ngăn ngừa các rủi ro ảnh hưởng đến xương. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các phương pháp đo độ loãng xương và đọc kết quả đúng cách.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Lê Dương Tiến - CK Nội cơ xương khớp, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Đo độ loãng xương là gì?

Đo độ loãng xương là phương pháp chuẩn để kiểm tra có mắc bệnh loãng xương hay không. Loãng xương là bệnh lý đặc trưng bởi sự suy giảm khối lượng xương và tổn thương vi cấu trúc xương, khiến xương trở nên yếu, dễ gãy, từ đó tăng nguy cơ gãy xương.

Việc xác định mức độ suy giảm mật độ xương và đánh giá nguy cơ gãy xương là hết sức quan trọng.

2. Những trường hợp nào cần đo mật độ xương?

Theo khuyến cáo từ Quỹ Loãng xương Quốc gia của Mỹ (National Osteoporosis Foundation), các đối tượng sau đây nên thực hiện đo mật độ xương:

  • Tất cả phụ nữ mãn kinh dưới 65 tuổi có ít nhất một yếu tố nguy cơ: Người có tiền sử gãy xương sau 30 tuổi, có người thân (cha mẹ ruột, anh chị em ruột) từng bị gãy xương, hút thuốc lá, cân nặng thấp (<56 kg)...
  • Tất cả phụ nữ từ 65 tuổi trở lên nên được đo mật độ xương, bất kể họ có yếu tố nguy cơ nào hay không.
  • Phụ nữ sau mãn kinh có tiền sử gãy xương.
  • Phụ nữ đã trải qua liệu pháp thay thế hormone trong thời gian dài (hơn 10 năm).
  • Đàn ông 70 tuổi trở lên.
  • Đàn ông từ 50-69 tuổi, có các yếu tố nguy cơ: Giảm năng tuyến sinh dục nam (Hypogonadism), tăng glucocorticoid, nghiện thuốc lá và rượu, suy thận…
  • Chiều cao bị suy giảm.
  • Gãy xương do chấn thương hoặc những lý do khó ngờ như ho hoặc hắt hơi quá mạnh.
  • Loãng xương do tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép trong phẫu thuật cấy ghép nội tạng hoặc tủy xương.

Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Phạm Trung Hiếu
Phạm Trung Hiếu
Bác sĩ chuyên khoa II,
Ngoại chấn thương chỉnh hình
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Cân nặng thấp cần tiến hành đo độ loãng xương.
Cân nặng thấp cần tiến hành đo độ loãng xương.

3. Các phương pháp đo độ loãng xương dựa vào mật độ xương (BMD – bonne mineral density)

3.1. Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA

DEXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry) là phương pháp đo mật độ xương phổ biến nhất thế giới. Phương pháp này sử dụng liều lượng tia X thấp hơn so với chụp X-quang phổi. Độ chính xác của DEXA cao, dao động từ 85% đến 99%.

Nguyên tắc:  

Đo mật độ xương thường tập trung ở hai khu vực chính là háng và cột sống, bởi loãng xương ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Việc đo mật độ xương tại một vị trí có thể giúp dự báo nguy cơ gãy xương ở các vị trí khác. Tuy nhiên, cần có sự quan sát trực tiếp để đánh giá chính xác hơn.  

Ví dụ, đo mật độ xương tại háng có thể dự báo tốt hơn nguy cơ gãy xương háng so với các vị trí khác. Quét DXA thường được thực hiện ở háng, bao gồm cả khu vực tam giác Ward trên xương đùi và đốt sống. Quá trình quét này thường kéo dài từ 10 đến 20 phút.

3.2. Đo độ loãng xương bằng phương pháp DXA

Đây là kỹ thuật sử dụng tia X năng lượng kép giúp định lượng mất xương và theo dõi người đang điều trị. Phương pháp này thường được áp dụng ở cột sống, cổ xương đùi và có thể là xương toàn bộ cơ thể.

Đôi khi phương pháp DXA được thực hiện kiểm tra xương toàn bộ cơ thể.
Đôi khi phương pháp DXA được thực hiện kiểm tra xương toàn bộ cơ thể.

3.3. Phương pháp đo mật độ xương bằng siêu âm

Siêu âm là một phương pháp đo mật độ xương tương đối mới mẻ, có ưu điểm là không sử dụng nguồn phóng xạ.

Nguyên tắc:  

Chùm tia siêu âm được hướng trực tiếp vào khu vực cần đo. Sự hấp thụ sóng âm tại đó giúp đánh giá mật độ xương nhưng kết quả không chính xác bằng các phương pháp đo mật độ xương khác. Xương gót là vị trí xương ngoại vi duy nhất được sử dụng để đánh giá nguy cơ gãy xương vì đây là loại xương có tỷ lệ chuyển hóa cao. Xương gót, chủ yếu bao gồm 75 – 90% là xương xốp, là xương dễ nghiên cứu và phản ứng tốt với các thay đổi liên quan đến tuổi tác, bệnh tật và điều trị.

Trong quá trình siêu âm, bộ phận phát và nhận sóng siêu âm của máy đi qua xương gót. Từ các tín hiệu thu được, máy sẽ phân tích ra ba thông số siêu âm chính: tốc độ lan truyền âm (Speed Of Sound – SOS), mức độ giảm điều âm dải rộng (Broadband Ultrasound Attenuation – BUA) và chỉ số định lượng siêu âm Stiffness, là sự kết hợp của SOS và BUA. Hệ thống phần mềm của máy sẽ tự động tính toán mật độ xương dựa trên các giá trị này.

Khi đo mật độ xương ở vị trí ngoại vi như gót chân, kỹ thuật này không thể hiện độ nhạy bằng phương pháp DEXA vì kết quả đo tại gót chân có thể vẫn ở mức bình thường trong khi mật độ xương ở các vị trí trung tâm như háng và cột sống đã có sự suy giảm đáng kể.  

Hơn nữa, sự thay đổi mật độ xương ở gót chân diễn ra chậm hơn so với háng và cột sống. Do đó, việc đo mật độ xương bằng siêu âm thường không được sử dụng để chẩn đoán hay theo dõi đáp ứng điều trị của bệnh nhân loãng xương mà chỉ dùng cho mục đích sàng lọc.

Ngoài ra, có một số phương pháp khác để đo mật độ xương bao gồm sinh hóa lâm sàng, sinh thiết xương mào chậu, sử dụng đồng vị phóng xạ và cộng hưởng từ (MRI). Trong số đó, phương pháp DEXA là phương pháp đo độ loãng xương và chẩn đoán loãng xương phổ biến nhất hiện nay.

4. Quy trình đo độ loãng xương

4.1. Chuẩn bị

  • Người bệnh nên mặc quần áo thoải mái, rộng rãi và không đeo bất cứ trang sức nào.
  • Ngừng bổ sung canxi trong vòng 24 đến 48 giờ trước khi thực hiện đo độ loãng xương.

4.2. Tiến hành đo

  • Người bệnh sẽ nằm yên trên giường bệnh với tư thế thoải mái.
  • Máy đo độ loãng xương sẽ di chuyển tới lui trong khoảng 20 đến 30 phút.
  • Sau đó bác sĩ sẽ đọc và trả kết quả đo độ loãng xương cho bệnh nhân.

4.3. Đọc kết quả đo độ loãng xương

Để chẩn đoán loãng xương, người ta sử dụng T-score, một chỉ số so sánh mật độ xương của cá thể với mật độ xương trung bình (BMD) của một nhóm người trẻ tuổi được xem là chuẩn.

Chẩn đoán Tiêu chuẩn
Bình thường - Normal Chỉ số T- score cao hơn - 1(T>1)
Thiếu xương - Ossteopenia Chỉ số T - score thấp hơn - 1 nhưng cao hơn - 2,5( -2,5 < T < -1,1)
Loãng xương - Osteoporosis Chỉ số T - score thấp hơn hay bằng - 2,5 (T <= -2,5)
Loãng xương nghiêm trọng - Severe osteoporosis Loãng xương + tiền sử gãy xương gần đây

Ngoài ra, độ loãng xương còn được xác định qua điểm Z, là sự chênh lệch mật độ xương bệnh nhân với những người cùng độ tuổi, dân tộc, chiều cao, cân nặng và giới tính.

Theo Hiệp hội Đo mật độ lâm sàng quốc tế (ISC):

  • Điểm Z lớn hơn -2,0: mật độ xương trong khoảng bình thường.
  • Điểm Z bằng +0,5 hoặc -0,5 và  -1,5: thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh.
  • Điểm Z nhỏ hơn hoặc bằng -2,0: mật độ xương thấp hơn so với tiêu chuẩn.

Đo độ loãng xương là cách giúp phát hiện tình trạng loãng xương ở bệnh nhân. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng dẫn các biện pháp can thiệp sớm, đảm bảo sức khỏe xương được duy trì tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe