Bài viết được thực hiện bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp cộng hưởng từ vùng chậu có tiêm thuốc đối quang từ là phương pháp được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh lý vùng chậu vì có ưu điểm là có độ chính xác cao, an toàn và ít xảy ra tai biến.
1. Vì sao cần chụp cộng hưởng từ vùng chậu có tiêm thuốc đối quang từ?
Chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, là kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng sóng từ trường và sóng radio. Khi chụp cộng hưởng từ, các nguyên tử hydrogen trong cơ thể sẽ bị hấp thụ, phóng thích năng lượng RF. Máy sẽ thu nhận quá trình phóng thích, xử lý rồi chuyển đổi các tín hiệu nhận được thành hình ảnh.
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ có chất lượng, độ tương phản cao, sắc nét, chi tiết và rõ ràng, có khả năng tái tạo 3D và giải phẫu tốt, giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán chính xác các bệnh lý của bệnh nhân.
Chụp cộng hưởng từ được áp dụng trong chẩn đoán nhiều bệnh lý trên cơ thể nói chung, bệnh lý vùng chậu nói riêng. Thông thường, chụp cộng hưởng từ không cần tiêm thuốc đối quang từ (gadolinium) cũng đủ để xác định chẩn đoán nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần độ phân biệt tổ chức cao hơn, cần đánh giá sự cung cấp máu của tổn thương thì bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân chụp cộng hưởng từ vùng chậu có tiêm thuốc đối quang từ.
2. Chi tiết quy trình chụp cộng hưởng từ vùng chậu có tiêm thuốc đối quang từ
2.1 Chỉ định
- Phát hiện, phân giai đoạn các khối u phụ khoa có tính chất ác tính, có nguồn gốc từ âm hộ, cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng;
- Kiểm tra xác định khối u hoặc viêm phần phụ có biến chứng như mủ vòi trứng, u nang buồng trứng xoắn, ứ dịch,... hoặc khi bệnh nhân bị đau do nghi ngờ u cơ trơn tử cung, lạc nội mạc tử cung;
- Xác định số lượng, vị trí của u cơ trơn tử cung trước phẫu thuật bóc u, phẫu thuật nút mạch tử cung hoặc cắt bỏ tử cung;
- Xác định một hoặc một vài bất thường bẩm sinh ở các cơ quan vùng chậu của nam và nữ;
- Đánh giá các khuyết tật sàn chậu liên quan tới tình trạng tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ;
- Phát hiện, phân giai đoạn các khối u ác tính ở trực tràng, bàng quang, tuyến tiền liệt, dương vật và bìu;
- Đánh giá các biến chứng sau phẫu thuật vùng chậu, gồm u nang nước tiểu, nang bạch huyết, áp xe, viêm ruột do xạ trị và hình thành lỗ rò (đặc biệt là lỗ rò hậu môn);
- Đánh giá tình trạng tái phát của khối u ở trực tràng, bàng quang, tuyến tiền liệt hoặc ở các cơ quan phụ khoa sau khi phẫu thuật cắt bỏ hoặc bóc tách khối u;
- Xác định và phân giai đoạn các loại sarcoma có nguồn gốc mô;
- Xác định giải phẫu động - tĩnh mạch vùng chậu;
- Xác định nguyên nhân gây đau bụng ở phụ nữ mang thai (gồm cả tình trạng viêm ruột thừa hoặc xuất hiện các khối bất thường ở tử cung và buồng trứng);
- Đánh giá những vấn đề bất thường của thai nhi ở phụ nữ mang thai.
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối:
- Các trường hợp bệnh nhân mang các thiết bị điện tử như máy chống rung, cấy ghép ống tai, máy điều hòa nhịp tim, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da,...;
- Bệnh nhân nặng cần phải đặt gần người các thiết bị hồi sức;
- Bệnh nhân có các kẹp phẫu thuật bằng kim loại tại mạch máu, nội sọ hoặc hốc mắt dưới 6 tháng.
Chống chỉ định tương đối:
- Bệnh nhân có các kẹp phẫu thuật bằng kim loại trên 6 tháng;
- Người bệnh sợ khoảng kín hoặc sợ bóng tối.
2.3 Chuẩn bị trước khi chụp cộng hưởng từ
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên điện quang và điều dưỡng;
- Chuẩn bị bệnh nhân: Người bệnh được giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp tốt với bác sĩ; không cần nhịn ăn (phải nhịn tiểu); được kiểm tra các chống chỉ định; được hướng dẫn thay quần áo của phòng chụp cộng hưởng từ, tháo bỏ các vật dụng chống chỉ định; có giấy yêu cầu chụp cộng hưởng từ của bác sĩ hoặc có hồ sơ bệnh án đầy đủ nếu cần;
- Phương tiện: Máy chụp cộng hưởng từ 1,5 Tesla trở lên; phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh;
- Vật tư y tế: Kim luồn chọc tĩnh mạch 18G, bơm tiêm 10ml, găng tay, bông, gạc, băng dính vô trùng, nước cất hoặc nước muối sinh lý, hộp thuốc, dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang;
- Thuốc: Thuốc đối quang từ, thuốc an thần và thuốc sát trùng da, niêm mạc.
2.4 Quy trình thực hiện
- Tư thế bệnh nhân: Được đặt nằm ngửa trên bàn chụp, kê đệm chân,sử dụng cuộn thu tín hiệu phù hợp có sẵn trên máy chụp cộng hưởng từ, để tay bệnh nhân trên ngực hoặc trên đầu, lựa chọn - định vị cuộn thu tín hiệu, đưa cho người bệnh nút bấm gọi khẩn cấp, di chuyển bàn chụp vào vùng từ trường của máy chụp cộng hưởng từ và định vị vùng chụp;
- Bác sĩ đặt đường truyền tĩnh mạch bằng kim 18G, nối với máy tiêm điện 2 nòng (1 nòng chứa nước muối sinh lý và 1 nòng chứa thuốc đối quang từ). Lượng thuốc đối quang từ sử dụng là 0.1mmol/kg cân nặng cơ thể;
- Chụp định vị;
- Chụp trước tiêm đối quang từ: Chụp các chuỗi xung 1 - 2 - 3 - 4 theo đúng kỹ thuật;
- Chụp sau tiêm đối quang từ;
- Thực hiện tiêm thuốc đối quang từ với liều 0.1mmol/kg cân nặng với tốc độ 3ml/giây.
- Kỹ thuật viên tiến hành in phim, chuyển hình ảnh tới trạm làm việc của bác sĩ;
- Bác sĩ thực hiện phân tích hình ảnh, đánh giá kết quả.
Lưu ý: Có thể sử dụng thuốc giảm co bóp đường tĩnh mạch để giảm nhu động ruột cho bệnh nhân; có thể buộc dây bảo hiểm ngang bụng người bệnh để hạn chế chuyển động do hô hấp và nhắc nhở người bệnh thở bằng lồng ngực.
2.5 Một số tai biến thường gặp
- Bệnh nhân bị sợ hãi, kích động: Bác sĩ nên động viên, an ủi người bệnh;
- Người bệnh quá lo lắng, sợ hãi: Có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần dưới sự theo dõi của bác sĩ gây mê;
- Tai biến liên quan tới thuốc đối quang: Gồm các tình trạng như nổi mày đay, buồn nôn, sốc phản vệ, tụt huyết áp, phù nề thanh quản, co thắt phế quản,... Khi gặp các tai biến này, bác sĩ cần xử trí đúng phác đồ chuẩn (xin xem thêm phần phác đồ xử trí sốc phản vệ)